Phanh Lee khoe tủ sữa trữ đông đầy ắp cho con trai, nói 1 câu tiết lộ luôn bí quyết
Hội mẹ bỉm sữa chắc chắn sẽ rất mê mẩn tủ sữa vàng óng mà Phanh Lee để dành cho con của mình.
Dù không còn hoạt động nghệ thuật nhiều như trước nhưng thời gian qua mẹ bỉm Phanh Lee vẫn luôn được mọi người quan tâm. Trên trang cá nhân, ngoài chia sẻ ảnh bản thân, thỉnh thoảng cô cũng hé lộ thêm về cuộc sống của mẹ bỉm sữa 2 con.
Sinh liền tù tì 2 nhóc nên ai cũng hiểu chắc chắn mẹ bỉm rất bận rộn, may mắn là em bé Sake khá ngoan nên việc chăm sóc con cũng không quá vất vả. Hai vợ chồng cô không thuê bảo mẫu và tự mình chăm các con Sochu và Sake.
Bí quyết để hút được nhiều sữa là chăm chỉ
Mới đây, bà mẹ 2 con bất ngờ khoe tủ sữa trữ đông vàng óng - niềm khao khát của bất kì mẹ sau sinh nào. Những túi sữa tràn đầy, xếp chật cứng cả 4 ngăn tủ lạnh. Ai cũng đoán Phanh Lee đã rất chăm chỉ hút sữa mỗi ngày.
Bà mẹ trẻ đồng thời cũng tiết lộ bí quyết: "Chăm chỉ vắt sữa 6 tháng để được nghỉ hưu sớm đây các mẹ ơi. Mỗi ngày Sake vẫn đủ từ 6, 7 cữ sữa, trong đó có 4 cữ sữa tươi (220-270ml mỗi cữ) mà vẫn dư ra để dành được 2 tủ đông như thế này cũng thấy bõ công đau lưng ê ẩm. Nuôi con mấy năm liền rồi cũng tới lúc thấy oải chứ nhỉ.
Gần 2 tuần qua Sake cũng uống vẹm 1 góc rồi. Còn đang gửi bên bà 1 thùng xốp nữa chứ không là cũng tràn 2 tủ rồi đó. Mẹ xin phép lười 1 chút để còn dành sức lực chăm 2 cục yêu của mẹ".
Hoá ra bí quyết để nhiều sữa của bà mẹ 2 con đó chính là chăm chỉ. Ngay từ lúc sinh con gái đầu lòng, Phanh Lee đã kết hợp vừa cho Sochu bú mẹ vừa hút sữa. Bà mẹ trẻ thường hút sữa sau khi cho em bé bú 1 bên và hút 1 bên còn lại, hoặc khi nào em bé ngủ quá cữ. Trung bình 1 ngày, nữ diễn viên hút khoảng 5-6 lần bắt đầu từ 5-7h sáng tới 12h đêm. Mỗi lần cách nhau khoảng 3-4 tiếng, tăng giảm tùy cơ thể tự cảm nhận.
"Mình có tham khảo trong 3 tháng đầu nên hút khoảng 8 lần/ngày. Nhưng vì kết hợp cả cho bé bú trực tiếp nên tự giảm xuống số lần như vậy, trộm vía em bé bú đủ và vẫn dư ra để trữ đông được", Phanh Lee tâm sự.
Dù vậy nhưng trong khoảng tuần thứ 3, 4, bà mẹ trẻ đã từng trải qua cảm giác stress vì sợ không đủ sữa cho con. Mặc dù hàng ngày Sochu vẫn đủ sữa để bú nhưng chỉ vì không vắt dư ra được để trữ đông nên cô tự tạo áp lực lên bản thân mình. Thế nhưng căng thẳng chính là kẻ thù của sữa nên Phanh Lee quyết định thay đổi. Trước tiên, cần phải giải tỏa vấn đề tâm lý, sau đó xem lại bản thân đã ăn ngủ đủ giấc chưa rồi chỉnh lại thực đơn, tăng thời gian cho bé bú hoặc kích sữa.
Trước đó, Phanh Lee cũng từng bật mí cách để nhiều sữa sau khi sinh con gái đầu lòng.
"Ví dụ trước 3-4 tiếng mới cho con ti hoặc vắt 1 lần thì giờ rút ngắn thời gian khoảng 2-2,5 tiếng. Trong mỗi lần cho con ti hoặc hút sữa sẽ tăng lên, ví dụ trước vắt 10 phút thì giờ tăng lên 15 phút. Cứ mỗi lần tăng thêm một chút. Bên cạnh đó trước khi hút sữa khoảng 30 phút nên uống một chút nước ấm rồi massage nhẹ. Vì sữa mẹ sản xuất theo nhu cầu nên chỉ cần kiên trì và làm đúng cách thì sữa chắc chắn sẽ về nhiều", mẹ bỉm tâm sự.
