1. Lập kế hoạch vui chơi dành cho con
Trường học thì đóng cửa, thời tiết lạnh lẽo, đặc biệt có thể trời sẽ mưa rét vào dịp Tết khiến nhiều bố mẹ chỉ
nghĩ đến Tết thôi đã thấy rùng mình. Một cách hiệu quả để giúp bố mẹ cảm thấy đỡ mệt mỏi đó chính là lập kế hoạch vui chơi dành cho con.
Bạn đừng đợi đến sát Tết mới nghĩ đến việc lập kế hoạch bởi lúc đó thì quá bận để nghĩ ra được điều gì đó hay ho. Hãy lập kế hoạch những lúc bạn thảnh thơi nhất và lập hẳn 2 bản một bản dành cho ngày Tết nắng ráo và một bản dành cho ngày Tết mưa lạnh với những trò chơi trong nhà, ngoài trời, kế hoạch đi thăm họ hàng và các điểm vui chơi ngày Tết.
Bạn hãy tận dụng chính những vật dụng ngày Tết để biến hóa thành các trò chơi cho bé, ví dụ như làm một bức tranh từ hạt bí, cắm hoa, trang trí cây hoa ngày Tết, chơi trò hái quả (nếu nhà bạn có mua quất), tập cắt bánh chưng, sắp xếp hộp mứt Tết, phân loại các loại hạt hoặc mứt, ô mai, chơi trò xé dán với bao lì xì của bé....
2. Chuẩn bị tốt cho con trước khi đi thăm hỏi họ hàng, bạn bè
Việc bạn muốn đưa con đi thăm hỏi thật nhiều người vào ngày Tết là điều hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng bạn hãy dựa vào tính cách của con để con có sự chuẩn bị tốt nhất khi gặp gỡ mọi người.
Tối hôm trước bạn hãy thông báo với con ngày hôm sau gia đình bạn sẽ đi đâu và gặp những ai, hãy kể cho con về những người đó và nếu có ảnh của họ thì càng tốt. Hãy kể cho con về quan hệ của bạn với những người bạn đến thăm và tìm ra một vài điểm hay ho thú vị khi nhắc đến gia đình của họ. Trước khi đi thăm mỗi nhà, hãy thông báo lại một lần nữa nơi đến cho con và thảo luận với con xem đến đó con sẽ nói gì hay làm gì.
Bạn hãy luôn đảm bảo em bé của bạn được ăn no và đã được nghỉ ngơi đầy đủ trước mỗi chuyến viếng thăm, tốt nhất không nên sắp xếp lịch thăm viếng quá dày hoặc phải di chuyển khá xa, đặc biệt là đối với các em nhỏ. Với các em bé dưới 1 tuổi, nếu có thể hãy sử dụng địu để mẹ hoặc bố có thể cho em nghỉ ngơi mọi lúc mọi nơi.
Nếu thấy con có dấu hiệu mệt mỏi, không thích nghi với môi trường mới, hãy tìm một lí do chính đáng để rời đi hoặc để ra ngoài dạo chơi cho con bình tĩnh lại, trước khi con "bùng nổ" sự mệt mỏi của mình.
3. Quy định số đồ chơi trong một ngày
Để tránh việc dọn dẹp quá nhiều đồ chơi trong một ngày, bạn hãy dọn bớt số đồ chơi trong phòng của bé đi. Hãy quy định với bé ngày hôm nay bé và các bạn được chơi những đồ chơi gì và ngày hôm sau được chơi những đồ chơi gì. Trong một ngày hãy chỉ mang số lượng đồ chơi vừa đủ cho các bé chơi mà thôi, số còn lại hãy cất gọn vào một nơi mà bé khó có thể tự lấy được.
Để bé tham gia vào một số công việc chuẩn bị ngày Tết của gia đình cũng là một cách giúp bé thấy hào hứng hơn để đón Tết.
