Con gái đi bơi về toàn thân nổi mẩn như bị bỏng - mẹ cảnh báo phụ huynh lưu ý điều này để không gặp phải tình trạng tương tự
Ban đầu, bà mẹ này nghĩ rằng nước bể bơi bị bẩn hoặc con mình bị côn trùng cắn, nhưng bé gái vẫn đau đớn khóc và nói mình "bị thiêu".
Mới đây, một bé gái 5 tuổi ở Singapore đã bị ban đỏ và nổi mẩn như thể bị bỏng sau khi đi bơi ở bể bơi công cộng về.
Mẹ của bé, chị Hồ Tuyết Nga (31 tuổi) kể rằng hôm đó chị chở con đến một bể bơi để con bơi rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, khi trở về nhà, cô con gái nhỏ của chị bắt đầu phàn nàn rằng cảm thấy ngứa và xuất hiện những mảng đỏ nổi khắp người. Ban đầu, chị nghĩ nước bể bơi bị bẩn hoặc con mình bị côn trùng cắn, nhưng bé gái vẫn đau đớn khóc và nói mình "bị thiêu".
"Trước đó, con gái tôi đã bị nổi mề đay như thế này 2 lần, nhưng thời điểm ấy, con bé chỉ bảo là mình ngứa. Còn lần này ngoài ngứa, bé còn nói là cảm thấy nóng như bị đốt cháy cả người mà không rõ nguyên nhân", chị Hồ Tuyết Nga nói.
Sau đó, chị Hồ Tuyết Nga đưa con gái đến gặp bác sĩ. Bác sĩ kết luận bé bị kích ứng da và cho thuốc. Nhưng tình hình vẫn không những không cải thiện sau khi được dùng thuốc, mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. "Ngoài việc ăn uống khó khăn ra, con tôi cũng không thể nói chuyện. Trong thời gian đó, mặt cháu sưng to đến nỗi không thể mở mắt được", chị mô tả.
May mắn là ngày hôm sau, chị Hồ Tuyết Nga đã gặp được một người hàng xóm. Cô ấy nói rằng cháu trai của mình cũng đã gặp phải tình huống này, và nó được gọi là bỏng clorua. "Người hàng xóm đã giới thiệu tôi đến một phòng khám ở Punggol. Thế là tôi đưa con đến khám. Nhờ đó, tình trạng của cháu bắt đầu cải thiện. Con gái tôi đã hồi phục hoàn toàn trong vòng 5 ngày và không hề để lại vết sẹo nào trên da".
Sau sự việc xảy ra với con gái mình, chị Hồ Tuyết Nga quyết định đăng lên Facebook để các bậc cha mẹ khác nếu gặp tình trạng như vậy thì sẽ biết cách xử lý.
Được biết, con gái của chị Hồ Tuyết Nga rất thích bơi lội và được tiếp xúc với bể bơi từ khi 8 tháng tuổi. Cô bé đã được mẹ cho đi bơi ở nhiều bể bơi khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên bé phải đối mặt với tình huống nghiêm trọng này. Chị Tuyết Nga cho biết: "Không vì chuyện này mà tôi sẽ ngăn cấm con gái đi bơi, nhưng tôi sẽ làm theo hướng dẫn của bác sĩ, đó là tắm cho con cẩn thận trước và sau khi xuống bể bơi, đồng thời không ngâm mình trong nước quá lâu. Vì vậy 2 tháng qua, con tôi không gặp phải vấn đề gì cả".
Vì sao lại có hiện tượng bỏng clorua sau khi tắm ở bể bơi?
Bác sĩ Carina Lau, giám đốc y tế đồng thời là chuyên gia thẩm mỹ của Phòng khám Sloane (Singapore), giải đáp rằng ngoài trẻ em, những người có làn da nhạy cảm hoặc khô sẽ có nhiều khả năng có triệu chứng này. Nguyên nhân chính của loại bỏng này là do lượng clorua trong nước cao. Ngoài bị bỏng clorua trên da, thì mắt và tóc của bệnh nhân cũng có thể bị ảnh hưởng.
Để tránh tình trạng bị bỏng clorua Bác sĩ Carina khuyên nên:
- Tắm ngay lập tức trước và sau khi bơi trong bể bơi có clo.
- Cởi bỏ và giặt đồ bơi ngay và thay quần áo khô, rộng rãi khác.
- Không nên ngâm mình quá lâu ở dưới nước.
- Không bơi trong bể có nồng độ clo cao.
- Nếu dị dị ứng thì phải chờ da phục hồi rồi mới được tiếp tục bơi.
Nguồn: Sinchew