Hầu hết cha mẹ đang nuôi con dưới 6 tuổi đều mắc phải những sai lầm này
Áp lực trở thành cha mẹ tốt và mong muốn con trở thành những đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh khiến hầu hết các bố mẹ hiện đại mắc phải 10 lỗi dưới đây khi nuôi dạy con.
Khi trở thành cha mẹ, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên về việc làm thế nào để yêu thương và nuôi dạy con cho tốt. Nhưng có một điều quan trọng mà không ai nói với bạn, đó là việc yêu thương, nuôi dạy một đứa trẻ là cả chặng đường dài, tất cả những gì mà chúng ta nghĩ là tốt đẹp nhất dành cho con chỉ thực sự có ý nghĩa khi những điều đó mang đến hạnh phúc lâu dài, bền vững cho những đứa trẻ.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hầu hết cha mẹ đều đang tập trung quá nhiều sức lực và tâm trí vào "hiện tại", vào những việc "cần phải làm ngay trước khi quá muộn", vào những "cột mốc vàng", "giai đoạn vàng"; chúng ta nỗ lực để loại bỏ hầu hết các trở ngại trên hành trình con cái lớn lên, chúng ta khao khát kiểm soát cảm xúc của con để chắc chắn rằng chúng luôn hài lòng và vui vẻ, chúng ta thay con đối diện với những khó khăn trong cuộc sống của chúng… để rồi luôn cảm thấy áp lực hay thậm chí đau khổ vì việc nuôi dạy con không được như ý muốn.
Vì thế, khi cha mẹ nghĩ rằng, được bố mẹ yêu thương và dạy dỗ tỉ mỉ, chu đáo, hết lòng thì cũng đồng nghĩa với việc chính cha mẹ đang làm chậm đi sự phát triển tự nhiên của con và chúng ta đang đánh đổi những niềm vui và hạnh phúc dài hạn với những thành quả ngắn hạn và dễ dàng kiểm soát hơn. Chính sự vội vàng này khiến cho cha mẹ thường mắc phải một số lỗi – mà chúng ta không hề nhận ra khi nuôi dạy con. Dưới đây là 10 lỗi phổ biến.
#10. Coi con mình là nhất!
Tình yêu thương vô bờ bến khiến cho bố mẹ hay biến con mình thành trung tâm của vụ trụ hay coi như một báu vật để tôn thờ. Thay vào đó, hãy biến sự chăm sóc và tình yêu thương của mình dành cho con thành trung tâm, là số 1 để trẻ và được nuôi dưỡng vị tha, bao dung hơn.
#9. Tin rằng con mình hoàn hảo
Nhiều chuyên gia làm việc với trẻ em (tư vấn viên, giáo viên…) chia sẻ rằng cha mẹ ngày nay không muốn nghe bất cứ điều gì tiêu cực về con cái của họ; thậm chí còn có thái độ hay phản ứng tiêu cực với những ai góp ý với họ về con cái. Sự thật có thể bị tổn thương, nhưng khi chúng ta lắng nghe với một trái tim cởi mở và tâm trí tích cực, rất có thể chúng ta sẽ tháo gỡ được những khó khăn của chính mình, của con một cách dễ dàng và đúng thời điểm hơn.
#8. Coi việc nuôi dạy con là "hình ảnh" cá nhân của bố mẹ
Điều này khiến cho cha mẹ thường xuyên thiếu bình tĩnh và bực bội khi trẻ thất bại hoặc làm điều gì đó tồi tệ, cha mẹ cảm thấy "bị mất mặt" hơn là vì điều đó ảnh hưởng đến nhân cách, sức khỏe của con... Vì thế, hãy tách biệt "hình ảnh" của bạn và các con để khách quan và công bằng hơn khi làm cha mẹ.
#7. Muốn trở thành bạn thân mãi mãi của con
Bố mẹ nào cũng mong muốn trở thành bạn thân mãi mãi của con, nhưng hãy thực tế và đối diện với sự thật rằng, đến một lúc nào đó con sẽ có những người bạn thân mãi mãi khác nữa. Bạn là cha mẹ và điều đó thiêng liêng, tuyệt vời, có ý nghĩa không thể thay thế đối với mọi đứa trẻ. Hãy yêu thương và quý trọng vai trò của mình và cố gắng hết sức để làm nó thật tốt.
