Từng có quá khứ bị bố đánh vì ương bướng và bất trị, bà mẹ đúc kết ''Đòn roi sẽ không bao giờ giúp con hạnh phúc và nên người''
Bà mẹ 2 con khẳng định: ''Dù không đánh, không chửi mắng nhưng vẫn có thể dạy con nên người, làm cho con hạnh phúc''.
Chăm sóc và nuôi dạy con là một hành trình dài đầy hạnh phúc nhưng cũng không ít thử thách, cam go. Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ có sự thay đổi qua từng giai đoạn đòi hỏi bố mẹ sự quan tâm, đồng hành một cách khéo léo. Nhiều bậc phụ huynh thừa nhận rằng họ đã từng mắng mỏ, đánh con rất nhiều nhưng thực chất việc này không đem lại tác dụng gì, thậm chí còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Mới đây, chị Minh Lý (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện về thời thơ ấu của bản thân và bài học mà chị rút ra khi đã trở thành mẹ. Với chị Lý, dù không đánh, không chửi mắng con nhưng vẫn có thể dạy con nên người và làm cho con hạnh phúc. Hy vọng những chia sẻ của bà mẹ 2 con sẽ có ích với nhiều bố mẹ.
Con hư là bị bố đánh, tát khiến con nguyền rủa cái roi, oán trách người lớn ''độc ác''
Hồi nhỏ, mình là đứa con gái ương bướng, bất trị. Mình cứng đầu rắn mặt đến nỗi có biệt danh Đá Mài. Có lần bà nội đi tìm đá mài dao, bà hỏi: có ai thấy hòn đá mài dao đâu không, mình lồm cồm chui từ gầm giường ra: Cháu đây bà ạ!
Mình với bà chị nuôi (hơn mình 4-5 tuổi) và mấy đứa em suốt ngày chí chóe, cãi nhau, đánh nhau, vô số tội. Mẹ dạy không nổi, chán không thèm nói, cứ gom tội lại, cuối tuần bố về đem ra xét xử. Hàng xóm gọi là "xử phiên tòa". Tuần nào nhà mình cũng có phiên tòa. Bọn mình bị bắt nằm sấp, nghe kể tội và bị đánh roi.
Bố mình là người nóng tính. Con hư là ông đánh, tát luôn. Bọn mình hay bị bố đánh te tua. Nhân một vụ có ông bố vô tình đánh chết con, mẹ mình đấu tranh mãi bố mới bỏ được tật đánh con tùy tiện. Các "phiên tòa" từ đấy mới ra đời.
Có rất nhiều phiên tòa diễn ra, rất nhiều lần mình bị ăn roi nhưng đòn roi đối với mình không tác dụng. Mình chẳng bao giờ nhớ được mình mắc tội gì vì mình đâu có quan tâm đến nó. Toàn bộ sự quan tâm của mình chỉ dành vào việc nguyền rủa cái roi, oán trách người lớn ''độc ác'', bố mẹ đánh mình thì được mà tại sao lại không cho mình đánh nhau... Đọng lại sau cùng là cảm giác xấu hổ, ngượng ngùng với hàng xóm.
Ỷ vào sức mạnh của người lớn, quyền làm cha mẹ để ''bắt nạt'' con
Sau này lớn lên, mình hiểu: đòn roi chưa hẳn đã là một giải pháp tốt. Đòn roi không giúp mình hiểu được hay - dở, tốt - xấu, phải - trái, đúng - sai. Cái mình cần là sự giải thích cặn kẽ vì trí óc non nớt của mình hồi đó chưa kịp hiểu.
Không ít lần mình khóc lóc van xin: con chừa rồi, lần sau con không thế nữa... Nhưng mình thậm chí còn chẳng hiểu thế nào là "chừa" và hôm nay "chừa" ngày mai lại cứ thế. Vì mình có hiểu gì đâu. Kể cả có hiểu thì lúc đi chơi, mải chơi lại quên hết.
Bọn mình cần sự trông nom, giám sát, nhắc nhở hơn là đòn roi trách phạt.
Vì bọn mình là những đứa trẻ non nớt chậm hiểu và ham chơi.
Và mình đồ rằng nhiều đứa trẻ con cũng giống như mình.
Càng lớn, mình càng khó chấp nhận việc đánh con. Có vẻ như người lớn đã tự đặt ra các quy tắc và áp đặt nó. Trẻ con không nghe theo thì đánh, mắng.
Người lớn đã tự cho mình cái quyền làm cha làm mẹ thì được đánh chửi con. Bố mẹ đã ỷ vào sức mạnh của kẻ to xác hơn, nhiều tuổi hơn để ''bắt nạt'' con.
Có bố mẹ nào hình dung ra cảnh chính mình bị người khác to khỏe hơn đánh đập, ức hiếp để thấu hiểu cảm xúc của con chưa?
Mình không phủ nhận việc đôi khi phải đánh vài roi cảnh cáo. Nhưng cảnh cáo khác với đánh cho hả giận. Nếu bố mẹ đánh con cho hả giận và mất kiểm soát thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Khi mình có con, mình nhìn nhận việc đánh con như là một sự phản bội về tinh thần. Vừa mới yêu con đấy, rất yêu đấy, nhưng chỉ thoáng sau đã nổi cơn thịnh nộ, thay đổi thái độ nhanh như chớp, ''trở mặt như bàn tay'' sẵn sàng la hét đánh mắng con ngay.
Đánh chửi con cho hả giận, chỉ để giải tỏa cảm xúc của cá nhân mình chứ không phải vì sự tiến bộ của con. Làm như thế là chỉ vì mình, là ích kỷ, nhưng lại tự khoác cho mình cái áo mĩ miều ''là để dạy con''.
