Mẹ 8x nhận loạt lời khen với quan điểm "Ăn phải vui - không vui thì khỏi ăn" cùng cách đối phó với 6 kiểu ăn "truyền thuyết" cực nguy hiểm của bé

San San,
Chia sẻ

Những quan điểm của chị Nhung nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các mẹ bỉm sữa.

Bước vào thời kỳ ăn dặm của con, hẳn bà mẹ nào cũng có đôi lần cảm thấy stress vì con quá biếng ăn. Tình hình này kéo dài khiến cả mẹ lẫn con đều mệt mỏi, ép ăn không được mà quát mắng cũng chẳng xong. Nếu cũng đang trong tình trạng như vậy thì các mẹ hãy thử lắng nghe một số quan điểm của chị Nguyễn Nhung (sống tại Hà Nội), mẹ của 2 em bé Vương Nhật Nam (Gấu, sinh năm 2016) và Vương Tuệ An (Voi, sinh năm 2019) dưới đây nhé.

Chị Nhung - mẹ 2 em bé Gấu và Voi.

ĂN PHẢI VUI - KHÔNG VUI THÌ KHỎI ĂN

Mẹ nào nuôi con mà suốt ngày con biếng ăn, còi, sợ ăn, đến bữa ăn là như đánh vật! Điểm danh luôn! Lại còn mỗi bữa ăn nghe ông bà, hàng xóm đi ra đi vào nhìn xem cháu ăn được bao nhiêu, có được bát tô cháo không? Mỗi tháng tăng mấy lạng, không tăng thì bảo "vụng không biết nuôi con", nôn trớ thì bảo "không mát tay", còi cọc thì bảo "số con này nuôi con vất vả".

Con nhà hàng xóm bằng tuổi con mình a, b, c kg rồi, cháo ăn 2 tô... mình thấy phụ nữ trầm cảm cũng đúng. Biếng ăn, táo bón... đều lo, con mình lo rồi lại nhiều người "lo hộ". Mệt mỏi mà kêu không ai thấu. Thế là cuộc chiến cân nặng luôn giày vò cả gia đình, muốn béo thì làm sao "ăn nhiều" con không ăn gì thì ép uống hộp sữa "cho có sức". Khóc cũng phải ăn, không ăn thì gầy đi, mất công chăm bao lâu! Nói thật đẻ đứa con mà Mẹ khổ, con khổ, cả nhà cùng khổ vì vấn nạn sợ ăn, biếng ăn, chưa kể hàng xóm tốt bụng còn lo giùm.

Ăn dặm với muôn vàn "truyền thuyết", việc của các mẹ là áp dụng truyền thuyết hay cập nhật khoa học. Cứ đoảng như mình, con mình lúc nào cũng như bỏ đói, đi xin ăn, ăn như kiểu bị bỏ đói mấy ngày! Mà chỉ sợ nhất "không được ăn"! Bí quyết là gì? Đơn giản vô cùng. Mình chia sẻ cho các mẹ vững tâm!

Cậu bé Gấu hiện tại rất thích ăn uống nhờ những phương pháp của mẹ.

ĂN DẶM "TRUYỀN THUYẾT"

- "Thời xưa tao nuôi chồng mày, 3 tháng đã ăn bột, bây giờ nó vẫn lớn có sao đâu?": Chắc nhiều mẹ được nghe câu này và 3 tháng đã bị giục cho con ăn bột vì sữa không đủ chất. Khuyến cáo các mẹ 6 tháng đầu trẻ nên bú sữa mẹ hoàn toàn, chỉ từ 6 tháng trở đi mới bắt đầu cho con học ăn dặm, tiếp xúc với đồ ăn, mỗi lần 5ml-10ml rồi tăng dần lên. Và đồ ăn nên cho trẻ ăn riêng từng loại, đừng xay nhuyễn hay trộn lên thì nói thật: hôm nay ăn gì con cũng không biết nhé! Khi bắt đầu nên cho trẻ làm quen với rau củ nhuyễn, mẹ Gấu dùng rây để rây thức ăn luộc chín. Trong 20 ngày đầu như vậy. Sau đó chuyển sang ăn BLW! Hệ tiêu hóa và vị giác của trẻ chỉ sẵn sàng khi trẻ ở tháng thứ 6. Vậy nên đừng nghe truyền thuyết mà vội vỗ béo con bởi bột quấy, cháo xay thêm tí gia vị cho thơm.

- "Nó không ăn là phải rồi, không có tí nước mắm sao nó ăn được, nhạt mày có ăn được không mà cho con ăn": đấy vì thế mà các mẹ cứ thi nhau thêm tí gia vị cho ngon miệng. Ấy thế mà trước 1 tuổi không nên nêm gia vị nhé các mẹ, vị giác của trẻ nhạy cảm gấp nhiều lần người lớn. Nêm gia vị sớm ảnh hưởng rất nhiều đến vị giác của con. Sau 1 tuổi từng bước giới thiệu gia vị nhưng lượng rất ít thôi, chứ không phải vừa miệng người lớn là con ăn ngon đâu.

