Ép con ngủ trưa suốt một năm nhưng đứa trẻ vẫn không lớn, người mẹ bị bác sĩ mắng vì điều này

PHAN HIỀN,
Chia sẻ

Ép trẻ ngủ trưa không mang lại lợi ích như nhiều người tưởng, ngược lại nó còn dẫn tới 3 hậu quả nghiêm trọng.

Cha mẹ hay giáo viên đều cho rằng, ngủ trưa rất tốt cho sự phát triển của một đứa trẻ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau, việc ép trẻ ngủ trưa có thể gây phản tác dụng như trong trường hợp sau đây.

Con trai cô Trần tên Tiểu Vương (5 tuổi) thường không thích ngủ trưa. Cô Trần cũng ít khi ép con mình ngủ trưa nên đứa trẻ chưa bao giờ có thói quen này.

Vào một ngày, Tiểu Vương được mẹ gửi về nhà ngoại chơi vài ngày. Sau bữa trưa, bà ngoại thường bắt cháu đi ngủ ngay, nhưng cậu bé không buồn ngủ chút nào. 

Bà ngoại cứ khăng khăng rằng, trẻ còn nhỏ thì nên ngủ trưa, thế mới cao lớn được. Bà không hiểu tại sao con gái mình lại không rèn thói quen ngủ trưa cho cháu. Bà cho rằng, đây là một lỗi lầm lớn, nhất định cần phải sửa chữa. Tuy nhiên, vì Tiểu Vương chỉ ở nhà ngoại có vài ngày nên người bà đành chịu, không thể sửa đổi được.

Khi Tiểu Vương đi học mẫu giáo, cậu bé bị cô giáo ép ngủ trưa nên tối về nhà thường chơi tới tận 11 giờ mới chịu đi ngủ. Sau khi ép ngủ trưa suốt 1 năm, cô Trần nhận thấy con mình chậm cao lớn so với các bạn cùng lớp. Cô Trần không khỏi lo lắng nên dẫn con tới bác sĩ khám.

ép trẻ ngủ trưa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sau khi có kết quả, cô Trần bị bác sĩ mắng cho một trận. Bác sĩ nói rằng, việc ép ngủ trưa này sẽ khiến trẻ mất ngủ vào ban đêm. Nó làm thay đổi đồng hồ sinh học của trẻ, bỏ lỡ thời gian tiết hormone tăng trưởng nhiều nhất, dẫn tới việc trẻ không cao lên được.

Bên cạnh đó, việc bà ngoại ép trẻ ngủ trưa chỉ đơn thuần theo nhu cầu của người lớn. Bản thân đứa trẻ không buồn ngủ, dù có nằm xuống cũng không thoải mái. Điều này cũng không có lợi cho tình cảm bà cháu.

Cô Trần không ngờ rằng, việc ngủ trưa đối với nhiều đứa trẻ khác giúp chúng tràn đầy năng lượng vào buổi chiều nhưng lại phản tác dụng với con mình, gây cản trở chiều cao.

Ép trẻ ngủ trưa sẽ gây ra những tác hại gì?

1. Ảnh hưởng đến giấc ngủ bình thường vào ban đêm

Việc ép trẻ ngủ trưa sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ bình thường vào ban đêm. Mỗi người đều có đồng hồ sinh học cho riêng mình, trẻ con cũng vậy. Nếu ngủ theo thói quen, khi thức dậy trẻ sẽ có cảm giác tỉnh táo và vui vẻ. Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có thời gian ngủ khác nhau.

- Trẻ dưới 1 tuổi ngủ ít nhất 12,5 tiếng mỗi ngày.

- Trẻ từ 2 đến 5 tuổi ngủ trung bình 12 tiếng mỗi ngày.

- Trẻ từ 6 đến 12 tuổi ngủ 9 – 12 tiếng mỗi ngày.

ép trẻ ngủ trưa - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Vào ban đêm, tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng nhiều nhất khi trẻ đang ngủ. Nếu trẻ có giấc ngủ sâu và đủ giấc, chúng sẽ nhanh cao lớn.

Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi tiết ra hormone tăng trưởng dù chúng ngủ vào ban ngày hay ban đêm.

Trẻ trên 1 tuổi, hormone tăng trưởng tiết ra ít hơn vào ban ngày, chủ yếu tiết ra nhiều hơn vào ban đêm khi cơ thể chìm vào giấc ngủ sâu. Thời gian lý tưởng nhất của giấc ngủ sâu là từ 9 tối đến 1 giờ sáng. Đây là lúc hormone tăng trưởng tiết ra đạt mức cao nhất, gấp 5 – 7 lần so với ban ngày.

Để trẻ cao lớn bình thường, chúng cần hình thành đồng hồ sinh học phù hợp với độ tuổi của mình. Trong trường hợp ép trẻ ngủ trưa, điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian ngủ của trẻ vào ban đêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến việc tiết ra hormone tăng trưởng mà còn khiến trẻ căng thẳng, gây ra nhiều phiền phức cho các bậc cha mẹ.

2. Trẻ nảy sinh tâm lý nổi loạn

Có một thực tế cho thấy, cha mẹ hay giáo viên nếu ép trẻ làm những điều chúng không muốn, đương nhiên trẻ sẽ nảy sinh tâm lý nổi loạn, muốn chống đối lại. 

Cuối cùng, ngoài việc trẻ không ngủ trưa còn có thể dẫn tới tình huống trẻ biếng ăn, không chú ý nghe giảng trong lớp, không nghe lời người lớn.

3. Ảnh hưởng đến tình trạng học tập của trẻ

Khi ép trẻ ngủ trưa, chúng sẽ ngủ trễ vào ban đêm, dẫn tới buổi sáng dậy trễ. Một đứa trẻ thức dậy với tinh thần không thoải mái, buồn ngủ, cùng với việc bị cha mẹ mắng vì ngủ nướng sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm trạng học hành của chúng vào ngày hôm đó.

Nguồn: Sina, Sohu

Chia sẻ