Chia sẻ không thể bỏ lỡ của các mẹ trên Facebook tuần qua

Mẹ Ong Bông,
Chia sẻ

Những chia sẻ thiết thực của các mẹ trên facebook tuần qua sẽ giúp bạn gỡ rối trong nhiều tình huống dạy con hàng ngày.

1. Chọn trường cho con vào lớp 1 – Facebook của chị Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Nhật Nam

Đây là phần 2 trong chuỗi chia sẻ của mẹ Nhật Nam về việc cho con vào lớp 1. Ở phần 1 chị chia sẻ với các mẹ về việc giúp đỡ con chuẩn bị các kĩ năng tiền học đường và chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1, trong phần 2 chị đã đưa ra những chia sẻ rất tuyệt vời về cách chọn trường cho con và những điều cần làm để giúp con yêu trường yêu lớp. Theo mẹ Nhật Nam, khi con vào lớp 1 việc đầu tiên và cũng mất nhiều thời gian nhất chính việc chọn trường cho con vì thế, chị đã chia sẻ rất rõ ràng các mục tiêu khi chọn trường cho con của mình.


Ảnh chụp màn hình từ facebook của mẹ Nhật Nam.

"Đầu tiên mình sẽ nói về việc chọn trường cho con. Đây quả thực là một việc rất đau đầu phải không các mẹ. Bản thân mình cũng mất mấy tháng để tham khảo, tìm hiểu. Chọn trường nào phụ thuộc vào từng gia đình, không có công thức chung cho tất cả mọi người. Vậy nên mình chỉ nêu quan điểm CÁ NHÂN mình, các mẹ cùng tham khảo nhé. Để chọn trường phù hợp, theo mình nên:

Tự lên danh sách các mục tiêu mà mình hướng tới: Mục tiêu thế nào sẽ dẫn đến việc chọn trường thế ấy. Với mình, mục tiêu của mình trong việc chọn trường cho Nam là:

- Đảm bảo kiến thức phổ thông (nội dung chương trình sách giáo khoa), không có nhu cầu cho con học thêm ( từ “học thêm” được hiểu là học các bài tập nâng cao, học do cô giáo hướng dẫn ngoài giờ lên lớp). Chính từ mục tiêu này, mình không có ý định chọn những trường có sự cạnh tranh cao giữa các học sinh, các trường mà tỉ lệ “chọi” để vào cao. 

Vì mình nghĩ đơn giản, cùng một bộ sách giáo khoa, ngay cả các em học sinh miền núi, vùng nông thôn vẫn có thể học được, thậm chí tự học thì sao phải quá lo nghĩ. Mình mong muốn Nam được phát triển toàn diện, có thời gian được làm những việc mình theo đuổi, có thời gian để học thêm ngoại ngữ. Và một điều quan trọng là con luôn có khoảng thời gian mỗi ngày để đọc sách, để chơi cùng bố mẹ. 

- Trường học phải tạo điều kiện cho con có khả năng tự học. Mình quan niệm, việc học muốn đi được đường dài phải dạy cho người học cách học. Vậy nên những trường học nào o ép, yêu cầu học sinh làm nhiều bài tập về nhà, mình cũng hơi e sợ và không nằm trong mục tiêu lựa chọn của mình.

- Trường học phải gần nhà: Mình rất sợ cho con học xa nhà vì nghĩ không nên để con tốn thời gian và sức khỏe vào việc “tham gia giao thông”. Ưu tiên “gần nhà” thậm chí choán hết cả suy nghĩ của mình khi xin học cho con. Mình cũng thích trường có xe đưa đón, cảm giác an toàn hơn là mẹ chở con (vì mình hơi yếu mà Nam thì ục ịch nên chở đi đâu rất khó ). 

