Nhận diện ngôn ngữ và luyện tập cách giao tiếp cùng trẻ tự kỷ
Theo chuyên gia, trẻ tự kỷ khi giao tiếp thường gặp khó khăn về ngôn ngữ. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý để phát hiện và đồng hành cùng con.
Nhận diện ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ
Thông thường, trẻ tự kỷ thường không quan tâm đến những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình. Trẻ không biết cách để kết nối với người khác, ví dụ không biết kết bạn ra sao. Trẻ không muốn được ôm ấp hay chạm vào người. Khó hiểu hoặc khó diễn tả được cảm xúc của bản thân.
Bên cạnh đó, trẻ không để ý khi người khác nói chuyện với mình hoặc không chia sẻ sở thích hoặc niềm vui với bạn bè, cha mẹ, anh chị em,…
Bà Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khoẻ tinh thần HD cho biết, trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp. Trẻ nói chuyện với giọng điệu không điển hình hoặc cao độ và nhịp độ kỳ lạ, sử dụng ngôn ngữ không chính xác như sai chính tả, sai cấu trúc ngữ pháp hoặc nói chuyện với tư cách mình là ngôi thứ 3.
Đặc điểm dễ nhận thấy là những nhu cầu bé mong muốn, không hiểu được các chỉ dẫn hoặc những câu hỏi đơn giản, chỉ hiểu câu nói theo một nghĩa duy nhất. Đồng thời, trẻ không giao tiếp bằng mắt với người đối diện.
Những biểu hiện, cảm xúc trên khuôn mặt trẻ không khớp với những gì đang nói hay không chú ý lắng nghe những gì người xung quanh nói.
Ngoài ra, trẻ thường hiểu chậm hoặc không hiểu câu nói của người khác, không sử dụng điệu bộ, những cử chỉ thông thường hoặc tăng động, không ngồi yên, kiềm chế cảm xúc kém, có hành vi kích động,...
Bà Lan Anh cho rằng, dạy trẻ tự kỷ là một quá trình dài không chỉ ngày một, ngày hai. Trong quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ, cha mẹ cần lưu ý xây dựng môi trường giao tiếp lành mạnh cho con.
Giao tiếp là một yếu tố cực kỳ quan trọng hỗ trợ trẻ tự kỷ. Giao tiếp là một quá trình gồm nhiều các kỹ năng nối tiếp nhau. Kỹ năng đầu tiên và là nền móng của ngôi nhà chính là kỹ năng tập trung chú ý. Sau đó, các kỹ năng tiếp theo con cần có bao gồm kỹ năng bắt chước, giao tiếp bằng mắt, lắng nghe, chia sẻ,...
Do đó, hãy tạo một môi trường giao tiếp lành mạnh cho con bằng cách thường xuyên trò chuyện với con ở những thời gian cha mẹ rảnh. Tạo một không gian vui chơi không có quá nhiều đồ chơi trước mắt hoặc trong tầm với của con. Bên cạnh đó, sắp xếp đồ chơi đồ dùng hợp lý cho bé, hạn chế những âm thanh ồn ào trong phòng.
Cha mẹ hãy tìm hiểu những sở thích, nhu cầu và mong muốn của con để giúp tập trung hơn khi nói chuyện với cha mẹ.
Cũng theo bà Lan Anh, trẻ tự kỷ vốn gặp vấn đề chính là tương tác về mắt và giao tiếp. Chính vì vậy cha mẹ hãy tương tác với trẻ, chơi với trẻ nhiều hơn. Một số cách để cha mẹ có thể tương tác với con như đọc sách, kể chuyện hay chơi cùng con,... Điều này sẽ một phần giúp con biết và cảm nhận được sự quan tâm, từ đó con biết lắng nghe hơn.
Dùng từ ngữ, ký hiệu đơn giản
Theo Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khoẻ tinh thần HD, ngôn ngữ của trẻ tự kỷ thường hạn chế và đôi khi những câu nói không theo một trật tự, chúng có thể bị đảo lộn cấu trúc. Do đó, khi dạy trẻ tự kỷ giao tiếp cha mẹ cần dùng những từ ngữ và ký hiệu đơn giản để dạy con.
