MC Minh Trang chia sẻ cách nuôi dạy con khiến hàng nghìn cha mẹ tâm đắc

Mẹ Daisy,
Chia sẻ

Chia sẻ quan điểm "nuôi con - hãy nuôi dạy những em bé hạnh phúc" của MC Minh Trang đã nhận được hàng nghìn lượt yêu thích và chia sẻ của các bố mẹ.

Thử nhớ lại xem, bạn có thường xuyên làm những việc sau hay không?

- Cúi khom người hoặc quỳ 1 chân để đứng ngang bằng với các em bé dưới 6 tuổi (hoặc thấp hơn mình), khi nói chuyện/trả lời các em?

- Sử dụng câu với đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ khi nói chuyện với con?

- Thay vì câu mệnh lệnh, bạn dùng câu hỏi để yêu cầu con làm việc gì đó "Con có thể bước xuống sàn được không? Vì đứng trên ghế rất nguy hiểm và dễ ngã" thay vì "Không đứng trên ghế như thế, bước xuống đây ngay"?

- Nói "Cám ơn con" ?

- Nói "Bố/ mẹ rất tự hào về con"?

- Nói "Con muốn như thế nào/ Con nghĩ gì về chuyện này, con có thể nói cho bố/ mẹ biết được không?"

Tôi tin rằng, trẻ nhỏ để có thể lớn lên thành một em bé hạnh phúc, vui vẻ, tự tin vào bản thân, rất cần được đối xử một cách tôn trọng ngay từ những năm đầu đời.

Trẻ con như một tấm gương phản chiếu những gì chúng quan sát được, lắng nghe được và học được ở thế giới xung quanh, bao gồm cả chúng ta - bố mẹ của chúng. Đừng đòi hỏi con phải nói đủ chủ ngữ vị ngữ, thưa gửi, "ạ", "dạ vâng", nếu như hàng ngày tất cả những gì chúng nghe được từ chúng ta là những "Nhai đi, nuốt đi", "Dọn sạch đồ chơi ngay", "Nínnnnnnnn. Nín ngay, không khóc nữa", "Không sờ/không nghịch vào cái này", "Mặc áo vào, đi dép vào, đeo balo vào, đi nhanh lên, đi chậm thôi, đứng yên đấy"....

Em bé hạnh phúc
 Hãy nghĩ về bản thân chúng ta, khi nhỏ lẫn lúc trưởng thành, cảm giác bị bố mẹ áp đặt, cả suy nghĩ và hành động thì như thế nào?

Tôi luôn tự nhủ 1 "câu thần chú": CON LÀ BẠN THÂN, rồi nhớ đến những lúc không giữ được bình tĩnh mà quát mắng con, điều tôi nhận lại chỉ là khuôn mặt đỏ bừng của con, ánh mắt sợ sệt, khóc nấc không thành tiếng, và sau đó là cả một sự ân hận và tự trách bản thân. Tôi liền hạ giọng, giãn cơ mặt, nói với giọng vui tươi/ nhẹ nhàng/ ấm áp/ chậm rãi hơn.

Trước đây, Daisy hay nói leo khi người lớn đang nói chuyện. Những lúc như thế, thay vì xua bạn ấy ra chỗ khác kiểu "Không nói leo, đi ra chỗ khác chơi", tôi sẽ nói: "Daisy ơi, con có thấy 2 mẹ đang nói chuyện dở với nhau không? Nếu con có điều gì muốn hỏi/ trình bày, con hãy nói nhẹ nhàng: "Mẹ ơi, mẹ cho con/ con xin phép nói được không ạ?". Daisy ngay lập tức sẽ lặp lại câu "gà bài" đó của mẹ, mẹ sau đấy sẽ quyết định có cho bạn ấy nói không tùy vào độ nghiêm túc của bạn ấy. Có thể là "Được, mẹ đồng ý, con nói đi" hoặc "Mẹ vẫn đang nói dở, con đợi 1 lát nữa khi nào mẹ nói xong mẹ sẽ mời Daisy nói nhé". Nếu là 1 bạn nhỏ siêu hiếu động và miệng liến thoắng không yên, việc hỏi lại, bảo bạn ấy nói lại, mẹ giải thích..., sẽ giúp bạn ấy bình tĩnh lại, sự cấp thiết của việc "nói leo" cũng biến mất luôn. 

