Con đường thất nghiệp của tôi đi theo lộ trình như sau: 35 tuổi à? Em có gia đình chưa? Con em mới 2 tháng hả?
Thất nghiệp ở độ tuổi nào cũng đáng sợ. Nhưng với những người ngoài 30 tuổi, câu chuyện này nặng nề hơn gấp nhiều lần.
“Tuổi 35 thất nghiệp nó lưng chừng, bất ổn lắm mấy bà ơi!
Tui cũng phỏng vấn vài nơi, câu đầu tiên người ta xem hồ sơ rồi hỏi: ‘Em 35t hả? Có gia đình chưa? Con em mới 2 tháng hả? Để công ty xem xét rồi báo em nhé!’.
Bây giờ tui cũng có định khởi nghiệp chứ cũng không muốn đi làm văn phòng nữa, vì độ tuổi của tui đi làm vài năm nữa rồi cũng bị thay thế lớp trẻ thôi”.
Đây là một trong vô số bài đăng trên Facebook, Threads, TikTok,... xoay quanh thất nghiệp - chủ đề nóng thời gian gần đây. Bởi nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước được cho là đã và đang triển khai các phương án cắt giảm nhân sự để tinh gọn bộ máy.
Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, đã thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nhân sự quy mô toàn cầu. Từ ngày 10/2, thông báo sa thải được gửi đến nhân viên tại hầu hết các quốc gia, bao gồm Mỹ. Dù Meta chưa công bố con số chính thức, nhưng theo Business Insider, khoảng 5% nhân viên (tương đương gần 4.000 người) có hiệu suất thấp nhất sẽ bị sa thải.
Vấn đề khó khăn của nền kinh tế cũng đẩy các doanh nghiệp đến bước tạm dừng kinh doanh, đồng nghĩa với nhân viên mất việc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Việt Nam), năm 2024 có đến 197.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,6% so với năm 2023. Trong tháng 01/2025 số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn lên đến 52.807 tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tất cả những thông tin hay con số này đều gây ra lo lắng nhưng có một chi tiết luôn được quan tâm đầu tiên là độ tuổi khi thất nghiệp. Trong thực tế, thất nghiệp ở độ tuổi nào cũng bất ổn. Nhưng câu chuyện này đáng sợ hơn gấp nhiều lần với những người ngoài 30 tuổi.
Profile đầy ắp kinh nghiệm vẫn thất nghiệp cả năm trời vì “32 tuổi, mẹ 1 con”
Linh Nguyễn (32 tuổi) thất nghiệp gần 1 năm nay. Trước đó cô làm việc trong lĩnh vực truyền thông, đã đến vị trí quản lý cấp trung. Sau hơn chục năm “xông pha”, Linh có một chiếc CV đầy ắp kinh nghiệm từ những công ty truyền thông lớn trong nước nhưng cuối cùng vẫn không thể tìm được bến đỗ cho mình.
Linh Nguyễn cho biết: “Dù nhà tuyển dụng không nói thẳng nhưng mình hiểu lý do chủ yếu là vì mình đã ngoài 30 tuổi và có con nhỏ. Ở độ tuổi này và trong nghề của mình thì rất khó để cạnh tranh với những bạn trẻ hơn và chưa vướng bận gia đình”.
Nhìn lại 1 năm trầy trật của mình, cô thở dài: “Lối đi nào cho những người mẹ ngoài 30 như tôi đây?”.
![](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/15/avatar1739592431972-17395924322791803626662.jpg)
(Ảnh minh hoạ)
Thu Hoài (43 tuổi) cũng đang loay hoay trên con đường công việc sau khi nghỉ việc. Cô làm việc trong lĩnh vực tài chính, đã lên đến cấp điều hành cấp cao và có mức lương 48 triệu/tháng. Dẫu vậy cô vẫn quyết định nghỉ ở công ty cũ do quyền lợi không rõ ràng, nợ lương nhân viên.
Trong quá trình tìm việc mới, Thu Hoài đã giảm mong muốn của mình xuống rất nhiều, từ mức lương cũ, chỉ đặt kỳ vọng xuống còn 23 - 35 triệu/ tháng. Hầu hết cô đều qua các vòng phỏng vấn nhưng đến vòng trao đổi trực tiếp với CEO đều bị “treo” lại vì nhiều lý do như: thị trường không ổn định, mức lương kỳ vọng quá khả năng chi của công ty, dự định sinh con thứ 2,...
