Mang thai tuần thứ 5: Em bé của bạn có kích thước chỉ như một hạt táo
Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đang ở tháng thứ hai của thai kỳ rồi đấy! Tuần thứ 5 này bé con của bạn vẫn còn nhỏ xíu và cơ thể mẹ thì có những thay đổi hỗn độn về cảm xúc. Hãy cùng tìm hiểu thêm về tuần đầu tiên của tháng thứ 2 này nhé!
Khi bước vào tuần mang thai thứ 5 là bạn sắp bước qua gần nửa giai đoạn đầu mang thai mà người ta hay gọi là "tam cá nguyệt thứ nhất". Có rất nhiều các bà mẹ nhận xét rằng giai đoạn 3 tháng đầu thật sự khá khó khăn vì mẹ phải làm quen với một trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Nhưng rồi sau 40 tuần mang thai, có thể bạn sẽ thật sự nhớ giai đoạn này đấy, lúc mà cơ thể mẹ có những biến đổi kì diệu.
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 5?
Vào lúc này, hình dáng bụng của mẹ chưa có nhiều thay đổi. Có thể mẹ sẽ tăng nhẹ vài cân và thấy bụng có vẻ phình to hơn trước một chút. Hoặc có mẹ sẽ ốm nghén dẫn đến sụt cân, không ăn uống được gì cả - đừng quá lo lắng vì cơ thể mỗi người là khác nhau nên khi mang bầu cũng sẽ có những thay đổi khác nhau.
Cơ thể mẹ vào tuần thứ 5 mang thai.
Trong tuần bầu bí thứ 5, mẹ có thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi do cơ thể sản xuất nhiều máu hơn để mang ôxy và dưỡng chất cho thai nhi. Sự gia tăng lượng máu có thể làm nhịp tim tăng lên và những thay đổi này có thể gây nên mệt mỏi, chóng mặt hoặc nhức đầu. Đây là một triệu chứng phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ, tuy nhiên bạn hãy yên tâm rằng vào cuối giai đoạn này thì sức khỏe và năng lượng của bạn sẽ trở lại bình thường, vì vậy hãy tranh thủ nghỉ ngơi ngay khi có thể.
Mẹ sẽ thấy một vài triệu chứng của tuần 5 giống như các tuần trước, ví dụ như thay đổi ở ngực, buồn nôn, rất nhạy cảm với mùi, thường xuyên đi tiểu, thân nhiệt tăng cao, táo bón, mặt nổi mụn như dậy thì… tất cả đều do sự gia tăng của các hormone trong cơ thể mẹ. Có một số mẹ sẽ thấy ra vài giọt máu ở đồ lót - đây là dấu hiệu thai đang làm tổ hoàn toàn bình thường; bạn hãy đi khám nếu lo lắng và máu ra nhiều hơn vài giọt nhé.
Một điểm đặc biệt nữa trong tuần thứ 5 mang thai này là tâm trạng của mẹ sẽ thay đổi nhanh đến chóng mặt: mẹ có thể cảm thấy phấn chấn rồi chán nản, giận dữ rồi lại vui vẻ, có lúc lại vô cùng bất an. Hormone của mẹ lúc này gia tăng rõ rệt, do đó việc cảm xúc thay đổi liên tục là một điều hết sức bình thường. Sự biến chuyển cảm xúc này thường diễn ra mạnh mẽ nhất vào tháng thứ hai, và đôi khi hiện tượng này sẽ quay trở lại vào những tháng cuối của thai kỳ, bạn hãy chia sẻ cảm xúc với gia đình và bạn bè để có được sự hỗ trợ tinh thần kịp thời nhé.
Sự phát triển của thai nhi
Kết thúc tháng đầu tiên, bước sang tuần thứ 5 này em bé của bạn nhìn như nòng nọc và có kích cỡ bằng một hạt táo, dài khoảng 1,27 – 2,54mm mà thôi nhưng đang trên đà phát triển nhanh vượt bậc đấy.
