Hành trình chữa bệnh viêm da cơ địa cho con gái đầy giông bão của mẹ Việt ở Úc
“Mình gần như không làm được gì vì rời mắt khỏi con 10 phút là con sẽ cho mẹ một cái cổ toe toét máu vì gãi. Muốn con được sờ mó để phát triển xúc giác cũng khó vì tháo bao tay ra là con gãi điên cuồng”, mẹ Quỳnh Anh chia sẻ.
Là một mẹ Việt đang sống tại Úc, chị Quỳnh Anh có một cô con gái vừa tròn 2 tuổi. 2 năm con lớn lên cũng là gần từng đó thời gian chị cùng con chiến đấu với bệnh viêm da cơ địa (bệnh eczema) và dị ứng thực phẩm nặng, một chứng bệnh không gây chết người nhưng mang lại cực kì nhiều phiền toái cho cả mẹ và con. Là một căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, con lại bệnh rất nặng nhưng với tình yêu con và niềm tin vào tình yêu đó, chị Quỳnh Anh đã tìm được ánh sáng trong đường hầm để tìm được một cách dễ chịu nhất sống chung với căn bệnh đó của con.
Chị chia sẻ: “Con mình phát bệnh viêm da cơ địa từ lúc bé được 3 tháng. Suốt hơn 5 tháng sau đó mình theo bác sĩ Tây hoàn toàn - hết cặp thuốc corticoid + kem dưỡng ẩm này đến cặp thuốc corticoid + kem khác. Thuốc corticoid cứ bôi là da "sạch" ngay, rất "thần kì". Nhưng sau vài ngày bệnh quay lại thì còn nặng hơn. Da con ngứa điên cuồng nên con gãi, bị bội nhiễm, chảy nước vàng, rồi đóng mài đóng vẩy, có lúc nhìn thấy từng đường nứt như đồng ruộng hạn hán, máu chảy ra từ các kẽ nứt ngay trên hai má con. Xót xa lắm! Con cũng bị kê uống 2 đợt kháng sinh nhưng sự thực là nó chẳng có tác dụng gì.
Các mảng viêm da trên khắp người bé Vi. (Ảnh: NVCC)
Mỗi lần gặp bác sĩ lại cho tuýp thuốc corticoid nặng hơn hoặc một loại kem dưỡng khác, nói là có thể kem dưỡng bác sĩ cho trước đó không hợp. Tốn bao nhiêu tiền nhưng mình cũng cố gắng vì cũng chẳng có lựa chọn nào khác do lúc đó chưa có kinh nghiệm chăm con bị bệnh eczema. Nhưng bệnh của con không khỏi dần mà ngày một nặng hơn. Lúc đầu bé chỉ bị ở hai má, sau lan ra khắp chân tay, cổ và ngực. Mình gần như không làm được gì vì rời mắt khỏi con 10 phút là con sẽ cho mẹ một cái cổ toe toét máu vì gãi. Muốn con được sờ mó nghịch ngợm để phát triển xúc giác cũng khó vì tháo bao tay ra là con gãi điên cuồng chứ chẳng chơi được bao lâu. Hình ảnh quen thuộc của bé nhà mình là bọc chân bọc tay, bằng 2 lần tất chân, vì bao tay ngắn bé giật ra dễ dàng. Nhìn chẳng biết đâu là chân đâu là tay, như Đô-rê-mon! Thương lắm!
Bệnh con có lúc nặng đến mức bác sĩ khuyên mua bộ quần áo bằng gạc nhúng nước để con mặc. Lúc đó đang mùa đông mà con phải mặc như vậy qua đêm, bộ quần áo này có tác dụng thật nhưng phải kết hợp các cách chăm sóc khác, chứ không phải với corticoid. Corticoid có thể dùng để dập tắt triệu chứng tức thời. Nhưng liền sau đó mình phải chăm sóc bé kĩ lưỡng thì mới không làm bệnh bùng lên, chứ nếu dựa vào corticoid thì bệnh sẽ ngày một nặng, không bao giờ khỏi được”.
Hành trình chữa bệnh eczema cho con càng trở nên khó khăn hơn khi bé Vi được 7 tháng tuổi, chị Quỳnh Anh phát hiện con bị dị ứng. Chị kể: “Hồi bé nhà mình 7 tháng, lần đầu tiên con ăn bánh mì trắng, lúc mới ăn con chỉ đỏ nhẹ quanh miệng. Mình không để ý và cho con đi ngủ. Sau khoảng 2 tiếng thì con khóc dữ dội và tỏ ra ngứa điên cuồng, cứ cào cấu hai chân vào nhau. Mình lo lắng nên đưa con đến bệnh viện. Tới nơi thì con đã phù nề toàn thân, khó thở và nôn ói. Ngay lập tức con được cho hít khí dung và uống thuốc chống dị ứng”.