Khi đi xin việc đến một độ tuổi nhất định, nhà tuyển dụng không chỉ xem xét năng lực của ứng viên mà còn “soi” đến cả đời tư. “Bao nhiêu tuổi?”, Có gia đình chưa?”, “Con mấy tháng/ tuổi rồi?”, “Có kế hoạch sinh đứa thứ 2 chưa?”,... Dường như chỉ cần biết đáp án cho những câu hỏi này là họ sẽ quyết định bạn trúng hay trượt. Thật đáng sợ!
Thất nghiệp ở tuổi 35 là thất nghiệp vĩnh viễn?
Tại sao lại “tàn ác” với người ngoài 30 tuổi đến thế?
Tại vì doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi tuyển dụng nhân sự ngoài 30 tuổi. Những vấn đề này bao gồm sức khỏe giảm sút, mức lương kỳ vọng cao, trách nhiệm gia đình nhiều,... đẩy họ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan:
Phòng nhân sự lo ngại người trên 35 tuổi mà vẫn phải đi rải CV không đủ năng lực. Các sếp lo ngại nhân viên trên 35 tuổi thiếu năng lượng và làm việc kém hiệu quả. Nhân viên trẻ không thích “ma cũ” trên 35 tuổi hay ỷ lại thâm niên, thiếu sáng tạo. Ngay cả những đồng nghiệp cùng độ tuổi ở công ty cũng vắt óc suy nghĩ để đảm bảo “Nếu bị sa thải thì người đó là anh ta, không phải tôi”.
Thậm chí hội làm công ăn lương còn lan truyền một câu nói thế này: “Thất nghiệp tuổi 35 là thất nghiệp vĩnh viễn”.
Tất nhiên, thất nghiệp ở đây không có nghĩa là không có việc làm, mà chính chính xác là không có việc làm như mong đợi. Phần lớn những người thất nghiệp sau 30 - 35 tuổi đều không thể tìm được cơ hội công việc, điều kiện làm việc và không gian phát triển mà họ đã có trước tuổi 30.
Hương Giang (35 tuổi) từng làm việc trong bộ phận quan hệ đối ngoại ở một công ty khởi nghiệp. Đầu năm 2024, công ty ngừng hoạt động, toàn bộ nhân viên mất việc. Cô tiếc nuối, vì vừa gắn bó với công ty hơn 5 năm vừa đã leo đến vị trí quản lý dự án.
Trong 6 tháng đầu tiên sau khi thất nghiệp, Hương Giang đã thử việc ở một số công ty nhưng không làm lâu dài vì cảm thấy không thể phù hợp. Sau đó cô liên tục rải CV nhưng nhận được rất ít phản hồi, có công ty còn ghi rõ vị trí tuyển dụng yêu cầu dưới 35 tuổi.
Điều may mắn của Hương Giang là đã có nhà và đang độc thân. Nhờ vậy căn nhà trở thành một nguồn thu hiện tại khi cô cho một người bạn thuê. Số tiền này đủ để đóng bảo hiểm xã hội và cho vào quỹ dự phòng hàng tháng.
Dẫu vậy Giang vẫn vô cùng căng thẳng, lo lắng đến mất ngủ khi mãi mà không tìm được việc đúng như nguyện vọng. Cuối cùng, nghe lời động viên từ bạn bè, cô quyết định đi làm các công việc bán thời gian. “Mình đã làm một số công việc cùng lúc như làm người mẫu tóc, quản lý quán cà phê và nhập dữ liệu tại nhà. Thu nhập từ những công việc đó giúp mình trang trải tiền sinh hoạt hàng ngày” - Hương Giang chia sẻ.
![](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/15/avatar1739592431972-1739592433296306194478.jpg)
(Ảnh minh hoạ)
Dù ở độ tuổi nào cũng phải tích cực để đón “mùa xuân thứ 2” của sự nghiệp
Chẳng lẽ thất nghiệp ở tuổi 35 là dấu chấm hết ư? Chắc chắn là không!
Hương Giang đang vừa đi làm bán thời gian vừa học thêm ngoại ngữ. Cô không quá đặt nặng chuyện phải xin được việc nữa mà chuyển hướng xin học bổng Thạc sĩ ở nước ngoài. “Thứ nhất, mình muốn nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh trong công việc. Thứ 2, sự thay đổi môi trường sống sẽ giúp mình bĩnh tĩnh hơn, tâm trạng tốt hơn” - cô nói.
Hương Giang không phải là trường hợp duy nhất và hướng đi đó cũng không phải duy nhất. Đây là một chia sẻ ẩn danh trên MXH về lối thoát khi thất nghiệp ngoài 30 tuổi:
“Mình 43 tuổi. Từ năm 30 tuổi, sau khi sinh con và em bé được 3 tuổi, mình đã gặp khó khăn khi đi xin việc trở lại. Mình nhận ra rằng trừ một số ngành có thể làm đến già như giảng dạy, y tế, luật, kỹ thuật,... thì về cơ bản là bạn sẽ bị loại trừ khi lớn tuổi. Lúc đó mình cảm thấy mông lung vì học bao năm mà công việc vẫn không ổn định, thu nhập cũng chẳng khá khẩm.
