Jack Ma khẳng định, nếu không để trẻ làm việc này, 30 năm sau khó có thể tìm được việc làm
Hãy biến sân chơi thành nơi rèn luyện nhân cách và trau dồi kiến thức để con trẻ có thể phát triển toàn diện và bắt kịp xu thế tương lai.
Trong buổi diễn thuyết tại Quý Châu (Trung Quốc) được tổ chức cách đây không lâu, Jack Ma đã phát biểu một nhận định khiến dư luận không khỏi kinh ngạc:
"Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp dạy học cũ để giáo dục con trẻ ngày nay, những thứ ấy khiến cho con em của chúng ta không có cơ hội thể nghiệm, không được chơi, không được thử cầm, kỳ, thi, họa… thì tôi có thể đảm bảo, 30 năm sau, các em sẽ không tìm được việc làm".
Lý giải cho nhận định của mình, Jack Ma cho rằng phương pháp giáo dục hiện nay sẽ khiến thế hệ sau của chúng ta không thể nào cạnh tranh với máy móc, với trí tuệ nhân tạo.
Cũng theo dự đoán của ông, trong tương lai gần, máy móc hoàn toàn có thể thay thế vị trí của con người trong công việc.
Nếu thế hệ tương lai muốn cạnh tranh cùng máy móc, mấu chốt không nằm ở kiến thức, mà nằm ở trí khôn. Bởi lẽ, kiến thức có thể học, nhưng trí khôn thì chỉ có được nhờ trải nghiệm.
Cũng tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, Jack Ma từng đưa ra vấn đề thay đổi phương pháp giáo dục để thế hệ sau có thể bắt kịp xu thế phát triển của tương lai. (Ảnh minh họa).
Đối với vấn đề này, hai nhà văn gạo cội của Trung Quốc từng đưa ra quan điểm tương đối giống nhau:
Nữ nhà văn nổi tiếng Long Ứng Đài cho rằng:
"Học 100 tiết mỹ thuật không bằng để con trẻ tự thể nghiệm ngoài tự nhiên 1 ngày; dạy 100 tiết thiết kế không bằng để học sinh tự mình đi ngắm nhìn những thành phố cổ xưa; giảng 100 lần kỹ năng sáng tác văn học, không bằng để cho tác giả tự dấn thân vào cuộc đời…"
Tác giả Tịch Mộ Dung cũng đưa ra quan điểm tương tự:
"Nếu như một đứa trẻ sống cuộc sống không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ví dụ như chúng chưa một lần sờ vào thân cây, chưa một lần giẫm lên lá khô, thì chẳng có cách nào dạy mỹ thuật cho các em, bởi chúng chưa từng tiếp xúc với cái đẹp".
Bởi vậy, có thể nói việc tạo điều kiện cho con trẻ chơi đùa, thể nghiệm là vô cùng trọng yếu.
Vui chơi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ
Để con trẻ dành thời gian cho những hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích cũng là một cách giáo dục hiệu quả. (Ảnh minh họa).
Vui chơi có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và hình thành nhân cách con người.
Người biết vui chơi một cách thông minh thì cuộc sống cũng như công việc của họ luôn thú vị. Những người này cũng sở hữu năng lực sáng tạo mạnh mẽ và luôn tràn đầy niềm vui.
Ngược lại, người không biết vui chơi, không có điều kiện giải trí thường trải qua một cuộc sống tẻ nhạt, thiếu năng lực sáng tạo.
Những kiến thức mà con trẻ học tập, tiếp thu phần lớn đều từ quá trình vui chơi giải trí mà ra.
Mỗi một độ tuổi khác nhau, con người đều có những việc nên làm, nên thể nghiệm.
Ví dụ như ở giai đoạn sơ sinh, yêu thương và hưởng thụ là điều tất yếu. Tới giai đoạn niên thiếu, vui chơi, nô đùa là đặc điểm nổi bật.
Khi bước sang độ tuổi thanh niên, thể nghiệm yêu đương và khám phá là việc nên làm. Tới lúc trưởng thành, cuộc đời của con người lại gắn với thực tế và trách nhiệm.
Chỉ khi có được tất cả các đặc thù cho mỗi lứa tuổi kể trên, cuộc đời con người mới thực sự trở nên hoàn chỉnh.
Vì thế, việc hạn chế con trẻ chơi đùa sẽ khiến nhân cách của các em bị tổn thương, khuyết thiếu.
Trên thực tế, nhiều gia đình châu Á thường không khuyến khích con cái giải trí, vui chơi. Nguyên nhân là bởi họ thường áp đặt trách nhiệm của người lớn lên con trẻ quá sớm.
Trẻ em trưởng thành nhờ vui chơi. Những người không biết vui chơi, giải trí sẽ thiếu đi niềm vui trong cuộc sống, trở thành một con người khô khan, cứng nhắc.
