Đừng chủ quan khi trẻ đi nhón chân, bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ

Minh Nhật,
Chia sẻ

Nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ đi nhón chân. Bác sĩ cảnh báo đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tự kỷ.

1. Trẻ đi nhón chân có phải bệnh lý nguy hiểm?

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Bác sĩ chuyên khoa 1 Nhi khoa tai mũi họng, chuyên gia tâm lý điều trị bệnh lý chậm nói, tăng động giảm chú ý, trẻ đi nhón chân hay còn được nhiều người gọi là đi nhón gót tức là tình trạng trẻ nhỏ đi bằng đầu ngón chân hoặc bằng phần của gan bàn chân. Lúc này trẻ sẽ giữ thăng bằng bằng cách giữ tay vào các đồ vật xung quanh, chẳng hạn như ghế, bàn,…

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu hiện tượng này xảy ra với những trẻ nhỏ hơn 2 tuổi thì các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm bởi nó không phải là vấn đề gì bất thường. Sau 2 tuổi trở đi trẻ đi nhón chân thường là do thói quen. Nếu cha mẹ thấy trẻ vẫn tăng trưởng và phát triển bình thường, thì chứng đi nhón chân ở trẻ không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Đừng chủ quan khi trẻ đi nhón chân, bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Bác sĩ chuyên khoa 1 Nhi khoa tai mũi họng, chuyên gia tâm lý điều trị bệnh lý chậm nói, tăng động giảm chú ý ở trẻ

* Khi nào trẻ đi nhón chân cần đưa đi khám?

Khi trẻ lớn tuổi hơn vẫn đi nhón gót không chỉ thể hiện ở lúc đi lại, mà còn xuất hiện thường xuyên trong những sinh hoạt hàng ngày của trẻ thì có thể do lúc này, các gân cơ ở bắp chân (cẳng chân) của trẻ đã bắt đầu bị co rút và ngắn hơn bình thường.

Kiểm tra tổng quan, nếu trẻ vừa đi nhón chân kèm với cơ bắp chân thấy căng, gân Achilles ở mắt cá chân cứng hoặc thiếu sự phối hợp cơ bắp, lúc này cha mẹ cần đưa trẻ đi tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ, điều trị.

2. Nguyên nhân trẻ đi nhón chân

- Trẻ có gân gót ngắn: Gân gót là gân cơ lớn ở sau gót chân. Gân có tác dụng nối các cơ ở bắp chân với xương gót. Nếu gân gót quá ngắn, nó sẽ khiến gót chân nhấc lên cao, làm trẻ đi nhón chân.

- Bại não hay liệt não: Đây là một rối loạn về vận động. Trương lực cơ và tư thế trở nên bất thường do rối loạn trong quá trình phát triển của não bộ. Do đó, những bất thường vận động này là do chức năng não bị rối loạn.

- Thiểu sản cơ: Thuật ngữ này ám chỉ tình trạng cơ kém phát triển. Đây là một bệnh lý di truyền. Các sợi cơ bị tổn thương và trở nên yếu dần. Căn bệnh này có thể được nghĩ tới khi trước đây trẻ đi bình thường nhưng giờ lại đi nhón chân.

- Tự kỷ: Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, đối với những trẻ lớn hơn 2 tuổi nhưng vẫn thường xuyên đi nhón chân thì có thể đây là một dấu hiệu cảnh báo về một tình trạng đáng lo ngại nào đó, trong đó có tự kỷ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đưa ra kết luận vội vã chỉ với một biểu hiện này.

Đừng chủ quan khi trẻ đi nhón chân, bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ - Ảnh 2.

3. Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ rối loạn phổ tự kỉ cần cho trẻ đi khám ngay

Theo bác sĩ Hùng, các dấu hiệu trẻ tự kỷ này được đưa ra bởi Viện Hàn lâm Thần kinh học của Mỹ:

1. Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, dấu lúc vào khoảng 12 tháng

2. Không biết nói từ đơn lúc 16 tháng

3. Không biết đáp lại khi được gọi tên

4. Không tự nói được câu có hai từ lúc 24 tháng

5. Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội vào bất kỳ độ tuổi nào.

Tuy rằng, thói quen đi nhón chân và chậm nói ở trẻ nhỏ là một trong các dấu hiệu điển hình của những trẻ mắc chứng tự kỷ nhưng trong thực tế không phải bất kì đứa trẻ nào hay đi nhón gót và chậm nói cũng được chẩn đoán mắc phải hội chứng này. Một vài lý do khiến cho nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ thường đi nhón chân như:

+ Trương lực cơ yếu: Tình trạng này sẽ làm cho trọng lực có xu hướng dồn về phía trước, chủ yếu tập trung nhiều ở các đầu ngón chân. Chính vì thế mà trẻ sẽ dễ hình thành thói quen đi nhón chân.

+ Rối loạn xử lý giác quan: Thông thường, các trẻ nhỏ bị tự kỷ sẽ có tâm trạng lo lắng, hay khó chịu, bứt rứt, dễ kích động hơn so với bình thường. Điều này khiến cho trẻ có cảm giác không an toàn khi di chuyển, do đó nhiều trẻ có xu hướng nhón gót, không để cả bàn chân chạm vào mặt đất, thói quen này cũng giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

+ Rối loạn tiền đình: Theo nghiên cứu thì một số trường hợp mắc chứng tự kỷ cũng có nhiều khả năng mắc phải tình trạng rối loạn tiền đình. Đây chính là một trong các cơ quan nắm giữ vai trò quan trọng giúp cơ thể giữ được thăng bằng, ổn định các hoạt động và đưa thông tin chính xác đến não bộ. Nếu tiền đình bị rối loạn sẽ khiến trẻ có nhiều xu hướng dồn trọng lực cơ thể về phía trước, từ đó dễ di chuyển bằng các ngón chân, khó khăn trong việc giữ thăng bằng.

+ Các cơ bắp chân có sự nhạy cảm quá mức: Ở trẻ tự kỷ, các cơ quan cảm nhận thường sẽ nhạy cảm hơn mức bình thường. Chính vì thế mà việc trẻ đi bằng cả bàn chân sẽ khiến trẻ có cảm giác như chân đang bị rút ngắn hoặc co cứng.

5 dạng tự kỷ và cách nhận biết để không lỡ thời điểm vàng can thiệp kịp thời.

4. Hướng cải thiện tình trạng trẻ tự kỷ đi nhón chân

Do những yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra trên nên nếu bé bị tự kỷ có triệu chứng này vẫn nên tiến hành điều trị càng sớm càng tốt. Phụ huynh có thể cho con khám tại bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Nhi đồng 1,2, hoặc các bệnh viện phòng khám chuyên khoa tâm lý.

Thói quen nhón chân của trẻ, đặc biệt là trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ cần phải được phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời. Ngay khi nhận thấy dấu hiệu này thì các bậc phụ huynh cần phải nhanh chóng tiến hành đưa trẻ đến thăm khám và kiểm tra tại các cơ sở chuyên khoa, từ đó có thể nhận được những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ.

Việc có thể sớm phát hiện và đưa ra chẩn đoán ở giai đoạn đầu sẽ góp phần giúp cho quá trình cải thiện được hiệu quả hơn, đặc biệt can thiệp sớm trẻ tự kỉ ở giai đoạn vàng trước 3 tuổi sẽ giúp trẻ có cơ hội hòa nhập cao hơn.

Đừng chủ quan khi trẻ đi nhón chân, bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ - Ảnh 4.

 

Chia sẻ