Chiêu dạy con 2 tuổi nói tiếng Anh vanh vách của bà mẹ siêu bận rộn
Bí quyết của bà mẹ có con 26 tháng tuổi đã giao tiếp được bằng tiếng Anh này chính là "chớp thời cơ – đánh du kích".
Mong muốn con giỏi tiếng Anh từ sớm, nhưng không phải phụ huynh nào cũng có đủ thời gian để dạy con. Chị Bích Trang (27 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội), mẹ bé Pony – 26 tháng tuổi với khả năng nói và hát tiếng Anh đầy tự tin đã tiết lộ một bí quyết dạy tiếng Anh cực hiệu quả cho những bố mẹ khan hiếm thời gian.
Được biết, công việc của chị Bích Trang và chồng khá bận rộn, chị không có quá nhiều thời gian để đầu tư vào việc dạy và học tiếng Anh cùng con. Tuy nhiên, chia sẻ với người mẹ trẻ này, chị cho biết các bố mẹ hoàn toàn có thể dạy con tiếng Anh từ sớm, kể cả những bố mẹ bận rộn nhất.
Mẹ Pony đã tự tìm ra phương pháp dạy con tiếng Anh hiệu quả và phù hợp với quỹ thời gian eo hẹp của mình.
Chị tự dạy tiếng Anh cho Pony từ khi nào và áp dụng những phương pháp gì?
Nhận thức được vai trò quan trọng của ngôn ngữ nên mình đã chú trọng phát triển ngôn ngữ cho Pony từ rất sớm (từ trong bụng mẹ). Với mình, Tiếng Anh hay Tiếng Việt đều là phương tiện để giao tiếp xã hội nên mình luôn tạo điều kiện cho con được bao quanh bởi ngôn ngữ, được “tắm ngôn ngữ” thường xuyên và liên tục.
Hơn 18 tháng, con đã có thể nói được nhiều câu ngắn như "Bà ơi bố đi làm rồi", "Ông nội ở trên gác", "Mẹ ơi con muốn uống sữa nữa".
Nhạy và vận động theo các bài hát tiếng Anh cũng là một cách học mà chơi - chơi mà học.
Con thích âm thanh? Mẹ sẽ cho nghe thật nhiều các bài hát tiếng Anh, để không gian bao quanh con là các giai điệu vui tươi, đơn giản nhưng luôn đảm bảo chất lượng phát âm phải thật chuẩn.
Con thích những hình ảnh sinh động, hấp dẫn? Mẹ và bố sẽ thay phiên đọc sách với con, những cuốn sách ảnh sẽ là trợ thủ đắc lực cho các bố mẹ trong việc dạy và chơi cùng con. Con thích chơi mà học thông qua vận động? Bố mẹ sẽ cùng con khiêu vũ, cùng bắt chước hành động của các con vật, cùng minh họa thật sinh động cho mỗi từ vựng mới.
Con thích khám phá bằng IPAD, mẹ cài vào máy toàn bộ các phần mềm học Tiếng Anh thú vị, các kênh Youtube dạy Tiếng anh phổ biến như Super Simple Songs, Little Baby Bum, Baby First TV, Baby Einstein… nhưng giới hạn cho con tiếp xúc tầm 10-15phút mỗi lần để tránh những tác hại không tốt khi quá lạm dụng thiết bị công nghệ.
Mỗi ngày chị lên thời gian biểu dạy Tiếng Anh cho Pony như thế nào?
Pony được đi học từ sớm (14 tháng) nên mình nghĩ đó cũng là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển khả năng ngôn ngữ của con. Ngoài 8 tiếng con học ở trường mầm non, mỗi ngày 2 mẹ con chỉ dành khoảng 2 tiếng tương tác cùng nhau ở nhà thôi nhưng trộm vía khả năng tiếp thu và lượng kiến thức mới con học được rất ổn.
Trong 2 tiếng “dành cho nhau” ấy, mình cho Pony học thẻ Flashcard, chơi các trò busy bags (đồ chơi giáo dục hoặc học liệu mẹ chuẩn bị sẵn và chia vào các túi zip nhỏ giúp con “bận rộn” chơi, khám phá và học hỏi kỹ năng), học 10 phút với phần mềm Tiếng Anh có phí, nhảy và vận động theo các bài nhạc thiếu nhi trên youtube….
