Tâm sự một bà mẹ thay đổi hoàn toàn sau khi sinh con

Thúy Phương,
Chia sẻ

Chị Ngân chưa bao giờ nghĩ đau đẻ lại khủng khiếp đến như vậy. Chị không những bị đau khi chuyển dạ mà chị còn chịu những cơn đau kinh hoàng sau khi mổ xong.

Điều này khiến chị trở thành con người khác. Không chỉ riêng bản thân chị mà dường như bất kỳ ai trong gia đình đều nhận thấy sau khi sinh Tũn, chị Ngân trở thành một con người hoàn toàn khác. 

Chị nhớ như in ngày 9/1 đó, chị nhẩm đi nhẩm lại theo lịch là ngày 12 cu Tũn mới chào đời vậy mà đang đêm hôm bỗng dưng những cơn đau dồn dập kéo đến, khiến cơ thể chị căng ra. Hai vợ chồng chị dắt nhau vào viện. 

Trước đó, chị mong muốn đẻ mổ lắm, năm lần bảy lượt gợi ý bác sĩ “cho em được mổ”. Hỏi ra, hóa ra chị muốn sinh mổ là bởi “để em được tự tin trước chồng, chứ sinh thường, ghê chết”. Nhưng đó chỉ là một lý do, lý do chính đó là chị được chủ động về giờ giấc, "không phải phụ thuộc vào cu con". 

Sau khi bị bác sĩ mắng cho một trận, chị đành ngậm ngùi: “Thường thì thường”. 

Thế nhưng ngày chị sinh, những cơn co dồn dập kéo tới, cổ tử cung đã mở những 5 phân, đau quặn thắt… ấy thế mà bác sĩ lại dặn: “Nào, nào, bà bầu bình tĩnh, em đừng rặn nữa nhé”. 

Chị Ngân nhăn nhó kiềm chế cơn đau của mình, nằm trên bàn đẻ nhìn qua phòng kính, chị trông thấy cả gia đình đang mặt mày xanh lét nói chuyện với bác sĩ. 

Tâm sự một bà mẹ thay đổi hoàn toàn sau khi sinh con 1
Không chỉ riêng bản thân chị mà dường như bất kỳ ai trong gia đình đều nhận thấy sau khi sinh Tũn,
 chị Ngân trở thành một con người hoàn toàn khác (Ảnh minh họa)

Chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào, chị được một chị hộ sinh đem giấy bút vào dặn “ký nhanh còn triển khai tiếp công tác em ơi”. 

Đau lắm rồi, chị cố gắng lờ mờ đọc được những thông tin trên một tờ giấy đại loại chị có nguy cơ tiền sản giật, phải chuyển sang mổ cấp cứu. Chị cười khoái trá: “Ô thế mổ à, ổn rồi”. 

Dù đau lắm, chị vẫn chặc lưỡi: "Quyết mổ ngay từ đầu thế có phải là ổn không cơ chứ". 

Những cơn đau kéo đến ngày càng nhiều lần với sự đau đớn ngày càng tăng lên, chị cắn chặt răng và được các bác sĩ đưa cáng lên bàn mổ. Sau khi một mũi tiêm lạnh được tiêm thẳng vào người chị, chị Ngân thấy hoàn toàn nhẹ nhõm, chị nghĩ "sao bỗng dưng cu Tũn ngoan đến lạ thường, chẳng đạp dữ dỗi như phút trước nữa nhỉ?". 

Nằm yên trên bàn mổ, chị nghe các bác sĩ nói với nhau về vị trí em bé, và các dụng cụ y tế. Sau 10 phút, chị giật mình khi có tiếng khóc chóe vang lên, đó chính là những âm thanh đầu tiên chị được nghe từ Tũn. Chị hạnh phúc khôn cùng khi được nhìn mặt con. 

Sau vài tiếng nằm chờ hết thuốc tê, chị Ngân mới thực sự thấy đau đớn, kể lại chị bảo: “Chưa bao giờ mình thấy đau như thế, đau đến nỗi mà cười không cười nổi, khóc không khóc nổi, nguyên ngày đầu tiên, rồi ngày thứ 2, mình chẳng nghĩ được gì tới chồng con, chỉ nghĩ tới cơn co dạ con đang giật lên từng hồi.

Chị kết luận: "Đúng là đau như đau đẻ. Các cụ nói cấm có sai". 

Ngày thứ 3 chị mới lần đầu được ôm con vào lòng và ngày đó chị thay đổi. Chị tâm sự: "Chẳng hiểu sao từ giây phút ôm con vào lòng, những giọt sữa bỗng rỉ ra ướt cả áo, mình thấy trước mặt mình là một phần quan trọng của cơ thể mình, mình sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì con. Đó là thay đổi lớn nhất của mình". 

