MC Minh Trang: Chấp nhận bị dè bỉu chứ không để người lạ hôn con
Là một mẹ Việt tâm huyết với việc nuôi dạy con hạnh phúc, MC Minh Trang chia sẻ, một trong những điều quan trọng để thực hiện điều này là bố mẹ phải biết bảo vệ con đúng cách và nói chuyện với con về việc tự bảo vệ mình.
Tiếp theo một loạt các bài viết chia sẻ cách nuôi dạy con hạnh phúc khiến hàng nghìn cha mẹ tâm đắc, trong một bài viết gần đây, MC Minh Trang - mẹ Daisy chia sẻ: "Mình chưa bao giờ thấy vui vẻ tự hào/ hãnh diện gì khi ở những nơi công cộng, trong thang máy, đi bộ ngoài phố... có những người lạ bước tới khen Daisy xinh/ dễ thương rồi thản nhiên đưa tay vuốt má con/ hôn má con/ kéo con lại để ôm. Ngược lại, mình đều nghiêm mặt, nhìn thẳng vào mắt họ và nhẹ nhàng nói "Xin lỗi cô/ chú/ anh/ chị/, xin đừng chạm vào con tôi".
Hành động thẳng thắn đó của mẹ Daisy không phải nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của tất cả mọi người, thậm chí phần lớn còn tỏ ra dè bỉu, bực tức vì thái độ "ghê gớm, chảnh". Tuy nhiên, theo mẹ Daisy thì đó là một hành động quan trọng các bố mẹ cần làm để bảo vệ con và cũng là để dạy con biết cách bảo vệ mình.
Dưới đây là những chia sẻ của mẹ Daisy về chủ đề này.
Thử tưởng tượng, bạn đang đi bộ, ngang qua một quán ăn có bày bàn ghế trên vỉa hè, tự dưng một ông mặt đỏ tía tai ngồi bàn nhậu, hơi thở vẫn nguyên mùi bia rượu thức ăn, vươn tay ra/tiến lại vuốt má bạn, rồi khen bạn xinh. Bạn sẽ nghĩ/làm gì? Tương tự với những người lạ trong thang máy, ở trung tâm thương mại, siêu thị... Bạn không thoải mái khi người khác chưa được phép mà đụng chạm vào cơ thể mình, tại sao lại tặc lưỡi chấp nhận hành động đó với con cái của mình? Chưa nói đến vấn đề vệ sinh (không thể biết nổi người lạ đó có bệnh về da/lây qua đường tiếp xúc/tay chân sạch sẽ vệ sinh) không, mà chỉ đơn giản, hãy nhớ về vô số những vụ bắt cóc thương tâm luôn khởi đầu với những kiểu lấy lòng và gần gũi trẻ con như thế (bắt chuyện, vuốt má, ôm, cho kẹo bánh...)
Ở Mỹ, trước khi sinh Daisy, mình đã được các bác sĩ nhắc đi nhắc lại về việc bảo đảm vệ sinh cho bé trước những người tới thăm, đặc biệt trong 3 tháng đầu đời. Cửa nhà nên để 1 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn, để khách hay họ hàng ông bà tới chơi thì sát khuẩn tay trước khi bế/ôm con, hạn chế tối đa tiếp xúc với vùng mặt để đảm bảo con không bị lây những bệnh về hô hấp. Đã có những cái chết thương tâm của những em bé sơ sinh chết vì nụ hôn của những người đến thăm, thậm chí là người thân vậy nên đừng ngại khi đề nghị người tới thăm phải vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với con, hoặc góp ý thẳng thắn nếu bản thân bố mẹ không thoải mái với việc người lạ tiếp xúc với con mình.
Đó là chuyện khi con còn nhỏ. Đến quãng 1,5 tuổi trở lên, như Daisy là đã ý thức được dần dần về cuộc sống quanh con, học phân biệt tốt xấu hay dở rồi. Giờ bạn ấy 3 tuổi hơn, với những kiến thức đã biết được và những cuộc nói chuyện của 2 mẹ con, giờ bạn ấy hình thành rất rõ rệt quan điểm của bản thân về những chuyện nên/không nên. Ở lứa tuổi này, việc bố mẹ lờ đi, không nói chuyện, giải thích cụ thể cho con về những điều tốt xấu/nguy cơ, sẽ vô hình chung làm con hiểu và chấp nhận những nguy cơ đó một cách vô thức.
Ví dụ: trong quán ăn, nếu mới bước vào và đang chọn chỗ mà thấy khu vực có người đang hút thuốc lá, mình sẽ chủ động tránh và chọn một chỗ khác. Nếu đã ngồi trước, và có người đến sau mang thuốc lá ra hút, mình sẽ KHÔNG lẳng lặng chuyển sang bàn khác, mà lịch sự tiến lại, nói với người đó rằng trong phòng có trẻ nhỏ, nhờ người đó tắt thuốc lá. Sau đó, trở lại bàn, mình sẽ giải thích thêm cho Daisy về thuốc lá, và tác hại của thuốc lá, và vì sao thuốc lá hại như thế nhưng người lớn vẫn sử dụng... để bạn ấy hiểu và tự rút ra kết luận cho bản thân.