Nhận thức như vậy nên mình không đánh con. Đi dạy ở trường mình cũng không đánh học trò. Không phải vì quy định mà chỉ vì mình thực sự tôn trọng học sinh, mình không nỡ xúc phạm các con. Nhưng mình phải thừa nhận việc này là cực kỳ khó. Nhiều học sinh quen với việc bị bạo hành đến nỗi trơ lì ''thân lừa ưa nặng''. Nhiều lúc tự hỏi: thời điểm hiện tại không biết mình có làm được như vậy nữa không.
2 bảo bối giúp con nghe lời mà không cần đánh mắng
Dù không đánh mắng con, không tức giận la hét, nhưng nhiều khi mình cũng ''điên cái đầu'' lắm. Lúc ấy ngoài chuyện cố gắng hiểu con, nhớ rằng mình cũng từng ương bướng, ngu ngốc, dại khờ như nó… mình còn sử dụng một vài bảo bối khác:
1. Gặp ca khó đỡ hoặc quá giận mình thường hoặc là lặng lẽ rút lui coi như chưa biết, chưa nghe, chưa nhìn thấy gì, đi ra ngoài để tìm cách hạ hỏa. Hoặc là đứng trước mặt con, môi mím lại, tay vuốt ngực, thể hiện thông điệp: mẹ đang rất giận, mẹ đang cố gắng hết sức để kiềm chế cơn nóng giận. Sau đó mình bỏ ra ngoài để bình tĩnh lại.
Mình tránh xử lý các tình huống trong lúc nóng giận. Và mình cũng thể hiện cho con thấy sự cố gắng của mình.
2. Giải pháp ''Ông Kẹ''
Ông Kẹ là một giải pháp do mình đặt tên cho vui. Ông Kẹ được chọn phải là người được con nể trọng và tốt nhất là người không đánh con. Ông Kẹ có thể là ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, thầy cô giáo... miễn là người có uy tín đối với con và không nhất thiết phải ở gần.
Có hai loại ông Kẹ: 1 dùng để yêu và 1 dùng để trấn áp.
Trường hợp nhà mình ông Kẹ là ông xã. Ông xã vừa làm ông Kẹ yêu vừa làm ông Kẹ trấn áp. Khi dùng ông Kẹ để yêu thì mình sẽ thủ thỉ: con làm thế này là ba vui lắm đấy... hoặc con mà làm thế chắc ba sẽ buồn... Đôi khi Ông Kẹ được dùng để mua quà động viên khi con có thành tích. Trường hợp tệ hơn, thì ông Kẹ trấn áp sẽ ra tay. Đó là khi con cãi mẹ, con ương bướng không nghe lời...
Ông Kẹ sẽ nổi giận đùng đùng, gọi con tới tận nơi, đứng đối diện, giọng cực kỳ nghiêm khắc: Ba vừa nghe thấy con cãi mẹ (con không nghe lời mẹ, con làm mẹ buồn...). Con phải sửa chữa ngay! Nghiêm trọng hơn thì anh bố sẽ dằn giọng, mắt xếch ngược trông cực kỳ đáng sợ: Tôi mà còn nghe thấy anh cãi mẹ (anh làm mẹ buồn...) tôi sẽ đánh roi vào đít anh. Anh nghe rõ chưa!
Buồn cười. Ông Kẹ chỉ được cái to mồm chứ thực tế không dám đánh con. Chính xác thì ông xã chỉ duy nhất đánh con mỗi đứa một lần rồi sau đó sợ chết khiếp có cho kẹo cũng không bao giờ dám đánh con lần 2.
Số là một lần Tôm hư, bị bố đánh. Con vốn được bố mẹ rất chiều, chưa bao giờ bị đánh. Lần ấy bị bố đánh, Tôm sững sờ, ngạc nhiên, uất ức đến nỗi khóc nghẹn, nấc liên hồi, không thở được, mặt tím tái, suýt phải đưa đi viện. Anh bố bị một phen sợ xanh mắt, không bao giờ lặp lại lần 2.
Còn Gấu cũng bị bố đánh 1 lần hồi học lớp 6. Mình đi họp phụ huynh về vô tâm kể cho chồng nghe chuyện con không được học sinh giỏi chỉ được học sinh tiên tiến, bị ghi sổ đầu bài, bị viết bản kiểm điểm...
Anh bố nổi giận lôi đình, đem con ra đánh. Mình ân hận và thương con vô cùng. Mình để bố đánh con vài cái rồi đứng ra chặn lại, không cho đánh con nữa. Và từ đấy về sau mình nhận trách nhiệm nuôi dạy hai con, không để chồng tham gia vào nữa. Anh bố bị truất quyền.
Tuy không đánh con nhưng ông xã rất có uy với con nên mình dùng ông xã làm Ông Kẹ. Phải có người rắn kẻ mềm, cân bằng âm dương mới hiệu quả. Trường hợp Ông Kẹ chưa có đủ uy tín thì phải tạo ra thôi.
Roi chưa đánh mới là roi đáng sợ. Đánh rồi, biết rồi thì không sợ nữa, mình nghĩ thế. Các bảo bối của mình có may mắn là ít phải dùng thường xuyên. Và nó là một sự phối hợp hiệu quả.
''Mình muốn khẳng định là: dù không đánh, không chửi mắng con nhưng vẫn có thể dạy con nên người và làm cho con hạnh phúc'', bà mẹ trẻ nhấn mạnh.