Chết khiếp với những kiểu dọa con không giống ai của bố mẹ

Linh Duy,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Người lớn thường dọa con với mục đích buộc các bé phải vâng lời cha mẹ. Tuy nhiên, có những kiểu dọa “quá đà” gây ảnh hưởng đến tinh thần yếu đuối, thơ ngây, non nớt của bé.

Muôn kiểu dọa con sợ phát khiếp

Thấy Bin - con trai 5 tuổi rồi nhưng lúc nào cũng nhát gan, lầm lỳ, sợ giao tiếp, hay ngại ngùng, xấu hổ, anh Hòa (Phương Mai, Hà Nội) nghĩ ra cách khiến con bạo dạn hơn đó là “lấy độc trị độc”.

Khi thì anh sai con lên tầng trên lấy hộ thứ này thứ kia, khi thì anh nhờ con chạy xuống đường mua hộ bao thuốc lúc trời tối. Nhưng khi nào con vùng vằng ra điều đòi bố mẹ đi cùng là anh quát tháo ép Bin phải làm bằng được. 

Có lần anh nhốt con trong phòng tối một mình rồi khóa trái cửa lại mặc con kêu la gào khóc thế nào. Ông bà xót cháu nhưng chẳng làm được gì vì “bố nó đã quyết thế”.

Anh chia sẻ: “Mình sao có thể che chở mãi cho con được, nó lớn rồi, phải tự lập dần đi là vừa”.

Chưa hết, khi nào ngoài rạp có phim ma quỷ hay người ngoài hành tinh, anh lại đưa con đi xem, những bộ phim không cho trẻ dưới 16 tuổi vào xem thì thôi hai bố con lại tha nhau ra hàng đĩa chọn vài bộ phim kinh dị cho con xem.

Lúc thì cảnh bí ẩn trong loạt phim UFO, lúc thì là phim ma quỷ hiện hồn, búp bê ma... không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn đôi khi cũng còn phải chết khiếp. 

Chết khiếp với những kiểu dọa con không giống ai của bố mẹ 1
(Ảnh minh họa)

Cảnh nào càng sợ, càng giật mình, con che mặt không dám xem, anh càng khoái, với anh “thế là dần có tác dụng rồi”.

Thế nhưng cái “dần có tác dụng” của anh đâu chẳng thấy, chỉ biết Bin ngày càng thu mình, dễ giật mình, nói mớ khi ngủ, tinh thần hoảng loạn, đưa đi khám anh chị mới hốt hoảng khi biết “nhờ” những chiêu dọa con chẳng giống ai của anh mà khiến Bin bị suy nhược thần kinh.

Thế là bây giờ bé chẳng dám đi đâu một mình kể cả toilet, dù ngủ chung với bố mẹ nhưng bé vẫn cương quyết phải bật đèn.

Cũng vì kiểu dọa con quá đà mà bé Dung (3 tuổi) cứ thấy mẹ là sợ. Chả là, bé có một tật là ăn chậm, miệng lúc nào cũng lúng búng cơm, mãi chẳng chịu nhai. Chị dùng các chiêu thức từ mắng mỏ, ngọt ngào, êm ái con không nghe thế nhưng khi thử tuyệt chiêu dọa quả nhiên có hiệu lực ghê gớm. 

Ban đầu chỉ là “Nếu con không ăn, chú taxi đầu ngõ sẽ không chở mẹ con mình đi chơi đâu”, rồi “Con mà hư thì ông Ba bị sẽ đến ngay để cắt lưỡi, xẻo thịt thành từng mảng đem rán ăn đấy”, “Con biết không, con phải nghe lời, nếu không con ma xó ở góc nhà kia kìa sẽ mang con đi bán đấy. Ăn đi, nó đang nhìn chằm chằm kia kia”, “Có ăn không thì bảo, không ăn mẹ mang con ra cho ông ba bị ăn thịt đấy”.

Chị biết chuyện dọa dẫm cũng không hẳn là hay nhưng “Nhìn nó ăn tun tút, nuốt lấy nuốt để thức ăn rồi lấm lét sợ, ôm chặt lấy mình mà tôi cũng thương. Dù chẳng muốn nhưng đúng là có dọa có hơn. Con ngoan hơn hẳn”.

