Khi còn là thai nhi ở trong bụng mẹ, em bé đã biết khóc và đây là lý do
Chưa chắc mẹ bầu nào cũng biết đến một sự thật thú vị là thai nhi đã biết khóc từ khi còn ở trong bụng mẹ.
Cất tiếng khóc khi chào đời là bản năng của trẻ sơ sinh. Nhưng liệu rằng trẻ có biết khóc ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ? Thật đáng ngạc nhiên, câu trả lời là có, trẻ đã khóc khi còn là 1 thai nhi. Còn với những người phụ nữ sắp làm mẹ, đừng nên lo lắng khi biết được tin này, bởi đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, và là một phần trong quá trình phát triển của thai nhi.
Lý do trẻ sơ sinh khóc từ khi còn ở trong bụng mẹ
Một nghiên cứu mới được tiến hành tại trường Đại học Durham và Lancaster (Anh) đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển phương thức giao tiếp với mọi người ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Và khóc là phương thức giao tiếp đầu tiên của trẻ.
Hình ảnh thu được từ siêu âm 4D...
...cho thấy biểu cảm khuôn mặt của thai nhi.
Các nghiên cứu đã sử dụng phương pháp siêu âm và phát hiện các biểu cảm mặt nhăn nhó của bào thai. Các thai nhi này cũng thể hiện biểu cảm hạ thấp lông mày và nhăn mũi. Nghiên cứu đã tiến hành phân tích các đoạn video quét 4D của 8 trẻ gái và 7 trẻ trai trong bụng người mẹ.
Bác sỹ Reissland là một giảng viên cấp cao thuộc trường Đại học Durham. Theo bà, việc thai nhi khóc trong bụng mẹ dường như liên quan đến sự phát triển não bộ hơn làm cảm xúc của trẻ. Tuy nhiên, để khẳng định lại lập luận này các nhà khoa học cần tiến hành nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Bà cho biết: "Vẫn chưa rõ liệu thai nhi có thể thực sự cảm nhận được cơn đau, và chúng tôi cũng chưa thể khẳng định liệu các biểu cảm khuôn mặt có liên quan tới cảm giác của trẻ. Quan trọng là trẻ cần có khả năng thể hiện cơn đau ngay khi chào đời để có thể truyền đạt tới người chăm sóc trẻ bất kỳ khó chịu hay đau đớn nào trẻ cảm nhận được".
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu hơn nữa cần được tiến hành để xác định mối liên hệ giữa biểu cảm khóc và cảm giác đau của trẻ.
3 cách giao tiếp với thai nhi hiệu quả
Giao tiếp với thai nhi một cách có ý thức có thể giúp gây dựng sự gắn kết giữa người mẹ và đứa trẻ. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ để giao tiếp hiệu quả với thai nhi.
Đọc to hoặc trò chuyện thành tiếng là cách giao tiếp với thai nhi hiệu quả.
1. Đọc to thành tiếng hoặc trò chuyện với thai nhi là một trong những phương pháp giao tiếp bằng ngôn ngữ dễ dàng nhất. Thai nhi có thể nghe được tiếng người mẹ từ tuần thai thứ 18 nếu thính giác của trẻ phát triển bình thường. Nhờ đó khi chào đời, khả năng cao là trẻ sẽ nhận biết được giọng của người mẹ.
2. Các trò chơi đơn giản bao gồm việc khuyến khích trẻ phản ứng lại với các kích thích từ thế giới bên ngoài cũng là một phương pháp hiệu quả để giao tiếp với trẻ. Người mẹ có thể thử gõ nhẹ vào bụng và đợi phản ứng của trẻ. Biết đâu trẻ sẽ đáp trả tiếng gõ của người mẹ. Bác sỹ khoa sản đã về hưu F. Renee Van de Carr ở bang California, Hoa Kỳ cho biết thai nhi học được cách phản ứng lại với một vài kích thích nhất định, bao gồm hành động chạm vào bụng người mẹ.
Thai nhi phản ứng với âm nhạc bằng cách giảm hoặc tăng tốc độ chuyển động.
3. Âm nhạc là một công cụ giao tiếp cực kỳ hiệu quả khác giữa người mẹ và thai nhi. Hãy cho trẻ nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, êm ái và du dương. Các chuyên gia cho biết thai nhi có xu hướng giảm tốc độ chuyển động trong bụng mẹ để phản ứng lại với bản nhạc nhẹ trong khi âm nhạc to, ồn ã có thể khiến thai nhi đấm đá tích cực và thường xuyên hơn.
Nguồn: Popsugar, BBC, Livestrong