Mang thai tuần 9: Em bé không còn là phôi thai mà đã chính thức là một thai nhi
Khi mẹ mang thai được 9 tuần, em bé đã không còn là phôi thai đơn thuần nữa mà đã phát triển thành bào thai - chính xác là một cơ thể đang sống, đang dần hoàn thiện các chức năng để chờ ngày chào đón thế giới.
Chúc mừng mẹ đã đến với tháng cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất (giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ). Mẹ đã trải qua 8 tuần thai kỳ với những băn khoăn lo lắng xen lẫn sự vui mừng háo hức rồi đúng không nào? Cơ thể mẹ quả là điều kì diệu vì dù 8 tuần qua mẹ có tăng hay giảm cân, có bị ốm nghén hay không thì em bé vẫn đang liên tục phát triển trong bụng mẹ đấy. Sang tuần thứ 9 này mẹ có những thay đổi nào nhỉ? Hãy cùng tham khảo nhé!
Ở tuần mang thai thứ 9 này chắc hẳn nhiều mẹ đều đã đi siêu âm lần đầu tiên rồi đúng không nào?
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 9?
Ở tuần thứ 9, một số dấu hiệu mang thai có thể trở nên dữ dội nhất trước khi chúng sẽ biến mất dần dần ở các tuần tiếp theo. Nguyên nhân là vào thời điểm này, hormone mang thai HCG đang chảy khắp cơ thể bạn đã đạt tới đỉnh điểm. Việc thay đổi tâm trạng, ốm nghén, mệt mỏi thường xuyên diễn ra khiến có lúc bạn cảm thấy kiệt sức - nhưng mẹ hãy cố lên vì con yêu nhé!
Tử cung mở rộng và lượng máu dồn về khu vực xương chậu nhiều hơn khiến bạn phải liên tục ra vào nhà vệ sinh. Nhưng đừng vì điều đó mà uống ít nước nhé, uống nước đủ rất cần thiết cho sức khỏe mang thai. Mũi của bạn cũng trở nên đặc biệt nhạy cảm với mùi, hãy tránh xa các mùi khiến cơ thể bạn khó chịu trong giai đoạn này.
Lượng estrogen (nội tiết tố nữ) và progesterone (hormone giới tính nữ có chức năng duy trì sự phát triển của thai nhi) tăng cao kích thích sự phát triển của ngực và các tuyến sữa. Vùng da xung quanh hai đầu ngực có thể lớn và sậm màu hơn, đi kèm với đó là cảm giác đau ngực, căng cứng.
Có lẽ ở tuần này bạn đã rất vất vả để cài được khuy chiếc quần jeans hoặc chiếc chân váy mình yêu thích… Đúng rồi bụng bạn đã bắt đầu nhú ra đôi chút. Tử cung sẽ bắt đầu to vượt ra khỏi vùng xương chậu trong vài tuần tới. Nhưng bạn cũng đừng quá quan tâm đến cân nặng ở thời điểm này nhé, các bảng tỉ lệ cân nặng chỉ để tham khảo mà thôi, không có mẹ bầu nào giống mẹ bầu nào cả.
Mỗi mẹ bầu là một cơ thể khác nhau nên cân nặng thay đổi khi mang thai cũng sẽ khác nhau
Nếu bạn bị chảy máu vào tuần thai thứ 9 này, bạn nên biết rằng việc chảy máu âm đạo có thể xảy ra trong ba tháng thai kỳ đầu tiên và không nhất thiết là một hiện tượng đáng báo động. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu có thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai. Vì vậy, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu phát hiện ra mình bị chảy máu bạn nhé!
Sự phát triển của thai nhi
Tuần mang thai thứ 9 này, em bé của bạn đã dài gần 2.5cm tính từ đầu đến mông và nặng khoảng 2g, chỉ lớn bằng một quả ô liu mà thôi. Nhưng thai nhi giờ đây là một phiên bản thu nhỏ của em bé lúc ra đời rồi đó mẹ ơi!
Bé yêu có kích cỡ gần như một quả ô liu
Trán của em bé sẽ tạm thời phình ra vì não đang phát triển và nằm ở vị trí rất cao trên đầu, chiếm lấy nửa chiều dài cơ thể bé. Khuôn mặt bé đã có miệng, mũi, và lỗ mũi đầy đủ. Ngón tay và ngón chân mới đây thôi còn có màng dính vào nhau như chân vịt, thì giờ đã tách hẳn ra thành từng ngón riêng biệt. Hai chân của bé vẫn còn đang co lên ngang hông. Toàn thân bé đã bắt đầu được bao phủ bởi một lớp lông tơ mềm mại.
