Bí quyết nuôi dạy con:

Gặp một bà mẹ nắm giữ cực nhiều bí quyết dạy con hay

Bảo Bình,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Từ một cậu bé nhút nhát, mẹ của Nhật Nam đã khiến con trở thành một cậu bé vô cùng tự tin, trở thành cây văn nghệ của trường lớp và đã ngủ riêng từ khi 2 tuổi.

Cùng gặp chị Vũ Phượng (30 tuổi, Hà Nội) để nghe kể về hành trình giúp con từ một cậu bé nhút nhát trở nên tự tin nhé!

Đã có lúc sợ con bị tự kỷ
 
- Chào Phượng, bình thường con trên 2 tuổi thì bố mẹ mới rục rịch cho đi học, vậy lý do gì khiến bạn cho Nhật Nam đi học khi bé mới 18 tháng tuổi?
 
Khi còn bé, Nhật Nam rất nhút nhát, đừng nói là ra chốn đông người mà ngay cả trong nhà, cứ trông thấy có người lạ là bé lại sợ sệt, không dám đến gần, lúc nào con cũng đứng nép sau lưng mẹ.
 
Một thời gian dài, cứ cuối tuần hai vợ chồng lại đưa con đi chơi công viên, gặp gỡ bạn cùng trang lứa nhưng bé vẫn tỏ ra sợ hãi, không nói chuyện tiếp xúc với bạn nào. Đến nỗi chồng mình còn lo ngại bảo cho con đi khám vì sợ bé bị tự kỷ.

Gặp một bà mẹ nắm giữ cực nhiều bí quyết dạy con hay 1
 
Mình biết chỉ bởi gia đình quá giữ gìn sợ trời gió máy, lo con ốm mệt nên toàn cho bé loanh quanh trong nhà với ông bà bố mẹ, thêm phần nhà không có trẻ con nên Nhật Nam đã nhút nhát lại càng nhút nhát hơn.

Sự nhút nhát hình thành ngay từ ấu thơ sẽ lớn dần theo năm tháng của con và hình thành nên tính cách. Nhớ lại thời gian đó, mình thực sự thấy lo lắng, mình dành thời gian tìm hiểu sách báo và tìm cách “thay đổi con”. Trường học là nơi mình tìm đến.
 
- Và những ngày đầu đến trường của bé như thế nào?
 
Đúng như mình dự đoán, đó là một chuỗi ngày bé khóc triền miên. Dù thương con vô cùng, nhìn con khóc, mình chỉ muốn ẵm con ngay về nhà nhưng cả gia đình mình phải cố “lờ đi” để con tự quen với môi trường mới. 3 tháng trời, sáng nào bé cũng "ca bài ca" khóc nhè rất thảm thiết nhưng sau một thời gian, bé thích hàng ngày được đi học, thích chơi với bạn bè…
 
Vậy là nhờ sự kiên trì, bảo ban của gia đình và những hỗ trợ từ trường lớp mà hiện giờ Nhật Nam vô cùng mạnh dạn, tự tin. Bé là một cây văn nghệ xuất sắc của lớp, cứ có tiết mục biểu diễn gì của lớp, trường, bé cũng nhiệt tình tham gia.

Gặp một bà mẹ nắm giữ cực nhiều bí quyết dạy con hay 2

"Ra riêng": Một bài học khiến con tự tin
 
- Bạn đã phối hợp với nhà trường trong việc rèn luyện tính tự tin cho con như thế nào vậy?

Sau mỗi ngày đi học về, vợ chồng mình thường xuyên hỏi han, khuyến khích con kể lại những việc làm trong một ngày đi học của mình như thế nào: được cô dạy hát bài gì, ăn món gì, chơi gì với bạn nào...
 
Biết con nhút nhát, vợ chồng mình dành nhiều thời gian với con hơn trước, đưa con đi chơi và làm quen với những người bạn mới, mình hạn chế những hoạt động cô lập ở con như: xem tivi, chơi game một mình…
 
Độc lập tốt sẽ khiến bé nhanh chóng tự tin. Khi con 3 tuổi, mình tạo điều kiện cho con làm mọi thứ trong khả năng thay vì mình làm hộ con tất cả như trước đây. Mình khen ngợi khi con tự mình làm được bất cứ việc gì: tự ăn cơm, mang giày, xếp quần áo, tự đắp chăn lên giường đi ngủ một mình.

Phải nói rằng, chính ngủ riêng đã khiến con ngày càng tự tin, độc lập, khác hoàn toàn so với trước đây.

Gặp một bà mẹ nắm giữ cực nhiều bí quyết dạy con hay 3
 
- Hành trình cho một em bé nhút nhát ra ngủ riêng chắc có rất nhiều khó khăn?
 
Nhật Nam tròn hai tuổi cũng là ngày vợ chồng mình quyết định cho con “ra riêng”. Cả gia đình ai cũng cười nói rằng: “Còn lâu Nhật Nam mới chịu nằm một mình nhé”. Vợ chồng mình cũng hoang mang nhưng vẫn đầy quyết tâm.
 
