12 thói quen xấu của bố mẹ trẻ sẽ bắt chước
Mỗi chúng ta đều có một vài thói quen xấu nhưng rất khó sửa đổi. Thói quen này diễn ra hàng ngày và lũ trẻ rất nhanh chóng bắt chước theo.
Từ cách bạn nói chuyện với người bạn đời của mình như thế nào đến cách bạn nói chuyện trên điện thoại, bất cứ điều gì bạn làm bé đều có thể bắt chước. Vì vậy, trong bất cứ tình huống nào, khi có trẻ nhỏ đứng đó bạn cần kiểm soát được hành động của mình để bé không bắt chước và làm theo một số thói quen xấu của bố mẹ.
1. Cách sử dụng điện thoại
Cách bé sử dụng điện thoại như thế nào một phần cho thấy cách bố mẹ đã sử dụng thiết bị công nghệ này. Đặc biệt là thái độ của bạn khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại - chú tâm hay không, giọng điệu như thế nào… lũ trẻ hoàn toàn có thể bắt chước làm theo một cách chuẩn xác đáng ngạc nhiên. Do đó, hãy chú ý cách sử dụng điện thoại của mình, đặc biệt là cách giao tiếp qua điện thoại để bé không có “cơ hội” học theo một số thói quen xấu của bố mẹ.
2. Phản ứng giận dữ
Chú ý một chút bố mẹ sẽ nhận ra phản ứng giận dữ của bé khi có việc gì xảy ra không như ý rất giống thái độ của bạn khi giận dữ. Chẳng hạn bé cũng thở dài khi bực mình hay vứt đồ chơi bừa ra nhà từ việc bạn quăng đồ khi bực tức… Bé đã bắt chước bố mẹ làm vậy.
3. Xấu hổ về cơ thể mình
Bạn có tin rằng khi bạn không hài lòng với cơ thể của mình, thường xuyên than vãn và không tự tin để tham gia câu lạc bộ nào đó có thể làm bé nhà bạn tự ti về bản thân? Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy bố mẹ có thể giúp bé tự tin hơn vào bản thân mình khi làm việc gì đó bằng cách động viên trẻ và chính bố mẹ cũng tự tin trong mỗi hoạt động của mình.
4. Cách nói chuyện với người khác
Nếu bạn muốn biết cách mình nói chuyện với người khác như thế nào, hãy dành một chút thời gian để lắng nghe giọng nói, theo dõi và chú ý thái độ giao tiếp của trẻ với bạn bè trong lớp học hay nhóm bạn trong xóm. Điều này sẽ mang đến cho bạn những cái nhìn sâu sắc về hành vi của chính mình.
5. Phản ứng thái quá
Trẻ nhỏ rất thích bắt chước và làm theo người lớn. Nếu bạn phản ứng thái quá trước một điều gì đó xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, bé cũng sẽ bắt chước và làm theo. Chẳng hạn, bạn hay quát to hay hét lên khi thấy điều gì kinh khủng hay xảy ra không đúng ý mình, bé cũng sẽ làm theo như vậy.
6. Nói chuyện một cách lịch sự
Có nhiều đứa trẻ tuy còn nhỏ nhưng đã rất hiểu chuyện, biết nói năng một cách khiêm tốn, nhã nhặn, lễ phép và lịch sự với người lớn cũng như bạn cùng trang lứa. Cách nói chuyện của bé cho thấy bé lớn lên trong môi trường gia đình như thế nào, bố mẹ và những người thân của bé thường ngày đối xử với nhau ra sao.
7. Sử dụng thời gian rảnh rỗi
Bé rất quan tâm và để ý những gì bố mẹ mình làm. Vì vậy, nếu bạn dành tất cả thời gian rảnh rỗi của mình để xem các chương trình truyền hình trên ti vi hay máy tính, bé nhà bạn cũng sẽ bắt chước làm theo. Chắc chắn bạn sẽ không thể bắt bé đọc sách trong khi mình đang chăm chú xem một liveshow. Ngược lại, nếu bố mẹ thường dành thời gian rảnh để đọc sách cũng sẽ giúp hình thành thói quen ham đọc sách cho bé ngay từ nhỏ.
8. Làm vui lòng người khác
Nếu bạn có năng khiếu hài hước, biết cách trêu đùa làm người khác vui vẻ thì tính cách này của bạn cũng có thể truyền sang cho bé. Bé được sống trong gia đình tràn đầy tình yêu thương, lúc nào cũng có tiếng cười đùa sẽ giúp bé làm theo và hình thành tính cách vui vẻ, lạc quan.
9. Chửi thề
Đây là một trong những thói quen xấu của bố mẹ làm bé bắt chước rất nhanh. Nhiều bố mẹ đã rất ngạc nhiên khi thấy con mình chửi thề nhưng rồi chính họ nhận ra cách đây một vài ngày mình đã nói ra câu này và con đã học theo. Vì vậy, tốt nhất bạn không nên chửi thề trong bất cứ tình huống nào, nhất là khi có mặt bé để bé nghe được và bắt chước theo.
10. Nói thích hoặc thể hiện sự đồng tình
Vốn từ vựng và cách sử dụng ngôn ngữ của bạn tác động trực tiếp đến từ vựng và việc sử dụng ngôn ngữ của bé. Khi bạn nói thích hay đồng ý, thể hiện sự đồng tình – bày tỏ quan điểm của bản thân sẽ giúp bé học được cách bày tỏ quan điểm rõ ràng trước một vấn đề cụ thể.
11. Ngoáy mũi
Nếu bạn không muốn con mình làm điều đó, tốt nhất đừng ngoáy mũi trước mặt bé. Đây là một thói quen không tốt và không đẹp chút nào, khó bỏ nếu kéo dài quá lâu. Đồng thời, trong mũi có các mạch máu rất dễ vỡ nên bé có thể bị chảy máu cam.
12. Thực hành tâm linh
Nếu bạn thể hiện sự sùng bái hay theo một tôn giáo nào đó với các nghi lễ hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng, bé cũng sẽ bắt chước và làm theo, tin tưởng vào thế giới tâm linh đó.
(Nguồn: Popsugar)