Dạy con tự lập – "lớp mặt nạ" để bố mẹ "che đậy" sự lười biếng và thờ ơ với con?!?
"Dạy con tự lập" gần đây là một xu hướng nuôi dạy con gây bão trong cộng đồng các mẹ có con nhỏ từ 0-6 tuổi. Tuy nhiên, xu hướng nào cũng có hai mặt của nó và không ngạc nhiên khi có một bộ phận không nhỏ các bố mẹ cho rằng, chẳng qua họ muốn con tự lập sớm chỉ là để mình được rảnh thân mà thôi!
Những cụm từ như “con tự lập, mẹ tự do”, “trẻ tự lập thông minh hơn”, “trẻ tự lập từ nhỏ có nhiều cơ hội hơn khi trưởng thành”…. càng khiến “cơn bão” dạy con tự lập trở nên mạnh mẽ hơn. Đối với phụ huynh ở các nước phương Tây, việc dạy con tự lập là một điều hiển nhiên và có lịch sử từ lâu đời. Tuy nhiên ở Việt Nam, chỉ vài năm trở lại đây, cụm từ “dạy con tự lập” mới được nhắc nhiều đến vậy trên các diễn đàn của các mẹ bỉm sữa, trong các cuộc nói chuyện, diễn đàn, hội thảo hay xuất hiện tràn lan trong các cuốn sách về bí kíp nuôi dạy con. Chính vì vậy, việc phân định rạch ròi quan điểm “Dạy con tự lập sớm – Nên hay không?” là một việc không hề đơn giản.
Phần 1 Talkshow "Để con tự lập sớm, nên hay không?"
Bên cạnh những bố mẹ có tư tưởng hiện đại, tiếp cận, tìm hiểu nhiều phương pháp nuôi dạy con tiến bộ cực kì ủng hộ và áp dụng triệt để triết lý mọi đứa trẻ sinh ra đều cần được học cách tự lập từ sớm, cũng có những bố mẹ cho rằng, trong một xã hội đầy rẫy những cạm bẫy và bất an như hiện nay thì sự đồng hành, bảo vệ của cha mẹ đối với con cái ở mọi lúc, mọi nơi là điều cần thiết, và thực ra một số cha mẹ “buông” để con học cách tự lập chẳng qua cũng là lớp mặt nạ để che đậy sự lười biếng và thờ ơ của mình đối với con mà thôi.
Cùng tranh luận chủ đề “Để con tự lập sớm – Nên hay không?” cực kì nóng bỏng trong talkshow số 4 của chiến dịch “Con mơ điều giản dị” là hai khách mời nổi tiếng: MC Phan Anh và diễn giả Dương Thanh Sơn.
Dạy con tự lập kiểu Việt Nam, tại sao không?
Diễn biến phần 2 Talkshow "Để con tự lập sớm, nên hay không?"
“Khởi động” cuộc tranh luận, diễn giả Thanh Sơn đưa ra một quan điểm khá lập lờ khi cho rằng “rõ ràng nên để con tự lập nhưng cần đi tìm câu trả lời là chúng ta muốn con tự lập để làm gì và để con tự lập vào giai đoạn, lứa tuổi nào thì phù hợp”. Khi được hỏi về quan điểm ủng hộ hay không việc áp dụng nhưng chiêu thức dạy con tự lập kiểu Mỹ, kiểu Nhật đã rất nổi tiếng trên mạng và được nhiều bố mẹ Việt áp dụng thì diễn giả Thanh Sơn chia sẻ: “Tôi chỉ thấy tội nghiệp phụ huynh Việt Nam mình bởi vì rõ ràng chúng ta không có sự giáo dục bài bản về việc nên dậy con tự lập như thế nào”, điều đó thể hiện ở việc cha mẹ có quá nhiều “định hướng” về việc dạy con tự lập là một loạt các cuốn sách dạy con kiểu Do Thái, kiểu Mỹ, kiểu Nhật nên đã lấy con ra để làm thí nghiệm rồi nếu thấy không phù hợp thì lại đổi sang cách khác mà không có đường hướng rõ ràng, biến việc dạy tự lập thành một phong trào. Theo anh Thanh Sơn thì nếu có thể, tại sao chúng ta không dạy con tự lập kiểu Việt Nam?
