Làm đủ mọi cách mà con vẫn lười ăn, lý do bởi những kiểu ÉP ĂN SAI LẦM mà cha mẹ thường mắc khiến trẻ sợ hãi
Đôi khi, chứng lười ăn, chán ăn của con lại xuất phát từ chính hành động ép ăn hàng ngày của cha mẹ.
Làm sao để con ăn ngoan, hấp thụ tốt là vấn đề khiến không ít các mẹ đau đầu. Trong khi một số bé rất hào hứng với việc ăn uống thì nhiều em bé khác luôn nói ''không'' mỗi khi đến giờ ăn. Ngoài các yếu tố khách quan như đau ốm, mệt mỏi, giờ giấc thay đổi do đi du lịch... thì một số em bé bị rơi vào tình trạng lười ăn, biếng ăn khiến bố mẹ ''khổ sở'' theo.
Tuy nhiên, với chế độ dinh dưỡng hàng ngày, có nhiều bố mẹ đang áp dụng sai cách khiến trẻ càng thêm ghét ăn. Dưới đây là một số sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải, phụ huynh cần thay đổi ngay để tạo cho trẻ thói quen cũng như thực đơn ăn uống lành mạnh giúp bé ngon miệng hơn.
1. Cho bé ăn quá nhiều vào bữa tối
Để có một ngày hoạt động thật hiệu quả, bữa sáng chính là bữa quan trọng nhất đối với trẻ. Các con nên được ăn bữa này nhiều hơn một chút thay vì bữa tối. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng do trẻ ăn ở trường chưa đủ no nên dồn ép con ăn tối với mục đích bù lại lượng thức ăn của bữa sáng và bữa trưa, nhưng quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.
Sau bữa tối, trẻ thường không có nhiều hoạt động, dẫn đến ít tiêu hao năng lượng. Nếu ăn quá no, đặc biệt là vào thời điểm trước khi đi ngủ sẽ khiến dạ dày phải hoạt động hết công suất, năng lượng tiêu hao thấp hơn so với năng lượng ăn vào làm tích lũy mỡ trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
Không chỉ thế, việc ăn quá no cũng có thể khiến con bị khó ngủ, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác và sức khoẻ của bé. Nhiều trẻ được bố mẹ ''nhồi ăn'' có thể bị béo phì, nguy cơ dẫn đến các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch gây nguy hại lâu dài cho sức khoẻ của trẻ.
Thay vì ép con ăn quá nhiều vào một bữa nào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn vừa phải, đủ chất và dinh dưỡng tương ứng với mỗi bữa. Lượng thức ăn không nên quá nhiều hay quá ít và có thể chia ra thành nhiều bữa trong ngày (khoảng 5 bữa).
Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt, với trẻ em tiểu học từ 6 - 11 tuổi năng lượng khuyến nghị:
- Nhu cầu dinh dưỡng đối với bé trai 6-7 tuổi là: 1.570 Kcal/trẻ/ngày. Ở độ tuổi 8-9 là: 1.820 Kcal/trẻ/ngày. Trẻ 9-11 tuổi là: 2.150 Kcal/trẻ/ngày.
- Nhu cầu dinh dưỡng với bé gái 6-7 tuổi là: 1.460, Ở độ tuổi 8-9 là: 1.730 Kcal/trẻ/ngày. Trẻ 9-11 tuổi là: 1.980 Kcal/trẻ/ngày.
2. Ngại đổi món, lặp đi lặp lại thực đơn nhàm chán mỗi ngày
Trẻ rất hào hứng với màu sắc và sự thay đổi trong các bữa ăn. Vẫn là món ăn đó nhưng thay vì luộc thông thường, mẹ có thể đổi kiểu sang hấp, chiên, xào, rán... cùng cách trang trí màu sắc, bắt mắt... chắc chắn sẽ thu hút trẻ hơn.
Một thực đơn lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ khiến trẻ không muốn ăn, sau đó lại bị bố mẹ ép ăn bằng hết khiến con càng sợ hãi, tỏ ra mệt mỏi mỗi khi đến giờ ăn cơm. Bố mẹ nên chịu khó dành thời gian cho bữa cơm của con, không cần phải quá khéo tay, chỉ cần mẹ thay đổi một chút cũng sẽ khiến bé cảm thấy thích thú cho mà xem.
3. Lúc nào ốm mới ''được'' ăn ngon
Khi con bị ốm, bố mẹ nào cũng sốt sắng mong con khỏi, mua cho trẻ đủ mọi thức ăn bổ dưỡng nhất. Tuy nhiên, vì mệt mỏi và khó chịu nên trẻ sẽ không muốn ăn, ăn cho có chứ không cảm thấy ngon miệng. Nhưng nhiều cha mẹ không hiểu điều này, cố ép con ăn bằng mọi hình thức khiến trẻ khóc lóc, sợ hãi, thậm chí bị ám ảnh mỗi khi nhắc tới đồ ăn dù chúng có ngon tới đâu.
Trong khoảng thời gian này, trẻ cần được nghỉ ngơi, ăn đủ để cơ thể hồi phục. Bố mẹ nên lựa cho con ăn những gì bé thích với khẩu phần phù hợp, không nên cố ép đến mức trẻ nôn, trớ... Và những ngày sau đó, trẻ bị ám ảnh, chỉ cần nhìn thấy đồ ăn đã ôm mặt sợ hãi rồi khóc thét hoặc chạy trốn.