Thế nhưng chị không nhận ra rằng chính mình đã làm tổn thương đến suy nghĩ ngây thơ non nớt của con. 

Hay như trường hợp bé Công phải đi điều trị tâm lý do bé hay khóc, hay sợ hãi, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

Trong quá trình điều trị cho bé, các bác sĩ phát hiện ra rằng thời gian trước, mỗi lần bé lười ăn, mẹ của bé thường vẽ loằng ngoằng vào lòng bàn tay con và dọa: “Đây là dấu ấn của con rồng hút máu trẻ con. Nếu con ăn chậm, mẹ sẽ không thể kỳ vết này cho con kịp và chắn chắn con rồng kia sẽ tìm đến để cắn con. Có mỗi cách là bây giờ Công ăn nhanh lên, kỳ đi thì rồng sẽ không biết con ở đâu mà tìm”.

Trước dó, nhìn con nuốt thức ăn ừng ực một cách nhanh nhẹn, chị Hoa (Nghi Tàm, Hà Nội) – mẹ của Công mừng lắm. Khi nào thấy con có vẻ nhờn chiêu thì chị lại chuyển câu dọa với mức độ “kinh hãi” hơn.

“Nhà mình ngay cạnh bãi tha ma, con mà hư, mẹ quăng ra đường là ma bắt đi mãi đấy”, chị dọa. 

Công xanh lét mặt, khóc như mưa, tay bám chặt lấy tay mẹ. Sau một thời gian ngắn, bé suy nhược và có triệu chứng hay giật mình, khóc thét trong đêm. 

Nhiều lần cả nhà đang say giấc, chị giật mình vì tiếng thét của con, sờ tới thì con ướt đẫm mồ hôi rồi hổn hển bám chặt lấy tay mẹ: “Mẹ đừng vứt con ra bãi tha ma, con sợ lắm…”.

Đến khi con nhập viện, chị mới thấy những hành động dọa dẫm của mình thật sai lầm.

Sai lầm khi dọa con

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, có rất nhiều cách giúp con nghe lời: phân tích cho con hiểu, tâm sự để tìm hiểu suy nghĩ của con, nghiêm khắc bảo ban, cho con được chịu trách nhiệm với hành động của mình… nhưng cũng có không ít bậc phụ huynh lại bắt con vâng lời bằng những câu dọa nạt. Cha mẹ dọa dẫm con vì không thể tạo ra cách làm nào hơn để khiến con nghe lời.

Cũng như đánh mắng, nếu cha mẹ thường xuyên dọa nạt con thì càng làm con nhát hơn, lỳ hơn và đương nhiên bé sẽ không nghe lời cha mẹ. 

Tóm lại, cha mẹ không nên dọa con. Những khi con sai, làm không đúng thì cha mẹ nên để con chịu trách nhiệm với hành động của mình. 

Nếu con nhát, sợ bóng tối, cha mẹ hãy dành thời gian nói chuyện với con mỗi ngày để tìm ra nguyên nhân tại sao con lại sợ. Cha mẹ có thể lồng ghép những câu chuyện với nội dung tương tự để bé biết rằng “mình cần phải dũng cảm hơn, không có điều gì là sợ”.

Nếu cha mẹ hàng ngày lại “đầu độc” con bằng những câu dọa dẫm đáng sợ thì vô tình cha mẹ đang khiến con càng bị ám ảnh bởi những điều đó. 
Sự sợ hãi diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến bé bị tổn thương tinh thần, lo lắng với thế giới xung quanh mình. Bé trở nên nghi ngờ, không có niềm tin vào cuộc sống. 



Với mong muốn con “ăn nhiều, chóng lớn”, cao to, mạnh khỏe, nhiều bậc cha mẹ đã nghĩ ra đủ chiêu, trò “dụ” con ăn, thậm chí dọa nạt, đánh cho trẻ khóc để... dễ đút thức ăn.
Chết khiếp với những kiểu dọa con không giống ai của bố mẹ 2
Chia sẻ