Là một ông bố nổi tiếng của ba con nhỏ, MC Phan Anh lại thể hiện một quan điểm rõ ràng rằng không hề là sớm khi muốn dạy con tự lập, bởi vì ngay từ khi con cái có nhận thức là có thể để chúng tự lập, quan trọng là để con tự lập điều gì. Lấy ví dụ về việc bà xã kiên quyết với việc đút cho con ăn trong khi con đang ở giai đoạn muốn được tự cầm thìa để khám phá, học cách ăn, MC Phan Anh nói: “Tôi nghĩ làm như vậy là tước đi sự thích thú khám phá và học hỏi của con”. Ví dụ này của Phan Anh đã “châm ngòi” cho cuộc tranh luận đầu tiên với chủ đề để con tự lập trong ăn uống như thế nào. Trong khi Phan Anh ủng hộ việc để con tự do khám phá đồ ăn, ăn theo sở thích, không thích ăn thì thôi và hầu hết những câu chuyện con biếng ăn, lười ăn đều là do các mẹ tự làm trầm trọng hóa lên mà thôi, thì diễn giả Thanh Sơn lại kiên định cho rằng, bố mẹ vẫn phải thể hiện vai trò can thiệp và điều chỉnh thói quen ăn uống của con. Qua đó, Phan Anh khẳng định ủng hộ tuyệt đối việc để con tự lập từ sớm, ngay từ khi con bắt đầu thể hiện rằng con muốn có sự lựa chọn của mình, bởi vì để con tự lập chính là thể hiện sự tôn trọng của bố mẹ đối với con.
MC Phan Anh: Bố mẹ càng yêu con thì càng nên để con ít phụ thuộc vào mình!
Ủng hộ tuyệt đối việc để con tự quyết định và lựa chọn theo sở thích, niềm vui của mình, MC Phan Anh cho rằng, để làm được điều đó thì phải dạy con tự lập ngay từ ở nhà rồi, vì đó là môi trường mà bố mẹ có thể quan tâm đến con nhiều nhất, có thể theo dõi tất cả các hành vi của con để có sự điều chỉnh đúng đắn nhất. “Không quan trọng là con mấy tuổi, mà bất cứ thời điểm nào phát hiện ra con thích thú làm cái việc đó cho con thì mình phải ủng hộ ngay tất cả mọi việc”, ông bố trẻ chia sẻ.
Diễn biến phần 3 Talkshow "Để con tự lập sớm, nên hay không?"
Khi diễn giả Thanh Sơn phản biện rằng, tuổi thơ của con ngắn lắm vậy tại sao không làm giúp con một chút mà cứ phải dán nhãn rằng con tự lập đi, để bố mẹ có thể đăng FB khoe rằng, con còn nhỏ xíu mà đã biết làm việc này việc kia rồi, MC Phan Anh đưa ra ngay một lập luận chắc nịch rằng: Tình yêu thương của bố mẹ dành cho con là một điều hoàn toàn bình thường, nhưng bố mẹ hãy yêu thương con đến tận cùng, có nghĩa là hiểu những cái gì tốt cho con và không cướp đi của con cơ hội để trưởng thành.
Diễn giả Dương Thanh Sơn tiếp tục bày tỏ ý kiến, cho rằng: "Việc của con chỉ là việc học còn những việc khác đã có ba mẹ lo. Nếu cha mẹ có điều kiện thì hoàn toàn họ có thể lo cho con đến năm 18 tuổi, tới lúc đó dạy con tự lập thì cũng chưa hẳn là muộn. Hãy để con đủ lớn để con có thể dần dần thích nghi". Tuy nhiên Phan Anh cũng nhanh chóng phản biện: "Xã hội luôn luôn có sự bất an như vậy. Lỗi của bố mẹ, chứ con cái không có lỗi".
