Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh: Lì xì ngày Tết, thay vì tiền khiến trẻ sớm thực dụng, hãy tặng sách!

NGỌC TÚ,
Chia sẻ

Trước câu chuyện bên thềm ngày Tết cổ truyền này, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh có ý kiến khác: Lì xì không nên bỏ, nhưng thay vì tiền, chúng ta có thể tặng sách cho trẻ nhỏ.

Lì xì là một nét văn hóa đặc sắc ngày Tết của người Việt Nam. Thế nhưng thời gian gần đây, rất nhiều người "lên án" lì xì là gánh nặng kinh tế, một hủ tục nên bỏ đi, bởi vì, lì xì đã biến tướng, đồng thời khiến cho trẻ nhỏ sớm thực dụng. 

Lì xì là một tập tục lâu đời và có ý nghĩa

Có thể thấy, lì xì ngày Tết là nét đẹp đầu năm mới, rất phổ biến ở các nước thuộc châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… Chiếc bao lì xì nhỏ với lệ đặt tiền may mắn để mừng tuổi trẻ em. 

Được biết, tục lệ lì xì đầu năm mới đã có từ thời xa xưa, xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền rằng, một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình. 

Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ bèn đem gói những đồng tiền vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ thật sự hữu dụng. Khi con quái vật đến, những đồng tiền sáng lấp lánh khiến yêu quái khiếp sợ mà bỏ chạy.

Ở Việt Nam, tết đến xuân sang là dịp để mọi người trao nhau những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp. Kèm theo đó, bao lì xì đỏ trở thành nét văn hóa bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Mỗi bao lì xì chất chứa sâu đậm giá trị tình cảm giữa người cho và người nhận, đặc biệt giữa các thành viên trong gia đình. Bao lì xì đỏ ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người.

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh: Lì xì ngày Tết, thay vì tiền khiến trẻ sớm thực dụng, hãy tặng sách!  - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Hơn hết, ý nghĩa của bao lì xì ngày Tết không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động cầu chúc sự may mắn đến người nhận.

Lì xì không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng chín, mùng mười Tết.

Lì xì ngày Tết là một nét đẹp văn hóa của người Việt, đây là việc tự nguyện, từ tâm đức của mình chứ không ai ép buộc cả. Và điều quan trọng nhất, không ai quy định phải lì xì bao nhiêu là đúng cả.

Mặc dù cách đón Tết nay và Tết xưa đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tục lệ này vẫn luôn được gìn giữ và trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.

Thực dụng hay không là cả một quá trình giáo dục 

Gần đây, có nhiều bạn phàn nàn về tục lì xì ngày tết. Lì xì bao nhiêu mới coi được? Lì xì ít thì mang tiếng mà lì xì nhiều lại nặng gánh kinh tế. Có bạn còn đề nghị nên bỏ hẳn tục lì xì cho khỏe.

Lại còn có ý kiến cho rằng, "vì tiền lì xì mà trong ngày xuân rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè. Không biết bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu cãi vã, bao nhiêu tức tối, bao nhiêu tự ái và quê kệch gây ra do tiền lì xì; chả thiếu gì những trường hợp vợ đay nghiến chồng, con nhăn nhó cha, bà bĩu môi cháu do tiền lì xì đem lại".

Những quan điểm trên chắc chắn rằng không phải đúng với số đông, nhưng nhìn ở nhiều góc độ, thì nó cũng không hẳn là sai, vì phải đặt vào từng hoàn cảnh cụ thể. Câu chuyện trên được đưa ra, bởi lẽ trong xã hội hiện nay, phong tục lì xì đã bị biến chất. 

Chiếc bao lì xì đỏ vẫn vẹn nguyên giá trị tốt đẹp, cầu chúc may mắn mà người lớn gửi gắm cho trẻ nhỏ và người nhận. Nhưng con người có thể làm thay đổi, lợi dụng câu chuyện lì xì dịp Tết để phục vụ ý đồ cá nhân không được trong sáng, vậy nên mới sinh ra chuyện "nợ nần lẫn nhau", "phải thế này thế nọ với nhau" vì đã nhận "lì xì". Có lẽ vì thế mà với một số người, tục lì xì đã trở nên xấu xí và trên mạng xã hội lại xảy ra cuộc tranh luận nảy lửa "có nên bỏ tục lì xì hay không?"

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh: Lì xì ngày Tết, thay vì tiền khiến trẻ sớm thực dụng, hãy tặng sách!  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Saigon Books (Ảnh: Zenbooks)

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh nêu ý kiến: "Theo tôi, không nên bỏ tục lì xì, vì đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Nhưng chúng ta có thể giữ cho nó đúng với tinh thần ngàn xưa của cha ông mà không bị biến tướng, bằng cách thay vì tiền, ta lì xì sách. 

