Hành trình 8 năm tìm con đầy máu và nước mắt của mẹ hiếm muộn: 4 lần thụ tinh nhân tạo, 2 lần thụ tinh ống nghiệm rồi hẫng hụt vì “2 vạch ảo”

Lam Anh,
Chia sẻ

Đọc tâm sự trải lòng về quãng đường 8 năm tìm con của bà mẹ hiếm muộn này, nhiều người không cầm được nước mắt.

Sinh con ở tuổi 32, chị H. (33 tuổi, Khánh Hòa) đã trải qua hành trình 8 năm dài đằng đẵng tìm kiếm con ở khắp các bệnh viện chuyên khoa hiếm muộn trong cả nước, chưa có duyên với bệnh viện này lại khăn gói tìm đến bệnh viện khác. 

Những tháng ngày chông chênh ấy tuy có nhiều hao mòn và mệt mỏi nhưng chị H. chưa một lần tuyệt vọng. Chị bấu víu vào một niềm tin nhỏ nhoi duy nhất, rằng chỉ cần vợ chồng sống lương thiện, luôn thương yêu nhau thì hạnh phúc nhất định sẽ tới!

8 năm tìm con đầy máu và nước mắt của mẹ hiếm muộn: 4 lần thụ tinh nhân tạo, 2 lần thụ tinh ống nghiệm và “2 vạch ảo” - Ảnh 1.

Nguồn động lực lớn lao nhất của chị H. lúc này chính là người chồng luôn sẵn sàng kề vai sát cánh, yêu thương chị vô điều kiện.

Áp lực dồn nén lên đôi vai người mẹ hiếm muộn 8 năm và lời nói dối của chồng

May mắn hơn nhiều người khác cùng hoàn cảnh khi hai vợ chồng chị H. ở xa nhà (quê nội ở Thái Bình nhưng hai vợ chồng chị H. hiện đang làm việc và sinh sống tại Nha Trang) nên chị cũng bớt áp lực hơn. Song, chị H. chưa khi nào cảm thấy hạnh phúc được tròn đầy dù có người chồng luôn yêu thương và biết chia sẻ.

"Mấy năm đầu, ông bà thường xuyên gọi điện giục vợ chồng mình về việc sinh con. Những lúc đó mình lại tủi thân rồi khóc hờn, nhưng may mắn lắm thay khi mọi áp lực dồn nén được xoa dịu bởi người chồng tâm lý và luôn yêu thương. Anh luôn là ngọn hải đăng để mình bám vào những lúc mất phương hướng hay đuối sức." – chị H tâm sự.

Vì muốn trở thành tấm khiên vững chắc, bảo vệ vợ mình, chồng chị H. đã nói dối với ông bà nội rằng nguyên nhân hiếm muộn là do anh. Cho tới sau này, bố mẹ chồng chị H. cũng kiên định hơn rất nhiều nên không nhắc đến nhiều việc hiếm muộn nữa mà cùng đồng lòng với hai vợ chồng.

8 năm tìm con đầy máu và nước mắt của mẹ hiếm muộn: 4 lần thụ tinh nhân tạo, 2 lần thụ tinh ống nghiệm và “2 vạch ảo” - Ảnh 2.

Chưa có con khiến chị H. chưa khi nào cảm thấy hạnh phúc được tròn đầy dù có người chồng luôn yêu thương và biết chia sẻ.

Lần thụ tinh nhân tạo (IUI) đầu tiên: Hơn 40 mũi tiêm đau đớn mới được duy nhất 1 quả trứng vượt trội đạt tỉ lệ, nhưng chỉ thu về kết quả… " 2 vạch giả

Đây cũng là lần khiến chị H. nhớ nhất và cảm xúc rõ rệt nhất. Do đáp ứng thuốc kém nên trứng phát triển chậm. Dù phải tiêm đến hơn 40 mũi tiêm kích trứng với rất nhiều đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần trong suốt hơn 1 tháng liên tục, nhưng chị H. lại chẳng hề nghĩ tới những điều đó mà chỉ thấy thương con.

Sau khi thực hiện IUI được 10 ngày, chị H. vừa háo hức vừa tò mò mua que thử thai. Chị vỡ òa khi nhận kết quả.

"Mình khóc như một đứa trẻ trong nhà vệ sinh. Mình hét lên vì sung sướng và ngay lập tức khoe với bố mẹ 2 bên rằng mình đã thành công rồi." - chị H. chia sẻ.

Ngày thứ 12 sau khi thực hiện IUI, 2 vợ chồng đến bệnh viện thử máu thì chị H. nhận được kết quả nồng độ beta âm tính, que thử thai chỉ dương tính giả do tàn dư của thuốc kích trứng.

"1 lần nữa mình khóc rất to trong bệnh viện, lúc cầm kết quả nói dối chồng mình đi vệ sinh rồi trốn ra sau lối hàng cây bệnh viện ngồi khóc như mưa." - chị H. nói.

8 năm tìm con đầy máu và nước mắt của mẹ hiếm muộn: 4 lần thụ tinh nhân tạo, 2 lần thụ tinh ống nghiệm và “2 vạch ảo” - Ảnh 3.