Đừng để con tự chứng kiến những điều phải/trái xung quanh con mà không có sự chia sẻ, giải thích, những cuộc nói chuyện để định hướng cho con về những gì đang diễn ra. Vì nếu bố mẹ không phải là người chỉ cho con đúng sai, thì xã hội ngoài kia với vô vàn sự lệch lạc tốt xấu sẽ tự dạy con về điều đó.
Ngoài ra, mình vẫn thường nói chuyện với Daisy về "sự riêng tư" bao gồm cả "private parts" (vùng riêng tư) của bạn ấy và quyền riêng tư cá nhân của bạn ấy. Daisy giờ đã quán triệt sâu sắc về việc TUYỆT ĐỐI không cho người nào ngoài bố mẹ được thấy "private parts" của bạn ấy, việc không được cho người lạ vuốt má, béo tai, đụng chạm vào tay chân, thân thể. Khi đi cùng bố mẹ, có người lạ và kể cả người quen biết muốn được ôm hôn con, đều phải hỏi ý kiến của con, và mẹ đều khuyên Daisy, hãy từ chối việc ôm hôn, thay vào đó, con hãy chìa tay ra và bắt tay mọi người.
Nhiều ý mình nói ở trên, mình tin rằng những người đã làm cha làm mẹ đều ý thức được, nhưng phần đông những người chưa có gia đình, chưa có con cái thường quá vô tư mà không hề biết".
Một vài chia sẻ với mọi người khi tiếp xúc với trẻ nhỏ/gia đình có trẻ nhỏ:
- Nếu không quen biết, hay vẫy tay chào bé, tránh va chạm cơ thể tối đa. Nếu muốn vuốt má, bắt tay, hãy xin phép bố mẹ và em bé. Tránh việc hôn bé ở vùng mặt, tuyệt đối không hôn môi.
- Thận trọng với lời khen/chê/nhận xét: thay vì khen "ôi tai cháu nhìn thế kia sau này giàu to đây", hãy khen "con nhà chị có đôi tai đẹp quá". Thay vì khen "con bé này xinh thế kia sau này cho đi thi hoa hậu/có khối anh theo...", hãy khen "cháu bé dễ thương, đáng yêu quá". Nên chọn những lời khen chung chung, đừng tự nâng tầm hay kết luận hộ bé/bố mẹ bé. Tuyệt đối không nên "Con chị bụ quá/còi quá. Cháu bao nhiêu cân rồi?" vì còi hay bụ của bạn có thể khác với còi hay bụ của khoa học và của bố mẹ bé hoặc vô tình đặt thêm áp lực cho họ.
- Đừng ban phát lời khuyên bừa bãi: việc này ít xảy ra với người lạ, mà lại hay gặp với người quen thân, nhất là khi bé có bị ốm sốt, vấn đề về sức khỏe. Hãy đừng nhìn bé có vài nốt đỏ rồi vội vàng đưa ra kết luận nọ kia, kèm theo 1 rổ lời khuyên về bôi thuốc gì, tắm lá gì, chữa mẹo nào. Bạn không phải là chuyên gia, và kể cả cách đó có đúng với con bạn (nếu có) thì nó cũng không hẳn đúng với các em bé khác. Hãy chỉ đưa ra lời khuyên khi được hỏi, kèm với những thông tin cụ thể về hoàn cảnh, điều kiện kèm theo khi áp dụng lời khuyên đó.
Chia sẻ với một số ý kiến của các bố mẹ về việc "nói thì dễ chứ thực hiện thì khó lắm vì ông bà, họ hàng ở quê không hiểu khiến việc nếu cứng nhắc thì sẽ gặp nhiều chuyện phiền toái lắm", mẹ Daisy cho rằng "chẳng có cách nào khác là mình nhẹ nhàng nói chuyện, giải thích dần dần để ông bà, họ hàng hiểu được, hoặc kể chuyện bâng quơ câu chuyện về một đứa bé con bạn bè/quen biết của em, gặp tình trạng tương tự và bị các hậu quả như thế nào, hay nói khéo léo với mọi người con đang bị làm sao đó ở miệng/da đang hơi kích ứng, mọi người chú ý giữ cho cháu không cháu bị dị ứng ..." bởi vì nuôi con là một quá trình gian nan và phải rất kiên định. Về việc dạy con biết cách tự bảo vệ bản thân từ nhỏ, mẹ Daisy cho rằng, trẻ con nhanh quên nên chuyện tự bảo vệ bản thân mình phải nói đi nói lại, bắt đầu từ khi con biết nói (đối với con, mẹ Daisy thực hiện từ lúc con 1 tuổi rưỡi, 2 tuổi) cứ hàng ngày lúc tắm rửa, giúp bé đi vệ sinh mình đều chỉ vào "vùng riêng tư" của con, nói với con, nhắc đi nhắc lại, lâu dần sẽ thành thói quen và ý thức của con. |