Lì xì là lộc đầu năm, cầu mong may mắn, phát tài, thịnh vượng. Nay ta lì xì sách, là không chỉ cầu mong mà còn góp phần hiện thực hóa những khát vọng đó trong năm mới, ta tặng tri thức, khuyến khích trẻ con thói quen đọc sách, vẫn tỏ được lòng yêu trẻ con và đem đến niềm vui đầu năm cho những người thân quen". 

Việc trẻ con nhận bao lì xì là cả niềm vui và sự hào hứng, thực dụng hay không là cả một quá trình giáo dục. Người lớn đừng để giá trị vật chất làm vấy bẩn tâm hồn trẻ con. Việc được mừng tuổi bằng sách cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của trẻ con với cảm xúc ngọt ngào. Đặc biệt, mừng tuổi bằng lì xì sách ngày Tết là một nét đẹp gửi gắm những lời chúc may mắn tốt lành. 

Hơn hết, lì xì bằng những quyển sách đầu năm mới là món quà tinh thần với những quyển sách tranh, hình ảnh minh họa đẹp mắt, khoa học, lịch sử lý thú… là cách giúp trẻ nhỏ quan tâm đến cuộc sống, những kiến thức mới mẻ thay vì trẻ nhỏ bị dán mắt vào những món đồ chơi công nghiệp và văn hóa nghe nhìn hiện đại. 

Nhiều quyển sách ý nghĩa có thể dùng để lì xì

Lì xì sách không chỉ áp dụng cho trẻ con mà có thể dành cho người lớn, cho những người bạn bè thân quý, nhất là những người bạn ham học hỏi, mê đọc sách.

Chọn sách để lì xì như thế nào? Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ 3 tiêu chí bạn cần quan tâm nếu muốn lì xì bằng sách. Thứ nhất là sách cần đẹp, bắt mắt, bìa cứng thì càng tốt, để mang đến cảm giác trang trọng. Thứ hai là sách có nội dung hay từ những NXB nổi tiếng, có chủ đề rộng và tích cực. Cuối cùng là sách cần phù hợp với người được tặng, giúp trẻ nhỏ có hứng thú, có thể lật ra đọc ngay. Đây cũng là một cách hiệu quả để hạn chế việc dùng điện thoại trong thời gian lễ tết của các bạn nhỏ, khi mà người lớn đang bận rộn.

"Tôi giới thiệu với các bạn 2 quyển sách của NXB DK Anh quốc, sách rất đẹp, nội dung rất hay, phù hợp với cả trẻ nhỏ và người lớn. Đó là cuốn "1000 phát minh và khám phá vĩ đại" và cuốn “Vòng đời". Những thông tin khoa học chuẩn xác và ngắn gọn kèm tranh ảnh minh họa sống động sẽ là món quà ý nghĩa nhưng không kém phần trang trọng trong những ngày đầu xuân." Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh hào hứng nói.

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh: Lì xì ngày Tết, thay vì tiền khiến trẻ sớm thực dụng, hãy tặng sách!  - Ảnh 3.

Sách thiếu nhi chủ đề khoa học, tự nhiên… phù hợp để lì xì cho bạn đọc nhỏ. Ảnh: Zenbooks.

Trước đó, các nhà xuất bản cũng đã và làm nhiều sách ý nghĩa dịp Tết, cổ vũ lì xì sách tạo thành nếp văn hóa đẹp.

Mỗi năm chỉ có một dịp Tết cổ truyền, vừa là dịp sum họp quây quần bên người thân gia đình vừa là dịp để trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho những thế hệ sau. Lì xì ngày Tết bằng sách không chỉ giới hạn ở việc mừng tuổi trẻ nhỏ. Nhiều người lựa chọn lì xì sách tới người thân, bạn bè trong dịp năm mới tạo thành nếp văn hóa đẹp.

"Là một người làm công việc xuất bản sách, tôi có ước mơ là người Việt Nam sẽ đọc sách nhiều hơn. Không chỉ vì, các công ty sách như chúng tôi "sống" được, mà còn để lan tỏa và vận dụng tri thức đến với mọi tầng lớp người trong xã hội. Sẽ tuyệt vời hơn, khi lì xì ngày Tết bằng sách được nhiều người hưởng ứng. Tôi nghĩ rằng, mỗi cuốn sách được tặng sẽ là một món quà đặc biệt với người nhận. Cuốn sách ấy sẽ gợi mở những câu chuyện thú vị, giúp người đọc có thêm cảm hứng trong năm mới." Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh tâm sự. 

Chia sẻ