Giúp hệ tiêu hóa của bé “an toàn” trong ngày Tết

Nhã Đan,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Bác sĩ Đặng Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, càng vào những ngày Tết thì cha mẹ càng nên để ý tới chế độ dinh dưỡng của bé nhiều hơn.

Cùng con "an toàn" trong ngày Tết

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết, bé Bi (6 tuổi) ngày nào cũng đòi mẹ phải mua thật nhiều bim bim, bánh kẹo, nước ngọt để bé đón Tết. Với tâm lý chiều con, cuối tuần vừa rồi chị Thủy (Hoàng Ngân, Hà Nội) đưa Bi đi mua rất nhiều thứ chất đầy trong tủ lạnh. 

Thế nhưng, gần đây bé bị tiêu chảy dữ dội phải nhập viện. Tại bệnh viện, bác sĩ nhận định bé bị rối loạn tiêu hóa cấp. 

Chị chia sẻ: “Cũng tại mình quá chiều con, con đòi gì cũng mua, ăn gì cũng cho. Mấy ngày vừa rồi bé ăn cơm rất ít, chủ yếu ăn bánh rồi uống nước ngọt". 

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Đặng Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, càng vào những ngày Tết thì cha mẹ càng nên để ý tới chế độ dinh dưỡng của bé nhiều hơn. 

Trong những ngày Tết, cha mẹ thường có thói quen sử dụng thực phẩm dự trữ (dễ nhiễm khuẩn, ôi thiu…), thực phẩm chế biến sẵn (nguy cơ lạm dụng hóa chất bảo quản) và thói quen ăn uống của mọi thành viên thường bị đảo lộn. Ví dụ, chế độ ăn nhiều thức ăn giàu đạm, đường, chất béo… giảm trầm trọng chất xơ, vitamin, chất khoáng… nên rất dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. 

Giúp hệ tiêu hóa của bé “an toàn” trong ngày Tết 1
Theo bác sĩ Hiền, biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất đa dạng, 
phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt trẻ em với hệ tiêu hóa còn non yếu, khả năng thích nghi kém nên khi các bé ăn không đúng bữa, lại lạm dụng các loại thực phẩm ưa thích nhưng không tốt cho sức khỏe (bánh, kẹo, nước ngọt…), khả năng các bé mắc chứng rối loạn tiêu hóa rất cao, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho bé nếu không được điều trị kịp thời. 

Theo bác sĩ Hiền, biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng thường gặp

Đau bụng, buồn nôn, nôn,  tiêu chảy...  là những biểu hiện cấp tính thường gặp ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác như chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, phân sống, biếng ăn… 

Đau bụng: Đau bụng thường xảy ra sau bữa ăn, bé có thể đau quặn bụng (triệu chứng cấp tính do ngộ độc thức ăn), có thể đau không liên tục hoặc đau âm ỉ (vị trí đau thường ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn) có thể do trẻ ăn quá nhiều, ăn không đúng bữa, hoặc ăn những thức ăn khó tiêu hóa... 

Trẻ nhỏ chưa biết nói thường biểu hiện bằng quấy khóc, vật vã, không chịu bú…

Buồn nôn và nôn: Khi đang ăn hoặc ăn xong, bé có cảm giác này. 

Tiêu chảy: Khi bé đi ngoài phân lỏng, tóe nước từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ. Tiêu chảy cấp thường hết sau 5–7 ngày. Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể dẫn đến tình trạng mất nước và tử vong. 

Phân sống: Là tình trạng bé đi ngoài phân lổn nhổn, lúc lỏng lúc đặc và có thể còn thức ăn chưa được tiêu hóa.

Táo bón: Là tình trạng đi ngoài phân cứng như phân dê, phân quá to, khoảng cách đi "ị" giữa hai lần cách xa nhau tùy từng lứa tuổi. Điều này khiến bé đi ngoài khó khăn, có thể gây chảy máu thậm chí gây cảm giác sợ đi ngoài ở một số trẻ lớn.

Biếng ăn: Tự dưng bé không hứng thú với thức ăn như trước (quấy khóc khi ăn, quay mặt, ngậm miệng khi thấy thức ăn…), ăn không đủ khẩu phần, thời gian ăn một bữa thường kéo dài.  

Bác sĩ Hiền nhấn mạnh tâm lý ngại đến bệnh viện trong những ngày đầu năm và tình trạng lạm dụng thuốc tự điều trị khiến bệnh của bé bị nghiêm trọng, có khả năng nguy hiểm đến tính mạng. 

Nên tốt nhất khi thấy con có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần khẩn trương đưa con đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. 

Để tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết sắp tới, bác sĩ Hiền khuyên các bậc phụ huynh nên chú ý:

Lựa chọn và bảo quản thực phẩm: Chỉ nên dự trữ thực phẩm vừa đủ trong 3 ngày Tết, thực phẩm phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, ưu tiên rau xanh và quả chín. 

Nên ăn thức ăn nóng, nấu vừa đủ ăn, hạn chế lưu cữu đồ ăn từ ngày này qua ngày khác. 

Đảm bảo vệ sinh: Không chỉ bé mà người chăm sóc bé cũng cần phải rửa tay sach trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, dụng cụ chế biến thức ăn và đồ dùng cho con phải đảm bảo vệ sinh không nhiễm khuẩn.

Phân công người chịu trách nhiệm chính: Tốt nhất là mẹ của bé. Đảm bảo duy trì chế độ ăn cho con gần giống ngày thường. 

Đảm bảo cho bé ăn đúng bữa, có thể bổ sung sữa nếu bé chưa kịp ăn bữa tiếp theo. Giám sát không để con lạm dụng nước ngọt, bánh kẹo, thức ăn chế biến sẵn… Cho bé uống đủ nước, tăng cường các loại nước hoa quả tươi cho con…

Duy trì sữa mẹ: Đối với bé còn đang bú mẹ thì sữa mẹ vẫn là thức ăn hoàn hảo giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Để có nguồn sữa tốt nhất cho con, người mẹ nên ăn uống đầy đủ, cân đối, đúng bữa, không lạm dụng những loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn ngọt, nên uống đủ nước… 



Bà ngoại bảo: "Dùng nước rau pha sữa, Bông sẽ nhận được thêm một số chất dinh dưỡng lợi tiêu hóa
giúp bé đỡ xì xoẹt hay táo bón và phát triển tốt hơn".
Giúp hệ tiêu hóa của bé “an toàn” trong ngày Tết 2
Chia sẻ