Trường Nam học tuy gần nhà nhưng mình vẫn đăng kí xe đưa đón. Mình thấy rất ngạc nhiên khi có những cháu, vì nhà xa quá nên buổi sáng, mẹ bế lên xe cho ngủ, đến trường mọi người đánh thức dậy rồi làm vệ sinh cá nhân tại trường. Thương ơi là thương. Nhiều người cứ hỏi có nên cho con học trường này trường kia không. Mình hỏi mà nói cách nhà cả gần chục cây là mình sẽ khuyên nên suy nghĩ lại. Theo mình, đừng để con phải lãng phí sức khỏe và thời gian cả sự an toàn nữa. 

- Trường học sạch sẽ, thân thiện: Vì Nam rất ngại những nhà vệ sinh không được sạch sẽ nên đi chọn trường cho Nam, mình thậm chí còn vào cả nhà vệ sinh để xem. Có những nơi trường học thì cũng khá đẹp nhưng nhà vệ sinh không thể chấp nhận được. Đó một phần do cách quản lý, phần nữa do các cô trong trường không nhắc nhở các cháu. Trong một môi trường, những việc “nhỏ” không được quan tâm như thế thì mình cũng không yên tâm để gửi gắm.

- Điều cuối cùng là trường học phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

2. Những hiểu lầm thường gặp về tự kỷ  

Fanpage Vòng Tay Tự Kỷ được thành lập ra để hưởng ứng ngày thế giới nhận biết về Tự Kỷ 2/4 với rất nhiều thông tin chính xác và có chiều sâu về Hội chứng Tự Kỷ cũng như nhiều hội chứng rối loạn phát triển khác. 


Các mẹ có thể vào Fanpage "Vòng tay tự kỷ" để tìm hiểu và chia sẻ những thông tin cực kỳ hữu ích về bệnh tự kỷ.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, những người thực sự hiểu và thông cảm với người tự kỷ và gia đình có người tự kỷ không nhiều do họ không được nhận thông tin đúng, đủ và chính xác về vấn đề này.

Bài chia sẻ về những hiểu lầm thường gặp về tự kỷ, dù chỉ đưa ra một vài thông tin ngắn gọn và súc tích nhưng là những điều đầu tiên, và cơ bản nhất để phụ huynh hiểu rõ hơn về hội chứng này: 

Những hiểu lầm thường gặp về tự kỷ

Bạn có thể đã gặp và cảm nhận những khác biệt của người tự kỷ, bạn có thể đang sống cùng người có tự kỷ tại gia đình, hay gặp gỡ hàng ngày tại trường học, nơi làm việc. Điều đầu tiên bạn cần biết là:

- Trẻ tự kỷ KHÔNG phải do không được cha mẹ quan tâm, nuôi dạy, yêu thương. Tự kỷ không phải do cha mẹ bỏ mặc con cho người giúp việc hay TV, máy tính.

- Tự kỷ KHÔNG phải là lựa chọn của những người sống chung với nó. Người tự kỷ nếu có hành vi khác thường là do những rối loạn trong cơ thể mà họ không có khả năng kiểm soát được, thường không phải do họ cố tình hay bản tính như vậy.

- Tự kỷ và trầm cảm hay rối nhiễu tâm lý là những vấn đề có NGUYÊN NHÂN VÀ BẢN CHẤT HOÀN TOÀN KHÁC NHAU, nhưng đôi khi có biểu hiện giống nhau.

- Tự kỷ đã hình thành từ trong bào thai, và chỉ thể hiện rõ khi trẻ 1-2 tuổi, khi trẻ chậm nói hay có hành vi khác thường.

- Tự kỷ do hai yếu tố chính là rối loạn gene và tác động của môi trường độc hại. Có thể có những nguyên nhân khác mà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

3. Ứng xử trong gia đình có hai con – Facebook của mẹ Hương Đại Mĩ Nhân 

Những phụ huynh đã có hai hoặc nhiều hơn 2 con chắc chắn sẽ cảm thấy thích thú với bài viết này. Bài viết chia sẻ những bí quyết tuyệt hay về cách ứng xử khi nhà có nhiều con, ngay từ khi mẹ mới mang bầu đến khi bé đã lớn. 


Ảnh chụp màn hình từ facebook của mẹ Hương Đại Mỹ Nhân.