Hút sữa có kế hoạch giúp sữa mẹ về nhiều hơn
Theo bác sĩ Anh Thy - người đầu tiên tại Việt Nam lấy được chứng nhận Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC (International Board Certified Lactation Consultant) thì sữa mẹ sẽ được tạo ra theo nhu cầu của bé. Em bé rút sữa hoặc mẹ hút sữa ra khỏi ngực bao nhiêu thì cơ thể sẽ hiểu để tạo lại bấy nhiêu.
Thực hiện hút sữa có kế hoạch cũng là một phương pháp giúp kích thích bà mẹ về nhiều sữa hơn. Do đó, đây cũng là một phương pháp giúp điều chỉnh lượng sữa dễ dàng và chủ động. Hút và trữ sữa sẽ giúp cho bé có thể được ăn sữa ngay cả khi không có mẹ ở bên khi mẹ bị ốm phải cách ly với trẻ, trẻ sinh non nằm ở khu vực chăm sóc đặc biệt nên không thể ở cạnh mẹ, mẹ bị trầm cảm sau sinh, đau lưng sau sinh mất ngủ hoặc chỉ là muốn có thời gian nghỉ ngơi...
Mặc dù mỗi máy hút sữa có những đặc điểm riêng biệt, nhưng cách hút sữa cơ bản sẽ giống nhau. Ngoài ra, việc hút sữa đúng cách để sữa về nhiều còn dựa vào lượng sữa theo nhu cầu của bé, lịch hút sữa cho từng thời kỳ phát triển của bé và những phương pháp hỗ trợ khác như chế độ ăn uống, sinh hoạt, tâm lý của mẹ.
6 tuần đầu, mẹ sản xuất sữa theo nhu cầu và có sự góp sức của hormon, 2 cơ chế cùng lúc. Sau 6 tuần, cơ chế sản xuất sữa theo nhu cầu là chính. Vì vậy việc duy trì cho bé bú hoặc hút đúng cữ là quan trọng nhất.
Làm sao để mẹ hút được nhiều sữa hơn?
Về chế độ ăn uống, Phanh Lee cho biết cô và mẹ đẻ lẫn mẹ chồng đều có tư duy khá thoải mái nên không bị ép ăn theo kiểu truyền thống để tốt sữa mà trộm vía sữa vẫn rất đều và đủ cho con.
Bên cạnh đó, việc kiêng khem cũng rất quan trọng: "Mình kiêng nước lạnh, kiêng chua, đồ sống, thực phẩm có tính hàn như lươn, ốc. Đặc biệt mình không ăn móng giò vì trước giờ ghét món đó chứ không phải vì kiêng. Ngoài ra, mình không ăn gà, bò khoảng 3-4 tuần đầu.
Quan trọng là phải thay đổi thực đơn liên tục để có đầy đủ chất. Mình cũng ăn nhiều cơm hơn trước kia. Ngày trước 1 tuần ăn 1-3 bữa cơm, giờ 1 tuần ăn 7-10 bữa. Không kiêng đồ cay, nóng, chiên rán vì muốn ăn đa dạng từ đồ Việt cho tới đồ Tây, Nhật, Hàn để vừa đủ chất lại đỡ ngán. Các mẹ bỉm nên chịu khó lên thực đơn phong phú cho đỡ ngán".
Một vài món ăn trong thực đơn cơm cữ của Phanh Lee.
Bên cạnh đó, dưới đây là lời khuyên nếu các mẹ muốn hút sữa nhiều hơn:
- Hãy lựa chọn địa điểm hút sữa thoải mái, quen thuộc, kín đáo và quan trọng là phải duy trì tâm trạng dễ chịu khi hút.
- Trong khi hút sữa, chị em có thể nghe nhạc, xem chương trình yêu thích, đọc sách... Tuy nhiên cần chú ý vào bình đựng sữa để kiểm tra lượng sữa đang hút.
- Nếu có điều kiện, các mẹ nên lựa chọn loại máy hút có thể hút đồng thời 2 bên ngực. Một số bà mẹ không có khả năng mua có thể cho trẻ bú một bên, còn một bên thì dùng máy hút song song.
- Ghi nhớ và tuân thủ theo đúng cữ hút theo lịch hút sữa (được nêu ở phần bên dưới). Điều này có thể giúp mẹ có được đủ lượng sữa cho từng cữ bú, đồng thời tạo một khoảng thời gian hợp lý để cơ thể mẹ tạo được lượng sữa phù hợp.
- Nên tham khảo một số động tác massage ngực nhẹ nhàng để giảm căng tức ngực trước khi hút, đồng thời kích thích sữa ra đều.
- Duy trì chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý, điều này sẽ giúp giảm các áp lực, căng thẳng từ đó giảm nguy cơ ức chế phản xạ xuống sữa ở mẹ.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập trung vào các loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm như chân giò, thịt bò, thịt dê... rau xanh và trái cây tươi để cung cấp Vitamin và chất xơ.
- Uống đủ nước mỗi ngày, khuyến cáo phụ nữ đang cho con bú nên uống ít nhất 2 lít nước trong một ngày.