Sau khi làm test dị nguyên lúc bé được 9 tháng tuổi thì phát hiện ra bé dị ứng với một hàng dài thức ăn, trong đó bột mì là gây dị ứng nặng nhất. Vì thế, hai mẹ con phải cắt hoàn toàn các thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn. Ví dụ như con không ăn được các loại hạt trên cây (hạnh nhân, óc chó...) nên hai mẹ con ăn hạt dưới đất như hạt hướng dương, hạt bí, đậu gà, đậu lăng...
Khi bé Vi đi test dị nguyên, y tá sẽ chấm thực phẩm và các yếu tố dị nguyên khác nhau lên da bé. Các dị nguyên này bao gồm các loại thực phẩm và cả các yếu tố chó, mèo, cỏ, con mạt bụi (dust mite)... Sau khoảng 3-10 phút da bé sẽ bắt đầu phản ứng tuỳ theo mức độ dị ứng đối với từng dị nguyên. Các nốt cũng sẽ to nhỏ khác nhau và y tá sẽ đo kích thước từng nốt này để xác định mức độ nghiêm trọng của dị ứng. (Ảnh: NVCC)
Chị Quỳnh Anh đã lùng sục khắp các nhóm, diễn đàn, ở đâu có nói đến Eczema là chị đều có mặt để xin tư vấn và chia sẻ, thậm chí, khi tìm được người cho thuốc để giúp bé thải tất cả độc tố bé nhận từ nhỏ, đồng thời có hy vọng chữa được dị ứng, chị vừa mừng vừa lo rồi nhanh chóng thu xếp công việc về Việt Nam để lấy thuốc, cũng như để mang được thuốc từ Việt Nam sang Úc cho con là cả một sự kì công.
Trải qua một hành trình dài cùng con sống chung với bệnh Eczema, chị Quỳnh Anh nói: “Mình đã chăm sóc con vô cùng tỉ mỉ và tích cực với quyết tâm giảm và ngưng hẳn corticoid và chưa bao giờ hối hận về quyết định đó. Mình không tin chỉ dùng một loại thuốc bôi ngoài da nào đấy có thể chữa khỏi bệnh, nên đã không bỏ tiền triệu mua các loại kem bôi thuốc bôi "kì diệu và quá đơn giản" quảng cáo trên mạng. Thay vào đó, mình kết hợp giữ da con sạch - ẩm – mát bằng các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, kiêng hoàn toàn những yếu tố gây dị ứng, và cố gắng nâng cao hệ miễn dịch của con (điều tốt nhất mình đã làm là cho con bú mẹ 100% kết hợp ăn dặm từ 7 tháng - tới nay đã tròn 2 năm và vẫn đang tiếp tục cho con bú mẹ). Gần 1 năm chăm sóc con không dùng corticoid, mình đúc kết được là không có cách "hạ gục nhanh tiêu diệt gọn" bệnh cơ địa nên hãy học cách chung sống với nó chờ đến khi con lớn dần lên, hệ miễn dịch hoàn thiện hơn sẽ có hy vọng khỏi bệnh”.
Trong hành trình chữa bệnh cho con, chị Quỳnh Anh đã phải đối diện với nhiều thất vọng và vất vả, vì thế, mỗi khi con có tín hiệu tiến triển, chị cũng không dám vui mừng. Đến nay, khi bé Vi con gái chị Quỳnh Anh vừa tròn 2 tuổi và làm lại test dị nguyên lần hai thì kết quả cho thấy bé đã hết dị ứng với một số loại thực phẩm, trong đó có bột mì là loại gây dị ứng nặng nhất cho bé sau một thời gian hai mẹ con kiên trì uống thuốc và “sống chung” với eczema đúng cách, điều này khiến chị cảm thấy thực sự vui mừng và có thêm hi vọng cũng như càng tin tưởng vào những gì mình đã quyết định lựa chọn con con.
* Test dị nguyên: SKIN PRICK TEST - là một bài thử dị nguyên dành cho những bé bị dị ứng (thường liên quan đến một loại bệnh ngoài da như viêm da cơ địa / eczema / chàm). Việc xác định và tránh thực phẩm gây dị ứng cũng là một phần rất quan trọng trong điều trị viêm da cơ địa.