"Liều thuốc phòng ngừa" biếng ăn giúp trẻ không chê bất cứ món gì

Thủy Linh,
Chia sẻ

Thói quen ăn uống hình thành trong 2 năm đầu đời sẽ ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của trẻ sau này. Vì vậy, để trẻ không biếng ăn, cha mẹ cần tuân thủ 1 số nguyên tắc cần thiết ngay từ bé.

Bác sỹ dinh dưỡng nhi khoa Karen Le Billon – Giảng viên trường Đại học British Colubia (Canada) cho biết, hình thành cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh trước 2 tuổi được coi là “liều thuốc phòng ngừa” cho thói biếng ăn.

Bố mẹ có thể áp dụng 15 bí quyết dưới đây để tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh:

1. Thay đổi tư duy

Bác sỹ Le Billon chia sẻ “Không đứa trẻ nào ngay từ khi sinh ra đã yêu thích các loại thức ăn mới. Trẻ cần phải được dạy cách hình thành sự yêu thích đó.”

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ sẽ ăn một loại rau củ nào đó nhiều hơn nếu được nếm thử ít nhất 8-9 lần. Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh lại từ bỏ việc luyện ăn đó cho trẻ chỉ sau 3-5 lần nếu trẻ không thích đồ ăn đó. Vậy nên trước khi cho rằng trẻ kén ăn hay biếng ăn, hãy nhớ rằng đơn giản trẻ vẫn đang làm quen và học cách ăn.

2. Thử mọi đồ ăn

Liều thuốc phòng ngừa biếng ăn giúp trẻ không chê bất cứ món gì - Ảnh 1.

Nếu được làm quen với nhiều loại thức ăn và mùi vị trước 2 tuổi, trẻ vẫn có thể ăn nhiều loại thức ăn hơn ngay cả khi bước vào giai đoạn kén ăn so với việc trẻ chỉ biết đến một lượng thức ăn và mùi vị kém đa dạng hơn. Vì vậy hãy cho trẻ thử nhiều thức ăn và mùi vị nhất có thể trong hai năm đầu.

3. Đa dạng cấu trúc thức ăn

Trong các nghiên cứu, trẻ nhỏ được thử nhiều dạng cấu trúc thức ăn rắn, lỏng khác nhau sẽ thích ăn hơn so với trẻ chỉ ăn đồ nhuyễn. Nếu sau 9 tháng tuổi, trẻ không thay đổi thói quen ăn thức ăn từ nhuyễn sang rắn hơn sẽ gặp nhiều vấn đề về ăn uống hơn.

4. Ưu tiên không khí thoải mái

Theo chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Natalia Stasenko, thói kén ăn của trẻ thực chất có thể là phản ứng của trẻ với không khí căng thẳng của bữa ăn. Khi bớt can thiệp vào việc ăn của trẻ và chú ý hơn tới bữa ăn của mình, cha mẹ sẽ có thể làm gương cho trẻ học theo thói quen ăn uống lành mạnh, đồng thời tạo ra không khí bàn ăn an toàn, thoải mái và vui vẻ cho trẻ.

5. Thay đổi khẩu phần ăn tùy thời gian

Liều thuốc phòng ngừa biếng ăn giúp trẻ không chê bất cứ món gì - Ảnh 2.

Trẻ nhỏ vẫn chưa hình thành được ý tưởng thức ăn gì phù hợp với thời điểm nào trong ngày, hãy tận dụng điều đó. Có thể thay đổi khẩu phần ăn của trẻ trong ngày, miễn là đảm bảo vẫn duy trì đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng giữa các bữa.

6. Cho phép trẻ “chơi” với đồ ăn

Đừng ngay lập tức chạy đến lau mặt trẻ hay không cho trẻ nghịch đồ ăn. Trẻ cần được trải nghiệm đồ ăn bằng tất cả tri giác của trẻ. Theo chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Melanie Potock, khi bóp nát hay bôi thức ăn ra bàn, trẻ sẽ học được bài học quan trọng về cấu trúc của đồ ăn và hình thành thói quen với nhiều đồ ăn khác nhau.

7. Thêm rau, củ, quả vào mọi bữa ăn của trẻ khi có thể

Theo Tiến sỹ, chuyên gia dinh dưỡng Dina Rose, cha mẹ không nhất thiết phải bổ sung rau, củ, quả vào 100% bữa ăn của trẻ, nhưng phải đảm bảo cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với trái cây và rau củ hàng ngày. Từ đó, giúp trẻ hiểu rằng rau củ là đồ ăn cần thiết ở mọi thời điểm trong ngày thay vì chỉ trong bữa tối.

