Dùng kem chống nắng giá rẻ có khi còn cho chất lượng "xịn sò" hơn đồ đắt tiền nếu bạn triển đúng 5 chiêu sau đây
Kem chống nắng đắt hay rẻ không quan trọng bằng biết cách dùng. Làm tốt 5 điều này khi chọn mua và sử dụng kem chống nắng, bạn đã thành công trong việc "chống già" cho da rồi.
Ưu tiên kem chống nắng vật lý
Giữa mê hồn trận nào kem chống nắng vật lý, kem chống nắng hóa học, nhiều tín đồ làm đẹp hẳn sẽ cảm thấy vô cùng bối rối. Lời khuyên ngắn gọn dành cho bạn là nếu bạn muốn "chắc cốp" loại kem chống nắng mình sử dụng vừa hiệu quả lại vừa an toàn về lâu dài, hãy ưu tiên kem chống nắng vật lý.
Kem chống nắng vật lý với 2 thành phần Zinc Oxide và Titanium Dioxide được các bác sĩ da liễu khuyên dùng nhiều hơn bởi khả năng bảo vệ da hiệu quả, lại lành tính, thân thiện với làn da. Một điểm cộng khác không thể bỏ qua của kem chống nắng vật lý chính là nó không chỉ bảo vệ da khỏi tác hại từ tia UV mà còn chống được cả ánh sáng xanh (phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại... gây lão hóa da). Ngoài ra, kem chống nắng vật lý cũng cho khả năng bảo vệ da tức thì, không tốn công chờ đợi như kem chống nắng hoá học.
Điểm trừ nho nhỏ của kem chống nắng vật lý là dễ gây trắng mặt khi bôi, nhưng bạn cũng đừng lo vì các hãng liên tục cải tiến công thức (đơn cử như việc sử dụng Zinc Oxide dạng trong suốt), nhờ vậy mà kem bôi lên chỉ làm da tươi tắn hơn chút đỉnh chứ không hề bị trắng phớ, loang lổ.
Trong trường hợp bạn không quá quan tâm đến thành phần vật lý hay hoá học, có 2 điều bạn cần đảm bảo khi chọn mua kem chống nắng: SPF từ 30 và có khả năng chống nắng phổ rộng (broad spectrum).
Bôi đủ lượng kem cần thiết
Riêng với kem chống nắng, bạn đừng lo mình bôi quá nhiều bởi sự thật là chúng ta thường bôi ít kem hơn nhiều so với liều lượng khuyến cáo. Nhiều khả năng bạn nghĩ là mình bôi đủ nhưng thực ra vẫn chưa đủ đâu, mà đã bôi thiếu thì da vẫn bị tia UV "hãm hại" như thường. Để công sức bôi kem chống nắng 365 ngày/năm không đổ sông đổ bể, bạn hãy đảm bảo mình bôi đủ lượng kem chống nắng cỡ đồng xu lớn (đường kính 2,5cm) cho toàn mặt. Để kem dàn trải đều trên da tốt hơn, bạn có thể bôi làm 2 lớp.
Bôi lại kem sau mỗi 2 giờ
Bạn đừng ngây thơ tin vào dòng quảng cáo "chống nắng đến xx giờ" trên bao bì tuýp kem chống nắng nhé. Bất kể kem chống nắng rẻ hay đắt, thuần vật lý hay vật lý lai hóa học cũng đều giảm dần khả năng bảo vệ sau 2 giờ kể từ lúc bôi. Bôi kem chống nắng từ 9h sáng mà buổi trưa vẫn tự tin tung tẩy dưới nắng thì "chết dở" rồi! Vậy nên đã trót thì phải trét, bạn hãy mang theo tuýp kem chống nắng bên mình để bôi lại trong ngày, sau mỗi 2 tiếng, đặc biệt là trong khoảng thời gian 10h - 14h. Trong trường hợp bạn sinh hoạt ngoài trời hay ngồi gần cửa sổ thì quy tắc 2 giờ lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Bôi kem chống nắng ngay cả khi trời râm mát
"Trời không nắng thì không bôi kem chống nắng cũng được", câu này nghe tưởng hợp lý nhưng lại sai quá là sai. Lý do là bởi khi trời râm mát, tia UVB gây đen da có thể ít đi nhưng tia UVA, cũng là tên nguy hiểm hơn thì vẫn hoạt động mạnh như thường. Tia UVB gây đen da thì thấy ngay nhưng UVA lại tấn công một cách âm thầm, len lỏi vào các tầng sâu của da gây hư tổn tận gốc, khiến da xấu dần theo thời gian với những biểu hiện lão hóa như nhăn nheo, chảy xệ, tệ nhất là gây ung thư da. Nói đến đây thì bạn còn lười bôi kem chống nắng vào ngày râm mát nữa không?
Kết hợp kem chống nắng với vitamin C
Được mệnh danh là "thần dược" chống lão hóa, serum vitamin C có mặt trong quy trình skincare của rất nhiều tín đồ làm đẹp. Sản phẩm này có thể được sử dụng vào cả sáng và tối, nhưng thời điểm "vàng" chính là vào buổi sáng, kết hợp với kem chống nắng. Đúng vậy, khi bạn dùng chung serum vitamin C với kem chống nắng, serum vitamin C sẽ "tiếp sức" cho kem chống nắng phát huy hiệu quả tốt hơn. Vậy là bạn vừa được tận hưởng thành quả chống lão hóa da tuyệt vời của vitamin C lại vừa "nâng level" cho bước chống nắng, quả là một công đôi việc.