Bé con của bạn chỉ như một hạt táo thôi.
Sâu trong tử cung của bạn, phôi thai đang phát triển. Phôi thai lúc này được chia thành 3 lớp: ngoại bì (ectoderm), trung bì (mesoderm) và nội bì (endoderm). Các cơ quan và bộ phận cơ thể bé sẽ hình thành từ 3 lớp này.
Ngoại bì: Là nơi mà não, tủy sống, dây thần kinh và xương sống của bé sẽ mọc lên. Nơi này cũng hình thành làn da, tóc, móng tay, tuyến vú, mồ hôi và men răng...
Trung bì: Là nơi mà tim và hệ tuần hoàn của bé bắt đầu hình thành. Có nhiều mẹ thắc mắc thai 5 tuần tuổi có tim thai chưa? Thì ở tuần 5, trên thực tế, trái tim bé nhỏ của bé bắt đầu phân chia thành các buồng, đập và bơm máu. Trung bì cũng sẽ hình thành các mô cơ, sụn, xương và các lớp dưới da của em bé…
Nội bì: Là nơi phát triển phổi, ruột, hệ thống tiết niệu sớm cũng như tuyến giáp, gan và tuyến tụy. Mẹ có biết rằng tuy bé còn rất nhỏ nhưng trên thực tế nhau thai nguyên thủy và dây rốn đã trong quá trình cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bé rồi đó!
Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 5
Mang thai tuần 5, bạn hãy chuẩn bị cho việc đi khám thai lần đầu tiên nhé! Chắc hẳn bạn sẽ hồi hộp lắm để ngắm nhìn hình ảnh siêu âm thai nhi 5 tuần tuổi trong bụng mình đấy. Để chuẩn bị cho lần khám thai này, bạn nên ghi lại ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng để bác sĩ có thể xác định ngày bé yêu chào đời. Trong quá trình thăm khám thai, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc mà mình đang dùng. Rất nhiều loại thuốc, kể cả một số loại tưởng chừng rất an toàn và không cần kê đơn, lại không hề an toàn cho thai kỳ.
Mẹ hãy luôn chú ý đến việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng qua thực phẩm sử dụng hàng ngày hoặc các viên vitamin tổng hợp. Nếu các viên uống vitamin bổ sung trong thai kỳ gây khó uống cho bạn, hãy chọn các hình thức bổ sung khác như ăn trái cây, salad, bổ sung rau củ. Việc này sẽ giúp lượng vitamin của bạn vẫn đầy đủ mà vẫn có niềm vui trong việc ăn uống. Điều quan trọng đó là cần bổ sung đủ axit folic khi đang cố gắng thụ thai và trong tam cá nguyệt đầu tiên, vì nó làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển các khuyết tật bẩm sinh của ống thần kinh như tật nứt đốt sống…
Yoga là môn thể thao khá thích hợp cho phụ nữ mang thai.
Mẹ cũng nên nhớ rằng vệ sinh răng miệng kém và các bệnh về nướu có liên quan tới sinh non cũng như một số rủi ro thai kỳ khác. Hãy trao đổi với nha sĩ về việc làm thế nào để giữ vệ sinh răng miệng tốt nhất.
Bên cạnh đó, mẹ và bé con trong bụng hoàn toàn có thể vận động cùng nhau để hướng tới một thai kỳ khỏe mạnh cũng như làm dịu những đau nhức liên quan đến việc mang thai. Đi bộ, bơi lội hay yoga bầu…. hãy thử nghiệm để xem loại hình vận động nào thích hợp nhất cho mẹ nhé. Hướng tới sinh hoạt lành mạnh, tránh xa chất kích thích, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp mẹ và bé nhẹ nhàng vượt qua những khó khăn của tuần 5 mang thai và bước vào tuần 6 một cách vui vẻ đấy!
* Mẹ có thể đọc và tìm hiểu về tuần mang thai thứ 6 TẠI ĐÂY.