8. Thay đổi cách ăn món tráng miệng

Liều thuốc phòng ngừa biếng ăn giúp trẻ không chê bất cứ món gì - Ảnh 3.

Hãy thử áp dụng phương pháp của chuyên gia dinh dưỡng Ellyn Satter: cho phép trẻ ăn tráng miệng trước hoặc thậm chí trong bữa ăn, miễn là phần tráng miệng đó không nhiều và trẻ sẽ ăn hết những thức ăn khác.

9. Truyền tải thông điệp tích cực

Chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Jill Castle gợi ý hãy trò chuyện với trẻ về thức ăn. Khi cho trẻ ăn nhẹ, hãy nói, “Mình cùng ngồi xuống để thưởng thức được hương vị của món ăn nhé”. Trò chuyện về tình trạng đói hoặc no của trẻ bằng cách: “Bụng con đã no chưa hay vẫn đói nhỉ?”. Nếu trẻ không thích bữa ăn đó, đảm bảo với trẻ rằng: “Mẹ biết con muốn X, nhưng chúng ta không lặp lại một món mỗi ngày. Mình sẽ ăn món đó lần sau con nhé.”

10. Ngăn chặn trẻ kén ăn ngay từ đầu

Ngay từ đầu, cha mẹ nên sử dụng đồ ăn đa dạng về nguồn gốc, thành phần, hình dạng, kích thước và mùi vị. Chẳng hạn, thay đổi cơm trắng trẻ đã quen thuộc thành cơm màu nâu, đỏ, đen, xôi đồ, cơm chiên và cơm trộn với các loại rau củ.

11. Bỏ qua biểu cảm của trẻ

Nếu trẻ nhăn mũi khi phải ăn súp lơ xanh xay nhuyễn, đừng lầm tưởng rằng trẻ ghét đồ ăn đó. Bác sỹ Le Billon cho biết, nếu trẻ phàn nàn: “Con không thích món này,” tức là trẻ muốn nói, “Con không biết món này.” Nếu trẻ nhất định không ăn, hãy loại bỏ món ăn đó ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ và thử lại sau vài ngày hoặc vài tuần.

12. Cho trẻ ăn rau trước

Liều thuốc phòng ngừa biếng ăn giúp trẻ không chê bất cứ món gì - Ảnh 4.

Bác sỹ Le Billon gợi ý cho trẻ ăn nhẹ bằng rau vài giờ trước bữa tối – có thể là rau có trong bữa tối của gia đình hoặc bất kỳ loại rau nào sẵn có. Bằng cách đó, thậm chí nếu trẻ không ăn rau trong bữa chính, cha mẹ vẫn có thể yên tâm vì trẻ đã ăn rau trước đó.

13. Nếm đồ ăn quan trọng hơn ăn đồ ăn đó

Trẻ càng được nếm nhiều lần một loại đồ ăn thì càng dễ chấp nhận đồ ăn đó. Tuy nhiên, nếm chỉ đơn giản là chạm lưỡi vào đồ ăn đó và trẻ không nhất thiết phải nuốt nó. Theo Tiến sỹ Leann Birch – giảng viên chuyên ngành thực phẩm và dinh dưỡng trường Đại học Georgia ở Athens (Mỹ), nếu trẻ không bị áp lực phải nhai và nuốt mọi món ăn và thậm chí được phép nhả ra nếu không thích, trẻ có khả năng sẽ thử nhiều đồ ăn mới hơn.

14. Tránh cho trẻ ăn theo thực đơn

Hãy bỏ qua hai khái niệm “thức ăn cho trẻ” và “thức ăn người lớn”. Thay vì chuẩn bị bữa ăn cho trẻ theo thực đơn, hãy cho trẻ ăn những món ăn có sẵn ngay trong bữa cơm gia đình.

15. Đừng đi theo lối mòn

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khẩu vị đối với các loại thức ăn của trẻ chịu ảnh hưởng bởi xu hướng ăn uống của cha mẹ. Tình trạng này có thể cản trở việc trẻ làm quen và yêu thích đồ ăn. Hãy tạo cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh thay vì khiến trẻ đi theo con đường mòn của cha mẹ.

Nguồn: Parents

Chia sẻ