Tuy nhiên, nên nhớ, đừng coi thường trẻ nhỏ, đôi khi chúng sẽ giúp cảnh báo nguy cơ hay nói cho chúng ta biết về những điều bất thường không ngờ tới trong nhà đấy!

Ngôn ngữ tích cực, lịch sự tôn trọng với trẻ nhỏ còn thể hiện rõ nhất qua cách dùng từ nữa. Hãy hạn chế dùng những từ tiêu cực, chung chung, không có tính miêu tả như "Sao con hư thế?" "Sao con nghịch thế? Con không thể ngồi yên được 1 lúc à?". Hoặc khi con vừa làm điều gì đó sai, cứ hỏi đi hỏi lại câu "Tại sao con lại làm abc,xyz?". 

Tất nhiên là trẻ chẳng thế biết tại sao được, những câu hỏi như vậy chỉ làm tình trạng thêm căng thẳng, mà chẳng ra được chút thông tin hay phương án xử lý nào! Thay vào đó, hãy dùng thể phủ định của 1 từ tích cực (chưa ngoan, không đúng, không nên, không tốt, không ổn, không hợp lý, không vui, không thoải mái....)

Và hãy cùng nói chuyện với con, nói về hành động cụ thể mà bạn cho là "hư" đó. Hãy thử mọi hướng tư duy, dẫn dắt con cùng suy nghĩ, và để con tự đưa ra quyết định và đành giá hành động đó của mình là "đúng/sai", "nên/không nên". 

Ví dụ:

- Daisy ơi, có phải con vừa ném thức ăn trong bát xuống sàn nhà không?
- Thứ con vừa ném mẹ đã mất cả buổi tối để nấu được như thế đấy.
- Nếu con cố tình làm như thế thì mẹ thấy là chưa ngoan đâu.
- Nếu thức ăn bị ném xuống sàn nhà thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? (bị dính bẩn, vi khuẩn sẽ tấn công bạn thức ăn, hết thứ để ăn, tối nằm ngủ sẽ đói...) 
- Con thử nhớ lại xem một nàng công chúa lịch sự (với điều kiện trước đó mình đã phải đọc/kể/nêu được ví dụ cho con về 1 hình mẫu nào đó) có vứt đồ ăn xuống sàn như thế không nhỉ?
- Con nghĩ làm thế là đúng hay sai?
- Con có thể sửa chữa bằng cách nhặt lại chỗ thức ăn con vừa ném ra đấy.
- Con có muốn mẹ hướng dẫn con nhặt/cùng nhặt với con không?
Và đừng quên kết thúc bằng một lời khen/động viên/khích lệ/cám ơn bạn ấy nhé!
- Cám ơn Daisy đã nhặt sạch chỗ thức ăn ở dưới sàn!
- Mẹ rất vui vì công chúa lịch sự ngoan ngoãn đã quay trở lại.
- Hi five!!! Sàn nhà đã sạch bong rồi!!! Yayyyyy!!!!

Tôn trọng con, còn đồng nghĩa với việc tôn trọng ý kiến, lựa chọn của con. Hãy nghĩ về bản thân chúng ta, khi nhỏ lẫn lúc trưởng thành, cảm giác bị bố mẹ áp đặt, cả suy nghĩ và hành động thì nó như thế nào? Vậy nên hãy cùng con "phát huy dân chủ" (nhưng là dân chủ có định hướng) nhé. 
Em bé hạnh phúc
Ảnh poster của chiến dịch truyền thông chống bạo hành bằng ngôn ngữ của tổ chức Juvenile Protective Association (một NGO của Mỹ).

Daisy là một em bé rất cá tính, hay thích làm theo ý mình. Thay vì áp đặt, hãy đưa ra một vài phương án để con lựa chọn. Lợi ích của việc này, là con sẽ phải tư duy, suy nghĩ để chọn ra phương án mình thích hơn cả. Con được chủ động với quyết định của mình, cảm giác tự tin và chắc chắn hơn. Với quyết định do mình đưa ra, con cũng sẽ hạn chế việc đổ lỗi, học cách tự chịu trách nhiệm và rút ra kinh nghiệm cho những lựa chọn sau. Đối với bố mẹ, tưởng là sẽ mất nhiều thời gian hơn (để con suy nghĩ, lựa chọn) nhưng so với việc con cứ nằng nặc đòi/khóc đòi/bố mẹ quát nạt, thì cũng không lâu hơn là mấy; cộng thêm việc bố mẹ có thể "khoanh vùng" các phương án để con lựa chọn, đảm bảo dù con có chọn phương án gì thì cũng không lo chệch khỏi định hướng của bố mẹ.

