Mang thai tuần 10: Cảm giác buồn nôn và mệt mỏi sẽ dần biến mất
Nếu như ở tuần 9 cảm giác thai nghén mệt mỏi tăng cao, thì ở tuần mang thai thứ 10 này mọi thứ sẽ dần giảm và biến mất. Mẹ sẽ cảm thấy tràn đầy sinh lực hơn để chuẩn bị chào đón con yêu.
Nhưng không phải vì thế mà tất cả các dấu hiệu mang thai đều đột ngột biến mất đâu mẹ nhé! Mỗi mẹ bầu sẽ có những dấu hiệu thai kỳ khác nhau, rồi khả năng thích ứng của mỗi mẹ cũng khác nhau nên sẽ không có một mốc thời gian cố định nào mà chỉ ước đoán mà thôi. Trong tuần 10 này đại đa số các mẹ sẽ vẫn còn có những biến chuyển như sau:
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 10?
Cơ thể mẹ có nhiều thay đổi trong suốt quá trình mang thai.
• Bạn có cảm giác đau ở vùng lưng hông, đây chính là đau dây chằng - hoàn toàn không phải một dấu hiệu nguy hiểm bạn nhé. Đơn giản là ở thời điểm này tử cung của mẹ đang giãn ra (trước tuần mang thai thứ 10 thì tử cung có kích thước như một quả lê nhỏ thì trong tuần này, nó sẽ to như quả bưởi) cho phù hợp với tốc độ phát triển của em bé. Một số người có thể không cảm thấy nhưng một số khác rất nhạy cảm với cơn đau này. Nếu mẹ cảm thấy quá đau đớn hoặc lo lắng thì hãy tìm đến bác sĩ nhé.
• Cảm giác nghén, mệt mỏi, tâm trạng bất ổn vẫn sẽ tiếp diễn nhưng ở mức độ giảm dần.
• Ngực to hơn, vùng da quanh đầu núm vú sẽ đậm màu hơn. Đặc biệt mẹ sẽ thấy bất ngờ khi thấy một đường sẫm màu kéo dài từ rốn đến vùng bụng dưới của mình; đường sẫm màu này sẽ mờ dần và mất hẳn sau khi sinh bé. Nếu bạn cho con bú, nó sẽ ở lại với bạn lâu hơn do hormone tạo ra đường sọc này có liên quan tới việc cho con bú.
• Máu dồn về âm đạo cộng với nồng độ estrogen tăng có thể dẫn tới việc âm đạo ra nhiều khí hư. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể giúp "tống khứ" vi khuẩn. Trong trường hợp khí hư dính máu, có màu, mùi hôi, gây khó chịu thì bạn hãy đi khám.
• Nước bọt trong khoang miệng sẽ tiết ra nhiều hơn so với bình thường, đặc biệt là khi bạn buồn nôn.
Sự phát triển của thai nhi
• Ở tuần mang thai thứ 10 này, bé yêu có kích cỡ như một quả quất: dài tầm 2.54cm và nặng khoảng 7gram và có những sự phát triển đầy đủ gần như một con người tí hon.
Bé yêu có kích cỡ như một quả quất ở tuần mang thai thứ 10.
• Em bé đã hoàn chỉnh mí mắt, lông mi và mắt bé sẽ nhắm đến tận tuần thai thứ 27. Lông mi sẽ phủ đầy đôi mắt bé nhờ vậy mắt bé được bảo vệ an toàn. Trán em bé tạm thời phồng lên với bộ não đang phát triển và nằm khá cao phía trên đầu, có kích thước bằng khoảng 1/2 so với cơ thể. Những chồi răng nhỏ đang bắt đầu xuất hiện dưới nướu và một số xương của bé đang bắt đầu cứng lại.
• Ngón tay và ngón chân bé đã phát triển toàn diện và tách rời khỏi nhau. Móng đã được hình thành trên ngón tay và ngón chân. Đi kèm với đó thì bé sẽ liên tục thực hiện những động tác co duỗi nhẹ nhàng hoặc đôi khi lại không ngừng vận động như đá, trườn, vặn và xoay người. Mẹ sẽ cảm nhận rõ những chuyển động tuyệt vời đó khi bé phát triển lớn hơn và bắt đầu đạp vào thành tử cung trong vài tuần tiếp theo đấy. Thêm một điều thú vị nữa trong tuần này bé yêu của bạn có thể mút ngón tay cái - thói quen này có thể sẽ theo bé đến mấy tháng sau khi chào đời.
• Thận, ruột, não và gan đang bắt đầu hoạt động theo đúng chức năng của chúng. Ruột bé bắt đầu thực hành các hoạt động co giãn nhằm giúp bé tiêu hóa tốt sau khi bé được sinh ra.
• Thai 10 tuần tuổi, tủy sống của bé bắt đầu sản sinh ra bạch cầu. Đây là những tế bào kháng thể giúp bé khoẻ mạnh và tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó nếu bé yêu của bạn có giới tính nam thì trong tuần thai này tinh hoàn của bé trai bắt đầu sản xuất kích thích tố sinh dục nam (testosterone).
Hình ảnh siêu âm phóng to cơ thể em bé trong tuần thứ 10 mang thai.
Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 10
Mẹ nên dành thời gian để bắt đầu tìm hiểu các lớp học tiền sản, thường được mở ra hoàn toàn miễn phí. Sẽ rất thú vị nếu mẹ đi học cùng với bố để có thêm kiến thức chào đón con yêu. Bên cạnh đó các hội nhóm các bà mẹ cùng mang thai cũng sẽ đem lại rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu.
Lớp học tiền sản hay các hội nhóm các bà mẹ đang mang thai là nơi thu nhập thông tin, kinh nghiệm quý báu
Cùng với đó, đây cũng là thời điểm thích hợp để mẹ tìm hiểu về nhiễm trùng trong thai kỳ. Sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh…đều có thể nguyên nhân là nhiễm trùng thai kỳ.
Dù có thích nhưng ở thời điểm này mẹ không nên chơi các môn thể thao nguy hiểm, cần nhiều sức lực và tăng nguy cơ làm giảm lượng oxy cung cấp cho bé như lặn, leo núi, du lịch đến những vùng cao. Những vận động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội sẽ tốt hơn cho sức khỏe mẹ và bé.
Vào tuần mang thai thứ 10, Mẹ hãy cố gắng đạt một sự cân bằng có lợi cho sức khoẻ bằng cách chọn các loại thức ăn phù hợp từ tất cả các nhóm thực phẩm, vì mẹ đang nuôi dưỡng bé bằng nhiều loại dưỡng chất khác nhau. Thận trọng với các thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho bạn và thai nhi.
Việc quan hệ tình dục trong thai kỳ không thực sự nguy hiểm như mẹ tưởng. Tuy điều này an toàn nhưng nếu mẹ phải trải qua những biến động hormone, sự mệt mỏi và buồn nôn, ham muốn gần gũi bạn đời có thể bị giảm đi. Bác sĩ có thể khuyên mẹ tránh quan hệ nếu: Mẹ có nguy cơ sinh non, chảy máu âm đạo, rò rỉ nước ối hay cổ tử cung của mẹ bắt đầu mở sớm hay là mẹ bị nhau thai tiền đạo.
* Mẹ có thể đọc và tìm hiểu về tuần mang thai thứ 11 TẠI ĐÂY.