Bé 10 tuổi tử vong chỉ một tiếng sau khi đi bơi về - cảnh báo hiểm họa chết đuối trên cạn không phải ai cũng biết

Hải Vân,
Chia sẻ

Các triệu chứng của hiện tượng "chết đuối trên cạn" không xuất hiện ngay lập tức mà sau đó nhiều giờ, thậm chí là gần một ngày nên nhiều người không biết phải làm gì nếu nó xảy ra.

Cậu bé Johnny Jackson 10 tuổi từ South Caroline, Mỹ, tranh thủ những ngày nắng hè để đi bơi. Sau đó, mẹ cậu bé - Cassandra Jackson đến đón con về mà không biết bi kịch sắp xảy đến. Bơi lội suốt buổi chiều, Johnny được mẹ tắm lại và sau đó cậu bé bảo với mẹ rằng mình mệt và muốn đi ngủ. Một giờ đồng hồ sau, Cassandra lên kiểm tra thì phát hiện con đã sùi bọt khắp mặt từ bao giờ. Cô hốt hoảng nhận ra Johnny không còn chút tín hiệu gì của sự sống và ngay lập tức đưa con đến bệnh viện. Nhưng đã quá trễ, Johnny được kết luận là chết đuối trên cạn (dry-drowned).

Bé 10 tuổi tử vong chỉ một tiếng sau khi đi bơi về - cảnh báo hiểm họa chết đuối trên cạn không phải ai cũng biết - Ảnh 1.

Câu bé Johnny 10 tuổi đã không may tử vong chỉ 1 tiếng sau khi đi bơi về.

Chị Cassandra đau lòng nhớ lại: "Sau khi bơi xong, Johnny còn cùng tôi và em gái đi bộ về nhà, vừa đi vừa trò chuyện rất vui vẻ… Tôi chưa bao giờ biết rằng, một đứa trẻ có thể đi lại, nói chuyện trong khi phổi của nó bị ngập nước như thế".

Đã không ít vụ đuối nước trên cạn xảy ra với trẻ nhỏ trong thời gian gần đây nhưng không phải bố mẹ nào cũng ý thức được hiểm họa của tai nạn này. Năm 2017, bé trai Francisco Delgado III, 4 tuổi đến từ Mỹ đã chết đuối trên cạn 1 tuần sau khi đi bơi về. Cậu bé bắt đầu phàn nàn về những cơn đau bụng ngay sau khi lên bờ nhưng anh trai cậu cho rằng không có vấn đề gì. Tuần sau, cậu bé vẫn nôn mửa, tiêu chảy và tình trạng ngày càng trở nên tệ hơn. Buổi sáng cuối tuần đó, Frankie bị đau vai, không thể thức dậy nổi nên đã ngủ lại ngay sau đó. Vài giờ sau tỉnh dậy, cậu bé la lớn vì đau đớn. Gia đình nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện nhưng các bác sĩ cũng không thể cứu sống cậu bé.

Câu chuyện buồn này của bé Francisco cũng đã giúp nhiều bố mẹ cứu được mạng sống của các con mình khỏi hiểm họa chết đuối cạn như trường hợp của bé Gio Vega, 2 tuổi sau khi bố cậu bé nhận ra các triệu chứng khó thở và bị sốt của con sau khi nuốt phải nước khi đi bơi. Một trường hợp tương tự là của bé Elianna Grace, 4 tuổi và may mắn là mẹ cô bé cũng đã kịp thời nhận ra triệu chứng và đưa con đi viện.

Bé 10 tuổi tử vong chỉ một tiếng sau khi đi bơi về - cảnh báo hiểm họa chết đuối trên cạn không phải ai cũng biết - Ảnh 2.

Bé Elianna Grace đã may mắn được cứu sống vì được mẹ phát hiện kịp thời.

Ở Việt Nam, còn nhớ khoảng tháng 4/2016, dư luận cả nước xôn xao trước vụ việc 9 học sinh chết đuối ở sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), trong đó có 1 em sau khi được cứu lên bờ vẫn nói được tuy nhiên do không ai biết cách sơ cứu nên đã dẫn đến em tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.

Chỉ cần 6 thìa nước đi vào phổi cũng khiến trẻ tử vong

Theo chuyên gia sức khỏe thể thao ở Mỹ, bác sĩ Lewis Maharam, cậu bé Johnny đã mắc hội chứng chết đuối cạn hay đuối nước thứ cấp. Ông Maharam cảnh báo trẻ chỉ cần hít phải một lượng nước nhỏ vào bên trong phổi cũng có thể gây ra hiện tượng này: "Chỉ cần 6 thìa nước đi vào phổi cũng khiến trẻ tử vong".

