Cho con trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu lịch sử dân tộc, tham quan khu vui chơi sáng tạo - giáo dục với 5 bảo tàng nổi tiếng này
Ngày cuối tuần, bố mẹ dành thời gian đưa con đến những nơi này để bé vừa học vừa chơi nhé!
Những ngày cuối tuần, nhiều gia đình có con nhỏ hẳn đã lên kế hoạch để đưa bé nhà mình đi chơi sau một tuần làm việc và học tập vất vả. Chỉ có 2 ngày nên một số phụ huynh lựa chọn địa điểm gần nhà hoặc đi trong ngày để đảm bảo thời gian cũng như sức khoẻ của các bé. Với những trẻ có đam mê tìm hiểu lịch sử dân tộc, thích khám phá thiên nhiên thì chắc chắn những bảo tàng dưới đây sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời.
Đến nơi đây, các con không chỉ có thêm kiến thức về cội nguồn, những di tích lịch sử văn hoá, những câu chuyện của thế hệ xưa, các phong tục, cuộc sống xa xưa... như thế nào, mà còn được trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, tham gia vào các trò chơi sáng tạo dành riêng cho trẻ. Không chỉ các bé mà cả người lớn chắc chắn cũng sẽ rất hứng thú với không gian vui chơi này.
1. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Địa chỉ: Nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, cách trung tâm Hà Nội khoảng 8km.
Mở cửa: hàng ngày từ 8h30 đến 17h30.
Đóng cửa: các ngày thứ Hai và Tết Nguyên đán.
Bảo tàng mang ý nghĩa giá trị văn hóa to lớn quy mô quốc gia cũng như địa phương. Bạn có thể dễ dàng di chuyển tới đây bằng nhiều phương tiện như ô tô, xe máy hoặc taxi. Đối với nhiều du khách khi đến Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn nằm trong danh sách những điểm đến không thể bỏ qua.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được hình thành từ năm 1981 tại Hà Nội với diện tích 3,27 ha. Công trình này do kiến trúc sư Hà Đức Linh thiết kế và nữ kiến trúc sư Veronique Dollfus (người Pháp) thiết kế nội thất. Bảo tàng như một bức tranh thu nhỏ về lịch sử cũng như văn hóa của đồng bào 54 dân tộc anh em tại Việt Nam với đa dạng nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Các hiện vật này được trưng bày theo nhiều loại khác nhau như: y phục, trang sức, vũ khí, nhạc cụ, tôn giáo, tín ngưỡng và nhiều hoạt động tinh thần khác.
Bảo tàng được chia làm ba khu trưng bày chính: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á. Từ ngoài nhìn vào, du khách sẽ thu hút bởi cách trình bày, bố trí từ hình thức đến nội dung thể hiện đều rất khoa học và logic, dễ dàng nắm bắt được màu sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.
Bảo tàng như một bức tranh thu nhỏ về lịch sử và văn hóa của đồng bào 54 dân tộc Việt Nam (Ảnh sưu tầm)
Du khách sau khi tham quan qua tòa nhà Trống Đồng sẽ bắt gặp một khoảng sân lớn, đó là khu trưng bày ngoài trời. Tại đây mọi người sẽ thấy những kiến trúc độc đáo của người dân tộc như nhà sàn của người Tày, nhà sàn của người Ê đê, nhà trệt lợp ván Pơmu của người H’mong. Nằm trong khuôn viên khu vườn còn có cối giã gạo bằng sức nước của người Dao.
Du khách đến đây không chỉ tham quan mà vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Bảo tàng Dân tộc học còn tổ chức nhiều chương trình biểu diễn múa rối nước, các hoạt động văn nghệ dân gian, lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam phục vụ du khách. Ngoài ra du khách sau khi tham quan bảo tàng có thể dừng chân mua vài món đồ lưu niệm nhỏ nhắn, xinh xắn về làm quà cho gia đình hay những người bạn của mình.
Bảo tàng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của 54 dân tộc anh em kết hợp những sắc màu văn hóa trên khắp cả nước.
2. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Hệ thống Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện có hai địa chỉ như sau:
- Cơ sở 1: 1 Tràng Tiền, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
- Cơ sở 2: 216 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Giờ mở cửa
- Sáng: Từ 8h đến 12h.
- Chiều: Từ 13h30 đến 17h.
