5 lầm tưởng hoang đường về tập thể dục khi mang thai

Hà Minh,
Chia sẻ

Việc tập thể dục đúng cách rất tốt cho mẹ và bé. Tuy nhiên, có những lầm tưởng về tập thể dục khi mang thai gây không ít lo lắng, phiền toái cho bạn.

Lầm tưởng 1: Nếu không tập thể dục trước khi có thai, thì khi mang thai không phải là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu tập thể dục

Sự thật là: Mang thai là thời gian lý tưởng để vận động cơ thể. Không có tài liệu hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng những bài tập thể dục mức độ vừa phải như đi bộ là không an toàn, ngay cả đối với phụ nữ trước kia vốn ít vận động.

Trên thực tế, nếu không tập thể dục khi mang thai sẽ góp phần tăng cân không kiểm soát, huyết áp cao, cơ thể đau nhức và nguy cơ cao hơn là bạn phải sinh bằng phương pháp mổ và dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 70-80% phụ nữ bị bệnh tiểu đường thai kỳ và phát triển thành tiểu đường loại II. Điều này dễ ảnh hưởng tới con của bạn sau này, cũng rât dễ có nguy cơ di truyền mắc bệnh béo phì và tiểu đường.

Nếu qua các lần khám thai, bạn không có biến chứng gì trước khi sinh nở, các bác sĩ khuyến cáo bạn nên đi bộ nhẹ 30-60 phút mỗi ngày hoặc ít hơn tuỳ theo sức khoẻ của bạn.

5 lầm tưởng hoang đường về tập thể dục khi mang thai 1
Ảnh minh họa.

Lầm tưởng 2: Tập luyện trong thời gian mang thai có thể gây tổn thương khớp

Sự thật là: Hai nửa xương chậu của bạn được nối với nhau ở phía trước bằng một khớp nối chung gọi là mu khớp xương. Khớp nối được tăng cường bằng một hệ thống các mô vững chắc và linh hoạt, gọi là dây chằng. Để giúp thai nhi đi qua xương chậu dễ dàng, cơ thể bạn tiết ra hormon gọi là relaxin, nhưng relaxin lại làm co các dây chằng. Tuy nhiên, lý do đau các khớp do relaxin chưa được chứng minh cụ thể.

Một nghiên cứu trong 12 tuần theo dõi 32 phụ nữ bắt đầu từ tuần 21-25 của thai kỳ. Họ tập thể dục 2 lần/ tuần, tăng số lượng dần ở mức vừa phải trong thời gian nghiên cứu. Kết quả cho thấy không một ai bị tổn thương xương khớp. Chỉ một vài sự cố nhỏ như chóng mặt, nhức đầu trong những tuần đầu. Huyết áp của các bà bầu không tăng trong quá trình tập luyện.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, tập luyện quá sức với cường độ cao cũng có nguy cơ làm tăng huyết áp. Vì thế, điều quan trọng là hãy thở đúng kỹ thuật, cường độ tập vừa phải và dừng lại ngay nếu có dấu hiệu hoa mắt chóng mặt.

Các bác sĩ cũng khuyên rằng, các bà bầu khi có ý định tập bất cứ một bài thể dục nào cũng nên tham khảo ý kiến các huấn luyện viên hoặc qua các video để học hỏi kỹ thuật cũng như cường độ thích hợp.

Lầm tưởng 3: Nếu cơ thể bạn rất khoẻ mạnh, bạn cần nâng cao cường độ của bài tập thể dục

Sự thật là: Bạn có thể duy trì chương trình tập luyện của bạn miễn sao phù hợp với sức khoẻ ở giai đoạn đó. Tuy nhiên, nếu không có biến chứng và sức khoẻ cho phép, các bà bầu có thể nâng cao bài tập lên một chút nhưng với sự giám sát chặt chẽ của huấn luyện viên. Các mẹ bầu không nên tập những bài tập khó và mức độ nặng ở nhà một mình.

Trong thời gian mang thai, cơ thể bà bầu thường rất nóng, vì thế hãy uống đầy đủ nước và lưu ý không tập thể dục ngoài trời nếu thời tiết nắng nóng.

5 lầm tưởng hoang đường về tập thể dục khi mang thai 2
Ảnh minh họa.

Lầm tưởng 4: Chạy bộ không an toàn trong khi mang thai

Sự thật là: Trái với quan niệm của nhiều người rằng phụ nữ mang thai phải nhẹ nhàng, trừ trường hợp sức khoẻ cơ thể không cho phép (như mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, tiền sử sảy thai…) thì những người có sức khoẻ bình thường vẫn có thể và nên chạy bộ nhẹ nhàng miễn là không có biến chứng gì với khớp và dây chằng của bạn trong các lần khám thai. Các mẹ bầu ở Canada trong 3 tháng đầu khi thai còn nhỏ, thậm chí còn tập chạy bộ, cưỡi ngựa.

Tuy nhiên, nếu bạn không quen với việc chạy bộ trước khi có thai thì trong thời gian mang thai bạn không nên thử chạy. Nếu muốn thử chạy bộ, hãy chạy ở mức độ chậm nhất định và từ giai đoạn thứ 2 của thai kỳ, bạn càng phải cẩn thận hơn khi chạy. Cũng như nhiều hình thức thể dục khác, không nên để cơ thể quá nóng và phải uống nhiều nước để bù lại luợng mồ hôi đã mất.

Lầm tưởng 5: Không nên tập các bài tập cơ bụng

Sự thật là: Trong suốt thời gian có thai, các cơ vùng bụng chạy từ xương ngực đến xương mu sẽ phải nâng đỡ gần như toàn bộ trọng lượng của bào thai.

Trong trường hợp các cơ này yếu đi thì các cơ ở vùng lưng sẽ phải chịu sức nặng lớn hơn để bảo vệ cho cột sống. Vì vậy sẽ xảy ra tình trạng đau lưng thường gặp trong thai kỳ.

Nếu thai phụ có chế độ tập luyện tốt, các cơ vùng bụng sẽ trở nên khỏe mạnh và săn chắc hơn, vừa giúp mẹ mang thai cảm thấy khỏe khoắn vừa giúp quá trình hồi phục sau khi sinh nhanh hơn.

Tuy nhiên, bạn không nên tập các bài tập bụng (hoặc những bài tập liên quan đến vùng bụng) trong 3 tháng đầu, do kích cỡ tử cung ngày càng tăng của bạn có thể nén các tĩnh mạch chủ trên, dồn máu đến tim của bạn, có khả năng làm giảm lưu lượng máu và làm bạn cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn. Nếu tập sai kỹ thuật, còn có thể khiến bạn đau lưng hơn.



Những hình thức tập vận động tuyệt vời cho bà bầu
5 lầm tưởng hoang đường về tập thể dục khi mang thai 3
Chia sẻ