Mẹ Việt có 2 tử cung kể về hành trình mang thai đầy gian nan và bí quyết giảm đau đớn sau sinh mổ

AT,
Chia sẻ

Trải qua 2 lần sinh mổ, chị Kiều đã đúc rút được những kinh nghiệm quan trọng giúp sản phụ bớt đau đớn hơn sau khi sinh mổ.

Với một người phụ nữ bình thường, cơ quan sinh sản sẽ chỉ gồm có một tử cung và một âm đạo. Thế nhưng với chị Giang Thị Thúy Kiều (40 tuổi, hiện đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) lại khác. Chị vốn có cơ địa rất khác biệt với hai tử cung, hai cổ tử cung nhưng chỉ một âm đạo, là một trong những dị tật tử cung ở nữ. Với sự khác người này, hành trình mang thai của chị cũng rất gian nan khi 4 lần đậu thai nhưng chỉ sinh mổ thành công 2 bé. Ngoài ra, chị cũng tìm hiểu và đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm để sinh mổ không đau và gọi sữa mẹ về liền chỉ 1 ngày sau sinh.

Nhờ làm động tác nhỏ này trong phòng hồi sức, mẹ Việt 2 con đã giảm hơn 50% đau đớn sau khi sinh mổ - Ảnh 1.

Chị Thúy Kiều có cơ quan sinh sản rất khác biệt.

Nhật ký mang thai đầy gian nan với cơ địa 2 tử cung

Vốn có cơ địa đặc biệt như trên, chị Kiều phải trải qua những ngày tháng rất vất vả, đủ mọi cung bậc cảm xúc hồi hộp lo lắng mới có thể sinh mổ thành công 2 cô con gái (nay đã 9 tuổi và 3 tuổi). Ở lần thứ nhất mang thai, khi em bé được 12 tuần thì đột ngột bị mất tim thai. Ở lần thứ 3 mang thai, khi bé được khoảng 10 tuần thì chị bị sảy thai với biểu hiện ra máu nhiều. Có hai em bé sinh mổ thành công ở lần mang thai thứ 2 và thứ 4, nhưng chị đều phải nằm viện khoảng 1 tháng mới có thể giữ được bé an toàn trong bụng mẹ.

Chị Kiều kể lại: "Mình dễ mang thai nhưng rất khó dưỡng và giữ thai. Cả 4 lần thụ thai thì thai đều nằm ở tử cung bên trái. Lần mang thai nào mình cũng phải nằm một chỗ, cơm nước tận giường trong suốt thai kỳ vì lúc nào cũng bị ra máu như thời kỳ kinh nguyệt. Đó là nỗi ám ảnh khi mang thai của mình. Nguyên nhân được bác sĩ giải thích là khi mang thai, niêm mạc tử cung sẽ dày lên giúp thai bám chắc vào thành tử cung và lấy chất dinh dưỡng. Còn tử cung bên không có thai cũng ảnh hưởng theo, niêm mạc cũng dày lên nhưng không có tác dụng gì thì bong tróc và ra ngoài".

Nhờ làm động tác nhỏ này trong phòng hồi sức, mẹ Việt 2 con đã giảm hơn 50% đau đớn sau khi sinh mổ - Ảnh 2.

Trong 4 lần thụ thai, chị Kiều chỉ sinh thành công 2 bé gái ở lần thứ 2 và thứ 4.

Mỗi lần chậm kinh 5 ngày, thử que có 2 vạch, chị Kiều đều phải ngay lập tức tuân theo chỉ định của bác sĩ là nằm ở nhà và sử dụng thuốc để bổ sung nội tiết tố liên tục. Ở bé sau cùng (lần thụ thai thứ 4), chị Kiều phải vào viện khi thai được khoảng hơn 3 tháng và tưởng chừng như không thể giữ được bé vì ra máu liên tục và nhiều. Chị được tiêm thuốc bổ sung nội tiết tố trong nhiều ngày đêm nhưng cũng không có dấu hiệu thuyên giảm. Thời điểm ấy, tất cả các dấu hiệu sảy thai chị Kiều đều có hết, thuốc tiêm liên tục nhưng vẫn không có kết quả, xuất huyết không cầm được.

May mắn đến với chị Kiều khi vô tình biết đến một bài thuốc giữ thai từ củ cây gai, nấu nước uống thay nước lọc hàng ngày: "Đợt đấy là thời điểm Tết nguyên đán, mình nằm qua Tết mới xuất viện về, còn được bệnh viện tặng quà cho trường hợp bệnh nguy hiểm. Nhưng mình uống nước từ củ gai được 3 ngày thì dấu hiệu ra máu giảm rõ rệt và ổn định. Từ máu tươi chuyển sang sậm dần rồi giảm từ từ. Uống nước đó khoảng 1 tuần thì giảm hẳn. Sau khi xuất viện về nhà thì vẫn ra máu nhưng ít, khi nào có dấu hiệu ra máu tươi thì lại mua củ gai về nấu, uống 1 tuần rồi ngưng".

