Hồ Ngọc Hà cất lời than thở khiến mẹ bỉm sữa nào cũng đồng cảm, khủng hoảng tuổi lên 2 có thực sự đáng sợ đến vậy?
Giống như nhiều bà mẹ bỉm sữa khác, Hồ Ngọc Hà cũng có nhiều nỗi lo và sự vất vả khi nuôi con.
Cặp sinh đôi Lisa và Leon nhà Hồ Ngọc Hà luôn đốn tim dân mạng về những cử chỉ, biểu cảm siêu dễ thương. Mỗi lần xuất hiện trước công chúng, 2 nhóc tỳ này lại khiến fan hâm mộ phát cuồng. Thậm chí, có người còn xem chị em Lisa như là "vitamin" vui vẻ để giải trí mỗi ngày. Trang mạng xã hội của Henry - Lisa - Leon thu hút đến hơn 580 nghìn lượt theo dõi. Bài đăng nào cũng thu hút "bão" like và chia sẻ.
Sinh được 3 người con luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn và hài hước, Hồ Ngọc Hà nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của mọi người. Ấy thế nhưng, cũng có lúc, bà mẹ 3 con này phải đau đầu. Như mới đây, khi đăng hình ảnh con gái rượu Lisa dễ thương lên trang cá nhân, Hồ Ngọc Hà than thở: "Con em khủng hoảng tuổi lên 1,2,3 mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày quá".
Lời than thở của bà mẹ 3 con nhanh chóng nhận được sự quan tâm của hội chị em bỉm sữa. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với Hồ Ngọc Hà khi cho rằng, việc đoán tâm lý của trẻ vô cùng khó. Con bình thường thì không sao, chứ cứ mỗi lần chúng òa lên khóc mà y rằng người làm mẹ lại luống cuống, bối rối không biết thế nào mà dỗ dành. Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn phát triển, con lại có tâm lý khác nhau. Chính tính cách "sáng nắng chiều mưa" của trẻ khiến người lớn đau đầu, thậm chí không ít bà mẹ stress trong những năm đầu nuôi con.
Khủng hoảng tuổi lên 2 - mách mẹ cách đối phó hiệu quả
Nguyên nhân của khủng hoảng tuổi lên 2
Trẻ con không giống như người lớn. Chúng không thể nói rõ ràng suy nghĩ và cảm xúc của mình ra cho người khác hiểu, vì vậy cha mẹ thường lúng túng khi con cảm thấy khó chịu, quấy khóc.
Cũng giống như Lisa nhà Hồ Ngọc Hà, trẻ bước vào giai đoạn từ 2-3 tuổi sẽ trải qua những thay đổi lớn về ngôn ngữ, vận động, trí tuệ, xã hội và cảm xúc. Bên cạnh đó, các con cũng bắt đầu ý thức được sự tồn tại độc lập của mình và đồng thời có những suy nghĩ, mong muốn riêng của trẻ. Khi con háo hức làm mọi thứ theo ý mình, nhưng lại phát hiện ra rằng phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định. Ở tuổi này, chúng chưa thể hiểu được tại sao mình được làm cái này, mà không được làm cái kia. Trẻ không muốn tuân theo những quy tắc của người lớn. Việc khó khăn trong sự bộc lộ nhu cầu của trẻ ở giai đoạn này có thể dẫn đến hành vi không phù hợp, thất vọng, cảm xúc mất kiểm soát và nổi cơn thịnh nộ trong trẻ.
Biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 2
Trẻ thể hiện sự bùng nổ cảm xúc bằng những cơn giận dữ có cớ hoặc vô cớ. Bao gồm cả sự than vãn, làu bàu, giận dỗi, ăn vạ, bướng bỉnh... Ngoài việc khóc trong cơn giận dữ, trẻ còn có thể vô tình thể hiện các hành vi, bao gồm: Đánh, đá, cắn, cấu, ném mọi thứ...
Bên cạnh đó, con cũng có thêm 1 vài dấu hiệu khác như là: Tỏ ra khó chịu khi người lớn không hiểu ý, bắt đầu nói "không" nhiều hơn (khi bạn cho con 1 thứ gì đó, hoặc yêu cầu trẻ làm 1 việc rất đơn giản, con nhất quyết không chịu), tính sở hữu cao hơn và sẵn sàng giành giật khi có ai chẳng may động chạm vào thứ mà con thích, tâm trạng thất thường, bé biếng ăn và hay khóc đêm hơn...
Cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 2
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, bé sẽ bớt khủng hoảng tâm lý hơn khi hiểu rõ các quy tắc, biết cách truyền đạt những gì mình muốn và nhận ra rằng những thứ chúng cảm thấy không vừa lòng không phải là điều gì đó quá to tát.
Muốn con nhanh chóng vượt qua giai đoạn này, phụ huynh cần:
- Đưa ra lịch trình sinh hoạt nhất quán để trẻ không bị rối loạn giờ giấc sinh hoạt. Con cần ăn, ngủ, nghỉ, vệ sinh cá nhân hợp lý để giữ được sức khỏe và tinh thần tốt nhất.
- Đồ đạc trong nhà nên sắp xếp hợp lý, gọn gàng, khoa học để bé có thể thỏa sức khám phá không gian và không gây nguy hiểm cho con. Đặc biệt cũng tránh trường hợp trẻ làm hư hỏng.
- Đừng lên lịch đi chơi hoặc các hoạt động nào đó vào những thời điểm mà bạn biết con có khả năng tức giận nhiều nhất, thường là gần giờ ngủ trưa hoặc giờ ăn.
- Khi con khóc, đừng cố bắt trẻ phải nín ngay, hãy dụ trẻ chuyển hướng sự chú ý sang thứ khác.
- Hình phạt vẫn là điều cần thiết để bé không hình thành thói quen xấu. Những khi con có xử sự không phù hợp với hoàn cảnh, bạn hãy bế bé đến một góc yên tĩnh để giúp con bình tĩnh lại.
- Ngăn ngừa các cơn giận dữ bất chợt của trẻ bằng cách dạy chúng nói ra mong muốn của mình. Ví dụ như hỏi con thích đi giày nào, mặc áo nào, ăn gì, đi chơi ở đâu...
Khủng hoảng tâm lý ở giai đoạn nào của trẻ cũng sẽ khiến cha mẹ mệt mỏi. Tuy nhiên hãy hiểu rằng đây không phải con đang thách thức mình mà đó chỉ là sự phát triển tâm lý của con mà thôi. Hãy ở bên trẻ nhiều hơn, yêu thương con nhiều hơn. Giống như Hồ Ngọc Hà cũng từng bỡ ngỡ khi lần đầu làm mẹ. Nhưng sau đó nữ ca sĩ cũng hiểu ra rằng, việc ở bên con nhiều sẽ giúp cả nhà vượt qua được nhiều chuyện khó khăn.
"Khi mình có nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học rồi, bớt bỡ ngỡ hơn lúc đầu thì mình sẽ khắc phục được những cái trước đây mình thiếu sót trong vai trò làm mẹ, như là Hà sẽ dành thời gian chăm sóc con nhiều hơn, không là 100% thì cũng 90% Hà dành thời gian cho con. Rồi trước đây thì Hà chỉ nghĩ rằng lớn lên con mới hiểu được thế nào là cần sự chăm sóc nhiều hơn từ bố mẹ nhưng bây giờ thì lại nghĩ khác. Với Hà bây giờ kể cả khi các em bé nằm trong bụng mẹ cũng đã cần sự che chở vỗ về của cha mẹ rồi" - nữ ca sĩ chia sẻ.