Bác sĩ chia sẻ 4 sai lầm bố mẹ rất hay mắc khi con bị thuỷ đậu khiến bệnh trầm trọng hơn
Mắc các sai lầm này sẽ khiến bệnh thuỷ đậu biến chứng nặng hơn, thời gian khỏi bệnh bị kéo dài.
Bệnh thuỷ đậu lưu hành quanh năm trên phạm vi cả nước, nhưng mùa đông xuân là thời điểm bùng phát. Tại các bệnh viện, số ca mắc thuỷ đậu có dấu hiệu tăng lên với nhiều ca biến chứng nguy hiểm. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu thường gặp ở trẻ em với khả năng lây lan rất cao.
Dưới đây là 4 sai lầm bố mẹ rất hay mắc khi con bị thuỷ đậu khiến bệnh trầm trọng hơn. Cùng lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ Nguyễn Việt Thanh - bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa - bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải tại TP. Cà Mau để nắm thêm thông tin nhé.
Các sai lầm bố mẹ thường mắc khi con bị thuỷ đậu?
1. Một trong những sai lầm thường mắc phải của bố mẹ là cho con ăn những loại thực phẩm cay nóng, khó tiêu.
2. Bôi các thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng mẹo dân gian và các loại thuốc kháng sinh mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
3. Một sai lầm khác là không tắm hoặc cho trẻ tắm nước quá nóng.
4. Cha mẹ cũng có thể không chú ý đến việc kiểm tra tình trạng bệnh của con sau khi chẩn đoán, khiến cho bệnh có thể phát triển trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu bố mẹ mắc các sai lầm trên, có thể gây ra những hậu quả gì?
- Việc tự ý dùng thuốc gây tác dụng phụ khi cho trẻ uống thuốc không đúng liều lượng hoặc không đúng loại.
- Do thủy đậu là bệnh tự khỏi nên còn tồn tại rất nhiều mẹo và thuốc dân gian để điều trị, tuy nhiên việc này có thể gây ra bội nhiễm các bệnh khác và để lại nhiều biến chứng.
- Thực phẩm cay, mặn hoặc khó tiêu có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ.
- Không tắm hoặc tắm nước quá nóng có thể làm cho nốt phồng rộp trên da của trẻ bị tổn thương và nhiễm trùng.
Bác sĩ Nguyễn Việt Thanh - bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa
Một trường hợp nguy hiểm bác sĩ từng gặp liên quan đến thuỷ đậu
Trường hợp mình nhớ nhất là bé gái 3,5 tuổi không tiêm ngừa thủy đậu, sau đó mẹ ở nhà nghe lời bà tắm nước lá dẫn tới bội nhiễm da rất nặng, khi vào viện thì các vết loét cộng sang thương thủy đậu nổi từ đầu đến chân, điều trị rất vất vả.
Đang điều trị đến ngày thứ 3 thì bé bị thêm viêm phổi nghĩ do viêm phổi bệnh viện. Cuối cùng ca đó dùng rất nhiều thuốc và điều trị gần một tháng mới bình phục hoàn toàn. Giờ nghĩ lại thấy chỉ cần tiêm ngừa và chăm sóc đúng thì bé không bị nguy cơ suýt mất mạng như thế.
Bệnh thuỷ đậu có dễ lây không?
Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc chảy mũi,... nhất là trẻ em.
Bệnh có thể lây từ nốt phỏng khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét của người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Hơn 90% những người đã tiêm phòng thủy đậu sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.
Từ con số cụ thể này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất.
Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm vắc xin này. Vì thế, khi có kế hoạch sinh con, phụ nữ nên chủ động tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai tối thiểu 1 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con.
Xem thêm về bệnh thủy đậu TẠI ĐÂY.