Nếu được, bạn hãy thống nhất với gia đình các bé khác về cách thức dọn đồ chơi sau khi chơi. Hãy lập ra hệ thống phần thưởng khi các bé dọn đồ chơi sau khi chơi xong, cũng có thể mở cuộc thi xem bé nào dọn đồ chơi được nhanh nhất và nhiều nhất chẳng hạn.
4. Hạn chế ăn các đồ ăn không có lợi
Trước tiên, hãy làm gương cho bé bằng cách chuẩn bị mời khách những món ăn ít đường, nếu có thời gian, bạn hãy tự làm các món mứt hay bánh quy đãi khách, như thế bạn có thể điều chỉnh được lượng đường trong sản phẩm của mình.
Bạn có thể thay thế các loại bánh, kẹo, thạch nhiều đường bằng các loại hạt rang có lợi cho sức khỏe, các loại mứt có vị ngọt dịu hoặc các loại trái cây để mời khách. Nếu vẫn muốn sử dụng kẹo, hãy cố gắng tìm các loại kẹo có nguồn gốc rõ ràng và có lượng đường vừa phải. Khi không có khách, tốt nhất bạn hãy cất khay bánh kẹo ở một nơi bé không thể tự tiện lấy được.
Hãy kể cho bé nghe câu truyện về hậu quả của việc ăn quá nhiều đồ ngọt vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, khi đến nhà người khác, bạn hãy giao hẹn trước với con rằng chỉ được ăn với số lượng bao nhiêu và cho con thấy hậu quả nếu như con không làm theo giao ước. Hãy kiên quyết và kiên trì. Một bí quyết nho nhỏ có thể giúp con bớt ham muốn với đồ ngọt đó là hãy cho bé ăn no trước khi đi chơi và luôn chuẩn bị sẵn một túi đồ ăn vặt với những món ăn có lợi mà bé yêu thích như trái cây hay sữa chua.
5. Hạn chế thay đổi lịch sinh hoạt
Việc ăn ngủ thất thường trong ngày Tết là điều thường gặp ở các gia đình có con nhỏ. Với những bé dễ chịu và thích nghi nhanh, việc thay đổi nếp sinh hoạt không làm phiền bé quá nhiều. Nhưng có một số bé đặc biệt khó hoặc chậm thay đổi thì việc ăn ngủ đúng giờ là rất quan trọng.
Để việc thay đổi nhịp sinh hoạt của bé không khiến những ngày Tết trở thành thảm họa, điều đầu tiên bạn cần phải hiểu em bé của bạn có tính cách thế nào, có thích nghi với sự thay đổi tốt hay không, nếu bé là một em bé cần phải ăn, ngủ chính xác đến từng giây phút hãy lập kế hoạch để giúp bé không bị khó chịu.
Một vài lưu ý “bỏ túi” cho bố mẹ - Hãy luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn và sữa trong túi xách khi đi chơi. Có rất nhiều bé cần phải ăn đúng giờ, nếu không bé sẽ trở nên cáu gắt và khó chịu, đôi khi không phải do bé đói mà đồng hồ sinh học của bé đã lập trình ở đúng thời điểm đó, cách tốt nhất là bạn luôn mang theo đồ ăn nhẹ và sữa ở trong túi để bé có thể thỏa mãn cơn đói bất cứ lúc nào. Bạn cũng không cần phải quá chú trọng đến lượng ăn trong những ngày này, đảm bảo thời gian vui vẻ cho cả gia đình là điều quan trọng nhất. - Lập kế hoạch để tránh đi chơi vào thời gian bé ngủ ngày hoặc đảm bảo bé được ngủ đêm đúng giờ và đủ giấc bằng cách cho trẻ đi ngủ muộn nhất là 9 giờ tối mà thôi. - Tận dụng thời gian cho trẻ ngủ mọi lúc, mọi nơi. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu buồn ngủ, hãy cho trẻ đi ngủ ngay lập tức dù bạn đang ở bất kỳ đâu. |