Dấu hiệu sớm của tự kỷ có thể phát hiện ở trẻ 1 tháng tuổi
Một nghiên cứu mới về các hồ sơ sức khỏe của trẻ em có thể tạo ra một thuật toán nhằm phát hiện những dấu hiệu sớm của tự kỷ ở trẻ một tháng tuổi.
Một nghiên cứu được thực hiện dựa trên hồ sơ sức khỏe của hơn 45000 đứa trẻ sơ sinh tại Hệ thống Y tế Đại học Duke (trong khoảng thời gian từ tháng 1/2006 đến tháng 12/2020). Các hồ sơ này được sử dụng để tạo nên một thuật toán nhằm dự đoán khả năng mắc bệnh tự kỷ cùng những căn bệnh về thần kinh khác ở trẻ.
Dựa trên hồ sơ về các dịch vụ y tế trẻ đã sử dụng trong những năm tháng đầu đời, thuật toán này có thể chẩn đoán sớm những trẻ có khả năng mắc bệnh tự kỷ sau này.
Theo Geraldine Dawson, giám đốc Trung tâm Phát triển Trí não và Tự kỷ Duke: “Những trẻ mắc bệnh tự kỷ thường sẽ sử dụng các dịch vụ y tế trong những năm tháng đầu đời rất khác so với những đứa trẻ bình thường”.
Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân của tự kỷ không chỉ nằm ở bộ não mà còn ở hệ tiêu hóa, giấc ngủ, các vấn đề về thần kinh và thị lực.
Những đứa trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ thường có xu hướng phải gặp bác sĩ nhãn khoa nhiều hơn những đứa trẻ có hệ thần kinh bình thường (Ảnh: Shutterstock)
Dawson chia sẻ: “Chúng ta cần biết rằng tự kỷ không chỉ là một vấn đề về hành vi mà còn là một tình trạng có liên quan đến sức khỏe thể chất. Điều này đã giúp chúng tôi có thể chẩn đoán tự kỷ từ sớm dựa trên những thông tin về sức khỏe của trẻ”.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tự kỷ ở trẻ sẽ cải thiện các hậu quả về sau. Dawson cho biết những nhà nghiên cứu về tự kỷ hiện nay đang phát triển những phương pháp có thể phát hiện sớm căn bệnh này ở trẻ 6 tháng tuổi. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở con trẻ, cha mẹ nên thực hiện những tương tác và giao tiếp xã hội với con nhiều hơn.