Ví dụ: 

Con nói "Con không thích ăn cơm"

- Được thôi, mẹ không ép con ăn cơm. Nhưng bây giờ là giờ cơm, cả nhà mình hãy cùng ngồi vào bàn. Mẹ sẽ để bát cơm và 1 ít đồ ăn cho con. Con có thể ăn hoặc không ăn, hoặc ăn 1 ít nếu con muốn nhé. 
- Hãy "quảng cáo" thêm: Hôm nay có món ABC, XYZ mẹ nấu kiểu DEF cực kỳ hấp dẫn luôn

Con nói "Con không thích ăn chuối"

- Vậy mẹ sẽ đưa cho con nguyên đĩa chuối đây, rất nhiều quả khác nhau, hãy chọn 1 quả con thích nhất nhé.
- Mẹ thấy có quả này dài nhất này, quả này mập nhất này, quả này lại còn có đốm nữa. Lạ chưa?

Hoặc:

- Có chuối và táo, con thích quả nào hơn?

Em bé hạnh phúc
Trẻ nhỏ để có thể lớn lên thành một em bé hạnh phúc, vui vẻ, tự tin vào bản thân, rất rất cần được đối xử một cách tôn trọng ngay từ những năm đầu đời (Ảnh: Bé Daisy)

Tôn trọng con, cũng có nghĩa là không "nói xấu" con, nhất là nói xấu trước mặt con. Đáp lại một câu khen xã giao của chị bạn "Nhóc nhà chị có vẻ ít nói, ngoan ngoãn nhỉ?", bà mẹ buông một câu ngay trước mặt con "Ôi chị ơi, ngoan gì, bình thường hư lắm/lười ăn kinh khủng/nghịch như giặc, cả nhà mệt mỏi vì nó lắm". Hay nói với con/để con nghe thấy những thứ "Hư thì vứt vào sọt rác, cho ra rìa, tặng cho người khác nuôi..." đã để lại hậu quả đau xót mà truyền thông những ngày qua đã nói đủ nhiều... Một vài câu nói đùa, xã giao vui vẻ, nhưng tổn thương thì vô cùng, và rất thật.

Nhiều người vỗ ngực và tự tin với nguyên tắc "không roi vọt, không đánh con" của mình, nhưng "bạo hành" bằng ngôn ngữ thực ra kinh khủng và tổn thương mạnh mẽ không kém đến trẻ nhỏ. Nói to, ngôn từ mang tính trì chiết, ý nghĩa tiêu cực lặp đi lặp lại, ngôn ngữ có tính chất dọa nạt, nhất là dọa nạt những thứ phi thực tế/khoa học... là một dạng bạo hành tâm lý/tinh thần, với mức độ tổn thương lên tinh thần và sự phát triển của trẻ nhỏ được các nhà tâm lí học đánh giá là trầm trọng hơn cả bạo hành thể chất bởi khác với bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần sẽ để lại những vết sẹo vô hình, dai dẳng và đôi khi là vĩnh viễn lên tâm hồn trẻ em...

"Những lời nói của chúng ta có sức mạnh cực kỳ lớn. Hãy sử dụng chúng một cách khôn ngoan".

Tác giả bài viết: 

Là một MC xinh đẹp và năng động của VTV nhưng MC Nguyễn Minh Trang lại được nhiều cha mẹ hâm mộ và biết đến với cái tên giản dị là "Mẹ Daisy". Những trải nghiệm làm mẹ ngọt ngào nhưng vẫn đầy "lý trí" và khoa học của mẹ Daisy đã truyền cảm hứng, trở thành "cẩm nang tham khảo" làm cha mẹ gần gũi và thiết thực cho rất nhiều bố mẹ trẻ. Mới đây, những bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy một em bé hạnh phúc của mẹ Daisy đã được hàng nghìn bố mẹ chia sẻ, tham gia bình luận. Mẹ&Bé xin gửi tới độc giả loạt bài viết rất ý nghĩa này của mẹ Daisy.

Chia sẻ