Con không học mẫu giáo, vào lớp một vẫn ngon lành!

Hồng Hạnh,
Chia sẻ

Đến tuổi đi học, bé Pha Lê vẫn theo kịp các bạn và hoàn thành chương trình lớp 1 một cách xuất sắc. Chị Yến Linh đã khiến mọi người vô cùng tò mò về bí quyết dạy con, cũng như quyết định rất can đảm này của chị.

 Profile:

Mẹ: Huỳnh Thị Yến Linh

Con: Pha Lê - 7 tuổi, chuẩn bị lên lớp 2.


Trước khi vào lớp 1, hầu hết các bé đều phải trải qua giai đoạn mầm non. Thậm chí với nhiều trường Tiểu học, trong đơn xin vào trường phải kèm theo giấy chứng nhận “tốt nghiệp” mẫu giáo thì hồ sơ mới hợp lệ. Tuy nhiên, chị Yến Linh (TPHCM) vẫn quyết định không cho con gái Pha Lê theo học mẫu giáo. Đến tuổi đi học, Pha Lê vẫn theo kịp các bạn và hoàn thành chương trình lớp 1 một cách xuất sắc.

Chị Yến Linh đã khiến mọi người vô cùng tò mò về bí quyết dạy con, cũng như quyết định rất can đảm này của chị. Nhưng khi trò chuyện với Yến Linh, những lý do chị đưa ra có thể khiến bạn gật gù đồng tình.

Con không học mẫu giáo, vào lớp một vẫn ngon lành! 1
Bà mẹ can đảm và bé Pha Lê - nhân vật "không thèm" đi học mẫu giáo.

Chào Yến Linh, có vẻ như việc Pha Lê không học mẫu giáo là một điều “đi ngược” với quy trình học vấn của một đứa trẻ, bản thân Pha Lê thì điều này đã xảy ra như thế nào?

- Pha Lê không học mẫu giáo. Em hoàn toàn không biết đọc, biết viết, chỉ tô màu, vẽ tranh tuỳ thích. Thật ra em không biết mặt chữ, nhưng đánh vần được tất tần tật. Vốn khi chơi với con, mình hay bày trò chơi "đánh vần" mà không cần biết chữ đó tròn méo ra sao. Chẳng phải khi sinh ra đời đến tầm 1 năm tuổi, con người đã biết "nói" mà đâu cần phải biết "chữ" đó sao? Trong vấn đề dạy con và không cho con học mẫu giáo trước khi vào lớp 1, mình cũng vấp phải nhiều phản đối của hai bên nội ngoại. Chẳng ai đồng tình khích lệ. Cả ba của tụi nhỏ cũng nhiều nghi hoặc. Mọi người lặng lẽ xem hai mẹ con sẽ làm được trò trống gì, nhưng Pha Lê đã không làm mẹ thất vọng.

Con không học mẫu giáo, vào lớp một vẫn ngon lành! 2
5 anh em bé Pha Lê.

Nhưng khi quyết định không cho con đi học mẫu giáo, chắc là Linh cũng có lý do của mình?

- Lý do chỉ là lúc đó, nhà mình có một bà vú rất cưng Pha Lê, nên mình nghĩ không lẽ nào giữ một đứa kém hơn giữ cả mấy chục bé một lớp? Thật ra, chẳng đặng đừng vì điều kiện công việc phải cho đi mẫu giáo, chứ việc giữ trẻ ở nhà trẻ, mẫu giáo hiện nay ở nước mình không đáng để cho con "dấn thân" sớm thế!

Con không học mẫu giáo, vào lớp một vẫn ngon lành! 3

Vì sao hả Linh?

- Mình nghĩ ở trường mầm non, các bé cũng chẳng được cung cấp kiến thức hay kĩ năng gì hay hơn ở nhà. Đến lớp, ăn, ngủ, hát vài bài, chiều về trả cho ba mẹ. Hết. Bé gái nhỏ của mình chưa đi học, mới 20 tháng biết kêu “ba mở hây búc”, biết đếm số thành thạo từ một đến mười mấy, cả Việt cả Anh… Những chuyện tương tự này bạn sẽ nghe rất nhiều ở bất cứ ông bố bà mẹ nào khoe con như mình thôi. Vậy mà cứ cương quyết cho nó "học" nhiều thật nhiều trước có phải quá "coi thường" trí óc của con cái chúng ta không?

Con không học mẫu giáo, vào lớp một vẫn ngon lành! 4
Bé Pha Lê và kết quả học tập.

Vâng, may mắn sao Pha Lê là một em bé rất ý thức việc tự học và không làm mẹ thất vọng. Nhưng giả sử thôi nhé, nếu Pha Lê không theo kịp bạn và trở nên tự ti, mặc cảm vì điều đó thì Linh có phương án nào không?