Khỏi phải nói chị rưng rưng hạnh phúc, quên sạch đi cái đau khi cho con bú. Thay đổi thứ hai đó là chị ít nhìn vào gương hơn trước. Trước đây, kể cả khi đang mang thai, chị Ngân vẫn nổi tiếng là một người đàn bà quý phái, sang trọng, cách ăn mặc, trang điểm của chị khiến bất kỳ đấng trượng phu nào cũng phải ngước nhìn, khiến chị em nể phục: "Có chồng, bầu bì mà vẫn đẹp, quyến rũ". 

Và đương nhiên trước đây, gương chính là thứ mà chị suốt ngày soi, trong phòng thì chẳng nói làm gì, bếp, nhà tắm, suốt ngày chị chải chuốt, soi gương, ngắm nhìn mình. Nhớ lại, gần đến ngày sinh, chị chỉ ước sinh nhanh nhanh còn về tập gym lấy lại phom cũ…

Ấy thế mà sau khi Tũn ra đời, chị bảo, chị thích ngắm con hơn ngắm chính mình trong gương. 

Trước đây, chị là người thích di chuyển, chị thích trải nghiệm bằng những chuyến đi xa, thế nên trước khi sinh, chị còn lên kế hoạch, sau vài tuần sẽ cho Tũn làm ngay một tour đi biển hoặc sang Sing để lớn nhanh… thì giờ đây mọi thứ quanh con, chị đều lo lắng. 

Có những lúc chị cười ngặt nghẽo khi thấy nhiều bà mẹ bịt kín con từ đầu tới chân, chị bảo: “Ôi, nóng chết. Phải thả con ra thì nó mới lớn được chứ". 

Còn bây giờ: Ra đường ư? Không được, bụi vô cùng, phải sau 6 tháng con cứng cáp mới ra đường chơi nhé. Đến con muỗi vo ve trong nhà, chị cũng bắt chồng phải đuổi nó hoặc “ngắt đít muỗi” không thì “mang bệnh cho Tũn mất”…

Rồi chị thấy yêu thương mẹ mình hơn, trước chị có yêu thương, tôn trọng bố mẹ nhưng theo một kiểu khác. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, được bố mẹ chiều chuộng từ nhỏ nên đôi khi chị khá bướng bỉnh. 

Thế nhưng sau những cơn đau đẻ rồi khi Tũn ra đời, chị ngoan như con mèo với bố mẹ, chị thường xuyên gọi điện cho mẹ, hỏi thăm mẹ. Mẹ chị thấy lạ thì chị chỉ bảo: “Sau khi sinh con, con mới biết mẹ khổ như thế nào mới có được con". 

Trước đây, chị tự nhủ mình là người đàn bà can đảm, băng giá, chẳng gì làm chị khóc lóc, lo lắng được, nhưng giờ khi Tũn ra đời, chị khóc ngon lành trong toilet khi vừa nghe trên tivi tin một bé bị tai nạn, chị xót xa khi biết tin trẻ con bị cắt xén thuốc tiêm phòng... 

Chị đắng miệng khi đang ăn với bạn bè có một bà mẹ bé nhỏ bế đứa con gầy trơ xương đi xin ăn. Và tim chị ngừng đập khi Tũn bị sổ mũi. 

Trước yêu chồng là thế, chồng là nhất, thì giờ “anh ra phòng khác ngủ đi, cho Tũn tập trung ngon giấc”.

Trước, hễ anh chồng chị về muộn hay lỡ liếc bóng hồng nào, chị lại lườm nguýt, "nguyền rủa" lũ đàn ông, nhưng giờ cục vàng của chị cũng là đàn ông nên chị cố sẽ thông cảm với chồng hơn. Chị còn bảo: "Đa tình là đặc quyền của đàn ông". 

Cuối cùng chị nghĩ: "làm mẹ là điều tuyệt vời nhất với chị từ trước tới nay. Cảm ơn Tũn đã có mặt trên đời".

Vào 14h ngày 29/5 aFamily.vn sẽ có buổi giao lưu trực tuyến về vấn đề TRẺ BIẾNG ĂN VÀ KÉM HẤP THU DINH DƯỠNG. Buổi giao lưu trực tuyến sẽ có sự tham gia của các bác sĩ: Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), bác sĩ Vũ Văn Lực (chuyên ngành nội khoa) và dược sĩ Lê Phương (Tổng đài tư vấn sức khỏe 1900.1259).

Độc giả có thắc mắc về tình trạng biếng ăn và kém hấp thu dinh dưỡng của con có thể gửi câu hỏi về địa chỉ email: giaoluutructuyen@afamily.vn để được giải đáp.





Bài viết với những hình ảnh chân thực này sẽ giúp bạn phần nào thỏa trí tò mò về chuyện đi đẻ của mẹ bầu ở nước khác.
Tâm sự một bà mẹ thay đổi hoàn toàn sau khi sinh con 2
Chia sẻ