Pony rất hào hứng trước các bài học và cũng là trò chơi cùng mẹ.
Cuối tuần khi có nhiều thời gian rảnh rỗi, cả nhà thường cùng nhau tham gia các sự kiện, các hoạt động cộng đồng do các tổ chức uy tín tổ chức như đến các buổi đọc sách, diễn kịch, vẽ tranh có người nước ngoài chủ trì…hoặc cả nhà cùng tham quan Bảo tàng, sở thú, rạp xiếc, trang trại… thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế như vậy, Pony đều học tập và phát triển rất tốt kỹ năng nghe, nói Tiếng Anh cũng như các kỹ năng cuộc sống khác.
Từ kinh nghiệm bản thân, chị có thể chia sẻ cho các bố mẹ biết điều gì là quan trọng nhất khi muốn dạy con tiếng Anh từ sớm?
Việc dạy con Tiếng Anh không nên là một giáo trình cứng nhắc, bố mẹ càng không nên tự tạo áp lực cho mình và cho bé khi mỗi ngày phải hoàn thành khối lượng kiến thức nhất định. Mình nhận ra một điều là dạy con học lúc đi chơi, đi siêu thị, đi công viên, trên đường đến trường… luôn luôn mang lại hiệu quả cao không kém gì lúc hai mẹ con ngồi học ở nhà bởi việc dạy bé học ở nhiều địa điểm khác nhau không chỉ tạo cho bé sự hứng thú, mà còn giúp bé nhớ nhanh, nhớ lâu hơn, không bị nhàm chán với những điều quen thuộc.
Tranh thủ thời gian đưa đón Pony đi học, mình sẽ liên tục gợi chuyện để nói hoặc đặt câu hỏi về những điều thú vị hai mẹ con bắt gặp trên đường phố. Tranh thủ giờ đi tắm, 2 mẹ con sẽ cùng học về bảng chữ cái, số thứ tự, danh từ… Lúc mẹ bận rộn với việc nhà, con sẽ được phép dùng IPAD nhưng tuyệt đối không quá 20 phút để xem các chương trình thiếu nhi tiếng Anh trên hoặc chơi các game tương tác trí tuệ (tựa như busy bags nhưng trên IPAD) trong ứng dụng Tiny Hands.
Bí quyết của mình để con hợp tác, học hăng say và tập trung đó là tăng quyền quyết định của con khi chọn lựa một hoạt động khám phá. Mình thường cố tình sắp xếp trước những nội dung mình muốn con học lên một kệ nhỏ cạnh bàn học, con được thoải mái chọn các trò chơi trên kệ mà chọn trò nào cũng đều nằm trong “dụng ý” của mẹ rồi.
\
Ngoài giao tiếp với mẹ, Pony cũng thường xuyên nói chuyện với bố bằng tiếng Anh.
Dù bố mẹ có khả năng tương tác trực tiếp với con bằng Tiếng Anh là một lợi thế nhưng có rất nhiều công cụ hỗ trợ bố mẹ để dạy con bài bản, đúng chuẩn và hiệu quả hơn. Đó là đĩa CD Tiếng Anh, các bài hát và giai điệu Tiếng Anh trên Youtube, phần mềm học Tiếng Anh trả phí như Little Reader, Monkey Junior, ứng dụng học tiếng Anh trên smartphone như Starfall, KidzPhonics, Tiny Hands…
Các bố mẹ không biết ngoại ngữ thậm chí với những bố mẹ biết một chút nhưng phát âm không được chuẩn thì mình cũng khuyên rằng nên tránh dạy con cách đọc từ vì điều đó dễ làm hỏng phát âm tiếng Anh của con bạn.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể cho con tham gia một CLB, một lớp tiếng Anh với giáo viên có phát âm tốt (hoặc là người bản xứ hoặc là người Việt nhưng được đào tạo bài bản). Con bạn sẽ có một hình mẫu cụ thể để bắt chước và con sẽ được tạo một môi trưởng chuyên nghiệp để luyện tập và thực hành giao tiếp.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc!