Ký ức khó quên của mẹ Hà Nội: 8 ngày sau sinh mổ, máu chảy ròng ròng, bác sĩ chỉ định mổ lại lần nữa

MA,
Chia sẻ

Ký ức về lần sinh con đầu lòng hẳn chẳng mẹ nào có thể quên được. Và với trải nghiệm sinh mổ đầy biến cố như của bà mẹ Hà Nội dưới đây thì nó chắc chắn sẽ còn ám ảnh chị lâu dài.

Câu chuyện đi đẻ tưởng chừng như bình thường mà bất cứ mẹ bầu nào cũng sẽ phải trải qua, nhưng với chị Hà Mèo (hiện đang sinh sống tại Hà Nội), lần đầu sinh mổ bé Tit Tit vào ngày 2/1/2014 cũng là chuỗi hành trình vô cùng khó quên bởi ca sinh mổ của chị ngỡ... chỉ có trên phim.

Chị Hà dự sinh vào ngày 16/1/2014 nhưng đến tuần thứ 35, bụng đã to như sắp đẻ mà vẫn cao vút vì con nhất quyết không chịu quay đầu. Chị chuẩn bị cho tâm lý sinh mổ.

Ngày Giáng sinh, đi siêu âm, bác sĩ phát hiện dây rốn của con bị xoắn lò xo, các nút xoắn rất mau, nguy cơ có thể đứt dây rốn. Chị tức tốc vào viện kiểm tra kĩ hơn, siêu âm mạch não rốn, ơn giời, mọi thứ vẫn ổn định.

Đêm 1/1, chị thấy có dấu hiệu ra máu. Lúc ấy bé mới được 37 tuần 4 ngày. Cố đợi đến 6h sáng thì thấy bụng nhâm nhẩm đau. Thế là vợ chồng chị bắt taxi vào viện. Đến bệnh viện, chị được lên bàn kiểm tra. Chị Hà nhớ lại: "Lần đầu tiên biết thế nào là kiểm tra độ mở, nguyên bàn tay bác sĩ thọc vào cửa mình, đau điếng, sâu hoắm, tất cả chỉ diễn ra trong 1 nốt nhạc. Mẹ chảy máu, bác sĩ phán mở 4 phân, chuyển dạ rồi".

Nếu đẻ thường, chắc hẳn đây sẽ là tín hiệu đáng mừng, dấu hiệu dễ đẻ. Nhưng với chị thì ngược lại, con nằm ngôi ngược, tràng hoa 1 vòng, dây rốn xoắn không thể đẻ thường được. Chị được thông báo nhanh chóng đi mổ. Đó cũng là lúc bắt đầu chuỗi ngày kinh hoàng mà chị Hà đã kể lại đầy xúc động.

Ký ức khó quên của mẹ Hà Nội: 8 ngày sau sinh mổ, máu chảy ròng ròng, bác sĩ chỉ định mổ lại lần nữa - Ảnh 1.

Ca sinh mổ đã diễn ra từ năm 2014 nhưng đó là ký ức khó quên của chị Hà.

"Bác sĩ trèo lên ấn, rồi nhồi, rồi thúc, giằng co như nhào bột trên bụng mẹ"

"Bác sĩ đo đạc, rồi xoay lưng mẹ nằm nghiêng, co quắp lưng lại hết mức, bác sĩ gây tê tủy sống bắt đầu làm việc. Bác sĩ chỉ ném chân mẹ 2 phát là mẹ đã chẳng còn cảm thấy gì nữa. Hai tay mẹ dang ra, bên truyền nước, bên đo huyết áp, mũi thở oxi, màn che trước mặt.

Bác sĩ bắt đầu rạch nhát dao đầu tiên lên bụng mẹ, mẹ cảm nhận được hết, nhưng không thấy đau, giống như bị tê chân vậy. Bác sĩ trèo lên ấn, rồi nhồi, rồi thúc, giằng co như nhào bột trên bụng mẹ. Trong một khoảnh khắc, máu bắn lên áo bác sĩ, bắn cả lên mặt mẹ, dây rốn của con đứt, hậu quả của chứng xoắn dây rốn đã nhìn thấy một tuần trước đó. Tim mẹ đập thình thịch.

9h25, 9h25 nhé! Con ẹ ẹ lên 2 tiếng rồi lại im bặt. Bác sĩ mang con đi mất, cuộc chiến còn lại chỉ có mẹ và bác sĩ dọn dẹp hiện trường. Sau cuộc phẫu thuật chừng 45 phút, các bác sĩ mỗi người một tay, quăng mẹ huỵch từ giường sang xe, mẹ được đưa về phòng hậu phẫu. Có tới 2 chiếc chăn rất nặng được đắp lên người mẹ, vậy mà mẹ vẫn thấy rét run, tác dụng phụ của thuốc gây tê. Cơn buồn ngủ ập đến, mẹ đã có một giấc ngủ tuyệt nhất trong đời, trước khi thuốc tê hết tác dụng.

Giây phút bắt đầu cảm nhận được chân động đậy, thì ngay lập tức, toàn thân đau như hàng trăm vết dao cắt. Mẹ kêu đau, y tá đút cho mẹ 1 viên giảm đau và ấn lên bụng kiểm tra tử cung. Đau khủng khiếp, chừng tới 20 giây mẹ không thở nổi. Thế nhưng mẹ đã không biết, cái đau ấy mới chỉ là bắt đầu.

Ký ức khó quên của mẹ Hà Nội: 8 ngày sau sinh mổ, máu chảy ròng ròng, bác sĩ chỉ định mổ lại lần nữa - Ảnh 2.

Sau khi bé Tit Tit chào đời cũng là lúc chị bắt đầu "cơn ác mộng".

Cơn ác mộng thực sự đến vào buổi tối đầu tiên sau sinh. Mẹ lên cơn co dạ con, khi mà thuốc giảm đau trước đó hình như còn chưa hết thời gian tác dụng, bụng mẹ bềnh lên, co thắt dữ dội, và khác với cơn đau đẻ mà mẹ đã nghe nói, cơn co không có dấu hiệu ngừng lại, nó cứ liên tục bồi cơn sau lên cơn trước, ồ ạt như sóng.

Người mẹ lạnh toát, chân tay tím tái, nước mắt cứ giàn giụa chảy ướt 2 bên gối. Mẹ nghiến răng, tay túm chặt thành giường, vừa rên rỉ vừa khóc. Bố tức tốc chạy đi tìm bác sĩ, bác sĩ tiêm cho mẹ mũi giảm đau toàn thân, bấy giờ mẹ mới dễ thở, người đơ ra, đầu óc như mất não.

Những ngày sau, mẹ bắt đầu tập đi, mỗi bước đi vết mổ co kéo đau buốt lên tận óc, chẳng biết làm sao để vượt qua được, mẹ chỉ khóc, khóc và khóc. Nhìn con bé bỏng mà mẹ không bế được con quá 10 phút, mỗi lần cho con bú là một lần nén đau. Mẹ tự nhủ cố gắng nốt vài ngày, rồi mọi chuyện sẽ ổn.

Sau 5 ngày nằm viện, mẹ con mình về nhà, mẹ vẫn chưa thể tự ngồi dậy được, không thể xoay người nằm nghiêng và cũng không thể đứng thẳng. Vết mổ đang căng bụng mẹ ra, căng như một chiếc dây phơi quần áo vậy.

Mẹ phải nằm ngửa, chân kê trên một chiếc gối để giảm bớt sự căng tức. Thế nhưng càng những ngày sau, mẹ càng phải kê gối cao hơn mới thấy không bị căng vết mổ và vẫn không thể xoay người nằm nghiêng được. Bác sĩ không biết mẹ như vậy là vì sao, chỉ biết bảo mẹ chắc từ từ tập sẽ được.

Ngày thứ 6, bố gọi y tá cắt chỉ cho mẹ, người ta không biết chỉ của mẹ không tự tiêu, nên cắt cụt 2 đầu, phần ở giữa vẫn để nguyên như vậy.

Ngày thứ 7 sau sinh, mẹ vẫn không thể đứng thẳng mà đi lại được, đau, căng tức, mẹ cầu nguyện trong cơn tuyệt vọng. 

Ký ức khó quên của mẹ Hà Nội: 8 ngày sau sinh mổ, máu chảy ròng ròng, bác sĩ chỉ định mổ lại lần nữa - Ảnh 3.

Bé Tit Tit phải vào viện sau khi sinh để tiếp tục đồng hành cùng mẹ điều trị vết mổ.

8 ngày sau sinh, máu chảy đẫm ga trải giường, bác sĩ chỉ định mổ lại lần nữa

Ngày thứ 8, trong lúc thay đồ, bỗng nhiên máu tươi ở đâu chảy ròng ròng dọc xuống chân mẹ. Mẹ hoảng sợ, gọi bà ngoại "Mẹ ơi cứu con, máu gì đây?". Bà ngoại thấm máu cho mẹ, thấm mãi, thấm mãi mà không hết, bà bảo mẹ bình tĩnh, không sao. Trong đầu mẹ đã nghĩ đến hiện tượng nguy hiểm nhất: Băng huyết.

Lại tức tốc nhập viện, lại cấp cứu, lại lên xe đẩy và trở lại với cái nơi mà mẹ đã quá sợ hãi. Bác sĩ kiểm tra và phát hiện máu tươi chảy ra chính là từ vết mổ của mẹ. Và ông bác sĩ trực khi đó đã phải lập tức rút sống chỉ mổ của mẹ ra vì chỉ đã bị cắt mất 2 bên đầu. Cái kìm lạnh toát đó rút đến đâu, mẹ hét lên đến đó, cô y tá không dám nhìn, quay mặt đi chỗ khác. Bác sĩ đành tiêm giảm đau toàn thân cho mẹ. Máu vẫn tiếp tục chảy đẫm ga trải giường. Và vết mổ của mẹ buộc phải mở phanh.

Mẹ bị tụ máu, đó là lý do những ngày qua mẹ không thể nằm nghiêng, không thể duỗi chân thẳng, là lý do mẹ đau liên tục mà không ai biết tại sao.

Mẹ phải nằm rất lâu để điều trị, vết mổ mở phanh, hàng ngày bác sĩ phụ trách mổ cho mẹ vào làm thủ thuật để ngăn lại những chỗ chảy máu. Máu vẫn tụ và tìm đường chảy ra ngoài, không có ngày nào váy của mẹ không thẫm máu. Bịt chỗ này không được, lại cắt chỉ ra, bịt chỗ khác. Đến nỗi, mẹ chẳng còn biết mình đã chịu đau đớn đến ngưỡng nào nữa. Cứ nghe đến tiếng gọi "vào phòng thủ thuật để thay băng nhé" là mẹ dựng tóc gáy vì ghê sợ. Con phải vào viện cùng mẹ, nằm cạnh mẹ, đồng hành cùng mẹ suốt thời gian đó.

Ký ức khó quên của mẹ Hà Nội: 8 ngày sau sinh mổ, máu chảy ròng ròng, bác sĩ chỉ định mổ lại lần nữa - Ảnh 4.

"So với từng ấy những gì đã trải qua, thì dù thức đêm thức hôm chăm con đối với mẹ cũng không có gì vất vả nữa".

Gần đến cuối năm, Tết nguyên đán cận kề, các bác sĩ y tá háo hức vui vẻ bàn tán chuyện nhận thưởng Tết, mẹ thì thậm chí còn chẳng biết thời tiết ở ngoài kia ra sao, gần một tháng nằm trong phòng bệnh, với vết mổ vẫn không ngừng rỉ máu.

Cuối cùng, việc phải làm là gây áp lực với bệnh viện, buộc họ tìm hướng điều trị khác cho mẹ. Quyết định cuối cùng của bác sĩ trưởng khoa khiến mẹ gần như ngất xỉu: Mổ lại lần nữa.

Và lại căn phòng giải phẫu lạnh ngắt ấy, vẫn những thiết bị ấy, vẫn quy trình gây tê ấy, chỉ khác là, những háo hức ngày con ra đời đã chẳng còn. Mẹ phải xét nghiệm máu để đề phòng phải truyền máu cấp cứu, rất nhiều bác sĩ vây quanh hội ý.

Ca mổ chóng vánh, cục máu đông được lấy ra, máu đã không còn chảy nữa. Tết nguyên đán năm đó, mẹ đã phải về quê nội với một vết mổ không thể khâu, bác sĩ chỉ định đổ keo sinh học vào để cho niêm mạc tự đầy lên. Một cái Tết cực kì buồn bã…

Trong thời gian đó, không ai nhận ra mẹ đã có dấu hiệu trầm cảm. Mẹ ghét tất cả mọi người, không muốn ai bước vào phòng, không muốn ai hỏi han gì mẹ. Mẹ chỉ muốn ở trong phòng tối, không muốn ra ngoài, không muốn nhìn thấy ai, càng không muốn ai đụng vào con của mẹ. Nhưng mẹ không thể nói ra, vì mẹ không biết tả nó là cảm giác gì, và tất nhiên, ai nghe nổi điều đó cơ chứ.

Ít nhất, cuộc chiến đi đẻ của mẹ đã kết thúc. Ngày ra Hà Nội đi khám lại, bác sĩ vui mừng thông báo vết mổ của mẹ đã liền hẳn, chỉ còn 2mm nữa là hoàn toàn lành lặn. Mẹ thấy sung sướng vô cùng, vậy là mẹ đã có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc con, ôm con, bế con. Xét cho cùng, so với từng ấy những gì đã trải qua, thì dù thức đêm thức hôm chăm con đối với mẹ cũng không có gì vất vả nữa…".

Kể lại câu chuyện của mình, chị Hà muốn gửi gắm đến các mẹ bầu lời nhắn nhủ: "Mình không muốn các mẹ sắp sinh đọc được câu chuyện này mà lo sợ, hoang mang. Hãy tin rằng chuyện gì rồi cũng sẽ qua, miễn là mình có niềm tin. Mình chỉ muốn bày tỏ nỗi lòng của một bà mẹ bỉm sữa bởi cũng có rất nhiều mẹ từng chịu đau đớn, thậm chí tủi thân vì nhiều lý do mà không thể nói ra được. Hãy xem câu chuyện của mình là một sự đồng cảm, động viên khích lệ hành trình làm mẹ. Luôn mạnh mẽ lên các mẹ nhé!".

Chia sẻ