Đến khoảng cuối tháng thứ 6 thì dấu hiệu ra máu không còn nữa. Đợt đấy công ty có đợt thanh tra quyết toán, chị Kiều vẫn đi làm một buổi sáng, được chồng chở đi rồi đón về. Sau gần 1 tháng, chị lại tiếp tục bị ra máu nên nằm nghỉ ở nhà và uống nước từ củ cây gai để cầm máu lại. Lúc được 38 tuần, bác sĩ khám và bảo em bé cứng cáp, đã đủ tiêu chuẩn để mổ. Và đó cũng là thời điểm chị đón thêm bé gái thứ 2 chào đời.

Nhờ làm động tác nhỏ này trong phòng hồi sức, mẹ Việt 2 con đã giảm hơn 50% đau đớn sau khi sinh mổ - Ảnh 3.

Hai chị em gái xinh xắn đã 9 tuổi và 3 tuổi.

Bí quyết nhỏ trong phòng hậu phẫu để sau khi sinh mổ bớt đau đớn

Theo chị Kiều chia sẻ, những bước thực hiện của một ca sinh mổ thường rất giống nhau, diễn ra chóng vánh và chỉ khoảng 15 phút sau là đã thấy mặt con. Thế nhưng, bước quyết định giúp sản phụ không bị đau nhiều sau sinh lại khi nằm ở phòng hồi sức. "Đó là một căn phòng lạnh, lạnh đến nỗi nhiều người run cầm cập và phải chiếu đèn cho cơ thể ấm lại. Nằm trong phòng hồi sức là thời khắc quyết định bạn sẽ đau ít hay nhiều sau sinh mổ. Lúc này, thuốc tê vẫn còn, người vẫn tỉnh, không thấy đau gì nhiều cho dù bạn mới vừa được bác sĩ rạch nhiều lớp da thịt".

Nhưng chị Kiều tiết lộ, ở thời điểm này, sản phụ nên nghiêng sang trái, phải rồi nằm ngửa, và tiếp tục lặp lại các cử động nhẹ nhàng này để giúp cơ thể linh hoạt, có thể làm quen được với những hoạt động sau sinh. Trong lúc thực hiện các động tác xoay người, các mẹ cũng nên tranh thủ nói chuyện, chia sẻ với những người bên cạnh, thậm chí giải thích về cách mà mình đang làm. Thực tế, chỉ cần tránh việc nằm im trong phòng hồi sức là đã góp phần giảm thiểu được những cơn đau sau khi đã hết thuốc tê.

"Các mẹ yên tâm đừng lo vết mổ bị bục chỉ, bung ra hay có vấn đề gì khác, bởi không bao giờ có khả năng đó xảy ra. Bác sĩ đã khẳng định với mình điều đó. Đến khi hết thuốc tê, lúc này vết mổ đã bắt đầu đau râm ran, nhưng nhờ những động tác trên đã làm giảm cơn đau vết mổ hơn 50%. Mình đã áp dụng cách này và nó thực sự hiệu quả đối với mình", chị Kiều cho biết thêm.

Nhờ làm động tác nhỏ này trong phòng hồi sức, mẹ Việt 2 con đã giảm hơn 50% đau đớn sau khi sinh mổ - Ảnh 4.

Trải qua hai lần sinh mổ khác biệt, chị Kiều đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quan trọng.

Cũng nhờ áp dụng mẹo nhỏ này, khi ra khỏi phòng hồi sức, nằm trên băng ca, chị Kiều đã có thể gượng người nhìn bé con nằm dưới chân mình. Chị cũng có thể nói chuyện bình thường với người nhà, thậm chí còn cười được rất tươi. Khi hết thuốc tê, chị chỉ hơi đau, vẫn có thể dậy bế bé, cho bé ti được, còn nằm cho bé ti thì rất thoải mái. Sau sinh, bệnh viện thiếu phòng, chị phải nằm ở hành lang và cách khá xa nhà vệ sinh. Thế nhưng chị Kiều vẫn có thể tự đi vệ sinh mà không cần ông xã dìu. Điều này còn khiến ông xã chị ngạc nhiên vô cùng vì khác hẳn so với lần sinh trước đó.

Chị Kiều kể lại trong lần sinh đầu, vốn còn đang rất sợ nên chị nằm im thin thít cho đến khi ra khỏi phòng hồi sức. Sau đó, khi hết thuốc tê, từng cơn đau vết mổ và các cơn co tử cung kéo đến từng hồi, dồn dập khiến chị chỉ biết nhắm mắt nuốt nước mắt vào trong. Lần ấy chị cũng không thể tự làm gì được, lúc nào cũng cần chồng kè sát một bên để dìu, đỡ đần. Còn lần sau khi đã có kinh nghiệm và thực hiện được mẹo nhỏ như trên, chị có thể tự làm hết mọi việc sau sinh.

Đến nay, khi bé út đã 3 tuổi, những cảm xúc và trải nghiệm về hành trình mang thai, nhật ký đi sinh mổ vẫn vẹn nguyên trong chị Kiều. Vậy nên chị muốn chia sẻ lại, hy vọng có thể giúp các mẹ có thêm động lực trên con đường làm mẹ của mình.

Chia sẻ