Con mê ăn tôm, mẹ chế biến các món ngon từ tôm cả tuần không trùng lặp

Thảo Hương,
Chia sẻ

Các món đều ngon mắt, đủ chất dinh dưỡng khiến bé ngon miệng hơn.

Con trai chị Linh (31 tuổi, sống tại Nghệ An) có niềm đam mê với tôm. Hầu hết các món ăn được chế biến từ tôm bé đều ăn hết và rất ngon miệng. Hiểu sở thích của con, chị Linh đã tìm hiểu loạt món ăn chế biến từ tôm sao cho không trùng lặp. Điều này giúp bé ngon miệng hơn, tiếp xúc với đa dạng món ăn mà vẫn hợp khẩu vị, sở thích của mình.

Theo chị Linh, thời gian chế biến các món tôm phụ thuộc vào độ tuổi của em bé. Khi con được 1 tuổi, bà mẹ trẻ đã bắt đầu cho bé ăn tôm với các cách chế biến khác nhau. Đến lúc bé được 1-2 tuổi, chị Linh chủ yếu chỉ dùng phương pháp hấp hoặc luộc, làm chả có kết hợp với rau củ.

Các món ngon chế biến từ tôm gồm tôm sốt chua ngọt và tôm chiên xù.

Tuy nhiên khi con từ 2 tuổi trở lên, chị Linh nấu nướng các món ăn với nhiều gia vị hơn như tôm chiên xù - tôm cuộn khoai tây rán - tôm sốt mặn ngọt. Để đảm bảo bé không bị ảnh hưởng bởi gia vị nên mỗi món bà mẹ trẻ đều lựa chọn lượng phù hợp. Việc này giúp bé tăng vị giác mà không quá mặn tránh hại cho thận của con.

"Mình không có yêu cầu nào quá đặc biệt, chỉ làm sao cho thích hợp nhất cho con là được. Tôm là thực phẩm rất tốt cho trẻ em giúp tăng nguồn canxi tự nhiên, giúp trẻ phát triển xương chắc khoẻ. Tuy nhiên các bé có tiền sử dị ứng với hải sản thì không nên ăn tôm hoặc phải kiểm tra với lượng nhỏ trước khi ăn.Với mình thì thức ăn luôn ăn ở mức vừa đủ, không nên quá ít hay quá nhiều dù đó là thực phẩm tốt hay chế biến ngon như thế nào. Khi chế biến cũng nên sơ chế sạch nhất và phù hợp nhất với mỗi lứa tuổi sử dụng", chị Linh chia sẻ.

Tôm chiên xù và tôm hấp lá chanh cũng ngon không kém.

Trẻ mấy tháng ăn được tôm?

Từ 6 tháng tuổi, bé có thể bắt đầu ăn dặm thêm một số loại thực phẩm khác ngoài sữa như bột, cháo, rau, củ quả... Hải sản nói chung và tôm nói riêng thường chứa nhiều đạm, nên nó thường hay gây dị ứng thực phẩm ở trẻ. Vì vậy, nên cho bé ăn tôm từ tháng thứ 7 trở đi là tốt nhất.

Khi cho bé ăn tôm cần lưu ý cho ăn từ từ ít một để bé dần thích nghi. Tùy theo tháng tuổi mà lượng tôm mỗi bữa sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

- Trẻ 7-12 tháng: Đối với trẻ trong độ tuổi này mỗi bữa nên cho ăn 20-30g tôm đã bỏ vỏ. Mẹ có thể nấu tôm với bột và cháo, mỗi ngày có thể ăn một bữa và 3-4 bữa/tuần. 

- Trẻ 1-3 tuổi: Đối với trẻ từ 1-3 tuổi thì mỗi ngày nên ăn một bữa tôm nấu với cháo hoặc ăn mì, bún, súp... với khoảng 30-40g tôm. 

- Trẻ 4 tuổi trở lên: Khi trẻ được 4 tuổi trở lên thì nên cho trẻ ăn 1-2 bữa tôm/ngày, mỗi bữa ăn 50-60g tôm.

Đối với trẻ em, khẩu phần ăn hải sản nói chung và tôm nói riêng thường được xây dựng trên cơ sở về nhu cầu hấp thụ chất dinh dưỡng tại các thời điểm khác nhau trong quá trình phát triển của bé.

Tôm cuộn khoai tây và tôm hấp nước dừa

Lưu ý khi cho trẻ ăn tôm

Tôm rất tốt cho sự phát triển toàn diện của bé, tuy nhiên, khi cho bé ăn tôm, các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên cho bé ăn hải sản cùng lúc với trái cây, bởi sau khi ăn tôm mà ăn trái cây thì sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thụ protein, canxi của cơ thể bé. Bên cạnh đó, bố mẹ cần lưu ý thêm một số điều sau đây: 

- Xay nhỏ tôm để nấu bột hoặc cháo cho bé ăn trong giai đoạn bé ăn dặm. Đối với trẻ lớn hơn 3 tuổi thì nên ăn những món hải sản luộc hoặc nấu với mỳ, miến hay cháo. 

- Điều quan trọng nhất khi cho bé ăn hải sản đó là nên chọn loại còn tươi, không ăn hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc thức ăn cho bé. 

- Khi chế biến cần phải đảm bảo vệ sinh và nấu chín hoàn toàn. 

- Đầu tôm còn có nhiều chất xơ dễ khiến cho bé bị hóc. Do đó khi cho bé ăn tôm, phụ huynh nên loại bỏ đầu tôm rồi mới chế biến cho bé ăn. 

Em bé mê món chả tôm của mẹ.

Tôm là một loại thực phẩm nhiều dưỡng chất cho sức khỏe của bé. Giá trị dinh dưỡng có trong tôm mang lại nhiều lợi ích vì nó chứa nguồn vitamin, khoáng chất và protein. Mẹ có thể chế biến thành nhiều món cho con và chú ý không nên ăn quá nhiều. 

Chia sẻ