Bé 10 tuổi tử vong chỉ một tiếng sau khi đi bơi về - cảnh báo hiểm họa chết đuối trên cạn không phải ai cũng biết - Ảnh 3.

"Chỉ cần 6 thìa nước đi vào phổi cũng khiến trẻ tử vong".

Tai nạn đuối cạn xảy ra khi trẻ đang chơi đùa trong nước thì vô tình bị sặc nước hoặc suýt chết đuối mà được cứu sống. Điều đáng lo ngại là sau những cơn ho sặc, trẻ vẫn hoạt động bình thường, vẫn vui chơi, ăn uống và trò chuyện. Nhưng thực chất một lượng nước uống trong lần chết hụt đó vẫn đang tích tụ trong phổi. Không giống như đuối nước bình thường, triệu chứng của đuối cạn không xuất hiện ngay lập tức. Nước sẽ qua phế quản vào các phế nang (làm mất chất giữ cho các phế nang không xẹp xuống khi thở ra), gây tổn thương màng phế nang, mao mạch và phù phổi cấp tổn thương (còn gọi là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển). 

Với chứng suy hô hấp trên cạn này, người gặp nạn lên bờ tim chưa bị chậm nhịp, vẫn thở được với lượng nước ít đọng trong phổi (do chưa loại bỏ hết nước ra khỏi cơ thể), có thể đi bộ và nói chuyện được, nhưng yếu. Lượng nước đọng dần có thể lấp khoảng trống chứa ôxy của phổi (chưa kể mối họa từ các hóa chất hồ bơi, bồn tắm nước nóng...), khiến giảm khả năng ôxy hóa máu. Chứng phù phổi cấp tổn thương khiến nạn nhân mới bị suy hô hấp nhẹ, thở nhanh, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp có thể hơi tăng…

Bé 10 tuổi tử vong chỉ một tiếng sau khi đi bơi về - cảnh báo hiểm họa chết đuối trên cạn không phải ai cũng biết - Ảnh 4.

Nước sẽ qua phế quản vào các phế nang, gây nên phổi bị úng nước và phù phổi.

Nếu người nhà thấy các dấu hiệu đó mà nhanh chóng đưa vào bệnh viện các bác sĩ có thể cứu được nạn nhân và không để lại di chứng nặng nề. Nhưng nếu không phát hiện, phổi tổn thương sẽ tiến triển thành phù phổi suy hô hấp, khiến nạn nhân tím tái, khó thở nhiều hơn, mạch nhanh, giật ở các đầu chi, miệng sùi bọt hồng, trắng, vùng phổi có tiếng rales ẩm… và sớm tử vong.

Các triệu chứng bố mẹ cần để ý sau khi con đi bơi về

Theo bác sĩ Danelle Fisher thuộc Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John tại Santa Monica (California, Hoa Kỳ), có thể bạn sẽ không thể quan sát suốt quá trình con cái đi bơi, nên đây là những dấu hiệu bất thường mà bạn cần lưu ý ở trẻ sau khi lên bờ:

- Khó thở, đau tức ngực.

- Ho liên tục do dây thanh âm bị nước đè.

Bé 10 tuổi tử vong chỉ một tiếng sau khi đi bơi về - cảnh báo hiểm họa chết đuối trên cạn không phải ai cũng biết - Ảnh 5.

Một trong những triệu chứng bố mẹ cần lưu ý đó chính là trẻ ho nhiều, ho lâu (Ảnh minh họa).

- Nôn mửa.

- Hành vi bất thường, thay đổi tâm trạng đột ngột (cáu gắt, hung hăng không rõ nguyên nhân)

- Cực kì buồn ngủ.

Nếu phát hiện các triệu chứng trên sau khi trẻ có hoạt động vui chơi dưới nước trước đó vài ngày, bố mẹ ngay lập tức phải đưa trẻ tới phòng cấp cứu để kiểm tra. Xử lý kịp thời sẽ tránh để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.

Để phòng tránh tai nạn không đáng có này, bố mẹ nên:

- Cho trẻ học bơi và các lớp học về an toàn dưới nước.

- Luôn theo dõi khi trẻ xuống nước hoặc chơi gần ao, hồ, bồn tắm...

- Chỉ cho trẻ bơi ở những khu vực có nhân viên cứu hộ.

- Không để con bơi hoặc một mình gần khu vực có nước.

- Phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần trang bị những kỹ năng về hồi sức tim phổi, sơ cứu khi gặp người đuối nước.

- Lưu ý những biểu hiện khác lạ của con sau khi bơi.

Nguồn: Fox, Today, Simplemost

Chia sẻ