Nhưng đó cũng là lúc mình nhận ra phải tìm lối thoát cho chính mình. Học thêm một ngành nữa, học nghề, học ngoại ngữ, đi buôn,... đều không đơn khi mình đã 30 tuổi, đã có con và gia đình, có nỗi lo cơm áo gạo tiền. Càng nghĩ càng rối, càng nhìn càng buồn.
Cuối cùng mình chọn làm thứ mà mình đang làm tốt nhất. Khi ấy ngoài tấm bằng đại học ra thì chăm con - nấu ăn - dọn nhà là mình giỏi nhất. Nên mình quyết định mở quầy cháo dinh dưỡng cho trẻ con rồi từ từ buôn bán qua nhiều thứ. Không có vốn nên mình làm nhỏ, tiện gì làm nấy nhưng ơn trời, giờ bạn bè có cái gì thì mình cũng có cái đó.
Mình kể ra chỉ để thấy rằng phụ nữ vừa lo con cái vừa lo sự nghiệp không dễ dàng gì, giá như có thêm nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ trung niên. Còn mình thấy bạn bè xung quanh đến tuổi này đều tự buôn bán, ít người giữ được nghề làm công ăn lương lắm”.
![](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/15/avatar1739592431973-17395924329361013364079.jpg)
(Ảnh minh hoạ)
Tóm lại cần làm gì khi chẳng may thất nghiệp tuổi 30 - 35?
Đầu tiên là điều chỉnh tâm lý kịp thời. Sau khi mất việc, bạn nên tìm một người bạn tốt để tâm sự, giải tỏa áp lực tâm lý. Nếu vấn đề quá nghiêm trọng, bạn nên tìm đến sự tư vấn và hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp. Đồng thời, duy trì thái độ tích cực và chấp nhận rằng thất nghiệp là chuyện bình thường, công việc cũng chỉ là một phần của cuộc sống, không phải là dấu hiệu thành công hay thất bại của một người.
Tiếp theo là chia sẻ thẳng thắn với gia đình và tìm kiếm sự hỗ trợ. Ở tuổi 30 - 35, nhiều người vừa phải lo gia đình nhỏ vừa có trách nhiệm với gia đình lớn là bố mẹ 2 bên nên áp lực kinh tế rất nặng nề. Nếu không được thấu hiểu và hỗ trợ trong tình huống này, bạn sẽ chịu gấp đôi, gấp ba lần áp lực.
Lập kế hoạch nghề nghiệp bằng cách xem xét lại công việc và sở thích của mình. Trước đây vì quá bận rộn mà có thể bạn quên mất niềm đam mê thực sự thì bây giờ là lúc tìm hiểu lại. Việc định vị chính xác bản thân cũng giúp chủ động hơn trong công việc mới, xác định con đường sự nghiệp xem có cần đổi nghề không hay vẫn tiếp tục.
Gạt bỏ lòng kiêu hãnh sang một bên cũng là điều quan trọng. Bạn phải chấp nhận rằng khi đã ngoài 30 - 35 tuổi, cơ hội nghề nghiệp thu hẹp lại rất nhiều trong khi vẫn cần cơm ăn áo mặc hàng ngày. Vậy nên bạn phải sẵn sàng tìm một công việc mình không thích, không đúng chuyên môn, kể cả công việc tay chân để nuôi sống bản thân. Sau đó mới nghĩ đến chuyện khác.
Cuối cùng, bạn hoàn toàn có thể tự kinh doanh hoặc khởi nghiệp nếu điều kiện cho phép. Việc biến sở thích và chuyên môn thành cơ hội kinh doanh không chỉ giải quyết được vấn đề việc làm mà còn mang lại giá trị cá nhân.
Có thể thấy những khó khăn khi thất nghiệp tuổi 30 - 35 là không thể tránh khỏi. Nhưng dù là ai, đang làm công việc gì thì mỗi người cũng nên duy trì thái độ tích cực, không ngừng học hỏi và rèn luyện bản thân, dám thử sức ở lĩnh vực và cơ hội nghề nghiệp mới. Chỉ có như thế bạn mới vượt qua khủng hoảng ngưỡng 30 - 35 tuổi, sẵn sàng đón chào “mùa xuân thứ hai” trong sự nghiệp.