- "Ăn cơm sớm đau dạ dày, ăn cháo cho khỏe": Con mình 7 tháng ăn cơm nắm, tự bốc rau củ luộc ăn, gà, thịt, cá tự cầm cắn ăn, ấy vậy mà nó ăn ngon miệng. Ăn dặm sớm mới ảnh hưởng dạ dày chứ ăn thô sớm không ảnh hưởng dạ dày nhé các mẹ! Với các mẹ cho con ăn theo kiểu truyền thống thì phải tăng thô lên phù hợp, khi cơ quan vận động tinh ở miệng đến thời kỳ nhạy cảm thì cần tăng thô. Chứ cháo xay nhuyễn chỉ cần nuốt thì enzym tiêu hóa không được kích thích, nuốt xong rồi chẳng phân biệt được nên dùng enzym gì để tiêu hóa thức ăn gì, dạ dày làm việc mệt hơn. Ảnh hưởng đến vận động tinh cơ miệng. Việc ăn dặm tăng thô đúng cách cũng là cách giúp trẻ hoàn thiện khoang miệng và biết nói sớm.

- "Cho xem iPad để nó há mồm ăn": Nhiều mẹ dùng cách này đúng không? Thế nhưng khi trẻ chỉ tập trung xem tivi, não bé không tập trung vào việc ăn thì trẻ chỉ nuốt vô thức mà chẳng thấy ngon, chẳng cần biết mình đang ăn gì, dạ dày trẻ cũng mệt mỏi vì phải hoạt động thế này. Trẻ không tập trung ăn, không biết vị ngon của món ăn thì khả năng vị giác hay dạ dày cũng không nhận biết được enzym nào tiêu hóa thức ăn nào khiến hệ thống tiêu hóa bị ảnh hưởng. Và quan trọng là bé hiểu việc ăn của mình cần có điều kiện. Nếu không ăn không được xem iPad.

- Tình khúc "cháo": Các mẹ ăn 1 tháng cháo có khiếp không? Con cũng vậy, nên cả thời gian ăn dặm Gấu nhà mình không ăn cháo, chỉ cần là cháo sẽ phì ra ngay. Vậy cân vẫn tăng đều, vẫn khỏe mạnh! Vậy cháo có phải là phương án để các mẹ phụ thuộc lâu dài không? Xin thưa không các mẹ nhé! Đổi bữa cho con? Không cháo thì mì, cơm, hoặc rau củ, trái cây có tinh bột là được. Không nhất thiết 1 năm cho con ăn cháo mới tốt cho con đâu. Đấy là lí do mà ăn dặm truyền thống có tỉ lệ biếng ăn cao hơn các phương pháp khác!

- "BLW: nó có ăn gì đâu, mút vài cái là nhè, cho ăn kiểu thế thì đói à?": Câu này mẹ Gấu được nghe lúc cho Gấu ăn dặm, ấy vậy mà nhờ lười nên Gấu 10 tháng biết cầm thìa xúc, 7 tháng ăn cơm, tự lập, ăn thô tốt, và giờ thì ăn như bỏ đói! Đấy là tác dụng của việc tôn trọng con, dừng khi con cảm thấy đủ!

Cô bé Voi cũng rất thích ăn uống nhờ phương pháp từ mẹ.

NGUYÊN TẮC ĂN UỐNG

- Giới thiệu món ăn cho con: Trẻ biết mình đang ăn món gì.

- Dừng khi con cảm thấy no, tôn trọng không nài nỉ ăn thêm hay ép: Thành quả của việc này là Gấu sẽ nói con muốn ăn hay không muốn ăn, đói hay no rồi, và khi đã bảo con không ăn nữa thì nhất định sẽ không ăn nữa. Đến ăn cũng phải có chính kiến các mẹ ạ! Vậy mới hình thành nên những em bé tự tin, tự lập, có chủ kiến bản thân!

- Không iPad, tivi, không đi rong ăn cơm.

- Không dọa nạt, quát mắng khi ăn: Bạn cứ thử ngồi ăn và có người quát mắng thì bạn muốn ăn nữa không? Hay món này không hợp khẩu vị, không ăn cứ ép thì có nuốt được không! Ăn uống là hưởng thụ, đừng biến mỗi bữa ăn của con thành địa ngục!

- Hỏi trẻ món ăn trẻ thích: mẹ Gấu sẽ hỏi con ăn món gì, và sẽ nói cho Gấu biết hôm nay có món gì. Khi Gấu nói hôm nay không ăn! Được luôn, hôm nay con có thể không ăn cơm không sao.

- Ăn ngồi 1 chỗ: Khi ăn mà đi ra khỏi chỗ để chơi thì chắc chắn sẽ bị dừng bữa ăn. Các mẹ cho con đói đi là sẽ hiểu nguyên tắc thôi.

Với chị Nhung, cần để con hiểu việc ăn uống là hưởng thụ chứ không phải bắt ép.

ĂN LÀ HƯỞNG THỤ

Bố mẹ cần tôn trọng quyền tự do ăn uống của con. Đừng nghĩ không ăn 1 bữa là ốm, đôi lúc phải để trẻ đói để biết đồ ăn quý giá! Những nếu cứ "ép, ép và ép" bạn đừng mong con ăn ngon, hậu quả phải gánh chịu là "biếng ăn, còi, chậm tăng cân" và 1 điều quan trọng nhất là "ảnh hưởng tâm lý trẻ, tổn thương tâm lý, stress", đấy mới là những em bé đáng thương.

Và sự tổn thương này nằm trong tiềm thức của con, theo con đến hết cuộc đời. Nếu chỉ vì cân nặng mà ép con ăn thì bạn đang nuôi dưỡng 1 đứa trẻ nhu nhược, thiếu tự tin, thiếu quyết đoán và đau khổ! Nuôi dưỡng em bé hạnh phúc hay đau khổ đều phụ thuộc vào hành động của các bạn!

Chia sẻ