Cho con đi mẫu giáo, thôi thì gửi một niềm tin!
Nghĩ đến chuyện cho con đi học từ lúc có bầu, mà giờ, khi cu Bin hơn 2 tuổi, chúng tôi vẫn chưa quyết định cho con đi học trường nào.
Thông tin trên mạng thì nhiều chiều, người này nói trường hay, người kia chê dở mà dắt díu nhau đến tận nơi xem, lại thấy hoang mang.
Trường công thì quá khó!
Nhìn trên tivi đưa hình ảnh các bố mẹ ngồi xếp hàng chen chúc trước cổng trường mầm non công lập để xin hồ sơ nhập học trường công cho con mà thấy hãi. Chị bạn tôi, ở khu tập thể Thành Công, bố và bà nội thay phiên nhau xếp hàng từ 6h chiều hôm trước đến ngày hôm sau mới xin được một bộ hồ sơ tại trường mầm non Thành công A. Thế mà cả nhà ngày hôm đấy nói cười hỉ hả, không khí rộn ràng như là có cỗ. Thế mới biết cái giá của trường công lập. Học phí rẻ, chất lượng giáo dục được giám sát kỹ lưỡng, nhà trường được đầu tư mua thiết bị tốt, đồ chơi đẹp. Chỉ có điều, nhìn sĩ số học sinh trong một lớp thì “khiếp!”.
Phụ huynh xếp hàng trước cổng trường từ tờ mờ sáng để xin cho con đi học. (Ảnh internet)
Mỗi lớp học ở các trường mầm non công lập có khoảng 50 cháu. Nhiều trường “điểm”, những trường có tiếng dạy tốt, học tốt, con số học sinh mỗi lớp còn lên đến 70 – 80 cháu. Nghĩ đến cảnh con đi học, mấy chục bạn chen nhau trong một căn phòng, đến đứng cũng chật, nói gì đến chuyện hoạt đông vui chơi?
Vậy là chúng tôi lại hướng đến các trường tư thục.
Cũng lắm nỗi băn khoăn
Trường tư thục bây giờ nhiều lắm. Quanh khu vực nhà tôi ở, có đến hàng chục trường. Trường nào khi đến hỏi cũng ở trong tình trạng “open”, thậm chí, có trường còn giăng paneau nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, có trường nhận trông con cho bố mẹ đi du lịch mùa hè. Nhưng vấn đề lại không đơn giản thế.
Đầu tháng 7, trên diễn đàn xuất hiện cả 1 topic kể tên các trường mà các mẹ nên tránh xa. Ở đó kể toàn những chuyện rùng rợn. Nào là có cháu đi học về, mẹ cho ăn xong thì nôn, mẹ chưa kịp nói gì con đã khóc rú lên “không ăn đâu, chua lắm”. Hỏi ra thì ở lớp cô giáo đã bắt con ăn lại cái thứ con đã… nôn ra! Có cháu bé thì mấy năm sau khi đi học, vẫn còn giữ nguyên tư thế nằm ôm… chim khi đi ngủ vì sợ… đái dầm. Nguyên do là tại các cô ở trường mầm non bắt con đi ngủ thì… không được đái, và vì thế, suốt mấy năm trời, con cứ phải nhịn tiểu trong giờ ngủ trưa. Mới nhất là vụ bớt xén tiền ăn, tiền hoa quả tại Trường mầm non tư thục Hoa Đô (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) hay chuyện các cô giáo dạy trẻ tự kỷ bằng khúc cây.
Không chỉ có những chuyện mười mươi như thế, có nhiều trường “lập lờ đánh lận con đen”, khiến cho phụ huynh chỉ còn biết đứng ở ngã ba đường khi phát hiện ra sự việc. Mẹ Ánh Nga ở Trung Yên thì kể câu chuyện, khi đến trường mầm non của con xin giấy khen để về cơ quan lĩnh phần thưởng nhân ngày 1.6 mới hay là trường không có con dấu. Lo sợ việc con mình học ở một nơi không phép, chị Nga gọi điện hỏi Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, thì mới hay đây là cơ sở có giấy phép hoạt động, nhưng chỉ là Nhóm lớp mầm non tư thục, chứ không phải là Trường mầm non tư thục.
Rất nhiều cơ sở mầm non chưa đủ tiêu chuẩn "trường" mà mới chỉ là nhóm lớp nhưng đã tự xưng “Trường”, hoặc "ăn gian" bằng cách lược bớt từ thành "mầm non tư thục". Trong khi đó, tiêu chuẩn giữa trường, nhóm lớp và lớp mầm non tư thục có một khoảng cách về cơ sở vật chất, về số lượng giáo viên, học sinh… dẫn đến chuyện học phí ở các lớp, nhóm lớp rẻ hơn nhiều so với trường.
Bát nháo chất lượng cao
Cũng trong quá trình đi tìm trường cho con, vợ chồng tôi cũng định thử “nghiến răng” cho con học trường “xịn”, thôi thì “tiền nào của ấy”, con mình được học chỗ tốt, còn hơn là để con cho những chỗ mà bản thân mình không thấy yên tâm.
Các trường xịn giờ cũng nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường trong số ấy cũng chỉ che mắt phụ huynh bằng những cơ sở vật chất nhìn thấy, còn thực tế giáo dục như thế nào cũng còn là một câu chuyện dài.
Gửi con đi học, thôi thì gửi một niềm tin. (Ảnh minh họa)
Chúng tôi đến thăm trường P. – một trường quốc tế ở đường Hàng Chuối, nhận trẻ từ 18 tháng. Trường có bể bơi trong nhà, phòng lát gỗ rộng, thoáng mát, điều hòa bật 24/24, phòng nấu ăn sạch tinh, đồ đạc bóng lộn… cơ sở vật chất vào hàng đẹp, nhưng khi nhìn lên tường, thấy dòng chữ tiếng Anh cô viết cho con xem thì tôi cũng giật mình đặt câu hỏi, thực sự thì con tôi sẽ học được bao nhiêu tiếng Anh ở nơi mà một câu tiếng Anh viết cho con cũng không đúng về cấu trúc kia? Đấy là còn chưa kể đến chuyện cô giáo nói tiếng địa phương và thậm chí còn nói ngọng.
Có quy định thế nào là trường mầm non chất lượng cao, trường mầm non cao cấp hay mầm non song ngữ hay không là câu hỏi mà cả hai vợ chồng tôi đặt ra khi bước ra khỏi trường P.
Thực tế thì, hiện nay ở Việt Nam, không có một quy định nào về cách phân loại trường này cả! Hà Nội hiện chỉ có trường song ngữ từ cấp THCS trở lên. Ở cấp tiểu học mới chỉ có một vài lớp song ngữ tiếng Pháp chứ chưa hề có quy định nào về “trường mầm non song ngữ” như các trường vẫn tự xưng.
Công lập, tư thục hay chất lượng cao… chúng tôi lại trở lại với câu hỏi lúc đầu khi đi tìm trường cho con. Cuối cùng, việc con gửi, vẫn phải gửi và đành chấp nhận chọn một trường mà khi tiếp xúc, có cảm giác cô chủ trường là người tử tế, học sinh đang học ở đó, có vẻ vui tươi, cơ sở vật chất nhìn qua là tạm được và cuối cùng là mức học phí phù hợp với túi tiền.
Thôi thì, cứ gửi một niềm tin. Các cô dạy mầm non, chắc cũng phải yêu nghề, và nếu cả một xã hội, nhìn đâu cũng thấy băn khoăn, chắc là khó sống lắm. Thế thì chấp nhận, bởi vì, mình cũng chưa hoản hảo, đúng không?