Có một tác nhân gây lão hóa da không thua gì tia tử ngoại mà chị em hay bỏ qua
Nguy hiểm nhất là chị em lại lơ là, không hề hay biết mà vẫn để tác nhân ấy gây hại cho làn da ngày này qua tháng khác.
Tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da, điều này chị em ai cũng biết. Chính vì vậy mà tất cả các chuyên gia da liễu đều khuyên bạn nên bôi kem chống nắng mỗi ngày không kể có ra ngoài hay không.
Và thực tế, không chỉ mỗi ánh nắng mặt trời, mà có một tác nhân khác khiến làn da lão hóa không phanh. Nguy hiểm nhất là chị em lại lơ là, không hề hay biết mà vẫn để tác nhân ấy gây hại cho làn da ngày này qua tháng khác. Đó chính là ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính...
Ánh sáng xanh gây hại cho làn da như thế nào?
Tiến sĩ Alessandra Vasselli - Hiệp hội Da liễu và Thẩm mỹ Ý
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại và máy tính... được gọi là HEV, với mức độ gây hại trên da tương đương với ánh nắng mặt trời. Ánh sáng xanh cũng sẽ khiến da sạm đi, thâm đen, xuất hiện nếp nhăn, vết nám và khiến lượng collagen trong da suy giảm.
Thậm chí ánh sáng xanh còn gây thương tổn nặng hơn tia UVA vì bạn hầu như không hề hay biết làn da đang chịu tổn thương hay bị tác động ở mức độ nào. Bởi làn da không hề bị ửng đỏ, bỏng rát như khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ánh sáng xanh làm tăng nhanh quá trình lão hóa da vì nó kích thích da tạo ra các gốc tự do, chúng thoát khỏi lớp bảo vệ tự nhiên của da và gây ra tổn thương DNA của da vĩnh viễn. Tổn thương này cũng giống như cháy nắng, nếp nhăn do tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, thậm chí nghiêm trọng hơn là ung thư da.
Tiến sĩ Vasselli giải thích: "Một trong những vấn đề lớn nhất không phải là cường độ và bước sóng của tia UV mà là do bạn chưa chuẩn bị đầy đủ. Thường vào buổi tối sau khi tắt đèn trước khi đi ngủ, bạn vẫn sử dụng điện thoại rất nhiều, hoặc ngồi máy tính nhiều giờ liền. Mặc dù nó có thể ít gây hại hơn so với tia UV, nhưng bạn sẽ tránh được tia UV chứ không phải ánh sáng xanh".
Ánh sáng xanh gián tiếp gây hại nhưng cũng nguy hiểm không kém ánh nắng mặt trời
Tác hại gián tiếp của ánh sáng xanh thường bị xem nhẹ, chẳng hạn như: sử dụng điện thoại di động trong thời gian dài, thậm chí ngủ không tắt thiết bị di động vào ban đêm, khiến nhịp đồng hồ sinh học điều chỉnh giấc ngủ bị gián đoạn.
Hơn nữa, vào ban đêm, làn da cần được nghỉ ngơi và phục hồi, đặc biệt là từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng, đây chính là thời gian mà các tế bào da sẽ chống lại các gốc tự do gây lão hóa, tăng sinh collagen và elastin. Nếu bạn vẫn dùng điện thoại và máy tính đến đêm muộn, các tế bào da sẽ không thể phục hồi như kế hoạch, dẫn đến làn da ngày một sạm đen, nhợt nhạt, già đi trông thấy.
Cũng có loại ánh sáng xanh tốt cho da
Ánh sáng xanh không chỉ có tác dụng tiêu cực, giống như tia cực tím cũng có lợi và có thể khử trùng hiệu quả. Tiến sĩ Alessandra Vasselli kết luận: "Ánh sáng xanh rất hiệu quả để chống lại vi khuẩn gây viêm nhiễm, nhưng đó là các loại máy soi da với công nghệ hiện đại cùng một phương pháp điều trị chuyên nghiệp chứ không phải cứ dùng điện thoại, máy tính mà hi vọng da được chữa lành".
Kết luận
Vậy nên việc cần nhất lúc này là giảm thiểu thời gian dùng máy tính, điện thoại để ánh sáng xanh không tác động quá nhiều lên làn da. Chú ý bôi kem chống nắng đều đặn, 2 tiếng nên dặm lại kem một lần nếu bạn thường xuyên phải ngồi làm việc với máy tính.
Và chú ý không nên dùng điện thoại quá muộn, nhất là khi đã tắt hết đèn nhưng vẫn dùng máy tính, điều này còn gây hại gấp đôi vì ánh sáng xanh sẽ tập trung toàn bộ vào khuôn mặt và đôi mắt, mức độ gây hại sẽ tăng gấp nhiều lần.
Nguồn: Vogue