Con trai đã 1 tuổi nhưng đêm nào cũng khóc, người mẹ không ngờ nguyên nhân lại do ăn uống thiếu khoa học
Lẽ ra ở độ tuổi này trẻ đã ngủ đêm rất ngoan trong khi con cô đêm nào cũng thức dậy nhiều lần khóc lóc. Sốt ruột, cô đưa bé đi bác sĩ khám.
Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo các mẹ nên cho con bú đến ít nhất 2 tuổi, nhưng không phải mẹ nào cũng duy trì được đến mốc đó. Tùy hoàn cảnh và quan điểm, mỗi mẹ sẽ lựa chọn thời điểm cai sữa khác nhau. Trên thực tế, khoảng từ 9 tháng tuổi trở ra là có bé đã được cai sữa mẹ.
Bà mẹ người Trung Quốc tên Diễm Bình cũng nghĩ từ từ mới cai sữa cho con, cho bé bú mẹ càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, kể từ khi con trai mọc chiếc răng đầu tiên, mỗi lần cho con bú, Diễm Bình phải cắn răng chịu đau đớn. Khi đứa trẻ hơn 8 tháng tuổi, bé đã mọc đến cái răng thứ 5 và cắn mẹ càng đau hơn. Có lần không chịu nổi, đang cho con bú Diễm Bình đã phải cạy răng con để bé nhả ra.
Cuối cùng, khi con hơn 9 tháng tuổi, cô quyết định cai sữa cho con. Cũng vì điều này mà cô và mẹ chồng đã xảy ra một cuộc cãi vã lớn. Mẹ chồng Diễm Bình cho rằng cháu còn bé quá, chưa đầy 1 tuổi thì sữa vẫn là thức ăn chính, cai sữa thì thiệt thòi cháu quá. Bận rộn với công việc, thêm mỗi lần cho con bú đau đớn đến chảy nước mắt, cuối cùng Diễm Bình vẫn quyết định cai sữa cho con.
Ban ngày, mẹ chồng Diễm Bình ở nhà chăm cháu cho cô đi làm. Bà cũng bắt đầu nấu đồ ăn dặm cho cháu ăn nhưng thằng bé không hợp tác, gần như không chịu ăn bất cứ thứ gì. Bà mẹ trẻ cũng biết điều này nhưng cô bận đi làm nên cũng để mặc mẹ chồng chăm con giúp. Khoảng chừng nửa năm kể từ lúc cai sữa, khi ấy con trai đã hơn 1 tuổi, Diễm Bình rất khổ sở vì đêm nào con cũng thức dậy khóc đêm.
Sốt ruột, cô đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ nhi khoa đã hỏi cô 1 số vấn đề nhưng cô không rõ. Đến khi quay sang hỏi mẹ chồng về chế độ ăn của cháu, bà mới kể rằng thằng bé gần như không ăn cháo hay thức ăn dặm mấy. Mỗi lần như thế, bà lại cho cháu uống một hộp sữa vì sợ cháu đói.
Nghe vậy, bác sĩ kết luận nguyên nhân là bé ăn kém nên khó ngủ, khóc đêm. Thông thường, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã phải làm quen với thức ăn dặm, trên 1 tuổi đồ ăn là chính chứ không phải uống sữa. Như trường hợp của cậu bé trên, gần như bé không chịu ăn gì, vẫn uống sữa là chính. Bác sĩ giải thích rằng trẻ trên 1 tuổi vẫn uống nhiều sữa, không chịu ăn dặm thì không đủ dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể, nếu cứ duy trì việc này còn ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, sự phát triển chiều cao, sức đề kháng...
Sau khi nghe bác sĩ giải thích, Diễm Bình đã vô cùng hối hận. Mẹ chồng cô cũng hiểu ra vấn đề. Đứa trẻ được cắt giảm dần lượng sữa, thay vào đó là tăng dần lượng các bữa ăn. Bác sĩ còn nói rằng việc ăn dặm giúp trẻ cải thiện chức năng tiêu hóa, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, tăng trưởng chiều cao, cân nặng, cải thiện khả năng nhai và từ đó giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (ĐH Y Dược, TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo: Trẻ từ 12 tháng tuổi KHÔNG UỐNG QUÁ 500-600ml sữa/ngày. Nếu bé nhà bạn đang uống trên 600ml sữa/ngày thì nên xét nghiệm máu và tầm soát thiếu máu thiếu sắt.