Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai
Chăm sóc và dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời gian mang thai là một việc làm hết sức cần thiết, nó hạn chế đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500g).
Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, thai nghén là một trạng thái sinh lý bình thường nhưng dễ mất ổn định và có thể trở thành trạng thái bệnh lý (nhiễm độc thai nghén, rau tiền đạo, đẻ khó...). Những người mẹ có bệnh khi mang thai thì bệnh càng nặng thêm, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đe dọa cuộc sống của người mẹ (bệnh tim, thận mãn tính...).
Vai trò của dinh dưỡng trong quá trình người mẹ mang thai rất quan trọng, do những thay đổi trong thời kỳ này có ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu các chất dinh dưỡng. Dinh dưỡng hợp lý đầy đủ sẽ giúp cho bào thai lớn lên và phát triển khỏe mạnh.
Người phụ nữ ăn uống tốt trong thời kỳ mang thai sẽ cung cấp cho bào thai, tử cung, các mô của người mẹ các chất dinh dưỡng cần thiết để cho sự phát triển và lớn lên của thai nhi.
Chất dinh dưỡng được cung cấp cho thai nhi từ 3 nguồn, trực tiếp từ khẩu phần ăn của người mẹ, từ kho dự trữ các chất dinh dưỡng của mẹ như ở gan, xương, khối mỡ và từ quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng ở nhau thai.
Một số chất dinh dưỡng có nhu cầu tăng nhiều như: Năng lượng, sắt, canxi, các loại vitamin A,C, D.
Trong thời kỳ mang thai, đảm bảo chế độ ăn hợp lý rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng tới sức khỏe cả mẹ và con. Chế độ ăn chú ý đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng, đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong chế độ ăn của phụ nữ có thai không nên kiêng khem quá mức, chỉ chú ý một số điểm nên hạn chế trong ăn uống:
- Không nên dùng các loại chất kích thích như: Rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc...
- Giảm ăn các gia vị như: Ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm.
Trong quá trình mang thai, giai đoạn đầu có tới 50 - 70% phụ nữ có biểu hiện nghén, nôn... do thay đổi hormone trong cơ thể. Trong giai đoạn này, phụ nữ có thai cần thay đổi cách chế biến để dễ ăn hơn, chọn những món ăn nhẹ, dễ tiêu, tránh xào nấu, chiên rán hoặc những thức ăn có mùi gây khó chịu.
Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, không nên ăn quá no. Không cần ăn đúng bữa mà hãy ăn những thức ăn phù hợp khi nào thấy có nhu cầu. Nên ăn những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như bánh quy, bánh mì, ngũ cốc khi thấy buồn nôn.
Dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai của người mẹ có vai trò then chốt để sinh ra những trẻ sơ sinh mạnh khỏe và là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của trẻ sau này.