Cách cư xử của cha mẹ với các con quyết định rất nhiều tình cảm của anh chị em ruột với nhau cũng như không khí êm ấm của gia đình, qua chia sẻ của mình trên facebook mẹ Hương nhắn nhủ các bố mẹ hãy luôn công bằng và bình tĩnh vượt qua khó khăn. 

"Ngày đứa thứ hai sắp ra đời, các cha mẹ cần ôm đứa đầu vào lòng và thủ thỉ: Cho dù mai sau thế nào, cha mẹ cũng yêu con rất rất nhiều. (Đọc kĩ câu tỏ tình nhá, ko phải yêu nhất hay yêu nhì mà là rất rất yêu).

Khi em bé ra đời, hãy bế con lớn lên lòng, và đưa lại gần em. Với sự chia sẻ tình cảm như vậy, đứa trẻ sẽ nhận thức rằng đây là 1 niềm vui mới, hạnh phúc mới trong gia đình chứ không phải là mối cạnh tranh hay nguy hiểm gì đến tình cảm mà cha mẹ đang dành cho chúng.

Mỗi ngày, dù em bé còn rất nhỏ, bố mẹ cũng nên cho bé tiếp xúc với em, sờ má em. Cha mẹ có thể nhờ anh/chị cầm khăn lau dãi cho em hoặc lắc những con xúc xắc cho em bé vui.

Những hành động quan tâm nhỏ như vậy sẽ khiến bé lớn cảm thấy mình cần có trách nhiệm với sinh linh bé bỏng này chứ không phải thân ai người ấy lo." 

4. Xử lý khi con ném đồ và cảnh báo an toàn dành cho cha mẹ - Facebook mẹ Tú Trang 

Trên Facebook, mẹ Trang chia sẻ hai câu chuyện của bé Nhí ở nhà, câu chuyện thứ nhất là hành vi lật đồ của bé Nhí và cách xử lý của mẹ và câu chuyện thứ 2 là cảnh báo cho tất cả các bố mẹ khi mẹ Nhí phát hiện Nhí cho đồ chơi vào trong mũi. 


Bạn Nhí đang tự dọp dẹp đồ do mình làm đổ ra trên sàn nhà.

Tuy lời chia sẻ hết sức giản dị và dễ thương nhưng chúng ta cũng có thể học được nhiều điều từ câu chuyện của gia đình bạn Nhí: Khi con làm sai hãy bình tĩnh không la hét con, nói chuyện gợi mở để con từ từ nhận ra lí do vì sao con sai cũng như để con tự đưa ra cách khắc phục lỗi sai của mình.  

Bài học thứ 2 đó là phải luôn cẩn thận để í và hỏi han con, đừng nghĩ conđã lớn thì sẽ không táy máy nghịch dại, đồng thời hãy dạy con cách tự bảo vệ mình. Cùng xem cách mẹ Nhí xử lý các tình huống khi con làm đổ cơm:

"Con làm đổ cơm rồi, hông được ăn cơm nữa.
- Ăn sữa chua...
- Hông được ăn sữa chua luôn.
- Con cừu...
- Hông được sticker con cừu luôn.
- Đổ cơm là hông ngoan, hông được ăn sữa chua, hông được con cừu. Hông ngoan mẹ hông thích. Nhí ngoan mẹ mới thích.
- Uh. Vậy Nhí nói mẹ nghe, sao cơm bị đổ?
- Nhí gõ muỗng lên bàn.
- Vậy con có gõ muỗng lên bàn nữa hông?
- Dạ hông.
- Sao nữa?
- Lấy tay vịn cái dĩa.
- Đúng rồi, giỏi lắm. Con làm đổ cơm dơ nhà rồi, làm sao đây?
- Lau nhà cho sạch."

Các mẹ có những chia sẻ và bài viết có thể giúp ích hoặc truyền cảm hứng cho các bà mẹ khác có thể gửi email về địa chỉ: mevabe@afamily.vn

Chia sẻ