Việc này sẽ giúp bé làm theo những gì cha mẹ đang nói, và một phần cũng giúp bé bắt chước theo cha mẹ một cách dễ dàng hơn. Muốn hiệu quả, cha mẹ cần chú ý đến những kỹ năng để trò chuyện cùng trẻ.
Dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ vốn là một chặng đường khó khăn và gian nan. Sự thiếu kiên nhẫn đối với trẻ tự kỷ sẽ làm phản tác dụng của bài học cha mẹ muốn cho con học, làm ảnh hướng đến mối quan hệ. Hơn nữa, trẻ có thể bắt chước sự thiếu kiên nhẫn của cha mẹ khiến mọi việc sẽ có tác dụng ngược. Cha mẹ hãy biết kiên nhẫn, loại bỏ sự bực tức để có thể giúp trẻ dần dần trở nên tốt hơn.
Để dạy trẻ tự giao tiếp, cha mẹ hãy bắt đầu dạy lắng nghe bằng các cách thức khác nhau. Điều này nhằm gia tăng sự chú ý của con bằng cách chạm vào tai bé để “Nghe”, chạm vào mắt bé để “Nhìn”.
Hát cùng trẻ, dạy trẻ những động tác phù hợp với bài hát. Cha mẹ nên sử dụng các bài hát có nhịp điệu đơn giản, sau khi bé đã chú ý hãy dừng bài hát một thời gian để trẻ từ đó có phản ứng. Cha mẹ hãy giúp trẻ thoải mái và làm bất kỳ những gì có thể để ngăn chặn các âm thanh khiến trẻ buồn chán.
Hãy thường xuyên sử dụng những câu nói như “quá ồn ào”, “vặn bé đi” khi cha mẹ đã kiểm soát được mức độ tiếng động cho trẻ và động viên con trẻ bắt chước những điều cha mẹ nói.
Bà Lan Anh cũng cho rằng, cha mẹ hãy liên hệ giữa điều đang khen ngợi trẻ với các dấu hiệu ảnh hưởng trực tiếp đến việc con đang làm. Hãy làm những điều mà cha mẹ cảm thấy sẽ làm cho bé thích thú. Hãy nói những từ đơn giản khi chỉ vào đồ vật nào đó mà cha mẹ muốn trẻ biết. Đồng thời, hãy chủ động để hướng dẫn một cách thức trò chơi nào đó mà trẻ với bạn đã cùng chơi nhưng đảm bảo trẻ đã thành thục.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy thực hiện một cử chỉ, nhấn mạnh trong cùng một tình huống một cách nhiều lần. Cha mẹ hãy giới thiệu các cử chỉ trong vui chơi sinh hoạt hàng ngày để giúp bé tập làm quen, hãy chỉ trỏ vào một vật nào đó khi bạn muốn trẻ chú ý.
Ngoài ra, phụ huynh nên cho con chơi trò chơi xếp hình nếu con thích, hãy hướng dẫn luật chơi bằng cách chỉ mảnh ghép đó nên ghép vào đâu. Sử dụng những câu nói như ở chỗ này, vào đây, cái này song song cùng hành động chỉ trỏ để con nhìn theo. Sau đó, hãy nắm lấy tay con để con có thể chạm vào những thứ con có thể lấy và muốn lấy.
“Trong giao tiếp, trẻ tự kỷ thường khó khăn cả về bộc lộ cảm xúc. Do vậy, phụ huynh hãy cố gắng phóng đại mọi cử chỉ và biểu cảm của mình như vô cùng ngạc nhiên, buồn bã, vui vẻ,… Hãy coi đây là những bài luyện tập như cha mẹ làm mẫu để con đoán xem đó là biểu cảm gì và ngược lại để phát huy khả năng giao tiếp cho trẻ”, bà Lan Anh nhấn mạnh.