Gạt nước mắt vào trong, chị H. lấy công việc làm niềm vui và động lực để tiếp tục hành trình đầy gian khó với xác suất thành công chẳng biết là bao nhiêu.

Sau lần đó, chị H. tiếp tục phải đối mặt thêm 3 lần thất bại khác khi thực hiện IUI. Trong đó có 1 lần thử thai lên 2 vạch và có beta nhưng sau đó bị sinh hóa sớm, có thể do chất lượng của phôi kém.

"Những lần IUI thất bại là thêm 1 lần suy sụp, và hụt hẫng. Mình hay tự đổ lỗi cho mình, do mình sinh hoạt đi lại chưa cẩn thận nhưng sau đó mình phải tự trấn an bản thân rằng, nếu như phương pháp đó thất bại mình sẽ tìm đến phương pháp khác. Nhất quyết không được lùi bước! Nhất quyết không được đầu hàng!".

Sau quãng thời gian này, chị H. tạm dừng hành trình tìm con trong 2 năm để chuẩn bị sức khỏe, cải thiện nội tiết và tìm hiểu sâu về thụ tinh ống nghiệm (IVF), đồng thời tập trung cho kinh doanh để có tiền phục vụ cho chặng đường gian nan phía trước.

Quyết không từ bỏ giấc mơ về ngôi nhà đầy ắp tiếng cười của những đứa trẻ, năm 2019, chị H. tiếp tục khăn gói ra 1 bệnh viện ở Hà Nội để tiến hành thụ tinh ống nghiệm.

Hành trình tìm con khó khăn nhưng quá trình mang thai cũng gian nan chẳng kém

Lần này chị H. tự nhủ không hy vọng quá nhiều, luôn giữ tinh thần thoải mái, làm theo yêu cầu của bác sĩ và kinh nghiệm của các chị em hiếm muộn khác. Cuối cùng, hạnh phúc cũng mỉm cười với gia đình chị H. vào thời khắc không ngờ tới nhất.

"Cho đến khi đột nhiên mình bị ra máu sau ngày thứ 10 chuyển phôi mình mới nói cho người nhà là mình đã có beta. Lúc mình gọi điện cho chồng thông báo kết quả, chồng mình còn nói: "vợ cứ lo sức khỏe cho thật tốt đi, còn sức khỏe cứ phải khi nào siêu âm có túi thai mới tin được". Giọng điệu ấy bình tĩnh đầy kinh nghiệm ấy làm mình giận chồng mất mấy ngày." - chị H. chia sẻ.

Kỳ lạ là lần chuyển phôi này hai vợ chồng chị H. đều ngủ mơ là nhà có đứa có 2 đứa trẻ con. Lúc đầu siêu âm chỉ có 1 túi thai, nhưng chồng chị H. vẫn trêu rằng có khi nào sinh đôi không. Sau đó 2 ngày siêu âm lại thì có thêm 1 túi thai phát triển nữa. Gia đình chị H. vỡ òa trong hạnh phúc.

Chồng chị H. luôn dành nhiều thời gian để chăm sóc hai bé và đỡ đần các công việc nhà cho vợ.

Từ lúc mang bầu chị H. bị cao huyết áp thai kì, tiểu đường thai kì – đều là những hội chứng nguy hiểm có thể bị mất tim thai, lưu thai bất cứ lúc nào. Chưa kể, khi đi siêu âm thai nhi ở tuần 12, chị H. được bác sĩ yêu cầu phải thật sự giữ gìn và bám sát theo dõi thai kì vì phần tử cung thấp.

"3 tháng đầu tiên mình ra máu liên tục, phải nằm viện liên miên. Sau tháng thứ 4, mình thấy cơ thể khỏe lên. Mình có đọc nhiều tài liệu và nghe tư vấn của nhiều các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm nên mình quyết định về lại Nha Trang và dưỡng thai tại nhà.

Mình nghĩ không đâu bằng nhà mình, tâm lý có thoải mái thì thai kì mới khỏe lên được, mình không nằm yên 1 chỗ, vẫn vận động nhẹ nhàng, nấu nướng nhẹ nhàng vậy là từ tháng thứ 4 mình cứ thế bình yên cho đến tuần 32. Tuần 32, hai bạn đòi ra sớm, đồng thời mình xuất hiện các biểu hiện của tiền sản giật nên đã được chuyển tuyến cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa Nha Trang vào Từ Dũ." - chị H. chia sẻ.

Tuần 36, chị H. được yêu cầu mổ cấp cứu kết thúc thai kì do tiền sản giật nặng. May mắn, hai bé chào đời bình an và được về với mẹ, không phải nuôi lồng kính. Chị H. nhận được sự hỗ trợ của bà nội, người giúp việc và người chồng yêu thương vợ con nên quá trình chăm con không quá vất vả. 

Hai em bé khá ngoan, ăn ngủ sinh hoạt đều đặn và đúng giờ nên mẹ cũng đỡ vất vả.

Quá trình nuôi dạy hai con của gia đình chị H. đầy ắp yêu thương và tiếng cười chứ không quá áp lực. Nhiều người vẫn nghĩ, chăm con sinh đôi nhiều mệt mỏi nhưng với chị H. thì khác, tất cả những vất vả đều tan biến trong chốc lát mỗi khi nhìn thấy nụ cười của hai con.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