Hành động dại dột của trẻ chỉ vì bắt chước những thứ mà bố mẹ không ngờ tới

Ngọc Anh,
Chia sẻ

Ít bố mẹ nào ngờ rằng chỉ vì bắt chước một bộ phim hay một chương trình truyền hình mà trẻ có những hành động dại dột, nguy hiểm đến cả tính mạng.

Người ta vẫn thường nói hành động của trẻ con thường là tấm gương phản chiếu của chính bố mẹ hay nói rộng hơn là chính từ những người lớn mà chúng tiếp xúc hàng ngày.
 
Tuy nhiên, việc trẻ bắt chước những hành vi của người khác đều có 2 mặt, một mặt tốt và một mặt xấu, điều này phụ thuộc vào hành vi của người mà trẻ bắt chước. Do đó, nếu một đứa trẻ được sống trong môi trường có những hành vi tốt, trẻ sẽ hình thành và phát triển những hành vi tốt, từ đó có thể phát triển một nhân cách tốt khi lớn lên. Ngược lại, nếu trẻ tiếp xúc nhiều với những hành vi xấu, có thể trẻ sẽ bị tiêm nhiễm vào đầu những điều đó một cách vô thức nhưng dần dần nó lại trở thành một tiềm thức khó bỏ ở trẻ khi trưởng thành.
 
Đơn cử như nếu cha mẹ đánh con lúc tức giận, trẻ sẽ học được kinh nghiệm rằng nếu tức giận, có thể sử dụng hành vi đánh đó. Hoặc nếu gia đình hoặc xung quanh có người nói tục và người khác không phản ứng gì, trẻ sẽ nghĩ rằng điều này là được phép. Hành vi tốt là điều ngược lại.
 
Trẻ sẽ cư xử tương tự những gì học được từ người lớn.
 
Những tai nạn đáng tiếc mẹ có thể không ngờ tới từ việc trẻ bắt chước
 
Mới gần đây nhất, vào tháng 4/2016, tại khu Abeno, thuộc thành phố Osaka, cách thủ đô Tokyo – Nhật Bản 250 dặm, một bé gái 6 tuổi đã chết thảm chỉ vì bắt chước theo nhân vật trong phim hoạt hình. Theo cảnh sát, bé gái này đã thử kê ghế rồi trèo qua phần hàng rào cao hơn 1 mét, phía ngoài ban công căn hộ chỉ vì nghĩ mình có thể bay lượn như trong phim hoạt hình. Tuy nhiên, do mất thăng bằng, em đã bị rơi từ tầng 43 của tòa nhà xuống và tử vong ngay tại chỗ.
 
Tương tự, vào 15/2/2016, tại Hán Trung, Thiểm Tây, Trung Quốc, cũng chỉ vì bắt chước hành động trong bộ phim hoạt hình được chiếu trên ti vi hằng ngày, bé gái 10 tuổi cầm chiếc cưa và tấn công vào gương mặt em gái mình.
 
 Bé gái 5 tuổi bị chị gái 10 tuổi dùng cưa tấn công vào mặt do bắt chước phim hoạt hình.
 
Trước đó, vào năm 2013, cũng tại Trung Quốc, một bé trai 10 tuổi tên Thuận Thuận đã trói 2 anh em ruột 4 và 7 tuổi vào gốc cây và thiêu sống chúng khiến hậu quả là bé trai 4 tuổi bị bỏng nặng trên 80%, còn bé 7 tuổi bị bỏng 40%. Điều bất ngờ là vụ việc này xảy ra chỉ bởi cậu bé muốn tái hiện lại cảnh con sói ác độc định nướng sống các chú cừu non để làm món thịt nướng trong bộ phim hoạt hình dài khoảng 1.000 tập “Cừu vui vẻ và sói xám”. 
 
Vào năm 2014, cũng vì nghĩ mình biết bay như Ultraman, một bé trai 6 tuổi ở Trung Quốc đã nhảy từ tầng 6 xuống đất. May mắn la cậu bé đã thoát chết một cách thần kỳ sau tai nạn này. Bé Xiao Long kể lại rằng lúc đó, bé chỉ có một mình trong phòng và muốn ra ngoài chơi. “Bố mẹ cháu không về nhà và cháu đã khóc. Cháu từng xem nhân vật anh hùng Ultraman bay xuống từ trên cao nên cháu nghĩ cháu có thể bắt chước như vậy”.
 
