Con “đu trend”, cha mẹ thấp thỏm
Bảo vệ con trước mạng xã hội, cũng mất thời gian, tâm trí và cần dụng công nhiều lắm chứ chẳng đùa!
“Vì anh gang gang gang mà…”, con trai tôi, khi ấy mới học lớp Ba, cứ lẩm nhẩm hát mấy câu ấy. Nhờ con gái lớn phiên dịch, tôi mới biết, đấy là lời của một bài hát đang thịnh trên mạng. Nhóc nhà tôi nói ngọng, nên không phát âm được chữ “ghen”, đành hát là “gang”. Đương nhiên, cậu bé cũng chưa thể nào hiểu nổi, “gang” nghĩa là gì trong từ điển cuộc đời hồn nhiên của mình.
Đấy cũng là lúc tôi mơ hồ cảm thấy, cái thế giới mạng tưởng vô hình mà ghê gớm, đủ sức khiến một cậu nhỏ bập bẹ “đu trend”. Nghe hai chị em chúng trò chuyện, tôi hiểu rằng đứa em rất thần tượng ca sĩ S.T., mỗi bài hit mới ra của anh ấy con đều canh nghe cho bằng được, ngay lúc vừa phát hành.
S.T. chính là ca sĩ đình đám mới bị thu hồi MV vừa phát hành, một nhân vật mà các bạn nhỏ từ tiểu học cho tới sinh viên đều thuộc tên tuổi. Tôi có xem cái clip ấy, bàng hoàng nhận ra, nó vô cùng “thời sự”, cái “thời sự” kinh khủng mà những bậc làm cha mẹ luôn thấy bất an xen với sợ hãi: một đứa trẻ nhảy lầu…
Còn nhớ thời gian trước, báo chí đưa tin một cậu học trò đã đâm chết mẹ rồi tự tử. Tôi gửi link cho chồng xem, dặn kỹ là đừng bàn luận việc này ở nhà, trước mặt các con. Khi trên mạng có cái clip “ba giờ sáng” đầy bi thương, tôi cũng cố gắng để con mình không tò mò nhìn thấy. Buổi tối của cái ngày nhiều ám ảnh đó, tôi hỏi xa gần con trai nhỏ (nay đã học cấp II) rằng nay con có lên mạng nhiều không, có coi gì lạ không. Thằng nhóc thản nhiên: “À mẹ hỏi cái clip anh lớp 10 nhảy lầu phải không? Trên Facebook của con đầy, con xem hết luôn!”.
Cảm giác của tôi là đứng hình, rồi phát hoảng. Tôi vội tìm cách lấp liếm, giải thích, trấn an. May sao, con tôi vẫn cởi mở với mẹ, còn chịu chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận. Nhưng tụi nhóc bây giờ rành rẽ, thạo tin quá! Liệu chúng đã đủ nhận thức để phân biệt, đúng sai, hay dở? Tôi phải làm sao đây để con mình đừng bị mạng xã hội tác động, làm hư hỏng?
Cô con gái lớn đang học năm cuối bậc phổ thông. Con ít giao thiệp bên ngoài, nhưng chat chit trên mạng thì vô cùng nhiệt tình. Những năm qua, không hiếm lần tôi nhận được thông báo của cô chủ nhiệm hoặc mẹ của bạn con. Rằng con tôi lên các trang cá nhân bình luận, bày tỏ quan điểm đủ thứ, chửi thề văng tục cũng không ngại gì. Con nghĩ, là chỉ vài người quen biết nhìn thấy hay đọc được. Nào có hình dung ra, chỉ cần một thao tác chia sẻ hoặc chụp màn hình, là lan rộng, là lưu vết, là khỏi chối cãi, là tiếng xấu đồn xa…
Cũng có vài dịp, tôi bắt được mấy đoạn chat của con với người khác. Ngôn từ con dùng tỏ vẻ sành sỏi, vô cùng xa lạ với mẹ - một người mẹ vốn vẫn chủ quan cho rằng, con mình còn bé nhỏ ngây thơ lắm, cả dại dột nữa. Điều này thì đúng, con bé quá khờ khạo trước những cạm bẫy của cái thế giới tưởng ảo mà rất thật kia. Phải nói là, tôi hoảng sợ trước mức độ bạo dạn về ngôn từ lẫn hình ảnh của lũ trẻ, cả những đề tài chúng nói với nhau đều rất đời, già dặn…
Mua cho con một cái điện thoại thông minh, hằng tháng đưa nó ít tiền nạp thẻ rất dễ. Nhưng bảo vệ được con trước cuộc tấn công thầm lặng của mạng xã hội, hoặc chí ít là dạy con cách để “sống sót” trong cái bể thông tin ngồn ngộn nhiều độc hại kia, thì không chắc cha mẹ nào cũng nhớ tới hoặc lưu tâm. Tôi cũng vậy, cho tới khi bị dọa chết khiếp với suy nghĩ: Nếu mình lơ là thêm chút nữa, lắm khi con cái mình phải trả giá, đóng học phí cực đắt cho các bài học trên mạng.
Phải làm sao đây? Tôi đành tập tành chơi mạng, kết bạn với con, nắm được hôm nay cái gì là hot nhất để cùng bàn luận với chúng. Tôi cố gắng hướng các câu chuyện theo lối tích cực nhất có thể đồng thời chỉ cho con thấy các kỹ xảo mà người ta hay giăng ra để lừa phỉnh gạ gẫm gạt đùa nhau…
Tôi tạo nhóm chat gia đình để có gì hay ho bổ ích lại gửi link vào đấy, giúp con “thải độc”. Lên mạng, hễ thấy điều gì có thể học hỏi rút kinh nghiệm là tôi tận dụng ngay để dạy con, bằng cách đưa chúng xem và tự nhận xét, thảo luận. Tuyệt nhiên chẳng dám đụng chạm chê bai dìm hàng những trò trẻ trâu từ các “thần tượng” của bọn trẻ…
Bảo vệ con trước mạng xã hội, cũng mất thời gian, tâm trí và cần dụng công nhiều lắm chứ chẳng đùa!