#6. Tham gia vào các cuộc đua với những cha mẹ khác
Tâm lý chung của hầu hết cha mẹ là muốn con được "bằng bạn bằng bè", vì thế, dù là vô tình hay hữu ý thì sự cạnh tranh và ganh đua giữa các bố mẹ vẫn thường xuyên diễn ra. Hãy nhớ rằng, con bạn là riêng, là duy nhất và có ý nghĩa với chính bạn. Đừng cố biến con trở thành "một-đứa-trẻ-khác" khi mà chúng phải tham gia vào tất cả các hoạt động mà các bạn vẫn tham gia. Khi bạn tự tin vào bản năng làm cha mẹ của chính mình, thấu hiểu con thì bạn sẽ thực sự biết con bạn cần gì.
#5. Đánh mất sự kì diệu của tuổi thơ
Cha mẹ hiện đại đặt lên vai con những áp lực và trách nhiệm từ quá sớm với dày đặc các kế hoạch học tiếng Anh, học toán, học kĩ năng sống.... Trong khi bạn biết không, tuổi thơ là quãng thời gian để con tự do vui chơi và khám phá. Khi chúng ta luôn vội vã và thúc ép con phải "nhanh lên" thì cũng có nghĩa là chúng ta đang cướp đi tuổi thơ của con vĩnh viễn, bởi con sẽ không thể quay trở lại tuổi thơ của mình một lần nữa.
#4. Nuôi con trở thành người chúng ta muốn chứ không phải người mà con muốn trở thành.
Chúng ta nuôi dưỡng những ước mơ về con từ khi chúng còn là một bào thai trong bụng mẹ, nhưng trớ trêu thay, lũ trẻ dường như làm đảo lộn mọi hình mẫu về một "đứa trẻ trong mơ" của cha mẹ, vì thế, chúng ta ra sức nỗ lực để biến con trở thành đứa trẻ mà chúng ta muốn. Đó chính là áp lực lấy đi mọi cảm hứng và sinh lực của cả cha mẹ và các con. Vì thế, hãy yêu thương con như là chính bản thân con, tôn trọng những cá tính mà con sở hữu, coi đó là một món quà tuyệt vời mà con được dành tặng... để việc nuôi dạy con trở nên dễ thở và hạnh phúc hơn.
#3. Quên mất rằng, hành động của bố mẹ có ý nghĩa mạnh hơn mọi lời nói
Lỗi của hầu hết các bố mẹ là luôn nói quá nhiều. Trẻ em thường không chú ý đến lời nói, chúng bị ấn tượng bởi hành động. Vì thế, hãy tập trung vào việc làm gương, trở thành một tấm gương mẫu mực cho con là cách làm cha mẹ hiệu quả nhất.
#2. Phán xét việc nuôi dạy con của các bố mẹ khác và con của họ
Hãy nhớ rằng, nuôi dạy con là một công việc cực kì riêng tư, phán xét việc nuôi dạy con của các bố mẹ khác chỉ làm bạn mệt mỏi hơn mà thôi. Hãy đồng cảm, chia sẻ, bởi vì họ cũng như bạn, đang cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, bằng tất cả trái tim.
#1. Đánh giá thấp những "giá trị cốt lõi" của con
Điểm cao, giải thưởng trong các cuộc thi, thể chất cao lớn hơn các bạn.... không phải là những điều sẽ giúp cho con bạn trưởng thành và hạnh phúc. Đừng vì những thứ đó mà quên đi mất rằng, con bạn là một đứa trẻ trung thực, bao dung, nhân ái... bởi vì chính những "giá trị cốt lõi" này mới là điều giúp một đứa trẻ thực sự lớn lên.
Có một triết lý làm cha mẹ rất hay thế này:
"Prepare your child for the road, not the road for your child."
(Tạm dịch nghĩa là: Hãy giúp con chuẩn bị tâm thế để tự bước trên con đường của mình, đừng vẽ sẵn cho con một con đường mà con phải đi).
Việc mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi khi chúng ta làm cha mẹ, nhưng nếu bình tĩnh, kiên nhẫn và tin tưởng con cũng như chính bản thân mình, những sai lầm mà bạn mắc phải sẽ là những bài học trưởng thành của chính bạn, chứ không làm tổn thương cá tính hay đánh mất đi tuổi thơ của con.