Chắc hẳn mẹ rất tò mò không biết bé yêu của mình là trai hay gái phải không nào? Điều này chính xác là do gene rồi. Đến tuần thứ 9 này các cơ quan sinh sản (tinh hoàn hoặc buồng trứng) cũng sẽ bắt đầu hình thành. Nếu bé của bạn là con gái, thì đến khi ra đời, em bé sẽ có đầy đủ số trứng mà một người phụ nữ mang trong mình suốt cả cuộc đời. Cơ quan sinh dục ngoài cũng bắt đầu thành hình, dù chỉ mới bé xíu xiu.
Từ tuần 9, đã có thể thấy núm vú xuất hiện trên ngực em bé. Các cơ quan quan trọng bao gồm thận, ruột, não và gan đã bắt đầu hoạt động để sản xuất các tế bào máu đỏ thay cho túi noãn hoàng đã biến mất và sẽ tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ. Tim của bé đã hoàn thành nhiệm vụ chia thành 4 ngăn, van tim bắt đầu xuất hiện. Nhau thai đã phát triển đủ để đảm nhận phần lớn công việc quan trọng là sản sinh ra hormone.
Bởi cơ bắp đã phát triển nên bé có thể thực hiện một số cử động đầu tiên trong tuần thai thứ 9. Tuy vậy, mẹ không thể cảm nhận được những cử động ấy trực tiếp qua bụng mà chỉ có thể nhìn thấy khi đi siêu âm mà thôi, mẹ hãy chịu khó đợi một thời gian nữa để cảm nhận cú đạp đầu tiên của bé yêu vào thành bụng mẹ nhé!
Hình ảnh bé yêu ở tuần mang thai thứ 9 trong bụng mẹ
Thêm một điểm phát triển thú vị nữa của bé yêu là những chồi răng nhỏ bắt đầu xuất hiện dưới nướu và một số xương cũng dần cứng lại.
Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 9
Mẹ nên nhớ tiếp tục duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng chất mẹ nhé. Việc bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất quan trọng như acid folic, sắt, canxi, magie… nên tuân thủ đúng theo sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Nếu mẹ vẫn cảm thấy quá khó khăn với chuyện ăn uống trong tuần này thì có thể chia nhỏ các bữa ăn (không nhất thiết chỉ ăn 3 bữa chính thật lớn mỗi ngày), luôn mang theo đồ ăn vặt có lợi như trái cây, các loại hạt có lợi như óc chó, nho khô…để tránh tình trạng mệt mỏi do thiếu ăn, tụt huyết áp.
Chế độ ăn lành mạnh cân bằng là vô cùng quan trọng trong suốt cả quá trình mang thai
Bên cạnh việc ăn, uống đủ nước là điều vô cùng quan trọng. Mẹ có thể thay đổi linh hoạt theo sở thích từ nước lọc, nước cam, sữa hoặc sữa hạt cũng rất tốt.
Ở tuần thứ 9 của thai kỳ, có một số phụ nữ sẽ bị những cơn đau nửa đầu tấn công thường xuyên hơn trong suốt các giai đoạn hình thành và phát triển của thai nhi. Mẹ hãy thư giãn và thử xác định nguyên nhân có phải do thiếu ngủ, căng thẳng hay do tiếp xúc với chất kích thích có caffeine để tìm cách loại trừ chúng. Nếu tình hình không giảm nhẹ hãy tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Đừng quên đánh răng! Vệ sinh răng miệng lúc nào cũng quan trọng, và trong thời gian mang thai lại càng quan trọng hơn bao giờ hết mẹ nhé.
Hãy bắt đầu giao tiếp với bé yêu của mình - không bao giờ là quá sớm để làm điều này cả. Rất đơn giản mẹ có thể chỉ cần nằm thư giãn và suy nghĩ tích cực về mầm sống đáng lớn dần lên trong cơ thể mình, những yêu thương và cảm xúc mẹ có từ khi có bé yêu trong bụng. Hay mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng, vừa vận động tốt cho cơ thể vừa nghĩ về con cũng là một ý tưởng không tồi đúng không nào?
Bên cạnh đó mẹ nên chú ý thay size cho đồ lót của mình vì kích cỡ ngực, hông và bụng đang ngày càng lớn hơn. Ưu tiên các chất liệu mềm mại, an toàn với da mẹ nhé!
Chúc mẹ sẽ có một tuần mang thai tràn đầy năng lượng để bước vào tuần mang thai tiếp theo nhé!
* Mẹ có thể đọc và tìm hiểu về tuần mang thai thứ 10 TẠI ĐÂY.