Hồi hộp xem đầy đủ các bước của 1 ca sinh mổ trong clip thu hút 71 triệu lượt xem
Trong một số trường hợp, sinh mổ là biện pháp và lựa chọn an toàn cho mẹ và bé. Thế nhưng quy trình mổ lấy thai, tuần tự các bước để đưa được em bé ra ngoài chưa chắc các mẹ đã biết rõ.
Sinh mổ là một trong những hình thức phẫu thuật phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, tỉ lệ sinh mổ có thể thay đổi giữa các nước và tùy vào tình hình dân số. Đây là phương pháp phẫu thuật nhằm đưa thai nhi ra ngoài qua vết mổ trên bụng thay vì sinh thường qua đường âm đạo. Sinh mổ là biện pháp an toàn cho mẹ và bé nhưng đây là phẫu thuật chính ở vùng bụng nên vẫn có những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy phương pháp này chỉ nên áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ và thực hiện khi nó được coi là lựa chọn an toàn nhất cho mẹ và em bé.
Mới đây, một clip mô phỏng lại các bước trong một ca sinh mổ đã thu hút tới 71 triệu lượt xem, hơn 1 triệu lượt chia sẻ cùng hàng trăm nghìn bình luận. Tận mắt chứng kiến những gì người mẹ phải trải qua để đưa một sinh linh bé nhỏ đến với thế giới, cư dân mạng không khỏi rùng mình sợ hãi, cùng với đó là đồng cảm với những đau đớn và khâm phục nghị lực phi thường của các bà mẹ đã, đang và sẽ trải qua.
71 triệu lượt xem clip các bước trong một ca sinh mổ.
Sinh mổ được tiến hành nếu người mẹ không thể sinh qua đường âm đạo, nếu quá trình sinh qua đường âm đạo gây nguy hiểm cho mẹ hoặc con, nếu mẹ đã từng sinh mổ ở lần sinh trước, hoặc chỉ đơn giản nếu người mẹ thích sinh mổ hơn sinh tự nhiên. Trình tự các bước của một ca sinh mổ có thể gói gọn trong 3 giai đoạn chính như sau:
Giai đoạn chuẩn bị: Mẹ sẽ được làm các thao tác chuẩn bị trước khi lên bàn mổ bao gồm:
- Thay áo phẫu thuật.
- Đặt ống thông tiểu.
- Vệ sinh vùng bụng và vô trùng, trải khăn vô khuẩn.
- Lắp máy đo nhịp tim và huyết áp.
- Thực hiện truyền dịch qua cánh tay để cơ thể không bị mất nước.
- Gây tê cục bộ phần dưới cơ thể bằng cách tiêm thuốc gây tê vào cột sống.
Gây tê tủy sống thường được áp dụng trong các ca sinh mổ giúp người mẹ không còn cảm giác đau đớn (Ảnh minh họa).
Giai đoạn mổ lấy thai: Sau khi chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và tiêm thuốc gây tê vào cột sống, mẹ sẽ mất cảm giác từ vùng ngực đến ngón chân, bao gồm vùng bụng và vị trí bị rạch. Bác sĩ bắt đầu tiến hành phẫu thuật:
- Mở ổ bụng: Bác sĩ sản khoa sẽ rạch một vết trên bụng (giữa vùng dưới rốn hoặc đường ngang trên mu) dài khoảng 20cm xuyên qua các lớp da, mỡ vùng bụng.
- Tiếp đến rạch ngang cơ tử cung đoạn dưới vào đến màng ối.
- Mở rộng vết rạch tử cung sang hai bên.
- Túi nước ối bị vỡ.
- Lấy thai: Bác sĩ nâng, kéo em bé ra khỏi bụng mẹ bằng tay. Lấy đầu thai nếu là ngôi đầu, lấy chân hoặc mông nếu là các ngôi còn lại.
- Kẹp và cắt dây rốn, lau hút nhớt từ miệng trẻ.
- Bác sĩ nhi khoa sẽ kiểm tra sức khỏe và hơi thở của bé.
- Nhau thai được lấy ra và buồng tử cung được làm sạch.
Đội ngũ bác sĩ lần lượt thao tác các bước mổ lấy thai để đưa em bé ra khỏi bụng mẹ.
Giai đoạn hậu phẫu:
- Khâu đóng ổ bụng: Sau khi hoàn thành thao tác mổ lấy thai ra khỏi bụng sản phụ, các bác sĩ sẽ tiếp tục công việc sau cùng là khâu vết rạch tử cung và khâu đóng ổ bụng.
- Bác sĩ lau sạch ổ bụng, kiểm tra tử cung, phần phụ và các cơ quan xung quanh.
- Đóng thành bụng theo từng lớp: Các lớp mô, mỡ và da bị cắt sẽ được khâu lại bằng chỉ tự tiêu. Lớp trên được khâu bằng chỉ rút.
Như vậy, một ca sinh mổ có thể nói là đã hoàn tất. Mẹ và bé sẽ được theo dõi sau phẫu thuật. Riêng người mẹ sau khi trải qua ca mổ cần thời gian để hồi phục và được giám sát nhịp tim và huyết áp cho đến khi ổn định tại phòng hậu phẫu. Sau đó, mẹ sẽ được đưa về phòng nghỉ ngơi cùng với em bé của mình.
Sinh mổ có thể gây ra một số biến chứng mà người mẹ cần hiểu rõ trước khi thực hiện (Ảnh minh họa).
Trong quá trình thực hiện ca mổ, người mẹ sẽ được tiêm mũi gây tê tủy sống nên không hề cảm thấy đau đớn và vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật. Mẹ có thể quan sát và bế em bé ngay sau khi bé ra khỏi bụng mẹ.
Thuốc gây tê có tác dụng làm cho sản phụ mất cảm giác đau đớn trong suốt quá trình phẫu thuật, nhưng vẫn cảm nhận được áp lực khi bác sĩ cố gắng đưa em bé ra ngoài. Sau ca mổ, thuốc tê sẽ từ từ hết tác dụng, mẹ vẫn có thể bị tê từ vùng dưới ngực trở xuống chân.
Người mẹ và bác sĩ nên có kế hoạch sinh thường trừ khi phải mổ lấy thai vì lý do y khoa (Ảnh minh họa).
Trước khi bước vào ca mổ bắt con, các y bác sĩ sẽ thông báo cho mẹ về những biến chứng, ảnh hưởng có thể xảy ra như chảy máu, chấn thương thai nhi, nhiễm trùng vết mổ... Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) luôn khuyến cáo các sản phụ và bác sĩ nên có kế hoạch sinh thường trừ khi phải mổ lấy thai vì lý do y khoa. Mẹ hãy thảo luận nghiêm túc với bác sĩ về ca phẫu thuật và hiểu về các rủi ro có thể xảy ra, chuẩn bị cả về mặt tinh thần và thể chất để bước vào ca mổ của mình.
Nguồn: Science, Family, Instagram