4. Nói những chuyện không vui trong giờ ăn
''Trời đánh tránh miếng ăn'', nhưng nhiều cha mẹ dường như quên mất điều này. Cứ đến giờ ăn là bắt đầu nói ra những câu chuyện không vui như vì sao con hư, không nghe lời, ở lớp học bị điểm kém, so sánh bạn A, bạn B... Những chuyện này vô tình khiến trẻ cảm thấy tâm trạng đi xuống, không còn hứng thú với bữa ăn, nhiều bé thậm chí muốn né tránh, không muốn ăn cơm cùng bố mẹ.
Thay vào đó, bạn nên nói chuyện tích cực và vui vẻ để giờ ăn không còn là ám ảnh với con. Khi tâm trạng của bé thoải mái thì bữa ăn cũng sẽ trở nên ngon miệng hơn. Nhiều bố mẹ thấy con không ăn thì ép, la mắng hoặc dùng đòn roi khiến trẻ phải ăn trong nước mắt. Bữa cơm như vậy sẽ chẳng bao giờ ngon được cả.
5. Cho con ăn quá nhiều đạm trong một bữa ăn
Một bữa ăn của bé phải được nạp đầy đủ các chất từ tinh bột, đạm và rau củ. Nếu chỉ ăn một thứ nào đó, bé sẽ không đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Đặc biệt, nếu chỉ ăn đạm, cơ thể con sẽ thiếu chất xơ trầm trọng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé.
Với mong muốn thúc cho con mau lớn và tăng cân, cha mẹ cho con ăn quá nhiều chất đạm trong một bữa là sai lầm. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, do đang ở độ tuổi phát triển nhanh nên nhu cầu dinh dưỡng của trẻ đòi hỏi rất cao trong khi đó dạ dày của trẻ còn nhỏ, hệ tiêu hóa non nớt dễ mắc bệnh, kéo theo suy dinh dưỡng, còi xương. Vì vậy, các bà mẹ cần chú ý cho trẻ ăn đúng nhu cầu lượng đạm cần thiết, không ăn quá nhiều đạm.
Bữa ăn bổ sung của trẻ phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu: nhóm đường bột, nhóm cung cấp chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Cho ăn đủ nhu cầu, cân đối các chất dinh dưỡng giúp cho trẻ phát triển tốt, ngược lại trẻ sẽ bị nguy cơ suy dinh dưỡng nhẹ cân và suy dinh dưỡng thấp còi.
- Nhu cầu chất đạm của trẻ từ 6-11 tháng tuổi là 2-2,5 g/kg/24 giờ, nhu cầu trung bình là 14-17 g/24 giờ (tương ứng với 20-30g thịt/bữa).
- Lượng dầu hoặc mỡ từ 1-2 thìa cà phê/bữa ăn.
- Lượng rau xanh 1-2 thìa cà phê/bữa ăn. Công thức một bữa bột cua cho trẻ 7-9 tháng tuổi gồm: Bột gạo tẻ 4 thìa cà phê, nước lọc cua 1 bát con, mỡ ăn 1 thìa cà phê, rau xanh giã nhỏ 2 thìa cà phê.
6. Hình thành những thói quen xấu khi ăn
Thấy con lười ăn, nhiều mẹ bắt đầu nghĩ ra các cách để phân tán sự chú ý của bé như vừa ăn vừa chạy nhảy, nô đùa, xem thiết bị điện tử trong lúc ăn... Thói quen này sẽ khiến não bộ của trẻ không tập trung vào việc ăn và làm ảnh hưởng rất nhiều đến cơ quan tiêu hóa. Vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại rất dễ dẫn đến phản ứng đau tức bụng ngay sau khi ăn và ảnh hưởng lâu dài sẽ gây ra bệnh đau dạ dày.
Bên cạnh đó, khi tập trung vào những thứ khác, trẻ sẽ không biết hôm nay mình ăn món gì, có ngon hay không... Bé nuốt chỉ là vì phản xạ chứ không phải hứng thú ăn uống. Việc này kéo dài sẽ hình thành thói quen xấu cho trẻ.
Tốt nhất, một bữa ăn của con không nên kéo dài quá 30 phút. Nên để trẻ cùng ăn cơm với cả nhà, tham gia trò chuyện vui vẻ, tạo không khí thoải mái cho bữa ăn. Trẻ cũng nên được giới thiệu các món như người lớn và được phép chọn món con thích.
7. Ăn quá nhiều bữa trong ngày, thiếu vận động thể chất
Nhiều cha mẹ rơi vào tình trạng cho con ăn luôn mồm, ăn suốt cả ngày vì lo bé đói, thiếu dinh dưỡng... Điều này tạo ra thói quen không hề tốt cho hệ tiêu hoá cũng như sức khoẻ của con. Trẻ nên học cách ăn đầy đủ các bữa, ít ăn vặt, đặc biệt là vào buổi tối để đảm bảo sức khoẻ răng miệng.
Giữa các bữa ăn, trẻ cần được tiêu hao năng lượng bằng cách tham gia những hoạt động thể chất cần thiết. Nhiều gia đình để trẻ trong tình trạng suốt ngày "làm bạn" với tivi, điện thoại, lười vận động, vui chơi. Hoạt động thể chất chính là cách tiêu hao năng lượng đã được ăn vào giúp trẻ nhanh đói và ăn ngon. Cần kết hợp dinh dưỡng đi đôi với vận động thì trẻ mới có cảm giác đói, ăn ngon. Đây cũng chính là cách để phát triển toàn diện cho trẻ.
Kết lại, để trẻ cảm thấy ngon miệng trong các bữa ăn, cha mẹ cần có cách, tránh tình trạng ép ăn khiến con sợ hãi, chán nản.
(Tổng hợp)