Những trò chơi bổ ích có thể diễn ra ở khắp mọi nơi
Những phụ huynh thông minh và tinh tế hoàn toàn có thể biến việc nhà, việc học thành trò chơi khiến con trẻ say mê, hứng thú. (Ảnh minh họa).
Không ít các bậc phụ huynh cho rằng, con trẻ mải chơi sẽ làm trễ nải việc học tập. Vì vậy họ luôn tìm cách giới hạn thời gian chơi đùa và hình thức giải trí của con cái.
Nhưng ít ai biết rằng, quá trình vui chơi của con trẻ không đơn thuần chỉ là tiếp xúc với đồ chơi, trò chơi. Bạn hoàn toàn có thể giúp con vừa chơi, vừa học thông qua những việc đơn giản trong gia đình.
Có đôi khi, chúng ta không nhất thiết phải phân chia rạch ròi giữa chơi đùa với công việc. Bởi thực tế là việc vui chơi, giải trí của con cái có thể tiến hành ở mọi nơi, thậm chí diễn ra ngay trong gian bếp nhà bạn.
Thay vì để con giải trí bằng những hình thức thiếu thực tế, bạn hoàn toàn có thể cho con vui chơi ngay trong căn bếp, biến đồ ăn thức uống, dụng cụ chế biến thành đồ chơi, dạy con cách phân biệt rau củ, cách nấu nướng…
Đừng vội tìm cách để con được mở rộng tầm mắt và cố gắng biến con thành những hình mẫu xa xăm, bạn nên tạo điều kiện cho con em của mình tìm thú vui từ những điều thiết thực, bình dị trong cuộc sống.
Muốn con vui chơi bổ ích, đừng quên tạo ra nguyên tắc
Quá trình vui chơi của con trẻ cũng cần áp dụng nguyên tắc về thời gian và tần suất mới có thể thu được hiệu quả. (Ảnh minh họa).
Bất cứ trò chơi bổ ích nào cũng khó có thể phát huy tác dụng nếu không được lặp đi lặp lại.
Ví dụ, nếu bạn cho con trẻ làm sủi cảo và đổ rác, chắc chắn và các bé sẽ làm tốt việc đổ rác hơn.
Bởi sủi cảo không được làm hàng ngày, nên các em chưa nắm được các bước tuần tự, chỉ có thể tự thực hiện theo trí nhớ và cách thức của mình.
Trong khi đó, đổ rác là việc ngày nào cũng diễn ra, con trẻ có điều kiện quan sát, học tập, từ đó sẽ thực hiện một cách thành thạo, thậm chí tiến bộ và sáng tạo rất nhanh.
Nguyên tắc lựa chọn và xây dựng trò chơi cho con trẻ cũng tương tự như vậy. Nếu trò chơi bổ ích ấy muốn đem lại công dụng thiết thực, hãy tạo điều kiện cho chúng lặp lại nhiều lần để các em có thời gian làm quen, tiếp thu và sáng tạo.
Kiên trì và tìm tòi là đức tính không thể thiếu khi vui chơi
Thay vì làm hộ con tất cả, hãy dẫn dắt con trẻ và để các em tự hoàn thành trò chơi của mình. (Ảnh minh họa).
Ngoài việc quan sát, tiếp xúc, mấu chốt để quá trình vui chơi đem lại lợi ích cho con trẻ nằm ở yếu tố tính kiên trì và khả năng đi sâu tìm tòi khám phá của các em.
Khi gặp khó khăn trong lúc chơi đùa, con trẻ thường tìm đến sự giúp đỡ từ phía cha mẹ. Tuy nhiên, nếu việc này lặp đi lặp lại, các em sẽ hình thành thói quen dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn.
Đối với những lời "cầu cứu" từ trẻ, cha mẹ không nên giúp đỡ ngay lập tức, mà cần hướng dẫn các bé một cách tường tận hơn.
Hành động thiết thực này sẽ tạo điều kiện cho con em của chúng ta tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết vấn đề, từ đó biến sân chơi trở thành nơi để các bé rèn luyện bản thân mình.
Vui chơi là đặc quyền của con trẻ. Đừng bao giờ cố gắng tước đi đặc quyền ấy của các em vì bất kỳ lý do gì. (Ảnh minh họa).
Nuôi dạy con cái không phải một cuộc thi, vì thế các bậc cha mẹ cần sự kiên nhẫn chứ không phải thái độ hấp tấp.
Trước tiên, bạn hãy dạy con mình cách vui chơi, giải trí, biến sân chơi thành trường học thiết thực thay vì vội vàng tìm cách nhồi nhét kiến thức nơi giảng đường.
Đừng quên rằng, kiến thức là thứ có thể học, còn trí khôn chỉ vào thể nghiệm mới hình thành.