Hãy để con tự lập vì bố mẹ không thể “vo viên” trải nghiệm của mình để cho con uống
Trong khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm thì sự có mặt của nhà báo Thu Hà, tác giả cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết” đã mang đến một cục diện mới nhiều bất ngờ.
Diễn biến phần 4 Talkshow "Để con tự lập sớm, nên hay không?"
Theo chị Thu Hà, là một người mẹ nên chị thấu hiểu rằng việc dạy con tự lập nằm ở các bà mẹ, vì các ông bố không mang bầu 9 tháng 10 ngày, không “rút ruột mình ra” khi sinh con nên bài toán dạy con tự lập rất là khó khăn đối với các bà mẹ. Còn đối với các ông bố phần nhiều vẫn chỉ là lý thuyết. Tình yêu thương con và bản năng luôn lo lắng của các bà mẹ sẽ cản trở khá nhiều việc dạy con tự lập, chị Hà chia sẻ từ những sai lầm mà mình đã trải qua trong cuốn sách có tên “Con nghĩ đi, mẹ không biết” của mình. Tuy nhiên, là một trong số ít các bà mẹ dám chịu “rủi ro” để con tự trả học phí cho những bài học thành bại của cuộc đời mình, chị Hà cho rằng, việc dạy con tự lập không hề mâu thuẫn với tình yêu thương mà bố mẹ dành cho con, bởi vì khi dạy con tự lập thì thậm chí bố mẹ còn phải dành nhiều thời gian hơn cho con.
Chia sẻ câu chuyện không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 để con đối diện với cảm giác “dưới đáy” ở lớp học, chị Hà cho rằng, con cần phải được học cách đối diện với sự thất bại, cảm giác mình ở dưới đáy như thế nào. Thêm câu chuyện về một sinh viên của một trường đại học danh tiếng top 8 thế giới đột tử trong phòng cùng 38 vỏ túi mì tôm và các chai nước lọc, chị Hà muốn nhấn mạnh quan điểm của mình rằng, việc đầu tư cho con học là cần thiết nhưng không phải là tất cả, vì nếu thiếu đi các kĩ năng tự lập, không biết cách chăm sóc bản thân, không biết tự nấu cho mình một bữa ăn thì có thể đứa trẻ sẽ phải đánh đổi sự thành công của mình bởi những điều vô ích.
Có thêm “đồng minh” khi tranh luận, MC Phan Anh càng thêm quyết đoán với quan điểm của mình là trong mọi tình huống, chính là cha mẹ phải có trách nhiệm đồng hành, hướng dẫn và chia sẻ cùng con trong những bước đường con đi.
“Thử và sai” là quá trình để con lớn lên
Trước quan điểm của diễn giả Thanh Sơn cho rằng, do ở Việt Nam chưa có một “giáo trình” cụ thể và bài bản, khoa học cho việc dạy con tự lập cho nên các phong trào dạy con kiểu Mỹ, kiểu do Thái, kiểu Nhật đã khiến nhiều cha mẹ cảm thấy bối rối hoang mang; chị Thu Hà ngay lập tức cho rằng “Con mình không có nút pause để dừng lại chờ Việt Nam bằng Mỹ, hay chờ mẹ trang bị đầy đủ các tri thức, kiến thức, kĩ năng để bắt đầu làm, mà quá trình thử và sai là quá trình lớn lên của trẻ con, trẻ con phải được sai và người lớn cũng được sai, cho nên đối với Su, Xim mình cứ thử thôi, mình thử khi nào thấy sai thì mình dừng lại, khi nào thấy ổn mình lại làm tiếp”. Ý kiến này của chị Thu Hà dường như vẫn không thuyết phục được diễn giả Thanh Sơn, đặc biệt là khi chương trình giới thiệu một clip về “phép thử” của một bố mẹ ở Nhật.
Diễn biến phần 5 Talkshow "Để con tự lập sớm, nên hay không?"
