Chuyên gia tâm lý gợi ý cách dạy trẻ ứng phó khi bị lạm dụng tình dục
Vụ bê bối tình dục của nghệ sỹ Minh béo làm dấy lên những lo lắng ở phụ huynh, nhà trường. Vậy làm thế nào để dạy trẻ cách đối phó với lạm dụng tình dục?
Lạm dụng tình dục gây hoang mang dư luận
Vào tối 28/3, trên OC Register đưa tin về việc nghệ sĩ Minh béo vừa bị bắt vì xâm hại tình dục một bé trai tại Mỹ. Theo đó, nam diễn viên bị truy tố vì tội quan hệ tình dục đường miệng với trẻ dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ thực hiện hành vi dâm ô này. Đây là những khai báo của phía gia đình trẻ bị hại. Không dừng lại ở đó, bài báo cũng cho biết thêm, bất cứ ai là nạn nhân của những vụ bê bối tình dục liên quan đến Minh béo đều có thể trình báo theo số điện thoại được đính kèm.
Trước đó, tại Việt Nam, nam diễn viên này cũng đã nhiều lần bị dính vào những vụ tai tiếng dụ dỗ các nam nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, do không có bằng chứng cụ thể nên những vụ việc này đều bị lắng xuống.
Có lẽ phải đến khi nam diễn viên nổi tiếng bị vạch mặt trên đất Mỹ thì nhiều phụ huynh mới thấy lạm dụng tình dục thật sự nghiêm trọng. Minh béo là một nghệ sĩ được rất đông đảo người hâm mộ. Hành vi ấu dâm của nghệ sĩ này tại Việt Nam chưa rõ thực hư ra sao. Tuy nhiên, ở nước ngoài thì luật khác rất nhiều, chỉ cần một lời nói không phải cũng đã là có tội.
Trẻ em ở lứa tuổi này cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc với những người mình ngưỡng mộ, bất kể là con gái hay con trai.
Từ chuyện của nam diễn viên Minh béo, trong xã hội hiện lên sự thật về một bộ phận trẻ em luôn phải đối mặt với quấy rối, lạm dụng tình dục. Không chỉ dừng lại ở việc lạm dụng thân thể, nhiều trẻ còn bị lợi dụng cả sự cả tin, lòng tốt, vật chất… mà vẫn không hề hay biết. Vậy phải làm thế nào để giúp trẻ đối phó với những hành vi lạm dụng tình dục?
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn), trẻ em ở lứa tuổi này cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc với những người mình ngưỡng mộ, bất kể là con gái hay con trai – bởi lẽ giới tính nào giờ đây cũng có thể bị lạm dụng tình dục.
“Trẻ nhỏ khi yêu mến thần tượng thường rất muốn gần thần tượng của mình mà không nghĩ được rằng tính cách con người không phải ai cũng giống ai. Không hình thức này thì hình thức khác, họ có thể gây tổn thương cho trẻ như sai khiến, lừa gạt, trấn lột tài sản của các cháu, thậm chí bán các cháu sang Trung Quốc, nhờ xách hộ đồ mà các cháu không hề biết đó là hàng cấm…”, ông Chất nói.
Dạy trẻ kỹ năng ứng phó khi sắp - bị lạm dụng tình dục
Chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ nhỏ cần có kỹ năng sống tốt, chú ý nghe lời răn dạy của bố mẹ, thầy cô. Nhiều trẻ do cả tin nên khi được rủ đi cùng thần tượng của mình là đi ngay nên rất dễ bị lừa đảo. “Phụ huynh cần nhắc nhở trẻ nhận thức được rằng xã hội nói chung tốt đẹp nhưng phải chú ý những kẻ lợi dụng trẻ còn non nớt. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng để trẻ phải nơm nơp lo sợ mà cần có sự dạy dỗ từ bài học của thầy cô, bố mẹ”, ông Chất nói.
Phụ huynh không nên cho trẻ đeo trang sức đắt tiền, đi xe đắt tiền vì rất dễ khơi dậy lòng tham của kẻ xấu. Không cho trẻ đi một mình với thần tượng hay người lạ nói chung, dù họ có hẹn hò, tặng quà – đặc biệt lưu ý với các cháu gái. Khuyên trẻ nên rủ bạn bè đi cùng và nhắc nhở luôn nếu người đó không đồng ý thì khuyên trẻ không đến gặp luôn. Việc không cho trẻ cùng bạn bè đi cùng rõ ràng là có vấn đề.
“Muốn trẻ nâng cao ý thức cảnh giác thì cha mẹ cần tác động bằng cách nhắc nhở, nhắn nhủ. Tuyệt đối không cấm đoán mà chỉ gợi ý để trẻ tự thân phòng vệ. Đừng để cái vênh trong nhận thức của người lớn và trẻ em chi phối”, ông Chất cho biết.
"Không một trẻ nào rơi vào tình huống này mà tâm lý bình thường được cả nên người mẹ, người cô cần nhạy cảm nhìn nhận ra".
Nếu chẳng may đã bị lạm dụng, hãy khuyên trẻ hô hoán, kêu la, dùng hết sức mình chạy đến chỗ đông người. Nếu bị lạm dụng chỗ vắng vẻ thì hãy chấp nhận của đi thay người và sau đó bình tĩnh xử lý theo những hướng khác. Chuyên gia gợi ý, phụ huynh nên nhắc trẻ ghi nhớ những ký hiệu về người đó để trình báo với cơ quan chức năng. “Điều quan trọng là phải dạy trẻ khi sự đã rồi cần bình tĩnh, không run sợ để vạch mặt kẻ xấu”.
Nếu kẻ xấu có ý định xâm hại thân thể, bố mẹ cần dạy trẻ cách làm cho tên đó bị tổn thương. Có thể là đánh, đấm bằng tay chân, cào xước tay chân, làm kẻ đó đau tức thì và vùng chạy kêu cứu.
Cha mẹ cần chú ý rèn luyện thân thể cho trẻ, có thể cho bé đi học võ để tự vệ. Việc trang bị này hết sức cần thiết để đối phó với những trường hợp bất trắc có thể xảy ra. “Người lớn phải có trách nhiệm trong bị cho các cháu”, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Trong điều kiện xã hội hiện đại với quá nhiều hình thức truyền thông đại chúng, đừng làm trẻ lúc nào cũng sợ sệt. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của trẻ, trẻ dễ bị phân tâm, luôn sống trong lo sợ nơm nớp. “Việc trẻ không thể tự chủ được sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi về tri thức nói chung”, ông Chất lưu ý.
Theo ông, những người làm mẹ, làm cô giáo nên gần gũi, thân thiện, nhẹ nhàng thể hiện tấm lòng yêu thương để trẻ yên tâm và cung cấp thông tin trong trường hợp bị xâm hại. “Không một trẻ nào rơi vào tình huống này mà tâm lý bình thường được cả nên người mẹ, người cô cần nhạy cảm nhìn nhận ra. Đừng tra hỏi, dọa nạt, làm trẻ suy sụp một lần nữa vì rất dễ bị sang chấn tâm lý”.
“Theo đó, phía cơ quan chức năng khi được cung cấp nguồn tin thì hãy tiếp xúc trò chuyện với phụ huynh, thầy cô của trẻ trước. Hiện nay rất nhiều trường hợp công an cứ thấy có dấu hiệu là lùng sục, hỏi cung khiến trẻ rất sợ hãi và càng hoang mang hơn khi hợp tác”, ông Chất khuyên.