 Trẻ hồn nhiên nghĩ rằng mình cũng có thể bay như Ultraman. (Ảnh minh họa)
 
Còn vào năm 2015, một đám trẻ chừng 7 tuổi tại ngôi làng Dahthah, một vùng cao miền Bắc tỉnh Ibb thuộc Yemen đã gây ra một vụ việc kinh hoàng khi nhốt một cậu bé 10 tuổi vào lồng sắt rồi châm ngòi thiêu sống. Nhóm trẻ này được cho là đã bắt chước các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS khi chúng xem được những đoạn phim ghi lại cảnh phi công người Jordan bị IS thiêu sống.
 
Và ngay tại Việt Nam thì cũng có những tai nạn thương tâm do bắt chước đã xảy ra. Điển hình như vào sáng ngày 13/7 BV Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận trường hợp em Trần Quang Nhật (11 tuổi) vào điều trị với chuẩn đoán gãy cùng lúc 2 tay, trán bị sưng nhẹ. Người nhà của Nhật cho biết do vốn hiếu động nên sau khi xem gameshow Không giới hạn - Sasuke trên truyền hình, cậu bé này đã bắt chước, leo lên 2 bức tường song song, thậm chí cậu còn dùng nước tạt lên tường cho giống các diễn viên. Tuy nhiên, khi leo đến độ cao khoảng 2m thì bị trượt té. Nhật chống cả 2 tay xuống đỡ, hậu quả là bị gãy cả 2 tay.
 
Làm gì khi trẻ bắt chước những hành vi xấu?
 
Môi trường sống là một trong những yếu tố quan trọng nhất để hình thành nên những thói quen và hành vi tốt của trẻ. Nếu trẻ sống trong một môi trường sạch, được bao bọc bởi tình yêu thương của bố mẹ, và được dạy phải biết quan tâm, chia sẻ và biết ghĩ đến người khác thì tự nhiên, trẻ cũng sẽ hình thành những hành vi tốt.
 
Tuy nhiên, hằng ngày, trẻ không chỉ tiếp xúc với mỗi bố mẹ mà còn tiếp xúc với rất nhiều người khác như bạn bè, anh chị em, thầy cô giáo va cả các phương tiện thông tin đại chúng nữa. Chính vì vậy, để hạn chế tối đa việc trẻ bắt chước những hành vi không được mong đợi, bố mẹ cần chú ý những điểm sau.
 
- Hạn chế tối đa việc thể hiện những hành động xấu trước mặt trẻ.
 
- Luôn xem xét và chú ý đến những nội dung trên truyền hình trước khi cho trẻ xem. Hiện nay, có nhiều phim hoạt hình thể hiện rất rõ hành vi bạo lực, và việc trẻ bắt chước những hành vi đó là hoàn toàn có thể xảy ra. Không những vậy, kể cả những phim hoạt hình không bạo lực nhưng cũng sẽ ẩn chứa những hành động nguy hiểm khiến trẻ có thể bắt chước theo thì cũng cần bố mẹ lưu ý đến điều này và giảng giải cho trẻ hành động nào là nên làm, hành động nào là không nên làm.
 
 Hãy giải thích cho trẻ hành động nào là nên làm, hành động nào là không nên làm. (Ảnh minh họa)
 
- Tùy từng lứa tuổi mà phụ huynh cần có cách chỉ dạy khác nhau cho trẻ khi thấy trẻ bắt chước những hành vi xấu từ các chương trình truyền hình, phim ảnh hoặc từ bạn bè…Ví dụ như với trẻ dưới 2 tuổi, khả năng nhận thức của các bé còn chưa rõ ràng, vì vậy, nếu trẻ có những hanh vi xấu như ăn vạ, nói tục, ném đồ chơi thì mẹ nên phớt lờ hoặc chỉ dạy một cách dễ hiểu nhất cho trẻ là tại sao không được làm như vậy và khích lệ những hành vi tốt.
 
Còn đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, thì bố mẹ cần phải giải thích một cách cặn kẽ cho trẻ hiểu, đánh vào nhận thức của trẻ về việc tại sao không được hành động như vậy và thường xuyên khuyến khích trẻ làm những hành động tốt.
 
- Dù với bất kỳ lứa tuổi nào, bố mẹ cũng cần phải học cách tích cực khen ngợi, tán thưởng cho những hành vi tốt cũng là một cách để các trẻ hạn chế những hành vi xấu qua việc bắt chước.
 
- Đặc biệt không cười cợt hay có những hành động cổ vũ trẻ khi trẻ có những hành vi xấu.
Chia sẻ