Hệ thống trưng bày mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ ngày thứ Hai).
Nếu các ngày nghỉ Lễ trong năm trùng vào ngày thứ Hai, hệ thống trưng bày vẫn mở cửa phục vụ khách tham quan.
* Ghi chú: Lịch mở cửa hệ thống trưng bày vào dịp Tết âm lịch, Bảo tàng sẽ có thông báo riêng.
Với số lượng tài liệu, hiện vật ''khủng'', và cả bảo vật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải phân bổ bộ sưu tập và trưng bày ở hai cơ sở theo từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Thông qua các hiện vật, bạn có thể biết thêm về đặc điểm kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ, cũng như đặc điểm địa lý, bản sắc văn hóa của các vùng, miền khắp tổ quốc.
Cơ sở số 1 Tràng Tiền là nơi giới thiệu những dấu tích phản ánh sự xuất hiện của con người trên đất nước Việt Nam, đến thời kỳ dựng nước ban đầu, đấu tranh giành độc lập thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa, và từng bước gầy dựng nên một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả vật thể lẫn phi vật thể qua các triều đại phong kiến.
Các bộ sưu tập của di tích văn hóa Óc Eo – Phù Nam, nghệ thuật điêu khắc Champa, và các tác phẩm của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc cũng được trưng bày đầy đủ, sinh động ở bên trong bảo tàng.
Cùng với hệ thống trưng bày thường xuyên, phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia tạo nên điểm nhấn ấn tượng, khiến tổng thể không gian bảo tàng trở nên hấp dẫn, phong phú hơn.
Khu vực trưng bày ngoài trời sẽ đưa bạn đến với văn hóa Champa thông qua bộ sưu tập hiện vật và các tác phẩm điêu khắc. Ngoài ra, bạn còn được chiêm ngưỡng các vật thể khối lớn có niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn, với nhiều vật thể như: bia ký, tượng thờ, tháp thờ… mang đặc trưng nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa qua từng triều đại.
3. Bảo tàng Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 19 P. Ngọc Hà, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Mở cửa: Bảo tàng mở cửa các ngày thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ Nhật - Từ 8h00 đến 11h30.
Đóng cửa: Bảo tàng đóng cửa các ngày thứ Hai và thứ Sáu.
Bảo tàng Hồ Chí Minh được đánh giá là lớn nhất Việt Nam, là nơi trưng bày những tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như di sản văn hóa và cách mạng mà vị chủ tịch đã để lại. Đến tham quan bảo tàng, bạn còn có thể kết hợp ghé qua rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng gần đó.
Bảo tàng Hồ Chí Minh được chia thành 3 tầng trưng bày với 3 nội dung khác nhau, xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp, và ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Việt Nam và quốc tế.
Khi bước vào sảnh chính của bảo tàng, bạn sẽ thấy bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng thau, gây ấn tượng mạnh mẽ.
- Tầng 1 là nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu về tiểu sử Hồ Chí Minh, các mốc hoạt động cách mạng nổi bật trong công cuộc xây dựng đất nước, và quá trình nhân dân Việt Nam tiếp nối thực hiện di chúc của Người.
- Tầng 2 như một bước đi cụ thể hơn để hiểu rõ các chủ đề được trưng bày ở tầng 1. Khu vực này tái hiện cuộc sống chiến đấu gian khổ và chiến thắng oanh liệt của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Tầng 3 giới thiệu một số sự kiện chính trong lịch sử thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến nay, có tác động lớn đến tư tưởng, đường lối hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng ở Việt Nam.
4. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Địa chỉ: 18 B-C, Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngày mở cửa:
- Thứ 3 và thứ 4 mở cửa dành cho học tập và nghiên cứu.
- Thứ 5 đến chủ nhật: Mở cửa dành cho các khách tham quan.
Giờ mở cửa:
- Sáng: 8h30 đến 11h30.
- Chiều: 13h30 đến 16h30.
Trước khi bước vào bên trong bảo tàng bạn sẽ bị ấn tượng bởi tạo hình khủng long to lớn giống hệt như thật ở ngay trước bảo tàng. Bên cạnh đó, những tấm áp phích giới thiệu những mẫu vật được trưng bày cũng rất kích thích sự tò mò của khách tham quan.
