Chủ đề nuôi dạy con "nóng" nhất được chia sẻ trên facebook tuần qua

Happy Moms (Tổng hợp),
Chia sẻ

Từ những bài học dạy con rất nhỏ như học cách chia sẻ đến vấn đề lớn hơn như câu chuyện giáo dục sớm được các tác giả phân tích thấu đáo và tỉ mỉ đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bố mẹ tuần qua.

Hạnh-phúc-được-làm-người có giá trị: Dạy con biết chia sẻ – Facebook bố Hồng Hải

Lời tâm sự của anh Hải bắt đầu từ câu chuyện ở một quán hủ tiếu khi một cô bé không cho một cậu bé leo lên xe máy của gia đình mình. Một hình ảnh nhỏ nhặt thôi, có thể bạn sẽ bỏ qua nhưng nó nói lên bao điều về cách giáo dục trong gia đình, về việc dạy con cách chia sẻ thế nào cho đúng. Chúng ta không chỉ cứ rao giảng về việc con phải chia sẻ một cách rất trừu tượng mà cần làm một cách cụ thể: đầu tiên là việc trao đi ấy sẽ không gây tổn hại cho trẻ, thậm chí còn có lợi ích rồi sau đó biến nó thành thói quen "sòng-phẳng-với-cuộc-đời".

Chia sẻ dạy con hot trên Facebook 1
Ảnh chụp màn hình từ facebook của tác giả.

Tác giả viết:

“Thật ra, trẻ con, đứa nào cũng ích kỷ. Tôi gọi đó là ích-kỷ-bản-năng. Nhưng cái bản năng ấy được nuôi nấng hay đè nén, đứa nhỏ lớn lên thành người rộng lượng hay hẹp hòi là bởi giáo dục. Ở mặt này, giáo dục hoàn toàn là kết quả của giáo-dục-gia-đình.

Thằng Chấn Hưng nhà tôi cũng vậy. Nó có một bóp tiền, đâu chắc cũng được trăm mấy ngàn. Là của bà cô và ba tôi cho, nó để dành, mỗi lần một hai ngàn. Hỏi để dành làm gì, nó biểu mua xe tăng Mỹ. Nói vậy thôi chứ ba tôi kể rằng nó chẳng bao giờ chịu lấy ra xài, ngay cả khi đã hứa sẽ hùn tiền với ông để mua cái gì đó. Lần kia, đưa nó đi chơi, tôi dặn rất nhiều lần rằng nên mang tiền theo, vì tôi hết tiền. Nó dạ dạ nhưng vẫn không mang. Và tôi biết nó cố-tình-quên. Tôi cũng không mang. Ra tới công viên, ghé vào hàng đồ chơi, nó chọn được chiếc xe rất đẹp. Chọn xong, tôi biểu trả tiền đi, nó nhanh nhảu "Con để quên bóp ở nhà rồi". Tôi cũng lạnh lùng rằng mình đã hết tiền. Nếu thích chiếc xe thì gởi lại đó, tôi sẽ đưa nó về nhà lấy tiền. Nó buộc phải đồng ý.

Ở tuổi ấy, chúng ta không thể đem mấy ý niệm chia-sẻ, trao-đi hay gì gì đó tương tự vậy. Chúng trừu tượng lắm, bọn trẻ không hiểu đâu. Chúng ta phải cho chúng biết rằng việc cho đi là có lợi cho chính chúng, trước tiên. Rồi ngày qua ngày, cho đi, với chúng, sẽ thành thói quen. Đó là thói quen sòng-phẳng-với-cuộc-đời.

Đừng bao giờ sợ con mình sẽ thiệt thòi, sẽ vơi đi ví tiền hay hao gầy của cải. Khi trở thành một người rộng lượng, thứ đầu tiên và rất to lớn mà chúng sẽ nhận được là gì biết không? Thứ này không thấy được ngay, không thể cân đong nhưng nó sẽ là tài sản vô giá mà con bạn có thể sở hữu: yêu-thương-của-người-đời. Bạn yêu con bạn, tất nhiên rồi. Nhưng bạn không thể ôm nó cả ngày, ôm nó suốt đời. Hãy nhớ rằng rồi dù muốn dù không, nó cũng sẽ phải ra sống với người đời, nhiều hơn cả với bạn.

Nếu suy nghĩ bay bổng hơn một chút, theo kiểu "tay trái cho đi, tay phải không nên biết" thì việc trao đi cũng lợi lạc vô ngần. Ruột rà trao yêu thương cho nhau phải là việc như mặt trời mọc ở đằng Đông nhưng khi chúng ta đọc được nỗi vui tràn lên mắt lên môi một người xa lạ, vì những việc đôi khi nhỏ nhặt mình làm cho họ, tôi tin chúng ta sẽ hạnh phúc lắm. Đó là cái hạnh phúc tuy nhỏ nhưng có sức mạnh khôn cùng, đôi khi có thể càn lên, khoả lấp cả những đau buồn khác của đời sống.

Đó là cái hạnh phúc được-làm-một-người-có-giá-trị, dù chỉ cho một người.

Chuyện giáo dục sớm ở trẻ - Facebook  nhà văn Hồ Thị Hải Âu

Chuyện giáo dục sớm ở trẻ không phải là một đề tài mới, nhưng vẫn còn nhiều điều cần bàn tới đặc biệt là trong thời đại có quá nhiều thông tin gây nhiễu sóng cho các phụ huynh trẻ như hiện nay. Trong bài viết này nhà văn Hải Âu đã hệ thống lại quan điểm và con đường chị đã trải nghiệm trong quá trình đồng hành cùng con gái Lã Hồ Minh Khuê (hiện đang học đại học Havard) với các điểm đáng chú ý như sau:

- Cách hiểu đúng thế nào là giáo dục sớm.

- Khi nào nên bắt đầu giáo dục sớm.

- Vai trò của cha mẹ trong giáo dục sớm.
 
- Nên giáo dục sớm cho trẻ như thế nào.

Chia sẻ dạy con hot trên Facebook 2
Ảnh chụp màn hình từ facebook của tác giả.

Nhà văn Hồ Thị Hải Âu chia sẻ:

1. Giáo dục sớm phải được hiểu là một tinh thần toàn bộ của mỗi người chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình và có khát vọng làm cha mẹ. Tự giáo dục bản thân và nỗ lực để bản thân là một cá thể có phẩm chất được giáo dục, có hiểu biết, có phương pháp tư duy - điều này cho thấy sự nhận thức của bạn đã thực sự sâu sắc, khoa học, không mơ hồ và không bước vào vai trò làm cha/ mẹ chỉ vì thói quen, tập quán xã hội mà chưa thực sự chuẩn bị tốt về tâm thế và hiểu biết.

2. Vậy, bắt đầu giáo dục con từ lúc nào là sớm? Bắt đầu ngay khi người mẹ mang thai và được gọi là thời kỳ thai giáo.

3. Trẻ sau sinh đến 4 tuổi là thời kỳ phát triển mạnh để hoàn chỉnh não bộ và hệ thần kinh trung ương, nên việc thực dưỡng, sức khỏe lành mạnh, giao tiếp giao cảm, trực quan sinh động với thế giới xung quanh của trẻ cần được tiến hành bền bỉ, kiên trì, liên tục… như là cách để trẻ hưởng thụ cuộc sống và chính bạn “hưởng thụ” giá trị làm cha/mẹ… nhưng chính trong quá trình dấn thân toàn bộ trong việc chăm sóc, yêu thương con cái một cách hiểu biết, bạn đang giúp não bộ đứa trẻ trở nên có phẩm chất hoàn hảo nhất so với việc cũng chính đứa trẻ ấy nhưng nhận được sự chăm sóc kém hơn từ cha mẹ.

4. Hoạt động não bộ của trẻ (dưới 10 tuổi) chủ yếu về tư duy trực quan sinh động. Do đó, cách học của trẻ là: Giác quan (Nhìn, nghe, sờ mó, nếm, ngửi) – quan sát – bắt chước như thế và không có cách gì khác! Và như vậy, ở thời kỳ này, nhà giáo dục cần thiết và vĩ đại nhất của trẻ không thể là ai khác ngoài cha mẹ là những người mà bé đặt toàn bộ sự tin cậy, là những người có thời gian gần gũi, chăm sóc bé, tạo cho bé những phản xạ điều kiện từ những mệnh lệnh yêu thương. Do đó, khi trẻ dưới 4 tuổi, học sớm trong kỳ vọng giáo dục con sớm của cha mẹ phải được hiểu như thế này: Cha mẹ nỗ lực yêu thương chăm sóc trẻ một cách có hiểu biết, trong môi trường ấm áp, lành mạnh của gia đình, cha mẹ làm, cha mẹ nhìn vào mắt bé nói lời yêu thương, hướng dẫn - trẻ sẽ nhìn - quan sát - rồi bắt chước.

Cuộc sống, tinh thần, cảm hứng làm cha mẹ của bạn tràn đầy bao nhiêu, thì nghĩa là bạn đang là những nhà sư phạm giỏi nhất, nhân ái nhất để dạy con những kỹ năng cuộc sống, dạy con giữa sự sinh động tràn đầy của cuộc sống! Thay vì bạn chối bỏ vai trò nhà sư phạm của mình để gửi con vào những lớp học kỹ năng, mà ở đó trẻ sẽ được nhận thức những nguyên tắc xã hội, những chuẩn mực xã hội thông qua mô hình, thông qua khái niệm cứng nhắc (Kiểu tư duy mà chỉ những trẻ trên 10 tuổi mới đủ năng lực hấp thụ)…

"Phù hợp" và "không chạy theo mốt" khi nuôi dạy con - FB mẹ Ong Bông (Hương Đỗ)
 
Bài chia sẻ đã đưa ra những ví dụ về hậu qủa của việc các phụ huynh nuôi dạy con nhưng không quan sát con cũng như bản thân mà thường theo sự "mách bảo" của quá nhiều của những người khác. Đồng thời cũng đưa ra quan điểm rằng nuôi dạy con phù hợp là phù hợp với Tính khí của con bạn -  Tính cách, quan điểm của bạn và chồng bạn -  Hoàn cảnh sống của bạn và gia đình.

Chia sẻ nuôi dạy con hot nhất facebook 3
Ảnh chụp màn hình từ facebook của tác giả.

"Thông điệp ở đây là hãy nuôi dạy con theo cách mà bạn thấy rằng điều đó tốt cho con (trước tiên) và tốt cho bạn, đừng chạy theo mốt, đừng cứng nhắc áp dụng những cái mà người khác phù hợp nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn. Hơn hết, trước khi áp dụng một phương pháp gì để nuôi con, dạy con hãy quan sát con trước đã, và đặt lợi ích của con lên đầu tiên chú không phải là lợi ích của chính bạn".
Chia sẻ