Sau khi tham khảo các thông tin về việc cho con ra “ở riêng”, mình mua tặng con một chiếc giường ngộ nghĩnh. Từ hôm đó, ngày nào mình cũng “lân la hỏi dò”: “Oa, Nam có cái giường đẹp ghê không?”.

Bé vô tư thích chí trả lời: “Đẹp lắm ạ”.
 
Sau đó mình “di cư” sạch đám đồ chơi thân thiết của con từ gấu đến lợn bông sang phòng mới. Nam cũng tự nhiên “di chuyển” theo đám bạn và cu cậu tỏ vẻ hào hứng với “tổ mới”.

Gặp một bà mẹ nắm giữ cực nhiều bí quyết dạy con hay 4
 
Một buổi tối đẹp trời, cả nhà nằm ở phòng mới, Nam nằm giữa và bố mẹ nằm hai bên. Sau khi kể chuyện chán chê, tâm sự các kiểu, Nam từ từ đi vào giấc ngủ. Vợ chồng mình an tâm lắm, rủ nhau về phòng thì một lát sau nghe tiếng con khóc inh ỏi gọi mẹ ở phòng bên. Mình lại chạy sang, bế con về phòng bố mẹ nằm cùng.
 
Ngày đầu, ngày thứ 2, ngày thứ 3 không thành công như mong đợi, anh xã mình còn bảo: “Thôi, cho con ngủ cùng, lớn chút nữa tập lại em ạ, tội nghiệp con” nhưng mình vẫn quyết tập thêm cho con.
 
Quả nhiên, bé thay đổi, chỉ sau 1 tuần, cứ đến giờ mình nhắc con ngủ là bé lại lục đục ôm thỏ bông vào lòng và tự ngủ một mạch đến sáng hôm sau.
 
Đánh mắng con không phải là cách dạy con hiệu quả
 
- Liệu có lúc nào một cậu bé hiền lành như Nam khiến bố mẹ “ức chế” không? Bạn sẽ xử lý như thế nào? Phân tích hay “cho bé ăn roi”?
 
Không biết các bé khác thế nào nhưng riêng Nam, bé chỉ nghe lời khi bố mẹ… nịnh nọt. Còn đánh ư? Mình chưa thử bao giờ nhưng mình không theo cách đó. Trẻ con như cây non vậy, mình có thể uốn nắn được theo ý nhưng dù non cũng phải uốn đúng cách nếu không, gẫy là điều không phải là không thể xảy ra.
 
Khi bé không nghe lời, mình thường phạt Nam đứng im 5 phút ở góc nhà rồi phân tích cho con hiểu: sai ở đâu và nên làm thế nào. Nhiều bậc phụ huynh cứ hở ra là mắng mỏ, đánh con… mình nghĩ không nên như vậy, càng đánh, con sẽ càng dạn đòn và coi như cha mẹ đã thất bại trước con rồi. Cha mẹ nên dạy con tính kỷ luật, tự chịu trách nhiệm với hành động của mình thì hơn.

Gặp một bà mẹ nắm giữ cực nhiều bí quyết dạy con hay 5

- Tính kỷ luật cụ thể là như thế nào vậy?
 
Kỷ luật đối với trẻ rất cần thiết nhưng kỷ luật không có nghĩa là trừng phạt mà là giúp trẻ hình thành nhiều tính cách tốt như: biết kiềm chế đòi hỏi, biết tuân thủ nguyên tắc chung. Hình thành cho con tính kỷ luật ngay từ bé sẽ rất tốt cho tương lai của con sau này.
 
Vợ chồng mình rất thương con nhưng thương yêu không có nghĩa là mọi yêu cầu của con đều được mình đáp ứng. Ví dụ như Nam chơi đồ chơi xong là phải tự thu dọn, cất gọn gàng vào chỗ cũ thì mới được làm gì thì làm, chơi trò gì thì chơi.

Thế là cu cậu vì muốn chơi cái khác nên phải ra cất dọn đồ chơi đã dùng xong. Cứ như vậy, điều này hình thành thói quen cho bé, giờ Nam tự giác lắm, lúc nào đồ chơi cũng gọn gàng. Các việc khác cũng vậy, mình thường đặt ra quy định cho con: cái gì an toàn có thể chơi, đồ vật gì không an toàn và cần tránh…

- Cảm ơn Phượng vì cuộc chia sẻ rất thú vị này, chúc Nhật Nam ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ.

Gặp một bà mẹ nắm giữ cực nhiều bí quyết dạy con hay 6



Vào đúng ngày sinh nhật của mẹ, bé Tũn nhất quyết đòi chào đời. Dù ra đời sớm hơn dự kiến nhưng cả gia đình chị Ngọc Diệp, ai cũng vỡ òa trong niềm hạnh phúc mẹ tròn con vuông.
Gặp một bà mẹ nắm giữ cực nhiều bí quyết dạy con hay 7

Chia sẻ