“Nếu dạy con tự lập là một phép thử sai”
Câu chuyện về cậu bé Yamato, 6 tuổi ở Nhật bị bố mẹ bỏ lại trong rừng để phạt vì tội phá đám và sau đó cậu bé đã đi lạc tới 6 ngày trong một khu rừng có gấu hoang đã dấy lên nhiều tranh cãi về việc nuôi dạy con của bố mẹ này. Câu chuyện cho thấy rằng, rõ ràng không phải là phép thử nào cũng mang lại kết quả như mong đợi, thậm chí có những phép thử có thể phải trả giá bằng sinh mạng của con, theo ý kiến của anh Thanh Sơn. Anh cũng cho rằng, tự lập không phải là một thành tích để khoe con. Dạy con tự lập phụ thuộc vào mỗi gia đình, hoàn cảnh, tính cách của đứa trẻ, thậm chí là quốc gia.
Tuy nhiên, chị Hà cho rằng, bản chất của câu chuyện của cậu bé Yamato là một hình phạt mà bố mẹ cậu bé đã đưa ra trong lúc cáu giận chứ hoàn toàn không thể coi là một bài học dạy con, bởi vì khi bố mẹ dạy con tự lập, theo chị, bố mẹ phải hoàn toàn tỉnh táo và có lộ trình hẳn hoi. Còn MC Phan Anh thì cho rằng, nếu cậu bé Yamato không tự lập thì không thể tồn tại được 6 ngày trong rừng như vậy.
Diễn biến phần 6 Talkshow "Để con tự lập sớm, nên hay không?"
Chị Thu Hà cũng cho rằng, việc các mẹ ý thức được vai trò của các kĩ năng sống đối với con và ngay lập tức cho con đi học ở các lớp kỹ năng sống với hi vọng là sau một thời gian ngắn về nhà con mình sẽ thay đổi hoàn toàn là một sai lầm vì muốn tạo được một thói quen thì rất là lâu và hơn nữa nếu không được tạo điều kiện, trao cơ hội để thực hành việc đó hàng ngày thì các con cũng không thể nào rèn luyện tinh thần tự lập được.
Tiếp tục tỏ ra là “chiến hữu cùng phe”, Phan Anh hào hứng dành cho chị Thu Hà một “like” với khẳng định: “Mái nhà là trường học lớn nhất, đầu tiên và quan trọng nhất của con.” Ông bố nổi tiếng được cho là khá “áp đảo” trong cuộc tranh luận càng khiến những khách mời khác “gật gù” tâm đắc khi kết luận: “Cái quan trọng là chúng ta nên cho con tự lập, nhưng đừng ép con tự lập, phải hiểu là đến giai đoạn nào con tự lập được cái gì”.
Còn nhà báo Thu Hà, một bà mẹ tự nhận mình đã mắc quá nhiều sai lầm khi nuôi dạy con thì cho rằng: “Trong câu chuyện dạy con tự lập, quan trọng nhất là mình sẽ nhớ hai điều thôi, thứ 1 là phải trao cho con quyền được tự lập, quyền quyết định và khi đã trao quyền cho con thì phải sẵn sàng tinh thần để đón nhận tất cả kết quả, thứ 2, là để cho con tự lập đồng nghĩa là phải cho phép con được sai lầm, bởi vì những bài học rút ra từ sai lầm của mình bao giờ cũng là bài học sâu sắc nhất, mẹ sẽ cho con cơ hội để con làm lại và sẽ luôn yêu thương con một cách vô điều kiện”.
Cho dù có những tình huống tranh luận nảy lửa trước những quan điểm trái chiều nhau, tuy nhiên, khép lại câu chuyện “Dạy con tự lập từ sớm, nên hay không nên”, tất cả các vị khách mời đều đồng ý rằng, dạy con là một hành trình dài và cho dù là dạy con kiểu gì, cái cần nhất và quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải dành thời gian cho con, ở bên con, có như vậy mới thấu hiểu con và cùng con lớn lên trong hạnh phúc. Đó cũng chính là thông điệp mà chiến dịch “We are family 2016 – Con mơ điều giản dị” muốn gửi tới tất cả các độc giả của mình.