Bước vào trong, bạn sẽ phải vỡ òa vì ngạc nhiên và phấn khích trước một thế giới động - thực vật rộng lớn với đầy đủ các chủng loại khác nhau. 40 nghìn hiện vật bao gồm các loài động vật như bò sát, thú,.. loài côn trùng, thực vật nấm, mẫu địa chất,... được sắp xếp theo từng loại.
Nguồn ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Ở bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bạn còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những loài động thực vật quý hiếm mà có thể bạn còn chưa được biết đến như cá mặt trăng...
Bảo tàng còn tận dụng mọi nơi để có thể chia sẻ những thông tin kiến thức cho khách tham quan. Trên một bức tường gỗ bắt mắt, bạn sẽ gặp một sơ đồ cây tiến hóa mô phỏng thế giới thiên nhiên với 5 giới chính là động vật, thực vật, nấm, tiền nhân và nguyên sinh.
Nguồn ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Ngoài về động - thực vật, nơi đây còn trưng bày mẫu tiến hóa hóa thạch của con người từ linh trường. Bên cạnh mỗi một khu trưng bày sẽ có một màn hình chiếu giúp khách tham quan có thể hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa của hệ động - thực vật.
5. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Địa chỉ: 66 P. Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội.
Giờ mở cửa: 8h30 – 17h các ngày từ Thứ Ba đến Chủ Nhật, trừ Thứ Hai và ngày Tết.
Vé vào cửa
- Trẻ em và học sinh từ 06 đến 16 tuổi: 10.000 đồng.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng và trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí.
Chương trình trải nghiệm tại Không gian sáng tạo cho trẻ em
- Chương trình hàng ngày: 50.000 đồng/vé; Thời gian: Sáng 9:00 đến 11:30 - Chiều: 14:00 đến 16:30; Đối tượng: trẻ em từ 5 - 15 tuổi.
- Chương trình đặc biệt (cần đăng ký trước): 50.000 đồng/vé; Thời gian: Sáng 9:00 đến 11:30 - Chiều: 14:00 đến 16:30; Đối tượng: trẻ em từ 5 - 15 tuổi.
Đến đây tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bạn sẽ có dịp tìm hiểu toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử Mỹ thuật Việt Nam thông qua các bộ sưu tập, tài liệu, hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng. Đây lại là địa chỉ vừa chơi vừa học cực kỳ thú vị.
Trong hơn 50 năm qua, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu mỹ thuật có giá trị, đặc biệt là mỹ thuật cổ đại và mỹ thuật cận hiện đại. Bảo tàng còn là nơi lưu giữ 9 bảo vật quốc gia. Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sở hữu bộ sưu tập ấn tượng với khối lượng gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật đặc sắc. Trong đó, phần trưng bày cố định với hơn 2.000 hiện vật được sắp xếp theo tiến trình lịch sử, thể loại, và chất liệu.
Từ các bộ trang phục dân tộc đến các vật dụng bằng tre nứa, từ những bức tranh dân gian đến những bức tượng điêu khắc tỉ mỉ, tất cả đều thể hiện những giá trị điển hình của văn hóa dân tộc theo từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, bảo tàng còn có phòng trưng bày chuyên đề dành cho các hoạt động triển lãm, cũng như giao lưu nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Bắt đầu từ năm 2011, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức có thêm không gian sáng tạo cho trẻ em, thuộc chương trình Giáo dục Mỹ thuật của bảo tàng. Tọa lạc ở tầng 3 của tòa nhà, khu vực này là nơi để các em được thử sức làm họa sĩ, nhà điêu khắc, và chuyên gia giới thiệu về mỹ thuật dân gian cũng như đương đại thông qua các hoạt động trải nghiệm bổ ích như: tô tranh, tô tượng, vẽ tranh, ghép tranh, xé dán tranh…
Nhờ sự góp mặt của không gian sáng tạo cho trẻ em mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút nhiều gia đình có con nhỏ đến tham quan và vui chơi tại đây hơn.
Bên cạnh các không gian nghệ thuật và hệ thống trưng bày, bạn có thể nghỉ chân, check-in và tranh thủ “sống ảo” một chút tại quán cà phê trong khuôn viên của bảo tàng. Các món ăn, thức uống của quán được đánh giá là ngon miệng, đẹp mắt, giữa cảnh quan kiến trúc độc đáo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.