- Mình nghĩ việc tự giác của Pha Lê là do được rèn từ bé trong nếp nhà (bị sai vặt từ bé) chứ không có chuyện tự nhiên tự giác. Còn sức tiếp thu của con cha mẹ sẽ nhận ra sớm. Mà không phải thấy bé tiếp thu sớm rồi ép bé học “trước” bạn cùng trang lứa. Phải phân biệt "trước" và "hơn", chứ chương trình lớp 1 chỉ yêu cầu biết đọc, biết viết nên cũng chẳng cần phải “dục tốc”làm gì. 5 tuổi đã biết đọc biết viết lưu loát rồi thì khi vào lớp 1 liệu bé có còn háo hức được học những điều đã quá cũ với nó nữa không?

Con không học mẫu giáo, vào lớp một vẫn ngon lành! 5

Vậy Linh đã chuẩn bị cho Pha Lê như thế nào khi bé vào lớp 1?

- Nhờ có anh chị đã đi học trên vài lớp, nên Pha Lê rất háo hức đi học. Mình dắt các con đi sắm sửa cặp sách, quần áo, giày dép chuẩn bị năm học. Quan điểm của mình là tôn trọng sở thích cá nhân nên cho con tự lựa chọn cặp, giày, dụng cụ học tập màu sắc tuỳ ý theo sở thích. Các con tự bọc sách vở, soạn cặp sẵn, v.v. Tuy không chỉn chu, bao vở không sát góc, dán nhãn hơi xộc xệch, nhưng các con rất hãnh diện và cảm thấy có trách nhiệm, không ỷ lại mẹ.

Thế còn tâm lý của con, chắc là Linh phải làm công tác tư tưởng trước cho Pha Lê chứ?

- Pha Lê nôn nao đến ngày đi học lắm, cứ đeo cặp sách đi tới đi lui. Tâm lý con hoàn toàn thoải mái, vì "đi học" đồng nghĩa "đã lớn", có quá chừng quyền lợi hấp dẫn kèm theo. Ví dụ như có được một chỗ trong khu vực cấm: khu vực học tập của anh chị xưa nay. Chiều mẹ rảnh sẽ cho mấy anh chị em đổi chỗ học: vô quán cafe, trà sữa vừa chơi vừa học vừa ăn uống. Rồi mỗi lần đi nhà sách được lựa 1 món tuỳ ý. Điều đó chỉ có ở các anh chị ĐÃ ĐI HỌC thôi, chứ con nít đi chỗ khác chơi nha. Các con thấy chăm học có lợi quá mà, nên chuyện đi học với chúng là một “chương trình ưu đãi” dài hạn.

Con không học mẫu giáo, vào lớp một vẫn ngon lành! 6

Và mọi chuyện đã diễn ra như thế nào vào năm lớp 1 của Pha Lê?

- Pha Lê đi học khoảng 2 tuần đầu cũng khá bỡ ngỡ, nhưng mình cũng không can thiệp sâu vào những rắc rối đó. Chắc vì bé có anh chị em đông, nên chuyện hoà nhập với bạn bè cũng khá nhanh. Bé tự rút kinh nghiệm và điều chỉnh hành vi trong ứng xử với thầy cô, bạn bè. Còn về chương trình học, có lẽ do không được học chữ trước nên Pha Lê học rất tập trung, em chỉ kém bạn phần "biết trước" thôi chứ với chương trình học, việc bắt kịp không khó khăn gì. Vì khá bận, nên mình không ôn bài, dò bài, kèm học gì cho Pha Lê. Em tự giác học tập, không hiểu hỏi anh, chị. Kết quả thi cuối năm là bao nhiêu môn thì có bấy nhiêu điểm 10.

Con không học mẫu giáo, vào lớp một vẫn ngon lành! 7

Chị sẽ làm gì nếu phương pháp của mình không được các con đồng lòng thực hiện?

- Khi các con chểnh mảng, mình rất nghiêm túc nói: không có ai trong nhà ủng hộ mẹ cho tụi con tự do học tập thoải mái thế này. Nếu kết quả của tụi con kém, nghĩa là cách dạy của mẹ đã sai. Mẹ sẽ bị chửi, mất quyền quyết định cách thức dạy dỗ tụi con. Tụi con phải trở lại kiểu học cũ như các bạn trong lớp, học từ sáng tới khuya, học thêm đủ thứ, cắt hết mọi thời gian đi chơi với mẹ như bây giờ. Mình lải nhải bài ca này hoài chứ có dạy dỗ bài vở gì cho con đâu, vì khi mẹ lải nhải xong là anh chị em tụi nó cùng chỉ bảo nhau học, làm bài tập xong ngon lành cả rồi.

Cám ơn Linh, người mẹ can đảm!

Chính bé Pha Lê cũng xác nhận: "Con thấy chương trình lớp 1 dễ ẹc, con không sợ học thua các bạn. Ngày đầu bước vào lớp con cảm thấy "không gì hết", con đã được chị Su kể cho nghe rằng lớp 1 sẽ học những gì, nên con thấy đi học thiệt là dễ dàng". Có vẻ như khi phụ huynh càng không đặt nặng vấn đề "hơn thua", thì tâm lý bé càng thoải mái và tích cực. Đây chính là "món" không thể thiếu trong hành trang bước vào lớp 1 của con.
Chia sẻ